Khắc phục "thẻ vàng" IUU, vấn đề không của riêng địa phương nào

Hiện nay muốn gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) thì cả nước phải không có tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Do vậy, đây là vấn đề của quốc gia chứ không riêng địa phương nào.

 

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Thị Thu Sắc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Ngày 14/6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Đối thoại kiểm soát khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).

Tại hội nghị đối thoại, một số ngư dân cho rằng lực lượng chức năng và các địa phương cần có giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xử lý nghiêm các tàu khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt. Từ đó, giúp ngư dân khai thác ổn định tại vùng biển trong nước; ban hành những quy định chặt chẽ về khai thác thủy sản có giới hạn, đúng cách thức, đúng chủng loại để nguồn lợi thủy sản không bị cạn kiệt.
Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ liên kết thu mua - chế biến - xuất khẩu thủy sản để giúp ngư dân nâng cao thu nhập từ nghề biển; tuyên truyền rộng rãi hình thức xử phạt đối với tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện nay muốn gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) thì cả nước phải không có tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài. Do vậy, đây là vấn đề của quốc gia chứ không riêng địa phương nào.
“Đối với các tàu cá Bình Định vi phạm khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài, cơ quan chức năng tỉnh phải có những xử phạt để cảnh báo ngư dân, đồng thời không hỗ trợ dầu đi biển để răn đe. Bình Định có nhiều tàu khai thác cá ngừ đại dương nên rất thuận lợi cho việc tuyên truyền, cảnh báo để ngư dân đánh bắt hợp pháp”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết.

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định Trần Văn Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, mặc dù lượng tàu cá giảm nhưng nhờ thực hiện các hình thức đánh bắt hiện đại nên sản lượng khai thác thủy sản vẫn tăng hằng năm. Tổng sản lượng khai thác thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng khai thác cá ngừ đại dương tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, nguồn lợi thủy sản trên biển có xu hướng suy giảm. Trong thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện việc điều tra nguồn lợi thủy sản, trên cơ sở đó cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho các tỉnh, phù hợp với nguồn lợi thủy sản tại mỗi địa phương; nếu nguồn lợi thủy sản ven bờ giảm thì hạn chế tàu khai thác vùng này mà có thể tăng tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi. Về vấn đề này, Bình Định nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ nên ổn định được nguồn lợi thủy sản.
Ông Trần Văn Phúc dẫn chứng, trước đây nhiều tàu cá tại phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn) khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Nhưng đến nay, địa phương này không còn vi phạm nữa mà ngư dân khai thác ổn định tại vùng biển trong nước. Trong khi đó, tàu vi phạm hiện nay lại tập trung tại huyện Phù Cát, nguyên nhân là do ngư dân mong muốn lợi ích cao.
Liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá vi phạm, ông Trần Văn Phúc cho biết, đến nay cơ quan chức năng đã ban hành 36 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài; trong đó trường hợp tàu cá có mức xử phạt cao nhất là 950 triệu đồng.

Tuy nhiên, hầu hết các chủ tàu cá chưa thi hành quyết định xử phạt do hoàn cảnh khó khăn, một số tàu đang bị tạm giữ. Trong thời gian tới, Bình Định sẽ kiên quyết hơn trong việc xử phạt để tạo sức răn đe.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập tổ công tác để đi vào các tỉnh phía Nam để tuyên truyền cho đội tàu cá Bình Định đang hoạt động tại vùng biển các địa phương này. Sau đó, sẽ làm việc với chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý vi phạm đối với tàu cá Bình Định khai thác trái phép vùng biển nước ngoài”, ông Trần Văn Phúc nói.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh Bình Định và các ngành chức năng đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biền nước ngoài như: tuyên truyền vận động chủ tàu cá, ngư dân làm bản cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; hỗ trợ lắp thiết bị giám sát hành trình; duy trì và kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; tổ chức tuần tra, kiểm soát các vùng biển được phân công quản lý; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các tàu cá. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, ảnh hưởng rất lớn đến việc khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
Mới đây, tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo tăng cường các lực lượng chấp pháp trên các vùng biển chồng lấn để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa tàu cá Việt Nam nói chung và tàu cá Bình Định nói riêng có dấu hiệu xâm phạm vùng biển nước ngoài và kịp thời thông báo cho địa phương để lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Đối với các tàu cá Bình Định lâu ngày không về địa phương, tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương nơi tàu cá Bình Định lưu trú tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài để cảnh báo, răn đe, xử lý; vận động chủ tàu cá có chiều dài từ 12-15 mét lắp đặt giám sát hành trình để đảm bảo phục vụ quản lý tàu thuyền./.

Bảo Ngọc (Theo Bnews)

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục