(vasep.com.vn) Quý I/2012, XK hải sản của cả nước đạt khoảng 462,636 triệu USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng khai thác trong quý I tăng nhờ thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, DN XK hải sản vẫn phải đối phó với tình trạng thiếu nguyên liệu, nhất là các mặt hàng XK chính như cá ngừ và mực, bạch tuộc, trong khi các chi phí đầu vào cùng các chi phí từ các chính sách bất cập trong sản xuất và XK làm tăng thêm gánh nặng cho DN.
Dưới đây là 10 nhận định cơ bản về tình hình sản xuất và XK hải sản trong quý I/2012:
1. Sản lượng khai thác tăng, nhưng vẫn thiếu nguyên liệu cho chế biến XK
- Quý I/2012, tổng sản lượng khai thác thủy sản cả nước đạt khoảng 630 nghìn tấn, trong đó, khai thác hải sản đạt 585 nghìn tấn, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái và khai thác nội địa đạt 45 nghìn tấn tương đương với quý I/2011. Nguyên nhân: thời tiết thuận lợi, ngư dân khai thác hiệu quả.
Sản lượng khai thác tăng nhưng nguyên liệu cho chế biến XK vẫn thiếu vì chất lượng sau thu hoạch kém. Tổn thất sau thu hoạch đối với hải sản khai thác ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, trên 20% sản lượng, thậm chí lên đến 30% đối với tàu lưới kéo bảo quản bằng ướp muối. Với sản lượng khai thác trên 2 triệu tấn, mỗi năm cả nước mất khoảng 400 ngàn tấn hải sản.Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm khai thác được có sự thay đổi theo hướng các loài có giá trị kinh tế cao, phù hợp cho XK ngày càng ít, thay vào đó là sản lượng cá tạp tăng lên, do ngư trường khai thác cạn kiệt, khả năng và điều kiện đánh bắt xa bờ rất hạn chế (tàu nhỏ, không có vốn, chi phí xăng, dầu, nhân công tăng...)
2. Thiếu vốn cho ngư dân và DN chế biến XK
- Hiện đang có quá nhiều rào cản để nông, ngư dân tiếp cận vay vốn ngân hàng cho việc nâng cấp, đổi mới tàu thuyền và các trang thiết bị để bảo quản thủy sản sau khai thác, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định (Quyết định 63/2010/QĐ-TTg, Quyết định 65/2011/QĐ-TTg) nhằm hỗ trợ nông, ngư dân, các cơ sở sản xuất máy móc trong nước. Lý do muốn vay vốn ngân hàng yêu cầu phải có thế chấp, trong khi ngư dân đã thế chấp tài sản để vay vốn đóng tàu
- Lãi suất cho vay cao, trong khi bối cảnh thị trường trong nước và nước ngoài khó khăn khiến vòng quay vốn chậm, nhiều DN rơi vào tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng cho việc thu mua nguyên liệu và đầu tư sản xuất và cho cả hoạt động NK nguyên liệu để chế biến XK.
3.Nhiều thủ tục làm tăng chi phí cho DN hải sản
- 3 tháng đầu năm chi phí đầu vào cho sản xuất thủy sản ước tính đã tăng từ 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái, giá nguyên liệu cũng tăng từ 5-10%.
- Bên cạnh đó, DN thủy sản còn chịu áp lực bởi các thủ tục và các chi phí khác như:
+ Phí kiểm dịch thú y với lô hàng nhập khẩu tăng 300% theo Thông tư số 04/2012/TT-BTC (TT04) của Bộ Tài chính;
+ Giá cước vận tải biển tăng rất cao (gần gấp đôi) với mức tăng từ 640 USD lên 1.200 USD/containơ 20 feet chỉ trong vòng 3 tháng;
+ Việc áp thuế bảo vệ môi trường đối với bao PE bao gói hàng XK làm tăng gấp đôi chi phí bao gói sản phẩm thủy sản XK từ mức 0,1 USD/kg sản phẩm hiện nay.
+ Chi phí công đoàn trích từ 2% quỹ lương.
+ Các chi phí không hợp lý cho khâu kiểm soát ATTP thủy sản XK...
Tất cả những chi phí do chính sách và thủ tục của các cơ quan quản lý đang làm cho sản phẩm thủy sản Việt Nam mất ưu thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.
4. NK hải sản tăng, trong đó các loại cá biển (trừ cá ngừ) chiếm 40%
- 3 tháng đầu năm 2012, NK hải sản của cả nước đạt hơn 100 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý này, các DN XK hải sản Việt Nam tiếp tục NK nhiều cá các loại (thuộc mã HS 0301 đến 0305, 1604 (trừ cá ngừ, cá tra), cá ngừ (thuộc mã HS 03 và 16)... Trong đó, tăng cường NK mực, bạch tuộc, tôm hùm giống, tôm hùm tươi sống...
- Nổi bật là đầu năm 2012, các DN XK hải sản tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Huế, Bình Thuận, Khánh Hòa tăng lượng NK mực lên gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, DN tại Cà Mau, Kiên Giang lại NK ít hơn, riêng DN tại Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh NK mực nang.
5. Tỷ trọng XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và cua ghẹ giảm, XK cá ngừ và cá biển khác tăng
- Tổng XK hải sản 3 tháng đầu năm đạt 462,636 triệu USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Tỷ trọng XK cá ngừ tăng nhẹ từ 27,86% lên 28,04%; đặc biệt XK các loại cá biển khác tăng đáng kể, từ 37,46% lên 39,41%.
- Tỷ trọng XK mực, bạch tuộc tăng không đáng kể, trong khi tỷ trọng của nhuyễn thể 2 mảnh vỏ và cua ghẹ giảm.
 6. Gia tăng XK sản phẩm hải sản đã chế biến (mã HS16)
- Có thể do nguồn nguyên liệu hạn chế, nên trong quý I năm nay, các DN đã gia tăng XK các mặt hàng đã chế biến, vì vậy tỷ trọng sản phẩm chế biến tăng mạnh hơn sản phẩm thô (HS 03)
Cá ngừ:
- Trong cơ cấu sản phẩm cá ngừ XK 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ sản phẩm cá ngừ phile đông lạnh (mã HS 03) chiếm 70,9% với giá trị 92 triệu USD, giảm so với mức 74,8% của 3 tháng đầu năm 2011, trong khi cá ngừ chế biến (mã HS 16) chiếm 29,1% tương đương 37,8 triệu USD. XK cá ngừ HS03 tăng 18% trong khi HS16 tăng 44,4%.
- Trong tháng 1/2012, sản phẩm cá ngừ nguyên liệu (mã HS 03) của cả nước XK đạt 23,1 triệu USD. Sang tháng 2, giá trị XK nhóm hàng này đã lên đến 30,3 triệu USD - tăng gấp gần 3 lần mức giá trị XK sản phẩm cá ngừ chế biến (mã HS 16) đạt được trong tháng. Đến tháng 3, giá trị XK đã tăng lên đến 38,4 triệu USD.
Thực tế này của ngành cá ngừ phản ánh 3 xu hướng:
(1)     Thiếu nguyên liệu cá ngừ đại dương (thường XK dạng nguyên liệu HS03)
(2)     Sản lượng cá ngừ nhỏ (sọc dưa, ồ, chù...) tăng (thường XK dạng đóng hộp mã HS 16)
(3)     Tăng NK nguyên liệu để gia công chế biến hàng GTGT (HS16) để XK
Mực, bạch tuộc:
 - Sản phẩm mã HS03 chiếm đến 89,4% tổng giá trị XK mực và bạch tuộc, còn lại là các sản phẩm thuộc mã HS 16.
- Quý I/2012, giá trị XK của cả hai mã HS03 và 16 đều tăng mạnh, trong đó, mực, bạch tuộc mã HS03 tăng 18,7% còn mã HS16 tăng đến 138,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, để tăng giá trị cho sản phẩm XK và giảm chi phí sản xuất, các DN XK mực, bạch tuộc Việt Nam đang tăng dần các sản phẩm GTGT qua chế biến. Ngoài ra, càng ngày càng có nhiều thị trường ưa chuộng các sản phẩm chế biến sẵn, hàng GTGT do tính tiện lợi khi sử dụng. Những sản phẩm này cũng giúp DN tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu trong chế biến.
7. Số thị trường nhập khẩu giảm
- Cá ngừ Việt Nam được XK đi 64 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, giảm 2 thị trường so với tổng 66 thị trường NK cá ngừ của quý I/2011.
- Việt Nam đã XK mực, bạch tuộc sang hơn 40 thị trường trên thế giới, ít hơn 5 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái.
 - Sang năm 2012, các DN vẫn chủ yếu tập trung XK sang các thị trường truyền thống. Cơ cấu các thị trường NK chính hầu như không thay đổi. Sự biến động chỉ xảy ra ở nhóm thị trường nhỏ do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường này chưa ổn định làm cho vị trí thứ tự giữa các thị trường có sự dịch chuyển.
- Dẫn đầu trong danh sách các thị trường chính NK cá ngừ Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay vẫn là Mỹ, EU và Nhật Bản. Tổng giá trị XK sang 3 nước này đã chiếm tới 81,5% giá trị XK cá ngừ của cả nước. Trong đó, Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 50%, tiếp đến Nhật Bản với 20,4%. Top 10 thị trường NK cá ngừ Việt Nam lớn nhất trong quý I chiếm trên 80% tỷ trọng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam.
- Bảng tổng sắp 10 thị trường XK mực, bạch tuộc lớn của Việt Nam 3 tháng đầu năm nay đã vắng mặt thị trường Nga, thay vào đó là thị trường Ôxtrâylia. Đứng đầu vẫn là 3 thị trường NK lớn: Hàn Quốc, Nhật Bản, EU.
- Quý I/2012, hầu hết các thị trường đều tăng giá trị NK, trong đó có một số thị trường tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái như Hy Lạp tăng gần 200%, Canađa tăng 172,6%, Pháp tăng 153,6%.
- Trong top thị trường này có thể chia thành 3 phân đoạn: 3 thị trường dẫn đầu có sự hoán đổi vị trí thường xuyên giữa Nhật Bản và EU; ASEAN, Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ là top thị trường giữa vẫn giữ vị trí và tốc độ tăng trưởng như cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, top thị trường - phân đoạn cuối cùng thường xuyên thay đổi trật tự và có nhiều tăng trưởng đột biến hoặc thay đổi lớn.
8. Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ giảm nhẹ, sang EU tăng
* Mỹ:
- Quý I năm nay, XK cá ngừ sang Mỹ không khả quan vì tổng giá trị XK trong 3 tháng đầu năm có dấu hiệu sụt giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước, riêng giá trị XK trong tháng 1 giảm tới 34%. Trong đó, giá trị XK mặt hàng cá ngừ có giá trị cao mã HS 03 (trừ các sản phẩm cá ngừ thuộc mã HS0304) sang thị trường này giảm tới trên 20%. Xu hướng này trái hẳn với chiều hướng NK tăng trưởng ổn định liên tục trong 2 năm qua.
- Trước đây, Việt Nam XK sang Mỹ phần lớn là các sản phẩm cá ngừ đóng hộp (mã HS16) thì nay đã chuyển sang XK các sản phẩm cá ngừ đông lạnh, ướp đá, philê (mã HS 03), chủ yếu là cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng. Giá trị XK các sản phẩm này chiếm tới trên 70% giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong 3 tháng đầu năm 2012. Đây là dòng sản phẩm có giá trị cao nên giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ ngày càng tăng.
* EU
- Trái với xu hướng XK tôm và cá tra, giá trị XK cá ngừ sang EU khá ổn định. 3 tháng đầu năm 2012, XK cá ngừ Việt Nam sang EU đạt 24 triệu USD, chiếm 18,5% tổng giá trị XK cá ngừ sang các thị trường và tăng 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá ngừ XK sang thị trường này chủ yếu là cá nguyên liệu (mã HS 03) với 15,1 triệu USD, chiếm 63,2% giá trị XK cá ngừ sang EU và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2011.
9. Tỷ trọng XK bạch tuộc giảm do thiếu nguyên liệu
- 3 tháng đầu năm 2012, XK mực, bạch tuộc đạt 113,3 triệu USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Tuy nhiên, theo các DN XK mực, bạch tuộc năm nay, NK nguyên liệu rất khó khăn do hầu hết các nước có nguồn cung lớn đều giảm sút sản lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu không cao bằng năm ngoái.
- Nếu 3 tháng đầu năm ngoái, mực chiếm 28,6%, bạch tuộc chiếm 71,4% trong cơ cấu nhuyễn thể chân đầu XK thì quý I năm nay, tỷ lệ này đã thay đổi rõ rệt: mực chiếm 37,7%, bạch tuộc chiếm 62,3%. Như vậy, đúng như dự đoán của nhiều nhà XK mực, bạch tuộc ngay từ cuối năm ngoái, sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu bạch tuộc NK sẽ chuyển dịch cơ cấu XK nhuyễn thể ngay trong quý đầu năm. Dự kiến, trong quý tới, mực sẽ chiếm hơn 40% trong cơ cấu XK nhuyễn thể chân đầu.
- Hiện nay, để có đủ nguyên liệu cho chế biến, các DN XK mực, bạch tuộc Việt Nam đang phải NK khối lượng lớn mực, bạch tuộc từ các nước, trong đó nhiều nhất là từ các nước Châu Á như Thái Lan; Malaysia, Trung Quốc, Mỹ, Myanma, Chilê, Mêxicô, Ôman,..., hai thị trường NK lớn nhất mực ống nguyên con đông lạnh từ Myanma và Malaysia, bạch tuộc nguyên con đông lạnh từ Philipin. Đặc biệt, đầu năm nay, nhiều DN tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tp.HCM NK nguyên liệu bạch tuộc phục vụ cho chế biến.
10. Xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tiếp tục giảm
- Quý I/2012, XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 16,8 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Tính đến hết tháng 3/2012, nhuyễn thể hai mảnh vỏ lại là mặt hàng thủy sản giảm sút mạnh nhất về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang hầu hết các thị trường đều giảm mạnh từ 1 đến 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc - Hồng Kông, Đài Loan, Thụy Sỹ...
+ EU: Quý I/2012, XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang EU tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 3 thị trường đơn lẻ NK nhuyễn thể hai mảnh vỏ lớn nhất từ Việt Nam, duy nhất Tây Ban Nha giảm đến gần 24,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Còn Pháp tăng đến hơn 617,2%, Bồ Đào Nha tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
+ Mỹ: Quý I/2012, XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang Mỹ lại giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, từ đầu năm đến nay, khác với kỳ vọng của nhiều DN XK nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang Mỹ, 3 tháng liên tiếp XK sang thị trường này bị sụt giảm mạnh về giá trị: tháng 1/2012 giảm 49,6%, tháng 2/2012 giảm 21,4% và tháng 3/2012 giảm hơn 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ôxtrâylia:  Kết thúc năm 2011, Ôxtrâylia là thị trường NK lớn thứ 8 của nhuyễn thể hai mảnh vỏ Việt Nam và dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2012. Sau khi giảm nhẹ trong tháng 1/2012 khoảng 2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị XK mặt hàng này sang Ôxtrâylia tăng gần 54% trong tháng 2/2012 và tăng hơn 60% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc quý I/2012, từ vị trí thứ 8 Ôxtrâylia đã leo lên vị trí thứ 5 trong top 10 thị trường lớn của nhuyễn thể hai mảnh vỏ từ Việt Nam.

Báo cáo khác

Ms. Nguyễn Trang
Email: nguyentrang@vasep.com.vn
Tel: (+84-24) 37715055 - ext. 212
Fax: (+84 24) 37715084
Phone: (+84) 906 151 556