I. SẢN XUẤT THỦY SẢN NĂM 2011 Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 5.200 nghìn tấn (tăng 4,4% so kế hoạch năm và 1,4% so cùng kỳ), trong đó sản lượng khai thác đạt 2.200 nghìn tấn (đạt kết hoạch và bằng 90,9% so cùng kỳ), sản lượng nuôi trồng đạt 3.000 nghìn tấn (tăng 7,8% so kế hoạch năm và 10,8% so cùng kỳ), diện tích nuôi trồng đạt 1.093 nghìn ha (bằng 97,3% kế hoạch, tăng 2,5% so cùng kỳ).

1. Khai thác thủy sản.

- Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2011 ước đạt 2.200 ngàn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó khai thác biển đạt 2.100 ngàn tấn.
- Vụ cá Bắc 2010-2011, sản lượng khai thác đạt thấp do biến động về thời tiết, mùa vụ và giá nhiên liệu tăng cao, nên tàu thuyền nằm bờ nhiều.
- Sản lượng khai thác chủ yếu tập trung vào vụ cá Nam 2011, nhờ thời tiết và ngư truờng thuận lợi hơn, tại ngư trường vùng khơi các nghề khai thác như câu vàng, lưới kéo, lưới rê, chài chụp kết hợp ánh sáng khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá song, cá dưa, cá hố (đao), cá dưa và các loại mực; nhóm loài cá nổi lớn và trung bình xuất hiện dày hơn mọi năm, nên sản lượng khai thác hải sản tăng cao hơn năm 2010...
2.Nuôi trồng thuỷ sản:
- Ước tính sản lượng nuôi trồng thuỷ sản cả năm 2011 đạt 3.000 ngàn tấn, tăng 7,4% cùng kỳ năm 2010, trong đó tháng 12/2011 ước đạt 271 ngàn tấn. Trong đó cá Tra ước đạt sản lượng 1.200.000 tấn (diện tích: 5.571,6 ha); Tôm nuôi nước lợ ước đạt 402.000 tấn (diện tích: 658.000 ha); Tôm càng xanh đạt 13.000 tấn (diện tích: 8.500ha); nhuyễn thể đạt 180.000 tấn (diện tích: 30.000 ha); cá nước ngọt ước đạt trên 800.000 tấn (diện tích: 380.000 ha).
- Giá nguyên liệu cá tra: Trong năm 2011, sự biến động của thị trường đã tác động trực tiếp đến ngành sản xuất và nuôi cá tra các tỉnh ĐBSCL. Từ tháng 2, giá cá tra dao động từ 18 – 23.000 đ/kg. Sau đó, giá cá tra tăng dần đến mức 29.000 đ/kg vào đầu tháng 5. Từ giữa tháng 6, giá cá nguyên liệu lại giảm dần về mức 21 – 24.000 đ/kg, trong đó có hiện tượng trữ cá trong dân dẫn đến tình trạng thừa cá size lớn, thiếu cá nguyên liệu size nhỏ theo nhu cầu thị trường. Từ cuối tháng 10 giá cá nguyên liệu tăng lên đến 28 – 29.500 đ/kg. Sau gần một tháng duy trì ở mức cao, giá cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu lại giảm bình quân 3.000 - 4.000 đồng/kg, xuống còn khoảng 25.000 - 26.000 đồng/kg. Nguyên nhân: do nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu NK của các thị trường có dấu hiệu giảm sút.
- Giá tôm sú nguyên liệu: Từ tháng 3/2011, bắt đầu tăng mạnh và ổn định ở mức 200.000 đồng/kg đối với cỡ 30 – 35 con/kg tại Cà Mau và Sóc Trăng. Nguồn cung tôm sú không ổn định do dịch bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng ở khu vực sản xuất tôm chính là Cà Mau và Sóc Trăng.
- Giá tôm chân trắng nguyên liệu: Năm 2011, tôm chân trắng có sự biến động tích cực rõ rệt, do nhu cầu của thị trường thế giới tập trung vào loài tôm này vì cỡ nhỏ, giá rẻ, trong khi loài tôm này có khả năng kháng bệnh cao, nguồn cung ổn định hơn tôm sú. Nhiều DN chế biến XK đã chuyển hướng từ tôm sú sang tôm chân trắng hoặc kết hợp cả 2 loài này để chủ động nguồn cung, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa thị trường. Động thái này khiến giá tôm chân trắng tăng mạnh trong năm 2011 và liên tục biến động. Đến tháng 12, giá tôm chân trắng cỡ 100 con/kg tại Phú Yên lên tới 105.9000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng (30%) so với đầu năm. Tại Cà Mau, giá tôm cùng cỡ cũng lên tới mức 100.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng (25%) so với đầu năm.
II. NHẬP KHẨU THỦY SẢN NGUYÊN LIỆU
Do những bất cập của ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản trong nước, cùng với sự gia tăng nhu cầu của thị trường, nguồn nguyên liệu trong nước không thể đáp ứng đủ cho chế biến, XK nên 6 năm gần đây, các DN thủy sản Việt Nam đã tăng cường NK nguồn nguyên liệu từ các nước để gia công và sản xuất XK.
10 tháng đầu năm 2011, ước tính NK thủy sản đông lạnh nguyên liệu (mã HS 03) vào Việt Nam đạt gần 670 triệu USD, trong đó phần lớn (khoảng 83%) nhập để gia công & SXXK.
Năm 2011, Việt Nam NK thủy sản từ gần 60 nước. Trung Quốc từ nguồn cung cấp lớn thứ 6 cho Việt Nam năm 2010 đã vượt lên đứng đầu về thủy sản XK sang Việt Nam với trên 114 triệu USD trong 9 tháng, tăng gấp gần 9 lần so với cả năm 2010...
III. XUẤT KHẨU
1. XK thủy sản năm 2011
 - Năm 2011, XK thủy sản của Việt Nam đạt 6,118 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2010.
 - Năm 2011, có trên 900 DN tham gia XK thủy sản đi 153 thị trường. Thiếu nguyên liệu và khó khăn về tín dụng nên các DN tập trung vào các thị trường trọng điểm và có phương thức thanh toán nhanh. XK sang hầu hết các thị trường chính đều tăng trưởng khả quan (12 – 50%), trừ Tây Ban Nha bị sụt giảm không đáng kể (-2,7%) do các nhà NK nước này thường thanh toán chậm. 
2. Cơ cấu sản phẩm XK   
Xét theo tỷ lệ tăng trưởng, XK thủy sản năm nay không tăng mạnh như năm 2010, chủ yếu do khó khăn về nguyên liệu và thị trường, thể hiện rõ nét ở nhóm các mặt hàng chính là tôm, cá tra.
Tôm vẫn đứng đầu trong các sản phẩm chính với gần 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên trong cơ cấu sản phẩm, tôm bị giảm tỷ trọng từ 41,9% xuống 39,8%.
Tỷ trọng XK cá tra tăng từ 28,4% lên 30,1%, giữ ngôi vị thứ 2 với 1,8 tỷ USD năm 2011.
Năm nay, cá ngừ Việt Nam được giá trên các thị trường NK, do nguồn cung của các nước hạn chế, nhu cầu tăng. XK cá ngừ tăng mạnh nhất trong các sản phẩm XK, tăng 29% so với năm 2010. Khó khăn về nguồn nguyên liệu cá ngừ đã được các DN bù đắp bằng nguồn NK từ các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan…
Nhuyễn thể (chủ yếu là mực, bạch tuộc) đứng vị trí thứ 3, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khả quan, tăng 23%, chiếm gần 10% giá trị XK. XK mực, bạch tuộc tăng 31% trong khi XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ (nghêu) giảm 11% do một phần diện tích lơn nghêu bị chết ở Bến Tre, ảnh hưởng đến sản lượng XK.
XK giáp xác khác (cua, ghẹ) năm nay cũng bị giảm 2,7% do nguồn cung hạn chế.
3. Thị trường NK
 Năm 2011, Việt Nam XK thủy sản sang 153 thị trường, giảm 11 thị trường so với năm 2010. Nguyên nhân: do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, một số thị trường nhỏ hạn chế NK, sự thắt chặt tín dụng trong nước cũng như tại các nước NK khiến các DN phải lựa chọn thị trường chặt chẽ hơn, tập trung hơn.
Một số thị trường truyền thống như Đức, Italia, Hà Lan , Mỹ, Nhật Bản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng NK khả quan vì đó là điểm đến của các DN lớn có khả năng chủ động vốn và nguồn cung.
Các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mêhicô cũng đạt tăng trưởng khá nhờ ưu thế về vị trí địa lý (chi phí vận chuyển, rủi ro trong vận chuyển ít hơn), các quy định NK ít khắt khe hơn.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 thị trường đơn lẻ đứng đầu với trên 43% tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam.
Đức, Italia và Hà Lan - 3 thị trường thuộc khối EU vẫn giữ được vị trí ổn định về NK thủy sản Việt Nam, đạt tăng trưởng 17 – 34%. Tuy nhiên, các thị trường này đều đang có dấu hiệu suy giảm dần NK do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế Châu Âu. Đặc biệt là Tây Ban Nha, nền kinh tế khó khăn khiến khả năng thanh toán của các nhà NK bị hạn chế, NK có xu hướng giảm rõ rệt, giảm 22% trong tháng 11 và giảm 2,7% trong 11 tháng.
1.1.Mỹ
Tính đến hết tháng 11/2011, XK thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 1,06 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2010. Ước tính cả năm 2011, XK thủy sản sang Mỹ sẽ đạt khoảng 1,15 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2010.
1.2.EU – 27
- Ước tính năm 2011, XK thủy sản của Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2010. Tính đến cuối tháng 11, XK thủy sản sang EU đạt 1,21 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Năm nay, EU vẫn giữ tỷ trọng lớn nhất trong các thị trường NK thủy sản Việt Nam, chiếm 22%, nhưng cuộc khủng hoảng nợ ở một số nước thuộc khối này khiến cho XK sang thị trường không ổn định như mọi năm, tốc độ tăng trưởng không cao như năm trước.
- Cá tra chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các mặt hàng thủy sản XK sang EU (40%), tiếp đến là tôm đông lạnh 31%, mực, bạch tuộc 9% và cá ngừ 6%, còn lại là các loại cá khác và thủy sản khác.
1.3.Nhật Bản
- Nhật Bản là thị trường đơn lẻ lớn thứ 2 của thủy sản Việt Nam với gần 897 triệu USD NK tính đến cuối tháng 11, tăng 10,5%. Ước tính đến hết năm 2011, XK thủy sản của Việt Nam sang Nhật sẽ đạt con số 1 tỷ USD. Mặc dù trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 năm nay ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động NK của Nhật, nhưng sự hồi phục nhanh của nước này đã giữ cho tốc độ tăng trưởng NK ổn định.
- Là thị trường trọng điểm và truyền thống của các mặt hàng tôm, mực, bạch tuộc và cá ngừ đông lạnh của Việt Nam. Người Nhật Bản ưa chuộng các sản phẩm tươi sống và dạng nguyên liệu phục vụ cho công thức chế biến của họ, nên NK chủ yếu từ Việt Nam hàng nguyên liệu đông lạnh như cá ngừ nguyên con, tôm và mực, bạch tuộc nguyên liệu, hoặc các loại cá biển làm surimi…
1.4.Hàn Quốc
- Là thị trường đơn lẻ đứng thứ 3 về giá trị NK thủy sản của Việt Nam. Đối với DN Việt Nam, đây là thị trường tiềm năng và ổn định vì nền kinh tế ổn định, các quy định không khắt khe, khoảng cách địa lý thuận lợi.
- Đến cuối tháng 11/2011, XK thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 429,3 triệu USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cả năm XK sẽ đạt 480 triệu USD.
- XK tôm và mực, bạch tuộc chiếm tỷ trọng đáng kể trong các sản phẩm thủy sản XK sang Hàn Quốc. Tôm chiếm 33%, mực, bạch tuộc chiếm 36%, còn lại là các loại thủy sản khác…
1.5.Trung Quốc
- XK thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc 11 tháng đầu năm đạt gần 207 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2010. Ước tính cả năm 2011, XK thủy sản sang nước này sẽ đạt 217 triệu USD.
- Trung Quốc là thị trường NK có mức tăng trưởng cao và ổn định, đứng thứ 4 trong top các thị trường NK thủy sản Việt Nam năm 2011.
Là nước XK thủy sản hàng đầu, Trung Quốc đồng thời gia tăng NK thủy sản để chế biến XK, hiện đang đứng thứ 5 thế giới về giá trị NK thủy sản. NK thủy sản vào Trung Quốc có mức tăng trưởng cao…
4. DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU THỦY SẢN
Năm 2011 có hơn 900 DN tham gia XK thủy sản, trong đó 100 DN hàng đầu chiếm khoảng 67% tổng giá trị XK, với trên 4,1 tỷ USD. MINH PHU SEAFOOD CORP, VINH HOAN CORP, HUNG VUONG CORP và QUOC VIET CO., LTD vẫn duy trì được vị trí 4 DN đứng đầu với doanh số tương ứng là 348,8 triệu USD, 150,8 triệu USD, 123,5 triệu USD và 102,5 triệu USD.
Trong top 10 DN thủy sản lớn nhất Việt Nam thì có tới 6 DN XK có thế mạnh XK tôm như: Minh Phu Seafood Corp, Quoc Viet Co.,Ltd, Stapimex, Fimex VN, Phuong Nam Co.,Ltd, CASES; còn lại là 4 DN XK cá tra: Vinh Hoan Corp; Hung Vuong Corp; Agifish và Anvifish Co.
Top 10 tiếp theo, chỉ có duy nhất YUEH CHYANG CO; NHATRANG SEAFOODS F17 là DN XK hải sản nằm trong danh sách này. Đây là hai DN XK cá ngừ và các mặt hàng hải sản giữ được "phong độ" bền bỉ nhất ngay từ đầu năm 2011. Điều này càng cho thấy, trong năm 2012, các DN hải sản càng cần cố gắng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và XK bởi nhưng họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.
IV. SẢN XUẤT VÀ XK CỦA CÁC TỈNH TRỌNG ĐIỂM
1. Sản xuất
2. Xuất khẩu
- Tỷ trọng XK thủy sản tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc ĐB SCL (chiếm gần 42%). Đây cũng là các tỉnh trọng điểm về sản xuất thủy sản: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…
- Các tỉnh nội vùng gồm Hà Nội, Bình Dương, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang chiếm 27%.
- Vùng Đông Nam Bộ gồm Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tp Hồ Chí Minh chiếm gần 20%. Còn lại là các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ (11,3%) và Bắc Trung Bộ (0,37%).
- Có 37 tỉnh có các DN XK thủy sản, trong đó Cà Mau là tỉnh có kim ngạch XK thủy sản cao nhất nước, tiếp đến là tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, Khành Hòa, Sóc Trăng, Tiền Gianh.
V. DỰ BÁO
Với mục tiêu đặt ra cho năm 2012, tổng sản lượng thủy sản đạt 5,35 triệu tấn, trong đó khai thác hải sản đạt 2,2 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 3,15 triệu tấn, cùng với chính sách hỗ trợ và các chương trình phát triển của nhà nước, phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản (tập trung vào 3 loài tôm, cá tra và nhuyễn thể) và tăng cường cho khâu bảo quản sau khai thác nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng thủy sản XK, cùng với kế hoạch tái cơ cấu sản xuất (đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng) và sự linh hoạt của DN xuất khẩu với sự ủng hộ của nhà nước, dự kiến XK thủy sản sẽ đạt từ 6,5 - 6,7 tỷ USD, tăng 20 – 25% so với năm 2011.
1. Xu hướng nguồn nguyên liệu:
Dự báo nguồn nguyên liệu thủy sản nuôi năm tới sẽ còn bất ổn, mặc dù dự kiến giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm, người nuôi sẽ mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề vốn, thời tiết, con giống vẫn đang là thách thức đối với ngành nuôi thủy sản. Nguồn nguyên liệu cá tra có thể sẽ ổn hơn, nhưng nguyên liệu tôm vẫn còn là bài toán khó khi mà dịch bệnh và con giống chưa có giải pháp tốt.
Nguồn nguyên liệu hải sản từ khai thác cũng chưa thể cải thiện được do những hạn chế của ngành và khó khăn về ngư trường.
Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cho chế biến XK cũng sẽ được bù đắp một phần nhờ hoạt động nhập khẩu từ các nước phục vụ cho gia công XK, thuế NK thủy sản hiện đã được giảm xuống còn 10%, tuy vẫn còn là mức cao nhưng cũng sẽ tạo cơ hội cho DN tăng cường NK nguyên liệu.
2. Xu hướng thị trường
- Năm 2012, dự báo nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khả quan, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu NK của thị trường này. Chắc chắn các DN Việt Nam sẽ thận trọng khi xem xét XK sang EU, đặc biệt với những thị trường đang khó khăn về tài chính.
- Thị trường Mỹ sẽ vẫn ổn định vì nhu cầu thủy sản của nước này luôn ở mức cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ cũng không có chiều hướng tích cực, thì các mặt hàng thủy sản có giá hấp dẫn như cá tra Việt Nam vẫn có cơ hội tốt tại thị trường này.
- Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số thị trường Châu Á khác sẽ là điểm đến an toàn hơn cho các nhà kinh doanh thủy sản trong năm tới nhờ sự ổn định về kinh tế, tài chính, nhu cầu đang gia tăng và các điều kiện XK và thanh toán cũng thuận lợi hơn.
 3. Xu hướng XK các mặt hàng chính
- Năm 2012, theo định hướng của các cơ quan quản lý và sự linh hoạt của DN thủy sản, sản lượng thủy sản XK sẽ có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng hàng GTGT, giảm xuất hàng nguyên liệu để tăng giá trị XK trong bối cảnh nguồn nguyên liệu khan hiếm.
- Cá tra sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến sẽ đạt mức 1,8 - 2 tỷ USD vì nhu cầu đối với sản phẩm có giá hợp lý chất lượng tốt vẫn cao, chi phí sản xuất có thể sẽ giảm vì dự báo giá thức ăn cá giảm, sản xuất con giống sẽ được cải thiện...
- Sản xuất tôm XK có chiều hướng tăng mạnh đối với tôm chân trắng và duy trì ổn định mặt hàng tôm sú. Dự báo XK tôm sẽ đạt 2,5 tỷ USD.
- Dự kiến sẽ XK hải sản dự báo sẽ đạt khoảng 2 tỷ với nguồn nguyên liệu từ khai thác và NK.

Báo cáo khác

Ms. Nguyễn Trang
Email: nguyentrang@vasep.com.vn
Tel: (+84-24) 37715055 - ext. 212
Fax: (+84 24) 37715084
Phone: (+84) 906 151 556