(vasep.com.vn) Quý I/2012, XK tôm của Việt Nam đạt trên 436 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. So với Quý I/2011, mức tăng trưởng này còn khá khiêm tốn. Dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tăng, giá tôm trên thị trường thế giới giảm, nhu cầu NK từ Nhật Bản, Mỹ và EU không ổn định và nhiều chính sách bất hợp lý đã cản trở tốc độ tăng trưởng trong XK tôm Việt Nam trong quý I/2012. Nhờ có sự chuyển dịch trong xu hướng XK sang các thị trường Châu Á, XK tôm trong 3 tháng qua vẫn có thể giữ được mức tăng trưởng dương nhưng không cao.
1. Dịch bệnh trên tôm nuôi gia tăng
- Trong Quý I/2012, dịch bệnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trở thành mối quan ngại lớn nhất trong sản xuất tôm, đặc biệt là tôm sú ở Việt Nam.
- Tính đến hết tháng 3/2012, tổng diện tích thiệt hại tại 7 tỉnh (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Long An) khoảng 11.996,7ha, chiếm 2,37% tổng diện tích thả nuôi (diện tích thả nuôi 506.933,2ha). Trong đó, diện tích tôm sú bị thiệt hại là 11.384,7ha (chiếm 2,26% diện tích thả nuôi 503.820,9 ha), tôm chân trắng là 612ha (chiếm 19,66% diện tích thả nuôi 3.112,3ha).
Bất cập trong quản lý tôm giống
- Một trong những tác nhân chính gây tình trạng tôm chết hàng loạt và chết ngay khi mới thả nuôi là chất lượng tôm giống kém. Hiện nay, quản lý nhà nước về con giống còn nhiều bất cập. Ngay từ khâu nhập khẩu tôm bố mẹ về đã không được kiểm soát một cách có hệ thống. Số tôm bố mẹ thực tế nhập về so với đăng ký, số tôm bố mẹ còn sống sau khi đã nhập về và số lần cho đẻ của tôm bố mẹ ….đều chưa được theo dõi và có báo cáo cụ thể. Hoạt động của các trại sản xuất tôm giống bị bỏ ngỏ. Trại có đăng ký được phép sản xuất và trại không đăng ký cũng sản xuất tôm giống. Chất lượng tôm giống không có cơ sở để kiểm định. Tôm giống xấu, tốt trộn lẫn lộn. Giá tôm giống cũng không có cơ sở để xác định.
XK tôm sú liên tục giảm
- Năm 2011, trong hơn 97.000ha tôm bị thiệt hại, có tới trên 82.000ha, chủ yếu là tôm sú nuôi thâm canh bị chết đã ảnh hưởng lớn tới XK mặt hàng chủ lực này của Việt Nam. Giá trị XK tôm chân trắng năm 2011 của Việt Nam đạt 704 triệu USD, chiếm 30% tổng giá trị XK tôm, tăng 70% so với năm 2010. Trong khi đó, giá trị XK tôm sú lại giảm 0,6% xuống còn 1,43 tỷ USD, chiếm 59% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Quý I/2012, XK tôm sú tiếp tục giảm 4,7% còn 235 triệu USD.
- Đối với Việt Nam, với diện tích nuôi trên 600.000 ha, sản lượng tôm sú mỗi năm đạt trên 300.000 tấn tạo cho Việt Nam thế mạnh hơn so với nhiều nước XK tôm khác. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trên tôm sú nuôi thâm canh đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và giá trị XK mặt hàng này.
Việt Nam đứng đầu về NK tôm sú nguyên liệu từ Thái Lan
- Thống kê của Hải quan Thái Lan cho thấy, 2 tháng đầu năm 2011, Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt qua Nhật Bản trở thành nước NK tôm sú lớn nhất của nước này với khối lượng đạt 132,8 tấn, trị giá trên 1,4 triệu USD.
Tình hình dịch bệnh không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng buộc các doanh nghiệp chế biến tôm phải tính tới NK tôm nguyên liệu (hiện đang phải chịu thuế 10%) và phải đi qua nhiều “cửa ải” thủ tục hành chính, góp phần gia tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh và lợi nhuận của DN.
Năm 2011, NK tôm nguyên liệu vào Việt Nam đạt trên 130,8 triệu USD, tăng 161,6% so với 50 triệu USD năm 2010.
2. Giá tôm trên thị trường giới giảm
- Nếu năm 2011, giá tôm trên thị trường thế giới tăng mạnh ngay từ tháng đầu năm và liên tiếp xác lập những mốc cao kỷ lục vào những tháng giữa và cuối năm đi đôi với nhiều dự đoán cho rằng giá tôm sẽ tiếp tục giữ mức cao ở những tháng đầu năm 2012. Tuy nhiên, diễn biến giá tôm thực tế lại theo hướng ngược lại. Thống kê của Urner barry cho thấy, giá tôm chân trắng trên thị trường Mỹ đã giảm từ mức 4,40 USD/pao tuần đầu tháng 1/2011 xuống còn 4,15 USD/pao cùng thời điểm 2012 và đến ngày 22/3 giá loại tôm này giảm còn 3,92 USD/pao. Giá tôm sú trên thị trường này cũng đang có xu hướng giảm, từ 7,40 USD/pao cuối tháng 12/2011 xuống 7,22 USD/pao vào ngày 22/3.
- Trên thị trường Nhật Bản, giá tôm có xu hướng giảm mạnh hơn. Tôm sú HLSO (block 1,8kg) cỡ 16/20 của Inđônêxia giảm gần 9%, từ mức trung bình 26,4 USD/block trong tháng 12/2011 xuống còn 24,31 USD/block vào trung tuần tháng 3/2012. Giá tôm chân trắng cỡ 31/40 của Thái Lan trên thị trường Nhật Bản cũng đã giảm 10%, đứng ở mức 7,7 USD/kg.
- Giá tôm trên thị trường thế giới giảm đã tác động không nhỏ tới giá trị XK tôm của Việt Nam trong quý I/2012. Điều này được phản ánh rất rõ trong kết quả XK tôm quý I vừa qua khi mức tăng trưởng chỉ đạt 9% trong khi 3 tháng đầu năm 2011, mức tăng trưởng đạt tới trên 35%. Ngoài ra, giá tôm giảm tạo thêm áp lực cho các DN chế biến và XK tôm khi hiện nay họ đang phải đối mặt với chi phí đầu vào như xăng, dầu, điện, lương nhân công…đều tăng.
3. Tác động của các chính sách bất lợi
- Theo khảo sát, có 53,85% số DN có nhu cầu vay vốn đầu tư cho hoạt động phát triển với mức thấp nhất là 2 tỷ đồng và cao nhất là 300 tỷ đồng để bổ sung đầu tư cho vùng nuôi tôm chân trắng, trang bị máy móc, sửa chữa, bổ sung năng lực cấp đông, đồng bộ cán cân tự động và các thiết bị phụ trợ, vốn trung hạn cho hoạt động XK, xây nhà máy thức ăn, phát triển vùng nuôi, cải tạo và nâng cấp nhà xưởng, thiết bị. Tuy nhiên, với chính sách thắt chặt cho vay tín dụng như hiện nay thì hầu hết các DN thủy sản sản đều gặp rất nhiều khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh.
- Phí kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tăng trung bình từ 1,5 đến 2 lần so với trước đây đang tạo thêm gánh nặng lớn cho DN.
- Kể từ ngày 1/1/2012, Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực. Theo đó túi nilông chịu thuế 30.000 -50.000 đồng/kg. Để chế biến thủy sản XK, bao bì túi PE, PA các loại là một vật tư không thể thiếu, được sử dụng đa dạng và thông dụng để bao gói sản phẩm từ vài trăm gram, một kg đến cả 10kg cho một đơn vị sản phẩm. Nếu tính trong giá thành sản phẩm thủy sản XK, tương đương khoảng 0,1USD/0,1kg sản phẩm thủy sản, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong giá thành sản phẩm XK. Trong bối cảnh sản xuất như hiện nay, mọi chi phí đầu vào đều tăng thì thuế bao bì túi nilông đang trực tiếp gia tăng giá thành cho mặt hàng tôm XK, làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam so với tôm của các nước khác trên thị trường thế giới.
