1. Dịch bệnh trên tôm vẫn tiếp diễn theo chiều hướng gia tăng: Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2012, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 39.827 ha, chiếm 6,49% tổng diện tích thả nuôi. Ở một số vùng nuôi tôm trọng điểm như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đều có diện tích nuôi tôm bị bệnh gia tăng so với năm ngoái. Trong đó, tại Trà Vinh, diện tích thả nuôi tôm sú thâm canh bị bệnh tăng đến 100%, Bến Tre có diện tích nuôi tôm sú bị bệnh tăng 104%. Tại Bạc Liêu, diện tích nuôi tôm chân trắng bị bệnh tăng 1.630%. Tại Cà Mau, diện tích tôm sú nuôi thâm canh bị thiệt hại tăng 362%, diện tích tôm sú nuôi quảng canh bị bệnh tăng 1.653%.
2. Giá thành sản xuất tôm nguyên liệu tăng 15 - 25 %, giá bán tôm NL giảm từ 40-50%: Theo tính toán của người nuôi, giá thành tôm chân trắng loại 50 con/kg năm nay là 75.000 đồng trong khi năm 2011 chỉ là 60.000 đồng. Giá thành sản xuất tôm sú cỡ 40 con/kg là 80.000 đồng/kg trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ mất từ 65.000 – 70.000 đồng/kg. Trong khi đó tháng 1/2012, tôm sú nguyên liệu cỡ 30/40 con/kg tại Cà Mau có giá bán khoảng 155.000 – 195.000 đồng/kg thì đến tháng 6/2012, giá giảm còn 110.000 – 120.000 đồng/kg, giảm 50%.
Sáu tháng đầu năm 2012, NK tôm nguyên liệu vào VN tăng mạnh. Theo Hiệp hội Tôm miền đông Thái Lan, lượng tôm đông lạnh chưa chế biến hoặc sơ chế XK sang Việt Nam tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.860 tấn.
3. XK tôm sú liên tục giảm trong quý II/2012: Tháng 4/2012, XK tôm các loại của Việt Nam giảm 6,5% so với tháng 4/2011. Trong đó, XK tôm sú giảm tới 21,7% mặc dù XK tôm chân trắng tăng 22,3%. Tháng 5/2012, xu hướng này tiếp tục được duy trì với giá trị XK tôm sú giảm 7,2% và XK tôm chân trắng tăng 40,8%. Tháng 6/2012, XK tôm sú “vẫn” giảm tới 13,8% trong khi XK tôm chân trắng tăng 8%.
4. XK tôm chân trắng kém bền vững: Sáu tháng đầu năm 2012, XK tôm chân trắng mặc dù duy trì mức tăng trưởng dương qua từng tháng nhưng nhìn vào tốc độ tăng trưởng giảm dần từ mức “đỉnh” 96,1% vào tháng 2 xuống còn 8% vào tháng 6 minh chứng cho khả năng cạnh tranh còn thấp và xu hướng phát triển không bền vững của SX và XK tôm chân trắng của Việt Nam, trong đó có các nguyên nhân liên quan đến giá và chất lượng thức ăn nuôi tôm, chất lượng tôm giống.
5. Giá tôm trên thị trường Nhật Bản và Mỹ giảm mạnh: Trên thị trường Nhật Bản, giá tôm sú Ấn Độ trong tháng 6/2012 đã giảm khoảng 20% so với một năm trước. Giá tôm cỡ 16/20 con/pao của Ấn Độ được bán cho thị trường Nhật Bản với giá 9 – 9,5 USD/kg. Trên thị trường Mỹ, giá tôm sú HLSO đã giảm 12,8% từ mức 7,40 USD/pao vào tháng 1/2012 xuống còn 6,65 USD/pao đầu tháng 7/2012.
Tiêu thụ thấp trong khi lượng dự trữ còn nhiều đã dẫn tới nhu cầu NK của cả hai thị trường lớn này giảm sút. Nguồn cung lớn trong khi nhu cầu giảm khiến giá tôm trên cả thị trường Mỹ và Nhật Bản giảm mạnh trong 6 tháng qua.
6. Tôm Việt Nam khó cạnh tranh về giá so với Indonesia và Ấn Độ: 6 tháng đầu năm 2012, trên thị trường Mỹ, tôm sú HLSO cỡ 16/20 xuất xứ Việt Nam dao động ở mức từ 6,50 - 6,85 USD/pao. Trong khi đó, giá tôm cùng cỡ xuất xứ Indonesia có xu hướng giảm, từ 5 – 6,40 USD/pao. Trên thị truờng Nhật Bản, giá tôm sú HLSO Việt Nam cỡ 16/20 dao động từ mức 23 – 27 USD/block 1,8kg, luôn cao hơn so với giá bán tôm cùng cỡ của Ấn Độ (từ 21 – 22,5 USD/block 1,8kg)
Dịch bệnh cùng với chi phí đầu vào tăng cao được cho là nguyên nhận chính tạo áp lực lớn trong việc giảm giá thành sản xuất tôm Việt Nam. Thiếu vốn cho sản xuất do tín dụng bị thắt chặt, chi phí kiểm nghiệm chất lượng lô hàng tăng cao làm giảm khả năng cạnh tranh của các DN XK tôm Việt Nam. Cạnh tranh mạnh về giá trên thị trường thế giới với các nước sản xuất khác như Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ khiến biên độ lợi nhuận của các DN trong nửa đầu năm 2012 bị thu hẹp đáng kể.
7. Nhật Bản tăng cường rào cản kỹ thuật đối với tôm Việt Nam: Giữa tháng 5, Nhật Bản chính thức kiểm tra hàm lượng Ethoxyquin (chất bảo quản, chống oxy hóa) trong sản phẩm tôm NK từ riêng Việt Nam (không áp dụng với các nước khác) với tần suất 30% và mức giới hạn tối đa chỉ là 0,01ppm (10 ppb). Trong khi Ethoxyquin là chất được phép sử dụng trong bảo quản bột cá (thành phần chính của thức ăn chăn nuôi) ở hầu hết các quốc gia trên thế giới với mức dư lượng từ 75 – 150ppm. Theo khảo sát của một DN có tới 50% thức ăn nuôi tôm trên thị trường có hàm lượng trên ngưỡng 10ppb. Rõ ràng đây là một rào cản và khó khăn lớn đối với tôm Việt Nam.
Việc kiểm tra Ethoxyquin ảnh hưởng lớn tới hoạt động XK tôm của Việt Nam, làm tăng chi phí của DN. Ngay cả các nhà NK tôm Nhật Bản cũng mất thêm chi phí và thời gian cho công tác kiểm tra ở nước họ. Sản phẩm tôm Việt Nam đang bị mất đi khá nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường Nhật Bản, hiện được coi là thị trường trọng điểm duy nhất duy trì mức tăng trưởng dương trong NK tôm trong 6 tháng qua.
8. XK tôm sang Trung Quốc có xu hướng giảm: Quý II/2012, XK tôm sang Trung Quốc giảm liên tiếp, trong đó, tháng 4 XK giảm 21,6%, tháng 5 giảm 0,9% và tháng 6 giảm 12%. 6 tháng đầu năm 2012, XK tôm sang Trung Quốc đạt trên 109,9 triệu USD, chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng thấp nhất trong ba năm qua.
9. XK tôm sang Mỹ giảm mạnh: Từ tháng 4/2012, XK tôm sang Mỹ giảm 8% so với tháng 4/2011 và giảm mạnh trong hai tháng liên tiếp sau đó dẫn tới XK tôm quý II sang thị trường này giảm 4,8%. Tháng 5/2012, XK tôm sang Mỹ giảm 18,3% và giảm 15,8% vào tháng 6/2012.
XK tôm sang Mỹ giảm trong quý II/2012 do một số nước sản xuất tôm tôm chân trắng vào vụ thu hoạch với sản lượng đạt cao. Tôm Việt Nam chịu bị cạnh tranh mạnh về cả giá lẫn nguồn cung trong thời gian này với tôm chân trắng đến từ Ecuador. Khó khăn trên thị trường EU cũng góp phần đẩy mạnh XK tôm Ecuador sang Mỹ. Theo thống kê NK tôm vào Mỹ cho tháng 4/2012, NK tôm từ Ecuador vào Mỹ tăng 27,3% và tăng 28,6% vào tháng 5/2012.
10. Khủng hoảng Châu Âu ảnh hưởng đến doanh số bán tôm của Việt Nam và các nước: 6 tháng đầu năm 2012, XK tôm của Việt Nam sang EU giảm 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt trên 108 triệu USD. Tương tự, XK tôm Thái Lan sang thị trường này 5 tháng đầu năm cũng giảm 16%, đạt 79 triệu USD. EU là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ ba sau Mỹ và Nhật Bản của cả Việt Nam và Thái Lan.