Chính phủ Ghana tăng cường kiểm tra hoạt động đánh bắt IUU

(vasep.com.vn) Tại cuộc họp các bộ trưởng phụ trách nghề cá và nuôi trồng thuỷ sản của Tổ chức các quốc gia Châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương (OACPS) tổ chức tại Accra – Ghana, Bộ trưởng Bộ Nghề cá và Nuôi trồng Thuỷ sản Ghana đã tuyên bố rằng hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đang đe doạ tính bền vững của nghề cá và ảnh hưởng tới các nỗ lực tái tạo lại nguồn lợi thuỷ sản đang bị cạn kiệt. Do đó, kế hoạch thu mua tàu thuyền để tăng cường kiểm soát tại các vùng biển của nước này nhằm ngăn chặn hoạt động đánh bắt IUU là hết sức cần thiết.

Chú thích ảnh

Theo Bộ trưởng, các yếu tố tự nhiên như biến đổi khí hậu, các hoạt động do con người gây ra như ô nhiễm đại dương và suy thoái biển đang ảnh hưởng tới nguồn lợi thuỷ sản của nước này. Bên cạnh đó, các hoạt động đánh bắt IUU cũng có những tác động không nhỏ. Do vậy, các biện pháp cải thiện cần phải được áp dụng để giải quyết các vấn đề trong ngành thuỷ sản.

Liên quan đến các biện pháp giải quyết các thách thức này, Bộ trưởng chỉ ra rằng kế hoạch mua lại các tàu nghiên cứu và tàu tuần tra cho ngành thuỷ sản ở Ghana là rất cần thiết. 4 tàu tuần tra sẽ tăng cường năng lực thực thi để giải quyết vấn đề lạm thác, cũng như hạn chế tình trạng đánh bắt IUU tràn lan.

Thật đáng buồn khi thấy rằng sản lượng đánh bắt trên toàn cầu đang giảm, đặc biệt là các nước đang phát triển đang gặp tình trạng dư thừa công suất và giảm lợi nhuận. Bộ trưởng cho biết nguồn lợi thuỷ sản đang bị lạm thác do hoạt động đánh bắt IUU. Đánh bắt IUU là mối đe doạ đối với sự phát triển bền vững của nghề cá và ảnh hưởng tới nỗ lực tái tạo lại nguồn lợi thuỷ sản đang cạn kiệt.

Việc mua 1 tàu nghiên cứu và 4 tàu tuần tra cho ngành thuỷ sản của Ghana đang giúp nâng cao hiệu quả của các hoạt động. Tàu nghiên cứu sẽ đảm bảo việc nghiên cứu thường xuyên các đặc điểm vật lý, hoá học và sinh học của vùng biển và trữ lượng khai thác, để tăng cường khả năng cung cấp dữ liệu cho các chiến lược quản lý nghề cá dựa trên cơ sở khoa học.

Nói về tương lai của ngành thuỷ sản trong nước, Bộ trưởng chỉ ra rằng nuôi trồng thuỷ sản đang được coi là giải pháp thay thế tốt nhất để tăng sản lượng thuỷ sản, giảm nhập khẩu và tạo thêm việc làm và lợi nhuận.

Tuy nhiên, sản lượng nuôi trồng vẫn chưa đủ bù đắp khoảng cách giữa sản lượng và nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản.

Bộ trưởng cho biết, các yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển nuôi trồng thuỷ sản của Ghana bao gồm cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản không đầy đủ, năng lực kỹ thuật thấp, chi phí đầu vào cao, đặc biệt là thức ăn cho cá, năng lực quản lý dịch bệnh thấp và việc thực thi các biện pháp quản lý yếu kém.

Trợ lý Tổng thư ký OACPS, trong bài phát biểu của mình đã nói rằng OACPS coi ngành thuỷ sản có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó đóng vai trò quan trọng và vô giá trong việc củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng, việc làm, xuất khẩu, thương mại và sinh kế của nhiều người tại các quốc gia, đặc biệt là tại 38 quốc đảo nhỏ đang phát triển của OACPS.

Ông này cho biết, phát triển bền vững ngành đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản phải đối mặt với những thách thức to lớn; và khả năng duy trì lợi ích cho người dân tại các nước đang gặp rủi ro từ những thách thức về quản trị thuỷ sản cũng như những thách thức và áp lực do con người gây ra - chẳng hạn như biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức, ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Trợ lý Tổng thư ký nhấn mạnh rằng Hội nghị OACPS cùng với các hội nghị khác nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết chung và tận dụng tốt kinh nghiệm, kiến thức và học hỏi lẫn nhau để tận dụng tiềm năng của ngành đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản cho sự phát triển quốc gia.

Nguyễn Hà
Chuyên gia thị trường Cá ngừ
Email: vanha@vasep.com.vn
Điện thoại 024. 37715055 - ext. 216

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục