Bảo vệ nguồn lợi thủy sản để gỡ “thẻ vàng” EC

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng, phát triển ngành thủy sản bền vững mà còn góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, bảo tồn nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa thế nào đối với việc gỡ “thẻ vàng” của EC?

Ông Trần Đình Luân: Việt Nam là quốc gia biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế biển, xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với hơn 11.000 loài sinh vật biển đã được phát hiện, trong đó có 1.385 loài hải sản, nhiều loài quý hiếm. Tuy nhiên, do việc khai thác quá mức, không đúng kích cỡ theo quy định đã và đang làm nguồn lợi hải sản ở các vùng biển có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng cả về trữ lượng và chất lượng; các hệ sinh thái biển cũng bị ảnh hưởng.

Do đó, việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm thực hiện các quy định Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để gỡ "thẻ vàng" EC mà còn tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân sống dựa chủ yếu từ việc khai thác nguồn lợi thủy sản và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong tương lai. 

Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT, Chính phủ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với mục tiêu chung là bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác, gắn với bảo vệ, bảo tồn, phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản, xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm. Bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế...

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản để gỡ “thẻ vàng” EC

Tham quan mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái). Ảnh: DIỆP ANH 

PV: Trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11-3-2021 theo hướng từ nay đến năm 2030 là tăng nuôi trồng, giảm khai thác thủy sản. Vậy thời gian tới, ngành thủy sản sẽ làm gì để thực hiện chủ trương này, thưa ông?

Ông Trần Đình Luân: Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, một trong những mục tiêu của ngành thủy sản đến năm 2030 là tổng sản lượng thủy sản trong nước đạt 9,8 triệu tấn (nuôi trồng 7,0 triệu tấn, khai thác 2,8 triệu tấn). Để đạt mục tiêu trên, ngành thủy sản cần nhiều bước đột phá nhưng vẫn phải bảo đảm các giá trị về kinh tế, môi trường và xã hội.

Để giảm sản lượng khai thác từ 3,8 triệu tấn xuống còn 2,8 triệu tấn, ngành thủy sản cần triển khai đồng bộ các biện pháp giúp từng bước giảm số lượng tàu cá hoạt động thiếu hiệu quả trên biển; giảm số tàu khai thác vùng lộng và vùng ven bờ; khuyến khích phát triển tổ, đội khai thác trên biển, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác thủy sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ thủy sản khai thác.

Đối với nuôi trồng thủy sản, tập trung phát triển sản xuất và tiêu thụ thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra); phát triển các loại có giá trị kinh tế cao như nhuyễn thể, tôm hùm, cá rô phi, cá nước lạnh... Tận dụng tiềm năng mặt nước như biển, sông, hồ chứa để phát triển nuôi thủy sản, gia tăng sản lượng. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển để vừa góp phần bảo vệ an ninh trên biển, vừa tạo ra lượng hàng hóa lớn.

Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm nước lợ, cá tra, các loài có giá trị kinh tế, lợi thế của địa phương. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi nuôi trồng thủy sản để tạo ra các giống mới có khả năng sinh trưởng tốt, năng suất cao, sạch bệnh...

PV: Thưa ông, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như: EVFTA, CPTPP, RCEP, UVFTA... đem đến nhiều cơ hội phát triển đối với ngành thủy sản của Việt Nam. Vậy còn thách thức là gì?

Ông Trần Đình Luân: Các FTA thế hệ mới đã và đang đem đến cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, sản xuất trong nước đối với ngành thủy sản Việt Nam. Nhưng song hành với cơ hội là những thách thức do các FTA có cơ chế thực thi rất chặt chẽ. Khai thác và nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Hàng hóa không chứng minh được xuất xứ thì không được hưởng ưu đãi thuế, bị truy thu thuế nếu trước đó đã được hưởng ưu đãi thuế.

Khai thác thủy sản phải tuân thủ các biện pháp bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển được quy định tại Công ước UNCLOS 1982. Các quy định về thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững, dựa trên các khía cạnh kinh tế-xã hội và môi trường; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp tương đương nhằm ngăn ngừa và loại bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại thủy sản giữa các bên...

Việc khuyến khích tuân thủ các hiệp định như: Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng (PSMA), Hiệp định thực hiện các điều khoản của Công ước Luật Biển của Liên hiệp quốc năm 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa (UNFSA)... cũng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của FAO.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo báo Quân đội nhân dân)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục