Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi có tư duy tương đối bảo thủ và lạc hậu

(vasep.com.vn) Tại Hội thảo “Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị” diễn ra vào ngày 18/9/2019 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội, TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright đã có bài tham luận gây được sự chú ý xung quanh vấn đề sửa đổi nội dung của Bộ Luật Lao động 2012 đặt trong xu thế của nền kinh tế mới và mục tiêu chính sách của đất nước.

Ban biên tập Bản tin TMTS xin đăng nguyên văn bài tham luận này.

Xu thế của nền kinh tế mới đấy là nhận định đầu tiên hay nói cách khác là bộ luật lao động này là bộ luật có tư duy tương đối bảo thủ và lạc hậu và ở rất nhiều điểm và quý vị có thể nhìn thấy và cũng sẽ được nghe phân tích. Nó là bước lùi so với Bộ Luật lao động 2012. Đấy là nhận định tổng quan đầu tiên của tôi.

Thứ 2 nữa là nói đến mục tiêu của chính sách thế thì có thể mục tiêu chính sách của nó rất đa dạng, nó có thể là bảo đảm việc làm, bảo đảm công bằng, bình đẳng rồi hiệu quả. Nhưng mà thực tế là khi nhìn vào từng điều khoản 1 (cái này tôi còn phân tích sau này) thì chúng ta không nhìn thấy được các mục tiêu đó đạt được (tôi sẽ quay lại và phân tích kỹ hơn). Tôi hơi băn khoăn là không hiểu là khi những người đệ trình những luật này ra thì đánh giá tác động chính sách như thế nào. Và từ năm 2016 đã có 1 nghị định, nói rằng tất cả bộ luật như thế này đều phải có đánh giá 1 cách toàn diện, đánh giá về kinh tế, đánh giá về xã hội, đánh giá về giới, đánh giá về khả năng thực thi liên quan đến thủ tục hành chính và đánh giá về tác động của nó đối với hệ thống pháp luật. thì đến thời điểm này thì tôi chưa được tiếp cận với văn bản này nên rất khó để có thể nói được là đánh giá này chính xác đến đâu nhưng mà nhìn vào cách thiết kế cũng như là từng điều khoản cụ thể thì tôi nghĩ là cái đánh giá nếu có đi chăng nữa thì hết sức sơ sài bởi vì nó không phản ảnh được đời sống thực sự, đời sống kinh tế thực sự của đất nước này cũng như là của các doanh nghiệp.

Bây giờ tôi xin đi vào một số các bình luận có tính chi tiết.

Thứ nhất là khi thảo luận vấn đề này tôi xin lưu ý là rất dễ chúng ta rơi vào 1 cái cách nhìn nhận hay là cách đánh giá dựa vào 1 mối quan hệ xung đột giữa 1 bên là giới chủ và bên kia là giới thợ, 1 bên là người sử dụng lao động- bên kia là người lao động. Tôi nghĩ cách nhìn nhận như thế là phiến diện và nó lạc hậu quá rồi. Chúng ta nên nhìn nhận nó từ góc độ tổng thể của nền kinh tế, một bộ luật ra đời nó có giúp cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tốt hơn hay không, nó có giúp tạo ra 1 thị trường hiệu quả hơn hay không, nó có tạo ra được các động lực để cho người lao động có thể lao động tốt hơn, người sử dụng lao động có thể sử dụng lao động hiệu quả hơn chứ đừng có nói về mâu thuẫn đối kháng có tính 1 mất, 1 còn giữa 1 bên là giới chủ, 1 bên là giới lao động; tôi nghĩ là cách nhìn nhận đó quá là cũ kỹ và nó quá lạc hâu rồi. Chúng ta nên bỏ cách nhìn nhận đấy. Mặc dù chúng ta vẫn phải đảm bảo cái sự hài hòa và lợi ích. Bây giờ quay lại những điều tôi nói lúc trước: vậy mục tiêu của bộ luật lao động nó là gì?

Thứ nhất là chúng ta là nền kinh tế thị trường hay ít nhất chúng ta tự nhận mình là nền kinh tế thị trường và chúng ta cũng đang đi xin hay là đi nài nỉ các quốc gia khác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Thị trường lao động là nguyên tố đầu vào cơ bản của bất kỳ nền kinh tế nào. Thế nhưng với bộ luật hiện nay chúng ta đang can thiệp quá sâu, quá thô bạo và quá chi tiết vào quan hệ lao động, thì tôi nghĩ là 1 cái sai ngay từ đầu về tư duy nằm đằng sau bộ luật này và nó không có tính thị trường hay nói cách khác trong nhiều phương diện nó còn đi ngược lại với chủ trương, cũng như là đi chậm lại so với bộ luật lao động 2012.

Về mặt kinh tế thị trường thì nguyên tắc là chúng ta chỉ can thiệp khi nào có thất bại của thị trường. Thế nhưng mà ở trong này dường như các nhà làm luật hay các nhà soạn thảo cái bản thảo của bộ luật lao động này đứng từ góc độ nhà nước phụ mẫu sợ là người lao động làm quá nhiều giờ- kiệt sức, sợ là giới chủ bóc lột lao động quá mức mặc dù 2 bên phải thỏa thuận, tức là có rất nhiều cái mà tư duy nằm sau bộ luật này cho thấy đây thể hiện 1 cách rõ nét của nhà nước phụ mẫu, nhà nước không tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết của người lao động cũng như là của người sử dụng lao động khi đã có khế  ước về lao động. Cái quan trọng là nhà nước cần phải làm thế nào được hợp đồng lao động và khế ước lao động nó được thực thi chứ không phải ngồi nghĩ thay cho người lao động hay ngồi nghĩ thay cho người sử dụng lao động cái điều đấy rất là quan trọng, nó đi ngược lại nguyên tắc thị trường.                 

Thứ hai nữa đó là cái tính hiệu quả: bất kì bộ luật lao động hay bộ luật nào khác thì cũng phải đảm bảo làm thế nào cho thị trường vận hành 1 cách hiệu quả. Thế thì nhưng anh Cung nói ban đầu, tôi nghĩ rất đúng là kinh tế của Việt Nam bây giờ cái lợi thế vẫn đi từ lao động và có thể nói một cách rất thẳng thắn là lao động giá rẻ với quy mô lớn. Thế thì nếu như chúng ta tạo ra bộ luật lao động như thế này thì chúng ta không toàn dụng lao động được khi mà chúng ta giới hạn, giới hạn liên quan tới thời gian làm thêm, giới hạn liên quan tới tiền lương lũy kế, những cái khái niệm nó rất là không đúng với kinh tế thì với những giới hạn này chúng ta sẽ không toàn dụng lao động được và thậm chí chúng ta có thể tạo ra thiểu dụng lao động và thất nghiệp có tính cơ cấu với nguyên nhân từ chính sách. Với chính sách này chúng ta tạo ra chuyện đấy và điều đó hoàn toàn không nên nếu như chúng ta thực sự muốn nhìn bộ luật lao động này từ góc độ tăng cường hiệu quả nền kinh tế.

Hơn nữa là không những thế nó còn tạo ra khuyến khích ngược như chị Lan Anh nói rất đúng. Nếu như chúng ta làm tiền lương ngoài giờ có tính lũy kế như thế thì có khả năng người ta sẽ làm không được năng suất trong 1, 2 giờ đầu để người ta chờ đến giờ thứ 3- 4. Nói tóm lại khi chúng ta đưa ra tiền lương lũy kế đấu tưởng là khuyến khích người lao động, tưởng là lo cho người lao động nhưng thực tế lại không phải, thực tế có thể làm cho người lao động trở nên lười biếng hơn và tăng chi phí của người tuyển dụng lao động và vì vậy họ còn giảm bớt giờ làm của người lao động. Như vậy tức là khuyến khích ngược đó là điều mà bộ luật lao động này đầy rẫy, các quý vị tìm thử điều khoản, tôi có thể chỉ ra.

Thứ ba nữa là về tuân thủ: tức là khi bộ luật nào đó xảy ra thì cũng phải có chi phí tuân thủ và chi phí cưỡng chế tuân thủ này và tôi nhìn điều này có thể thấy rất nhiều quy định nó không phù hợp với thực tiễn kinh doanh. Vì vậy người sử dụng lao động dứt khoát phải tìm cách lách dứt khoát tạo ra chi phí và chi phí đấy là chi phí lãng phí của xã hội mà không nên có.

Khi chúng ta nói về công bằng thì chúng ta cần lưu ý là có rất nhiều đối tượng khác nhau chịu sự tác động. Anh Cung có nói là dường như bộ luật này đang thu hẹp lại về đối tượng điều chỉnh. Và vì vậy thì nó không tạo ra được sự công bằng của các đối tượng lao động khác nhau.

Vấn đề thứ 4 đó là làm thế nào để một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và bộ luật lao động này dựa trên những cái phân tích hoặc đánh giá (tôi nghĩ chắc chắn không đầy đủ) nên mới tạo ra 1 cái khuôn khổ trong đó tăng chí phí sử dụng lao động, tăng tiền lương, tăng các chi phí liên quan và tăng luôn cả chi phí tuân thủ. Và với năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam ở lao động giản đơn, lao động lắp ráp và có năng suất thấp. và có thêm điều nữa là năng suất của chúng ta trong vòng 15 năm qua luôn luôn thấp hơn tốc độ tăng của tiền lương. Tiền lương tăng độ 7 đến 8% (trung bình trong vòng 15 năm qua), năng xuất thì tăng từ 2 đến 3% riêng cái chuyện đấy đã làm cho chúng ta mất đi 1 cái lợi thế so sánh rất lớn rồi. Với bộ luật lao động này, cái lợi thế so sánh của chúng ta về lao động tiếp tục bị xói mòn, làm cho Việt Nam trở nên thất thế hơn trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Và cái cuối cùng, đó là thị trường lao động nó phải linh hoạt, nó phải hiệu quả, công bằng nhưng mà quan trọng là nó rất linh hoạt. Vậy linh hoạt là gì: tạo ra 1 cái không gian để cho các cái người sử dụng lao động có thể sử dụng lao động 1 cách hiệu quả nhất. Tôi lấy đơn cử ví dụ như là bây giờ chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập và công nghệ 4.0, nếu như với các ngành nghề mới rất nhiều người sẽ phải làm việc (tiếng anh gọi là around the clock) tức là họ có 1 khách hàng bên mỹ, họ sẽ phải làm việc ban đêm, lúc đó họ sẽ bảo là làm việc ngoài giờ và lúc đấy thì chúng ta sẽ tính cái áp lương này thì chúng ta có còn cạnh tranh được nữa hay không.

Và cái việc đấy đơn giản chỉ cần là người lao động tự nguyện, tại sao nhà nước phải lo họ kiệt sức khi làm việc ban đêm trong khi đó ban ngày họ có thể nghỉ ngơi bởi vì họ phải làm với đối tác bên Mỹ (tức là bên kia bán cầu với thời gian chênh lệch là 12 tiếng) nên là cái bộ luật này nó quá lạc hậu về tư duy, nó không đi kịp với nền kinh tế. Và tôi cam đoan là nếu bộ luật này ra đời chỉ vài năm sau chúng ta thấy là phải sửa tiếp. Vậy nên là một bộ luật mà không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, có tư duy lạc hậu và trong nhiều chừng mực lại làm tổn hại đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì bộ luật này là bộ luật đạt giải quán quân. Tôi nghĩ là (tôi thì không phải là người đi vào chi tiết, không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này, không phải sử dụng người lao động nhưng mà tôi nghĩ) đứng dưới góc độ toàn thể của nền kinh tế thì đây là bộ luật cần được dừng lại, nó chưa sẵn sàng đưa ra quốc hội.

TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên đề
  • Trang chủ - Right- BOTTOM
  • Trang chủ - Right - BOTTOM