4. XK sang EU, Nhật Bản và Mỹ không ổn định
- Quý I/2012, XK tôm sang ba thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Mỹ và EU biến động mạnh.
Nhật Bản: Tháng 1/2012, XK tôm sang Nhật Bản giảm 12,2% so với tháng 1/2011 nhưng tăng mạnh trong tháng 2 & 3 với mức tăng tương ứng là 50,4% và 26,4%, nâng tổng XK tôm sang thị trường này 3 tháng đầu năm đạt 113 triệu USD, tăng 17,3% so với quý I/2011.
- Quý I/2012, XK tôm sang Nhật Bản biến động mạnh là do nhu cầu tiêu thụ tôm trong tháng hơn một tháng đầu năm trên thị trường này ở mức thấp. Tỷ giá đồng yên/USD ở mức không có lợi, khoảng 81,8 yên/USD cho các nhà NK Nhật Bản cũng góp phần không nhỏ trong việc hạn chế NK tôm vào thị trường này. Tuy nhiên, sang đến đầu tháng 3, tỷ giá yên/USD liên tục tăng mạnh và có thời điểm đạt tới 86,6 yên/USD đã khuyến khích các nhà NK mua hàng nhiều hơn. Ngoài ra, NK tôm vào Nhật Bản trong tháng 2,3 tăng lên để chuẩn bị hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong các lễ hội mùa xuân bắt đầu bằng lễ hội hoa anh đào nở vào cuối tháng 3, đầu tháng tư.
- Chất lượng tôm, cụ thể là tôm nhiễm kháng sinh cấm Enrofloxacin đã được kiểm soát tốt. Theo thông tin cảnh báo mới đây nhất của Nhật Bản, trong tháng 3 chỉ duy nhất có 1 lô tôm của Việt Nam bị phát hiện nhiễm Enrofloxacin.
Mỹ: XK tôm sang Mỹ giảm mạnh trong tháng 1, giảm 22,6% nhưng tăng cao trong tháng 2 và tháng 3 nên tổng XK tôm trong quý I/2012 cũng tăng trên 9%, đạt 90,2 triệu USD.
- XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong 3 tháng qua “vấp phải” một số trở ngại. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự cạnh tranh từ Mêhicô. 2 tháng đầu năm 2012, NK tôm Việt Nam mặc dù tăng 13,7%, đạt 4.925 tấn nhưng vị trí thứ 5 về cung cấp tôm cho Mỹ đã mất vào tay Mêhicô. NK tôm từ Mêhicô trong 2 tháng đầu năm nay tăng 90% từ 2.864 tấn năm 2010 lên 5.446 tấn.
Sau một thời gian “trục trặc” trong XK tôm sang Mỹ, mới đây, Mêhicô tuyên bố sẽ “đổ bộ” vào thị trường tôm Mỹ trong năm 2012. Nhờ thuận lợi trong sản xuất tôm, sản lượng tôm nuôi của nước này đã tăng mạnh.
- Ngoài ra, giá bán tôm của Việt Nam hiện cao hơn so với các nước Mỹ Latinh. Theo khảo sát của một công ty chuyên kinh doanh tôm, tôm HLSO Mỹ Latinh 31/35 hiện có giá 3,80 – 3,90 USD/pao. Trong khi giá tôm Châu Á cùng cỡ cao hơn khoảng 0,10 USD/pao. Tương tự, giá bán tôm cỡ 36/40 xuất xứ Châu Á cao hơn giá tôm Mỹ Latinh khoảng 0,20 USD/pao
EU: XK sang EU ngược lại giảm mạnh trong tháng 1 (giảm 46,3%) & 3 (25,2%) nên mặc dù XK sang thị trường này tăng 32,2% trong tháng 2 cũng không thể bù đắp lại giá trị giảm mạnh trong 2 tháng khiến XK tôm sang EU trong 3 tháng đầu năm nay giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 59,7 triệu USD.
