(vasep.com.vn) Theo đánh của một số chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp (DN), Bộ Luật lao động đang tiếp tục sửa đổi và bổ sung nhưng nhiều nội dung trong đó sẽ trở thành rào cản hoặc “ngáng chân” sự gia tăng của kim ngạch xuất khẩu, kéo tụt GDP của Việt Nam và đương nhiên đời sống của người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Khi bên ngoài, Chính phủ phải đối phó với việc giảm kim ngạch xuất khẩu do “năng lực cạnh tranh yếu kém” của các DN Việt Nam (DN phải gánh thêm những gánh nặng về chi phí nhân công, tăng bảo hiểm xã hội, tăng chi phí và cơ chế hỗ trợ cho nhiều tổ chức đại diện lao động tại cơ sở khi Bộ luật lao động mới được ban hành theo Dự thảo tháng 8/2019…). Bên trong, các cơ quan Nhà nước phải nỗ lực xử lý vấn đề thất nghiệp gia tăng, chi phí bảo hiểm thất nghiệp tăng và việc cắt giảm lao động hàng loạt do nhiều DN (đặc biệt là các DN Việt Nam vốn thiếu nguồn lực về tài chính) không thể trụ nổi trong bối cảnh chịu những tác động của các quy định trong Dự thảo Bộ luật lao động (Dự thảo BLLĐ) mới.
Có thể làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam
Kim ngạch xuất khẩu đã và đang chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của quốc gia. Tuy nhiên, nếu Dự thảo BLLĐ sửa đổi được chính thức thông qua với hàng loạt các quy định “ngáng chân” DN sẽ tác động tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
BLLĐ năm 2012 đang tồn tại đã và đang gây quá nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của các ngành công nghiệp trọng điểm xuất khẩu, nhiều đơn hàng đã bị hỏng do các đoàn đánh giá độc lập của “bên mua” đã căn vào các quy định quá khắt khe của BLLĐ hiện hành để “đánh trượt” DN trong việc xuất hàng đi nước ngoài.
Có thể làm sụt giảm nguồn thu của ngân sách Nhà nước
Khi DN đang phải đối diện với quá nhiều khó khăn về thị trường, nguồn vốn, những rủi ro trong kinh doanh thì các thay đổi theo hướng gây khó khăn hơn cho DN trong Dự thảo BLLĐ lần này sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, doanh thu sụt giảm.
Khi đó, nhiều DN sẽ có khả năng phải đối mặt với việc giải thể, phá sản hoặc cắt giảm công suất lao động do thiếu vốn. Nguyên nhân này dẫn tới nguồn thu từ hoạt động của DN (như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng…) cũng sẽ bị sụt giảm theo và ảnh hưởng đáng kể tới việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội của quốc gia do không có đủ nguồn thu, phát sinh bội chi, gây sức ép lớn cho Nhà nước.
Có thể làm cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế trở nên “vô giá trị”
Hàng loạt lợi thế cạnh tranh đang được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao… và các cơ quan, tổ chức khác trong quá trình cố gắng hội nhập, đàm phán các Hiệp định thương mại quốc tế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN Việt Nam, có thêm các lợi thế trong ưu đãi thuế quan, xuất khẩu hàng hóa… sẽ trở nên vô giá trị khi các DN Việt Nam bị các bên đánh giá chấm điểm trượt ngay trên “sân nhà”.
Cụ thể, khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế, trước tiên doanh nghiệp phải vượt qua các vòng đánh giá vô cùng khắt khe của đoàn đánh giá độc lập. Một trong các tiêu chí để được chấp nhận đủ điều kiện đưa hàng Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ, EU, Canada, Úc … là phải đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn phát triển bền vững như GLOBAL G.A.P, BAP (Best Aquaculture Practices), ASC (Aquaculture Stewardship Council standard)... Chứng nhận theo các tiêu chuẩn này là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được sản xuất, chế biến có trách nhiệm đảm bảo tốt các quy định về lao động tức là phải tuân thủ pháp luật lao động nước sở tại (nơi xuất xứ hàng hóa) là Việt Nam.
Rõ ràng, khi pháp luật nước sở tại quy định quá chặt về các điều kiện mà DN cần tuân thủ trong lĩnh vực lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội thì vô tình đã “làm khó” cho DN và khiến DN Việt Nam càng trở nên yếu thế hơn trong việc cạnh tranh với các DN ở các quốc gia khác. Trong khi đó các quốc gia như Lào, Cambodia, Philippines vốn cùng trình độ phát triển kinh tế với Việt Nam nhưng lại đang được hưởng những quy định dễ dàng hơn của pháp luật lao động về thời gian làm việc, thời gian làm thêm… Hàng Việt Nam trước khi xuất sang các thị trường nước ngoài đã bị đánh trượt về điều kiện ngay trên chính “sân nhà”.
