(vasep.com.vn) Quý I/2013, Mỹ NK trên 565 nghìn tấn thủy sản, trị giá 3,73 tỷ USD, giảm 1% về khối lượng và 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Việt Nam đứng thứ 5 trong số 134 nước cung cấp thủy sản cho thị trường này, chiếm 5,7% thị phần.

 Chỉ có cá hồi và cá ngừ vẫn được ưa chuộng và có cơ hội tăng NK vào Mỹ, còn lại nước này giảm NK hầu hết các mặt hàng thủy sản chính như tôm, mực, bạch tuộc, cá biển và cá tra.

Sau cá ngừ, cá hồi, thì cá rôphi được ưa chuộng nhất trong các loài cá khác (chiếm 4,3% giá trị NK), tiếp đến là cá tra (chiếm 1,6%). Nhưng NK 2 sản phẩm này đều giảm (lần lượt 14% và 27% về giá trị; 10% và 12% về khối lượng) trong quý I năm nay, trong khi NK cá thịt trắng khác như cá tuyết lại tăng 35% khối lượng và 16% về giá trị. Cá tuyết chiếm gần 2%, và đã soán ngôi vị của cá tra tại thị trường Mỹ trong quý I năm nay.

NK từ hầu hết các nguồn cung cấp chính đều giảm đáng kể, trừ Chile và Ấn Độ vẫn tăng trưởng khả quan.

Trong khi các nước đều bị giảm XK tôm sang Mỹ thì Ấn Độ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao (+69% khối lượng và 51% giá trị). Tôm là mặt hàng chiếm tỷ trọng XK lớn nhất trong các mặt hàng thủy sản XK sang Mỹ. Sự sụt giảm về sản lượng và giá trung bình tôm của các nước cạnh tranh là cơ hội cho Ấn Độ đẩy mạnh XK sang Mỹ trong năm nay.

Trung Quốc là nguồn cung cấp lớn nhất thủy sản cho Mỹ, bị giảm cả khối lượng và giá trị XK, tuy nhiên cũng giống Việt Nam và một số nước khác ở châu Á, giá trung bình XK sang Mỹ bị giảm nên tỷ lệ sụt giảm giá trị lớn hơn nhiều so với khối lượng. Phile cá của Trung Quốc là mặt hàng có giá trị lớn nhất, chủ yếu là cá rô phi xuất sang Mỹ bị giảm 9% về khối lượng và 13% về giá trị. Giá trung bình cá rôphi phile XK sang Mỹ đạt 4,1 USD/kg, giảm so với 4,3 USD/kg cùng kỳ năm ngoái. XK các loại cá biển của Trung Quốc cũng giảm 22-27% về giá trị. Tôm là mặt hàng giảm mạnh nhất trong các mặt hàng chính (- 12% khối lượng và -18% về giá trị). XK mực, bạch tuộc cũng giảm 10% về giá trị.

 

 

Báo cáo khác

Ms. Nguyễn Trang
Email: nguyentrang@vasep.com.vn
Tel: (+84-24) 37715055 - ext. 212
Fax: (+84 24) 37715084
Phone: (+84) 906 151 556