Công văn 83/CV-VASEP: Báo cáo các khó khăn, vướng mắc tác động tới năng lực SX XK & sức cạnh tranh của DN thủy sản cuối năm 2022 & 2023

83/CV-VASEP
01/11/2022
VASEP
Ngày 01/11/2022, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 83/CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan v.v Báo cáo các khó khăn, vướng mắc tác động tới năng lực sản xuất, xuất khẩu và sức cạnh tranh của DN thủy sản cuối năm 2022 & 2023

Mặc dù năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành XNK thuỷ sản, nhưng XK thủy sản đã có sự phục hồi và phát triển đáng kể, đạt kim ngạch 9,5 tỷ USD tính đến hết tháng 10/2022, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự kiến đến cuối tháng 11/2022, XK thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD - mốc kỷ lục của ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Với nỗ lực và kết quả đó, dự kiến năm 2022, XK thuỷ sản Việt Nam sẽ cán đích gần với con số 11 tỷ USD (tăng 25% so với năm 2021).

Tuy nhiên, ngay khi bước vào Quý 4/2022, qua phản ánh của DN thành viên, Hiệp hội nhận thấy đã xuất hiện một số thách thức có tác động lớn, gây khó khăn và kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh thủy sản từ quý cuối năm 2022 và cho năm 2023 tới. 

1. Vướng mắc trong cắt – giảm hạn mức tín dụng cho vay của các Ngân hàng Thương mại (NHTM).

2. Thách thức và chi phí tuân thủ xử lý môi trường.

3. Thiếu lao động và thách thức cho việc đảm bảo năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thế giới.

Trước các khó khăn, bất cập nhận diện  trên, Hiệp hội xin báo cáo Bộ trưởng và kiến nghị như sau:

1. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo với các NHTM tạo điều kiện cho các DN thủy sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường trong giai đoạn mà XK thủy sản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng như hiện nay và năm tới 2023

2. Kiến nghị Chính Phủ có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn, con giống nuôi thủy sản, giá năng lượng cho khai thác; điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu; giảm chi phí logistic trong nước.

3. Kiến nghị về quy chuẩn nước thải công nghiệp với ngành thuỷ sản: i) có một Quy chuẩn nước thải riêng & phù hợp cho nuôi trồng thủy sản; ii) chỉnh sửa các quy định, đặc biệt là chỉ tiêu phosphor, tại QCVN đang dự thảo cho nước thải chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng công nghệ, yếu tố đặc thù ngành và thông lệ khu vực tại các nước tương đương về kinh tế xã hội.

4. Kiến nghị về vấn đề thiếu lao động: (1) Cho quỹ đất để các DN xây dựng nhà ở cho công nhân, gia tăng phúc lợi xã hội; (2) Quy hoạch khu công nghiệp-đô thị cần xem xét đến vấn đề nhà ở công nhân và hạ tầng xã hội gắn liền với khu công nghiệp; (3) Xem xét có khung pháp lý cho DN sử dụng lao động nước ngoài (nhập khẩu) trong những điều kiện cần thiết; (4) Xây dựng hệ thống giao thông nông thôn nhanh hơn vừa phục vụ cho nông nghiệp vừa giúp lao động nông thôn đến các nhà máy làm hàng ngày; (5) Bộ Luật Lao động xem xét cho phép lao động làm bán thời gian nhiều hơn để vừa giải quyết tốt lao động thời vụ của các DN vừa giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nông dân.