Có thể khiến cho những nỗ lực của Nhà nước hướng tới đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài trở nên vô ích
Lợi ích quốc gia từ chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ vô giá trị do rào cản pháp luật lao động quá lớn với các nhà đầu tư nước ngoài. Có thể thấy, nền sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay chưa phát triển nên không thể giảm chi phí giá thành đầu vào của nguyên vật liệu để tăng sức cạnh tranh. Lợi thế duy nhất để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là chi phí về lao động, nguồn nhân lực. Nhưng điểm mạnh này có thể trở thành điểm yếu khi môi trường pháp lý không thuận lợi, hàng loạt các chi phí cho NLĐ ngày càng tăng cao, họ có thể từ bỏ Việt Nam để tìm kiếm các quốc gia khác.
Nhiều “điểm mờ” có thể trở thành “rào cản” gây ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp
Nhiều quy định trong Dự thảo BLLĐ mới hiện nay đang “rất mờ” và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng (như các quy định về kỷ luật lao động, sa thải lao động, các quy định về tập nghề, sử dụng lao động thuê lại…). Điều này vô tình đã tạo “khoảng trống” cho pháp luật. Trong thực tiễn, khi các bên đánh giá độc lập cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, giải quyết khiếu nại, khởi kiện, đình công khi gặp phải các quy định mờ này thường diễn giải theo hướng “có lợi hơn cho người lao động” nên càng gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
Có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư
DN buộc phải làm điều này do năng lực tài chính hiện tại của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam) chưa đáp ứng được các yêu cầu của Dự thảo BLLĐ mới. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Khi hội nhập trên thị trường quốc tế, nguyên tắc hàng đầu giữa các doanh nghiệp là uy tín, là bảo đảm giao hàng đúng thời điểm. Đây chính là nguyên tắc sống còn của doanh nghiệp. Bởi nếu không tuân thủ, trước tiên doanh nghiệp phải chịu thiệt hại trực tiếp là các chế định phạt hợp đồng, sau là mất niềm tin với khách hàng, khó khăn trong việc tìm kiếm bạn hàng mới. Đối với doanh nghiệp lớn, hậu quả này còn tác động lớn đến hàng loạt các doanh nghiệp nhỏ cùng chuỗi cung ứng phía sau đó.
Nếu doanh nghiệp lại tiếp tục phải đối diện với việc gia tăng nhiều yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn về việc sử dụng lao động (theo Dự thảo BLLĐ mới) thì khó khăn càng nhân lên gấp bội lần so với hiện nay. Thay vì tập trung nguồn lực (tài chính, trí tuệ) vào thị trường và đem lại nhiều doanh số xuất khẩu, các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với vấn đề lao động và chắc chắn sẽ giảm đi lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hóa, giảm kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp dẫn tới bước đường cùng phải giải thể hoặc phá sản.
Gia tăng rủi ro cho doanh nghiệp
Dự thảo BLLĐ mới sẽ có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải gia tăng những rủi ro về chi phí lao động bên cạnh những rủi ro mà doanh nghiệp đã và đang phải đối diện liên quan đến thị trường, hàng hóa (nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công, làm dịch vụ các hàng hóa mang tính đặc thù về thời vụ, hoặc phải xử lý ngay các nguyên liệu nông - lâm - thủy sản tươi sống…). Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng.
Trong bối cảnh chúng ta còn chưa giàu (nếu không nói là nghèo), hãy tính đến khả năng “sống còn” của doanh nghiệp nếu không tạo điều kiện tương đối cho doanh nghiệp tồn tại và tuân thủ luật một cách nghiêm chỉnh. Và ở một góc nhìn khác, đó là lợi nhuận và doanh số, là sự khốc liệt của thị trường, là yêu cầu khắt khe của xuất khẩu hàng hóa… thì chính các doanh nghiệp mới là “kẻ yếu thế”. Nếu không bảo vệ họ, thì hãy hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tồn tại. Sau khi họ đã đủ sức để trụ vững thì hãy tính đến việc tăng dần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Có lẽ, Dự thảo BLLĐ mới đang đi ngược lại với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước và thật sự tạo ra “lực cản” giảm động lực phát triển kinh tế.
Vì vậy, xuất phát từ “lợi ích quốc gia” với mục tiêu quan trọng hàng đầu là gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, cần xem xét lại một số các quy định trong Dự thảo BLLĐ mới.