(vasep.com.vn) Các hộ nuôi tôm tại huyện Bapatla đang đối mặt với một vụ mùa đầy khó khăn do tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng và mất điện thường xuyên trong mùa hè, đe dọa trực tiếp đến sinh kế của họ.

Nguồn lao động địa phương lẫn lao động nhập cư đều khan hiếm, trong khi nguồn điện chập chờn khiến các hoạt động về đêm bị gián đoạn. Nhiều nông dân đang vật lộn để duy trì sản xuất trong giai đoạn quan trọng nhất của vụ nuôi tôm.
Bapatla là một trong những huyện nuôi tôm chủ lực của bang Andhra Pradesh, với gần 22.000 mẫu Anh đang được canh tác và hơn 6.700 hộ dân phụ thuộc vào ngành này. Giá trị sản lượng tôm hằng năm của địa phương ước đạt 870 crore rupee. Hoạt động nuôi trồng tập trung chủ yếu tại các khu vực như Repalle, Nagaram và Nizampatnam.
Mùa vụ năm nay, bắt đầu từ cuối tháng 2, đang diễn biến đặc biệt khó khăn. Các loại tôm nuôi chủ yếu tại khu vực này gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú.
Tôm thẻ chân trắng cần khoảng 100 ngày để trưởng thành, đòi hỏi chế độ cho ăn đều đặn và duy trì ao nuôi suốt cả quá trình. Trong khi đó, tôm sú có chu kỳ nuôi dài hơn, kéo dài gần 5 tháng, yêu cầu theo dõi liên tục và sục khí thường xuyên. Thành công của cả hai mô hình nuôi phụ thuộc lớn vào sự tham gia trực tiếp của người lao động và nguồn điện ổn định.
Nông dân cho biết, tình trạng thiếu lao động có tay nghề đang là rào cản lớn. Truyền thống, họ trông cậy vào nhóm lao động từ bang Odisha – những người sống tạm gần ao trong các lán trại để đảm trách công việc ngày đêm. Tuy nhiên, năm nay số lượng lao động này giảm mạnh, nhiều người chọn ở lại quê nhà.
Trong khi đó, thanh niên địa phương lại không mặn mà với nghề nuôi trồng thủy sản, thay vào đó ưu tiên các công việc xây dựng hoặc giao hàng. Hệ quả là nhiều hộ nuôi không thể tận dụng hết diện tích ao sẵn có.
“Tôi chỉ nuôi được 4 trên tổng số 10 mẫu đất năm nay,” ông K. Murali ở Repalle chia sẻ. “Không đủ lao động có kinh nghiệm để cho tôm ăn đúng cách.”
Tình trạng thiếu lao động có tay nghề cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cho ăn.
“Công nhân có kinh nghiệm sử dụng bè nổi để rải thức ăn đều khắp ao, trong khi người chưa có kinh nghiệm chỉ đứng cho ăn ven bờ, khiến tôm chậm lớn, gây thiệt hại kinh tế,” ông cho biết.
Tình trạng cắt điện ban đêm càng khiến khủng hoảng trầm trọng hơn. Tôm cần được sục khí liên tục để sống, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể dẫn đến chết hàng loạt. Nhiều nông dân buộc phải lao đi mua dầu giữa đêm để vận hành máy phát điện, vì không ai biết khi nào điện sẽ có lại.
Trước thực trạng này, người nuôi tôm kêu gọi chính quyền đảm bảo cung cấp điện ổn định vào ban đêm và triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng nhằm xây dựng lực lượng lao động địa phương chất lượng hơn.
Tổng hợp