(vasep.com.vn) Trong bối cảnh giá bán tại trại sụt giảm, chi phí thức ăn tăng cao và nhu cầu chuyển dịch sang các loài giá trị cao, ngành thức ăn thủy sản Trung Quốc đang trải qua một cuộc chuyển mình sâu rộng, buộc các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ và tái cấu trúc toàn diện.

Thức ăn chiếm đến 60 – 70% tổng chi phí nuôi, khiến người nuôi tìm kiếm giải pháp thức ăn hiệu quả hơn nhưng phải phù hợp túi tiền. Ông Liu nhận định: “Người nuôi cần loại thức ăn giúp tăng trưởng nhanh nhưng giá vẫn phải chấp nhận được, đó là yêu cầu lớn nhất của họ.” Không chỉ là bài toán kinh tế, cuộc chuyển mình còn mang yếu tố công nghệ. Khi kỹ thuật nuôi dần hoàn thiện, tỷ lệ sống cải thiện, mục tiêu chính là tối ưu hóa lợi nhuận. Theo ông Liu, điều này đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí trong thức ăn, quản lý trại và các khâu sản xuất khác.
Theo đại diện Tập đoàn Haid, thời điểm hiện tại là bước ngoặt sống còn. “Không còn loài nào mang lại lợi nhuận lớn. Việc chuyển đổi là bắt buộc, chúng ta phải cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu suất. Giờ đây, vấn đề không chỉ là công thức thức ăn, mà là cả một nền tảng vận hành: từ chi phí nội bộ, mua nguyên liệu giá tốt, đến tận dụng dịch vụ tài chính để tối ưu hóa”, Ông Zhang nhấn mạnh. Còn tại Tongwei, trong hai năm qua, tập đoàn đã xây dựng hệ thống nhà máy thức ăn tiêu chuẩn hóa, tự động hóa và thông minh. “Từng đơn vị thành viên đều có xưởng sản xuất hiện đại, mọi quy trình từ chuỗi cung ứng đến hệ thống bán hàng đều được phát triển theo tiêu chuẩn số hóa.” – ông Liu nói.
Dù đang đối mặt với nhiều thách thức, triển vọng dài hạn của ngành vẫn rất tích cực. Theo đại diện Tianma Tech: “Nuôi trồng thủy sản vẫn sẽ tăng trưởng , đây là nguồn cung protein chất lượng cao thiết yếu. Trong khi nhu cầu thức ăn cho heo và gia cầm chững lại, thì thức ăn thủy sản, đặc biệt là cho loài đặc sản lại tăng mạnh.”