(vasep.com.vn) Quý I/2012, XK thủy sản của Việt Nam đạt 1,324 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I năm nay, khó khăn về nguyên liệu tiếp tục chi phối XK thuỷ sản, bên cạnh đó, DN thuỷ sản còn phải đối phó với các loại chi phí ngày càng gia tăng, cùng với những khó khăn về thị trường NK. Có thể nhận định, tình hình sản xuất và XK thuỷ sản trong 3 tháng đầu năm nay có 9 điểm nổi bật sau:
1. Thiếu nguyên liệu trầm trọng
- Mặc dù số liệu thống kê cho thấy sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản của cả nước trong quý I năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ngành chế biến và XK thuỷ sản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng của năm trước.
Nguyên nhân:
(1) Sản lượng 2 loài thuỷ sản nuôi chính không ổn định: dịch bệnh trên tôm làm giảm sản lượng, nhất là với tôm sú; diện tích nuôi cá tra giảm do nông dân thiếu vốn đầu tư nuôi và do giá cá bất ổn.
(2) Sản lượng các loài có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, mực, bạch tuộc vẫn thấp, sản lượng tăng tập trung chủ yếu vào các loài cá có giá trị thấp, cá tạp…
(3) Người nuôi và ngư dân thiếu vốn để sản xuất, để đầu tư trở lại khi tôm hoặc cá tra bị dịch bệnh.
(4) Chính các DN khó thu mua nguyên liệu vì nông dân không bán chịu, trong khi vòng quay vốn chậm do thị trường tiêu thụ khó khăn về tài chính.
- Đây là yếu tố chính chi phối hoạt động XK của ngành thuỷ sản Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Mặc dù XK thuỷ sản vẫn tăng so với năm ngoái, nhưng không phải do sản lượng XK tăng mà do giá trung bình XK tăng. Thực tế là, chỉ có một số DN lớn duy trì được sản xuất ổn định, nhưng lợi nhuận cũng sụt giảm nghiêm trọng và có đến 30% số DN có nguy cơ phải ngừng sản xuất vì thiếu vốn và thiếu nguyên liệu để chế biến XK.
- Quý I/2012, tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng thủy sản của cả nước ước đạt 1.145 ngàn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng khai thác ước đạt 630 ngàn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011; sản lượng nuôi trồng ước đạt 585 ngàn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
2. Thiếu vốn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất
- Với mức lãi suất quá cao 19 – 20% trong 3 tháng đầu năm, cả nông, ngư dân và DN đều thực sự khó khăn để duy trì sản xuất và chế biến khi mà các chi phí đầu vào khác cũng đồng thời tăng mạnh (5 -10%).
- Vốn vay định mức thấp, cùng với việc siết chặt tín dụng của các ngân hàng đối với ngành thuỷ sản sau vụ vỡ nợ của một DN khiến cho nhiều DN không còn vốn để duy trì sản xuất.
- Tình trạng thiếu vốn xảy ra nghiêm trọng nhất đối với ngành cá tra. Theo khảo sát, có đến hơn 90% số DN mong muốn được tăng hạn mức vay vốn, mức thấp nhất là 10 tỷ đồng và cao nhất lên đến 1.400 tỷ đồng nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động cho chế biến cá tra XK, cho hoạt động sản xuất kinh doanh, XK, nuôi cá tra và mua nguyên nhiên liệu, vật liệu, thức ăn cho vùng nuôi.
- 53,85% số DN có nhu cầu vay vốn đầu tư cho hoạt động phát triển với mức thấp nhất là 2 tỷ đồng và cao nhất là 300 tỷ đồng để bổ sung đầu tư cho vùng nuôi tôm chân trắng, trang bị máy móc, sửa chữa, bổ sung năng lực cấp đông, đồng bộ cán cân tự động và các thiết bị phụ trợ, vốn trung hạn cho hoạt động XK, xây nhà máy thức ăn, phát triển vùng nuôi, cải tạo và nâng cấp nhà xưởng, thiết bị.
- Đối với ngư dân, vấn đề tiếp cận vốn cũng rất khó khăn vì họ cần vốn cho cả việc mua sắm tàu cá và thiết bị để bảo quản cá sau thu hoạch.
3. Các chính sách bất cập, làm tăng chi phí và giảm cạnh tranh cho thuỷ sản XK
- Ngoài những khó khăn về nguồn nguyên liệu và vốn, trong thời gian qua các DN XK thuỷ sản còn phải đối phó với áp lực tăng chi phí đầu vào cho sản xuất như giá nguyên liệu, giá nhân công, trang thiết bị…Và đáng lưu ý là, các DN đang phải chịu các chi phí không nhỏ do các chính sách và thủ tục bất cập của các cơ quan quản lý. Những chi phí này đang góp phần làm đội giá thành sản xuất của các DN, làm tăng đơn giá XK và làm giảm sức cạnh tranh của thuỷ sản XK trên thị trường thế giới.
4 vấn đề chính làm tăng chi phí và giảm cạnh tranh cho DN:
(1) Thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE để bao gói hàng XK
(2) 2% kinh phí công đoàn lấy từ quỹ lương
(3) Phí kiểm soát chất lượng thuỷ sản XK
(4) Phí kiểm dịch thú y tăng 300%
4. Số doanh nghiệp XK thuỷ sản giảm 30%
- Khó khăn về nguồn vốn và nguyên liệu cùng với sự gia tăngchi phí sản xuất khiến cho số DN tham gia XK thuỷ sản trong quý I năm nay chỉ còn khoảng 500 DN, giảm hơn 30% so với gần 800 DN của cùng kỳ năm ngoái.
- 100 DN lớn nhất chiếm 68% kim ngạch XK. 10 DN đứng đầu về doanh số XK chiếm 20,37% giá trị XK, tăng so với 18,5% của top 10 DN trong cùng kỳ năm ngoái.
- 5 DN đứng đầu về XK cá tra chiếm 9,62%, 5 DN đứng đầu về XK tôm chiếm 10,75%.
- MINH PHU SEAFOOD CORP (MPC) hiện đang đứng đầu về XK thủy sản với trên 75,6 triệu USD giá trị XK trong quý I, chiếm 5,72% tỷ trọng XK thủy sản của cả nước, trong đó XK tôm đạt trên 72 triệu USD với khối lượng 6.038 tấn, tăng lần lượt 29,3% và 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là thị trường lớn nhất của MPC với kim ngạch 24,45 triệu USD, thị trường Nhật Bản đứng thứ hai với 18,6 triệu USD, Hàn Quốc vươn lên thứ 3 với 10 triệu USD, tiếp theo là thị trường Canada với 7 triệu USD. Thị trường EU giảm tiêu thụ khiến kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 5,7 triệu USD. Năm 2012, MPC đặt kế hoạch kim ngạch xuất khẩu là 480 triệu USD.
- DN cá tra VINH HOAN CORP đứng vị trí thứ hai với trên 35,5 triệu USD, chiếm 2,68%, tiếp đến là DN cá tra HUNG VUONG CORP với 31,8 triệu USD, chiếm 2,4%.
5. Thị trường Châu Âu bị thu hẹp do khủng hoảng tài chính
- Là thị trường lớn nhất trong số 129 thị trường tiêu thụ thuỷ sản Việt Nam, nhưng trong quý I năm nay, XK sang EU đã sụt giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái do khủng hoảng nợ công ở khu vực này khiến tình hình kinh tế tài chính khó khăn, nhu cầu NK không ổn định và khả năng thanh toán chậm. Tỷ trọng của thị trường EU cũng bị giảm gần 5% từ 24,2% xuống còn 19,7%.
- Bản thân các DN XK cũng phải chủ động hạn chế XK vào thị trường này do khó khăn về nguồn tín dụng trong nước và nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, mất thị trường truyền thống này, nhiều DN không kịp xoay sở tìm kiếm bạn hàng ở các thị trường khác, sự thay đổi này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng XK thuỷ sản trong 3 tháng qua.
- XK 2 mặt hàng chủ lực sang EU là tôm và cá tra đều giảm mạnh (giảm 21,8% và 12,4%) . Tuy nhiên, XK cá ngừ, mực, bạch tuộc sang thị trường này vẫn tăng khả quan (cá ngừ tăng 29%, mực, bạch tuộc tăng trên 10,7%).
- 4 thị trường chính trong khối EU gồm Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan và Ba Lan đều giảm mức NK cá tra Việt Nam. Đức vốn được coi là thị trường NK cá tra tương đối ổn định nhưng năm nay cũng giảm tới 37,2% còn Hà Lan giảm 17,5%. Trong khi đó, thị trường Tây Ban Nha sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 1 lại đã hồi phục trong tháng 2 và tháng 3 với mức tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Italia đã soán ngôi của thị trường Ba Lan sau khi đạt tăng trưởng 0,04% về giá trị NK thủy sản Việt Nam, trong đó NK cá tra tăng 5,4%.
- EU nhập khẩu chủ yếu là thủy sản chưa chế biến (HS 03), chiếm 81%, thủy sản chế biến (HS 16) chiếm 19% còn lại. Năm 2011, NK thủy sản của EU đạt tổng cộng 48,16 tỷ USD, trong đó thủy sản chế biến đạt trên 9 tỷ USD, thủy sản chưa chế biến trên 39 tỷ USD.
6. Doanh nghiệp cá tra đẩy mạnh XK sang thị trường Mỹ
- Đứng thứ 2 về NK thủy sản Việt Nam sau EU, nhưng Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất với 254 triệu USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 3 tháng đầu năm, khi XK sang EU gặp khó khăn thì thị trường Mỹ là sự lựa chọn tiếp theo của nhiều DN XK, chủ yếu là DN cá tra, vì vậy XK cá tra tăng mạnh gần 50%, XK tôm tăng 9%. Trong khi đó, XK các sản phẩm khác sang Mỹ như cá ngừ và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ lại sụt giảm (giảm lần lượt 0,3% và 32,3%) do sản lượng nội địa của nước này tăng, lượng tồn kho nhiều.
- Hai tháng đầu năm 2012, NK thủy sản vào Mỹ tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,741 tỷ USD, trong đó, Việt Nam chiếm 6,5% thị phần, đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Canađa, Thái Lan và Inđônêxia. Cả năm 2011, Mỹ NK tới 16,693 tỷ USD thủy sản, tăng 13,3% so với năm 2010.
- Mặc dù kinh tế Mỹ đang phục hồi chậm sau suy thoái, nhưng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm của các nhà hàng vẫn phát triển mạnh. Khảo sát của công ty nghiên cứu Datassentials dựa trên xu hướng thực đơn từ năm 2007 đến 2010 của 4.800 nhà hàng ở Mỹ cho thấy, tiêu thụ các mặt hàng hải sản phổ biến đều tăng trong năm 2011. Tiêu thụ cá rô phi tăng mạnh nhất trong giai đoạn từ 2007 đến 2011 tới 58,4%.
Dự báo quý II/2012, XK sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng khả quan do nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Hơn nữa, thuỷ sản được dự báo tăng giá mạnh nhất cùng với thịt bò và thịt bê với giá thủy sản và các sản phẩm thủy sản tiêu dùng ở các hộ gia đình Mỹ năm nay dự kiến tăng 4 - 5%.
Tuy nhiên, bên cạnh những rào cản lớn như thuế CBPG đối với tôm đông lạnh và cá tra XK, Việt Nam còn phải đối mặt với một biện pháp phòng vệ mới của Mỹ là Luật chống trợ giá đối với hàng NK từ các nền kinh tếphi thị trườngnhư Việt Nam và Trung Quốc (đã được Tổng thống Mỹ Obama ký ban hành cho phép áp dụng từ ngày 13/3/2012).
7. Xu hướng tăng XK sang các thị trường Châu Á
- Trong bối cảnh khó khăn của các thị trường NK chính ở Châu Âu và những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, từ quý I năm nay, nhiều DN thuỷ sản Việt Nam,đặc biệt là những DN vừa và nhỏ đã chọn các thị trường Châu Á là điểm đến an toàn cho các sản phẩm XK của mình vì các ưu thế như: nhu cầu đang gia tăng, thuận lợi về vị trí địa lý, cước phí vận thấp hơn, yêu cầu vềkỹ thuật không cao và đặc biệt là khả năng thanh toán tốt, giúp quay vòng vốn nhanh. Vì vậy, XK sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan đều đạt tăng trưởng khả quan,đóng góp tỷ trọng đáng kể cho XK thuỷ sản Việt Nam.
- Trong khi 3 thị trường lớn nhất (EU, Mỹ và Nhật Bản) chiếm tổng cộng 56,2% tổng XK thuỷ sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, giảm so với cùng kỳ năm ngoái, do XK sang EU giảm 7,9%, thì XK sang các thị trường Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc và Hồng Kông, ASEAN (tăng mạnh 16 – 42%). Ngoài ra, Mêhicô và Ôxtrâylia cũng thu hút được nhiều DN XK thủy sản Việt Nam.
8. Xuất khẩu sang Ôxtrâylia tăng trưởng mạnh nhất, 42,3%
- Là thị trường có mức tăng NK cao nhất trong các thị trường chính của Việt Nam 3 tháng đầu năm với 42,3% đạt gần 37 triệu USD. Đây đang và sẽ là thị trường tiềm năng và quan trọng đối với Việt Nam trong năm nay vì nhu cầu thủy sản của nước này đang có xu hướng tăng.
- 2 tháng đầu năm 2012, Ôxtrâylia tăng mạnh NK thủy sản từ 47 nước trên thế giới với tổng giá trị trên 250 triệu USD, trong đó NK thủy sản chưa chế biến (HS 03) đạt khoảng 128,9 triệu USD, các sản phẩm cá đã chế biến (HS1604) khoảng 87,7 triệu USD và tôm, cua và mực, bạch tuộc chế biến (HS 1605) 33,7 triệu USD. Việt Nam chỉ đứng thứ 3 sau Niu Dilân và Trung Quốc trong XK thuỷ sản sang Ôxtrâylia. Ôxtrâylia thường NK nhiều vẹm, mực, bạch tuộc và cá bơn của Niu Dilân, nhưng năm nay nước này bắt đầu đẩy mạnh NK các loại cá đông lạnh và nhuyễn thể khác như bào ngư, hàu,… Ngoài các sản phẩm mực, bạch tuộc và điệp, năm nay Trung Quốc cũng gia tăng XK tôm sang Ôxtrâylia.
- XK tôm Việt Nam sang Ôxtrâylia quý I năm nay tăng tới 99% so với cùng kỳ, trong khi XK mực, bạch tuộc tăng 23,3%, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tăng hơn 60%.
- Dự báo quý II, XK thủy sản của Việt Nam sang Ôxtrâylia sẽ tiếp tục tăng khả quan, trong đó các mặt hàng tôm, cá biển và mực bạch tuộc sẽ chiếm ưu thế hơn.
9. Nhập khẩu nguyên liệu tăng
- 3 tháng đầu năm 2012, Việt Nam NK thủy sản từ 72 thị trường với trị giá trên 150 triệu USD, trong đó, NK hàng nguyên liệu để sản xuất hàng XK và tái xuất chiếm khoảng 80%, còn lại là con giống và NK để tiêu thụ nội địa.
- Riêng giá trị NK cá ngừ và tôm đều đạt khoảng 20 triệu USD, mực và bạch tuộc khoảng 7,7 triệu USD, còn lại là các loại cá biển khác. Tôm được NK chủ yếu từ Ấn Độ, Inđônêxia, Thái Lan, Anh và Canađa. Cá ngừ NK từ Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc, mực, bạch tuộc được NK từ Ấn Độ, Inđônêxia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Mianma,…
- Cả năm 2011, Việt Nam NK thủy sản từ 74 nước trên thế giới với tổng trị giá 541 triệu USD (trong đó khoảng hơn 30 triệu USD là hàng trả về).