Trong 5 năm qua, Hiệp hội đã tổng hợp phản ánh của nhiều DN hội viên liên quan đến vướng mắc tại quy định chỉ tiêu Phospho, Nito và Amoni, đặc biệt là chỉ tiêu Phospho, trong QCVN nước thải sau xử lý của nhà máy chế biến thuỷ sản.
Do đặc thù ngành nghề, lại gắn trách nhiệm với khách hàng quốc tế trong xuất khẩu, các DN thuỷ sản đều đặc biệt quan tâm & tuân thủ quy định bảo vệ môi trường với nỗ lực tối ưu nhất trong cả đầu tư và công nghệ xử lý nước thải. Tuy nhiên, với ngưỡng quy định hiện hành tại QCVN 11:2015 đang là khá nghiêm ngặt thì phần lớn các nhà máy hiện đều rất khó để đáp ứng quy định đối với 3 chỉ tiêu kể trên. Điển hình nhất là chỉ tiêu Phospho chỉ cho phép là 20 ppm (cột B) và 10ppm (cột A) mà hàng năm nhiều nhà máy thuỷ sản bị thanh-kiểm tra đều bị vi phạm (từ 1,5-3 lần) và bị phạt vi phạm hành chính, kèm các rủi ro phát sinh khác. Đây là bất cập lớn đang ảnh hưởng nhiều đến hoạt động SXKD của DN nói riêng, năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam so với các nước trong khu vực nói chung. Mấy năm qua, VASEP đã có các văn bản và nhiều cuộc họp, đối thoại với Bộ TN-MT, Bộ NNPTNT để báo cáo, kiến nghị sửa đổi ngưỡng phospho lên 40ppm.
Hiện nay, Bộ TN-MT đang lấy ý kiến các bên cho dự thảo QCVN mới về nước thải công nghiệp. Dự thảo này sẽ thay thế cả cho QCVN 40 (nước thải công nghiệp) và QCVN 11 (nước thải chế biến thủy sản), đưa nước thải chế biến thủy sản vào chung QCVN nước thải công nghiệp. Và đặc biệt, các chỉ tiêu trong Dự thảo này đang ngặt nghèo hơn QCVN 11-MT:2015/BTNMT rất nhiều: Phospho chỉ từ 4-6 mg/l, Nitơ chỉ từ 20-40 mg/l, Amoni chỉ từ 5-10 mg/l. Điều này đang gây ra quan ngại rất lớn cho cộng đồng DN chế biến xuất khẩu thủy sản hiện nay.
Với tinh thần xây dựng cao nhất của một ngành hàng, và cam kết chung tay với Chính phủ, với Bộ TNMT và Bộ NNPTNT trong tuân thủ đầy đủ các quy định bảo vệ môi trường cũng như hài hoà với đặc thù ngành và khả năng, sức cạnh tranh của ngành thuỷ sản Việt Nam. Để giải quyết các bất cập trên và hài hòa giữa mục tiêu đảm bảo môi trường và phát triển kinh tế, Hiệp hội trân trọng đề nghị Bộ trưởng có ý kiến đề nghị với Bộ TNMT xem xét điều chỉnh, sửa đổi Dự thảo QCVN mới về nước thải CBTS theo các nội dung sau:
1. Không gộp nước thải chế biến thủy sản vào Dự thảo QCVN công nghiệp chung nhiều ngành, tiếp tục thực hiện QCVN riêng cho chế biến thủy sản do yếu tố đặc thù của ngành như đã thực hiện riêng tron suốt hơn 20 năm qua.
2. Nâng ngưỡng cho phép của chỉ tiêu phospho lên mức 40ppm (cột B) và 30ppm (cột A) để phù hợp với điều kiện thực tế của DN chế biến thủy sản Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế các nước trong khu vực; sau khi hết lộ trình áp dụng 10 năm (đến 2031) như kiến nghị mục (3) dưới thì đưa ngưỡng phospho về mức 20ppm.
3. Áp dụng lộ trình thực hiện 10 năm cho QCVN mới theo thông lệ quốc tế (như trường hợp của Mỹ và một số nước là 10 năm) để có thời gian cho phép DN tìm kiếm công nghệ, đầu tư và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải của nhà máy.
4. Giữ nguyên ngưỡng kiểm soát của Amoni và Ni-tơ như trong QCVN 11-MT:2015.