Doanh nghiệp thủy sản mệt mỏi vì “giấy phép con”

Thủ tục hành chính hành doanh nghiệp

Theo phản ánh của nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp thủy sản, một số quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP trái với Luật An toàn thực phẩm, với thông lệ quốc tế đang làm khó cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đóng gói bao bì.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Điều 12, Luật An toàn thực phẩm quy định “thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường”, mà không quy định về biện pháp “công bố phù hợp quy định an toàn”.

Tuy nhiên, Nghị định 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Điều 12, Luật An toàn thực phẩm đã biến quy định “công bố” trong Luật thành quy định “phải đăng ký” phù hợp an toàn thực phẩm. Theo ông Nam, chính yêu cầu phải đăng ký an toàn thực phẩm đã làm khổ doanh nghiệp, giống như doanh nghiệp phải xin cấp phép, phải có giấyxác nhận của Cục An toàn thực phẩm thì sản phẩm của doanh nghiệp mới được lưu hành.

Các giấy phép con kiểu này khiến doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh

- Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đã nhiều lần đề nghị bãi bỏ quy định này. Cụ thể, ngày 27/6/2017, VASEP đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam để kiến nghị về một số nội dung tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2012 về an toàn thực phẩm. Theo VASEP, dự thảo có một số quy định kiểu “vẽ rắn thêm chân”, bởi các quy định này không có trong Luật An toàn thực phẩm như quy định “xác nhận phù hợp an toàn thực phẩm”.

“Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP là một quy định không có trong Luật An toàn thực phẩm, nhưng lại là quy định đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến hơn nhiều so với quy định “công bố hợp quy”, một quy định chính thức của Luật An toàn thực phẩm.

Hình thức “tiếp nhận bản công bố hợp quy” thực chất đang bị biến thành quá trình tiếp nhận - thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận không khác gì một loại hình biến tướng của “giấy phép con”. Quá trình thẩm định này đang diễn ra theo 4 bước (nộp hồ sơ lên chuyên viên - phó phòng thẩm định - trưởng phòng - Cục trưởng xét duyệt) khiến doanh nghiệp bị kéo dài thời gian, thậm chí có doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ, tính lại thời gian xét duyệt từ đầu rất mệt mỏi.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, những “giấy phép con” kiểu này khiến các doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh, bởi các thủ tục kéo dài hàng tháng, có doanh nghiệp mất 3 - 4 tháng, thậm chí có doanh nghiệp phải làm thủ tục đến 6 tháng mới được thông quan.

Quy định nhiêu khê, nhưng không đảm bảo an toàn thực phẩm

Một vấn đề được các chuyên gia đặt ra là dù doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian, tiền của để thực hiện các thủ tục xin chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm, nhưng giấy phép cấp cho doanh nghiệp lại không đảm bảo rằng sản phẩm đó an toàn hay không.

Phát biểu tại Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý” mới đây, bà Trần Ngọc Hân, đại diện Ủy ban Thực phẩm đồ uống AmCham chỉ ra một thực tiễn, sau 5 năm thực hiện Nghị định 38/2012, doanh nghiệp thủy sản tốn công sức, tiền bạc để làm xác nhận.

“Đây hoàn toàn là kiểm tra tiền kiểm, tập trung ở mặt giấy tờ, trong khi khảo sát đã chỉ ra 99% các vụ ngộ độc thức ăn đến từ thực phẩm tươi sống, thức ăn đường phố, chỉ 1% nguy cơ đến từ thực phẩm đóng gói”, bà Hân nói.

Theo bà Hân, không có quốc gia nào yêu cầu công bố phù hợp an toàn thực phẩm như Việt Nam. Họ kiểm tra nguyên liệu đầu vào, không kiểm tra trên giấy như ở Việt Nam.

“Đặt ra quá nhiều thủ tục, doanh nghiệp phải tốn nhiều chí phí, nhưng ngay trên giấy phép ghi rõ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với vấn đề an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cũng phải tự chịu trách nhiêm đối với những gì công bố”, bà Hân băn khoăn.

Tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Chính phủ đã chỉ đạo “rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục; không yêu cầu xác nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia”. Nhưng tại dự thảo mới nhất, quy định này vẫn chưa được Bộ Y tế sửa đổi, vì vậy, doanh nghiệp vẫn mỏi mòn chờ đợi cải cách thủ tục.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đang được xác định là một dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng những quy định thủ tục hành chính về công bố phù hợp an toàn thực phẩm và công bố phù hợp quy chuẩn an toàn thực phẩm đang khiến giá thành sản phẩm tăng cao, giảm năng lực cạnh tranh, qua đó giảm hiệu quả của doanh nghiệp, gián tiếp giảm tiềm năng tăng trưởng của kinh tế.

(Theo ĐTCK)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM