Theo nội dung Thư mời số 334/GM-HTQT ngày 13/8/2014 của Bộ Tài chính & kết quả cuộc họp chiều 26/8/2014 tại Bộ Tài chính về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện cam kết các FTAs, Hiệp hội VASEP có ý kiến như sau:
Trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước, Hiệp hội đã được tham gia tham vấn một số lần cùng với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và đã có ý kiến về các dòng sản phẩm của ngành hàng thủy sản. Đối với đặc thù của ngành hiện nay, xuất khẩu là chủ lực đến hầu hết các thị trường trên thế giới, trong đó nguyên liệu thủy sản gồm sử dụng trong nước và cả nhập khẩu từ các đối tác để sản xuất xuất khẩu. Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp thủy sản lớn trong Top4 thế giới và đang có được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi vậy, các hiệp định thương mại là rất quan trọng và có tác động tốt với hoạt động sản xuất xuất khẩu của ngành thủy sản.
Theo đề nghị của Bộ và các nội dung đã trao đổi tại cuộc họp chiều 26/8/2014 đối với lộ trình cắt giảm thuế quan 2015-2020 của các FTAs đã ký, trong đó có việc chuyển đổi sang mã HS2012, Hiệp hội kiến nghị một nguyên tắc chung là lựa chọn MIN cho những dòng thuế tách/gộp mã đối với các mặt hàng thủy sản (ngoại trừ sản phẩm chủ lực & gần như độc quyền thương mại: cá Tra). Lý do:
- Đối với các mặt hàng/nhóm mặt hàng mà Việt Nam đã & đang sản xuất được: trong thực tế 5 năm qua, các mặt hàng này đang có nhu cầu cao và giá trị thương mại lớn. Tuy nhiên, từ năm 2009 trở lại đây, Việt Nam có uy tín về ATTP và chất lượng hàng hóa, có công nghệ chế biến tiên tiến hàng đầu thế giới nên nhiều tập đoàn và nhiều quốc gia đã chuyển dịch tăng thị phần từ Việt Nam. Với lợi thế đó, nhưng sản xuất trong nước trong thực tế và cả thời gian tới không đủ nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất xuất khẩu, nên nhiều DN đã, đang và sẽ nhập khẩu (tôm các loại, cá ngừ, cá kiếm, mực-bạch tuộc.....) từ các nước khác (Ấn độ, Đài Loan, Ecuado, Indonesia, PNG, Mỹ, Thái Lan ....) để sản xuất XK mang lại kim ngạch và giá trị cao cho ngành. Theo số liệu của Hải quan, khoảng 85% lượng nhập để SXXK và gia công XK, hơn 10% còn lại thì gồm: con giống, hàng trả về và chỉ một phần tiêu thụ nội địa.
- Đối với các mặt hàng mà Việt Nam không có hoặc chưa SX được: như phân tích ở trên, với lợi thế cạnh tranh cao về chất lượng hàng hóa cộng với công nghệ & năng lực chế biến cao, nhiều tập đoàn và các nước đã chuyển các loại nguyên liệu thủy sản đặc thù này (cá hồi, cá tuyết cod, ....) để thuê các DN Việt Nam gia công cho họ. Xu hướng này cũng đang chuyển dịch mạnh mẽ, góp phần tăng thị phần, việc làm và kim ngạch cho quốc gia.
Ngoài những FTAs đã ký kết và công bố, đối với FTAs đang đàm phán (với Châu Âu, TPP,...), Hiệp hội và các doanh nghiệp thủy sản mong muốn & đề nghị liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ lưu tâm đến năng lực cạnh tranh và vị trí quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam để đề nghị các đối tác có được các chính sách ưu tiên và tốt nhất (thuế NK = 0, kỹ thuật....).