Thách thức thực thi của EVFTA và EVIPA

Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström khẳng định với EVFTA và EVIPA mọi người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp hai bên đều sẽ hưởng lợi.

Khẳng định tại lễ ký kết  Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chiều ngày 30/6, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström cho biết: “Mọi người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp hai bên đều sẽ hưởng lợi lớn hơn từ Hiệp định. Đây là tín hiệu gửi đi cho thế giới khi xu thế bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nơi".

Thu hút vốn đầu tư chất lượng cao từ EU

Với 99% dòng thuế được xoá bỏ cùng với nhiều mặt hàng được hưởng lợi, Cao ủy Thương mại EU tin tưởng Hiệp định sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư giữa hai bên.

Theo đó, trích tục ngữ Việt Nam“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, bà Malmström cảm ơn mọi đối tác Việt Nam đã tham gia đàm phán từ những ngày đầu để giúp EVFTA đi đến hoàn thiện.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc ký kết các hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà cả trong lĩnh vực thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, lao động, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế Việt Nam theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, thông lệ tốt của quốc tế, đặc biệt là của Liên minh châu Âu.

Ngoài ra, IPA giúp tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

“Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Trong khi đó, ông Stefan Radu Oprea, Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Romania kêu gọi Quốc hội Việt Nam thông qua các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng như tiếp tục quá trình sửa đổi Luật Lao động.

Thách thức thực thi

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã chỉ ra, một số thách thức là thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực, năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam...

“Do vậy, để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các hiệp định này, cùng với những những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo đó Chính phủ sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế... nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Tin cùng chuyên mục