(vasep.com.vn) Báo cáo mới nhất về Nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ đã hạ bậc Thái Lan xuống mức “tier 2.5” – không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu. Tổ chức Công lý Môi trường (EJF) cho rằng đây là quyết định đúng đắn, bởi vì mặc dù nước này đã đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn cần phải có thêm hành động để đưa ra các cải cách và đảm bảo pháp luật được thực thi đầy đủ.
EJF, đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Hoàng gia Thái Lan từ năm 2015 để giải quyết vấn nạn đánh bắt bất hợp pháp và các vấn đề liên quan đến vi phạm nhân quyền, có thể chứng minh rằng Thái Lan đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc chống lại nạn buôn người và nô lệ trên biển và hoạt động đánh bắt bất hợp pháp. Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ (NGO) này cũng phát hiện ra những thiếu sót nghiêm trọng đang diễn ra khiến ngành đánh bắt thuỷ sản của Thái Lan không thể thực sự phát triển bền vững, hợp pháp và có đạo đức, những vấn đề liên quan đến kế hoạch đưa ra luật mới.
Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đã thực hiện các bước quan trọng cơ bản trong việc phê chuẩn cả Nghị định thư về Lao động cưỡng bức (P29) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) – nhằm cam kết bảo vệ các nạn nhân của lao động cưỡng bức và các biện pháp trừng phạt đối
với người vi phạm – và Công ước về Lao động nghề cá C188 – trong đó đặt ra các tiêu chuẩn cơ bản về công việc trong ngành đánh bắt thuỷ sản. Tuy nhiên, việc phê chuẩn mới chỉ là bước đầu, các biện pháp này phải được tích hợp đầy đủ trong luật pháp của Thái Lan và được thực thi đồng đều và toàn diện. EJF cho biết các biện pháp quan trọng khác của ILO phải được thông qua, chẳng hạn như các biện pháp đảm bảo quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể. Những điều cuối cùng này sẽ cho người lao động nhập cư các quyền lao động và sự bảo vệ tương tự như những người lao động trong nước. Điều này cũng sẽ khiến cho ngành vốn đang thiếu hụt lao động trở nên hấp dẫn hơn đối với những người lao động tiềm năng.
Mạng lưới kiểm tra tại cảng (PIPO) của Thái Lan có tiềm năng trở thành công cụ mạnh để chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền. Tất cả các tàu có trọng tải trên 30 tấn phải báo cáo cho trung tâm PIPO địa phương của họ trước và sau mỗi chuyến đánh bắt, để cơ quan chức năng kiểm tra. Tuy nhiên, EJF đã nhận thấy một số thiếu sót đáng lo ngại trong cuộc điều tra, bao gồm cả việc thiếu phương pháp tiếp cận nhất quán, lấy nạn nhân làm trung tâm để phỏng vấn trực tiếp và việc thực thi này thiếu nhất quán tại các cảng của Thái Lan.
Ngoài ra, các hành động vi phạm hiện đang được Chính phủ Thái Lan xem xét có thể đẩy lùi tiến độ và làm suy giảm các sáng kiến trong tương lai. Mỗi quan tâm lớn nhất trước mắt là “Đạo luật về hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận”, đạo luật này sẽ hình sự hoá quyền tự do của hiệp hội, hạn chế quyền tự do ngôn luận, và trao cho chính quyền quyền giám sát đối với các tổ chức NGO. EJF đang kêu gọi bác bỏ luật được đề xuất này.