- Khủng hoảng nợ công tại Châu Âu là nguyên nhân chính tác động tới XK tôm sang khu vực này trong 3 tháng đầu năm 2012. Nhu cầu NK tôm của EU giảm mạnh do tình hình kinh tế sau khủng hoảng nợ công của một số nước trong khu vực này vẫn chưa khôi phục.
- Sự cạnh tranh mạnh hơn từ các nước cung cấp tôm chân trắng như Êcuađo và Thái Lan cũng góp phần thu hẹp thị phần của tôm Việt Nam trên thị trường này. XK tôm Thái Lan sang EU có chiều hướng gia tăng trong khi XK sang Mỹ lại giảm sút. Nhiều nguồn tin cho biết năm nay, Thái Lan sẽ tập trung sản xuất tôm cỡ trung và cỡ nhỏ do nhu cầu thị trường lớn đối với tôm các cỡ này và giá cũng ổn định hơn so với giá tôm cỡ lớn.
5. XK sang Châu Á và Ôxtrâylia tăng mạnh
- Quý I/2012, trong khi XK tôm sang 3 thị trường lớn là Nhật Bản, Mỹ và EU biến động mạnh thì XK sang Châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Ôxtrâylia tăng mạnh. XK tôm sang hai thị trường này trong quý I vừa qua cho thấy sức tăng trưởng cao nhất trong nhóm 10 thị trường NK tôm hàng đầu của Việt Nam.
XK sang Ôxtrâylia tăng 100,7%
- Tháng 1/2012, trong khi XK tôm sang các thị trường trọng điểm là Nhật Bản, Mỹ và EU đồng loạt giảm mạnh từ 12,2% - 16,3%. XK sang các thị trường lớn khác như Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông), Canađa hay Đài Loan đều giảm. Tháng 1/2012, XK tôm sang Ôxtrâylia đạt 3,9 triệu USD, tăng 21,1% so với tháng 1/2011. XK trong tháng 2,3 đạt lần lượt đạt 9,8 triệu USD và 8,4 triệu USD với mức tăng tương ứng 173% và 114,6%. Tổng XK tôm sang thị trường này 3 tháng đầu năm đạt trên 20 triệu USD, tăng 100,7% so với cùng kỳ năm 2011, giúp Ôxtrâylia vượt qua Canađa trở thành thị trường NK tôm lớn thứ 6 của Việt Nam.
XK sang Hàn Quốc tăng 38,9%
- 3 tháng đầu năm 2012, XK tôm sang Hàn Quốc đạt 32,6 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2011. Ngay từ tháng 1/2012, XK tôm sang Hàn Quốc đã tăng 26,1%, sang tháng 2 tăng 106,8% và tăng 19,5% trong tháng 3. Tôm chân trắng đang và sẽ tiếp tục góp phần gia tăng giá trị XK tôm của Việt Nam sang Hàn Quốc.
- Khi tôm chân trắng chưa được chính thức cho phép nuôi tại Việt Nam, thì tôm sú là mặt hàng XK chính sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi tôm chân trắng được phép nuôi trên diện rộng ở Việt Nam với sản lượng tăng mạnh thì nó đã chiếm tỷ trọng không nhỏ trong XK tôm sang Hàn Quốc. Năm 2009, 1 năm sau khi tôm chân trắng chính thức được phép nuôi trên diện rộng, XK tôm chân trắng sang Hàn Quốc nhanh chóng chiếm tỷ trọng 45% tổng giá trị XK tôm sang thị trường này. Năm 2011, XK tôm chân trắng sang Hàn Quốc đạt 75,8 triệu USD, chiếm 48% tổng giá trị XK trong khi tôm sú vẫn giữ tỷ trọng XK ổn định ở mức 38-39%.
(Trích chương II - Báo cáo Xuất khẩu thủy sản Việt Nam quý I/2012)