Điều 12
đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước thành viên đang phát triển
12.1. Các Thành viên phải dành sự đối xử khác biệt và ưu đãi hơn đối với các Thành viên là nước đang phát triển thông qua các điều khoản quy định dưới đây cũng như các điều khoản có liên quan quy định tại các Điều khác của Hiệp định này.
12.2. Các Thành viên phải dành sự quan tâm đặc biệt đến các điều khoản của Hiệp định này liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của các Thành viên là nước đang phát triển và phải xem xét đến những nhu cầu phát triển, tài chính, thương mại đặc biệt của các nước này trong quá trình thực hiện Hiệp định này, cả trong phạmvi quốc gia và cả trong việc thực hiện các thoả thuận về thể chế của Hiệp định này.
12.3. Các Thành viên phải xem xét đến những nhu cầu phát triển tài chính, thương mại đặc biệt của các Thành viên là nước đang phát triển trong quá trình soạn thảo, áp dụng các văn bản pháp quy kỹ thuật tiêu chuẩn và các thủ tục đánh giá sự phù hợp, để đảm bảo các pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn và các thủ tục này không tạo ra những cản trở không cần thiết đối với hàng xuất khẩu từ những Thành viên là nước đang phát triển.
12.4. Các Thành viên thừa nhận rằng mặc dù có tồn tại các tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc những khuyến cáo của quốc tế nhưng trong những điều kiện kinh tế - xã hội và công nghệ của mình, các Thành viên là nước đang phát triển được chấp nhận một số các pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn hoặc các thủ tục đánh giá sự phù hợp nhằm bảo vệ công nghệ bản địa, phương pháp và quá trình sản xuất phù hợp với nhu cầu phát triển của mình. Do vậy, các Thành viên cũng thừa nhận rằng các Thành viên là nước đang phát triển không mong muốn dùng các tiêu chuẩn quốc tế, kể cả các phương pháp thử nghiệm không phù hợp với nhu cầu phát triển, tài chính, thương mại của mình để làm căn cứ cho các pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn của mình,
12.5. Các Thành viên phải có những biện pháp thich hợp để đảm bảo cho các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc tế và các hệ thống quốc tế về đánh giá sự phù hợp được tổ chức và hoạt động dưới hình thức tạo thuận lợi cho sự tham gia đại diện và tích cực của tất cả các cơ quan cóliên quan ở các nước Thành viên, trong đó cần xem xét đến các khó khăn đặc biệt của các Thành viên là nước đang phát triển.
12.6. Căn cứ yêu cầu của các Thành viên là nước đang phát triển, các Thành viên phải có những biện pháp thích hợp trong khả năng của mình đảm bảo cho các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc tế xem xét khả năng và nếu thực tiễn cho phép, tiến hành soạn thảo các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến các sản phẩm mà các Thành viên là nước đang phát triển đặc biệt quan tâm.
12.7. Phù hợp với các điều khoản của Điều 11, các Thành viên phải dành sự hỗ trợ kỹ thuật cho các Thành viên là nước đang phát triển để đảm bảo rằng việc soạn thảo và áp dụng các văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn và các thủ tục đánh giá sự phù hợp không tạo ra những cản trở không cần thiết cho việc mở rộng và đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu từ các Thành viên là nước đang phát triển. Khi xác định nội dung và điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, cần xem xét đến giai đoạn phát triển của các Thành viên có yêu cầu và đặc biệt là những Thành viên là nước kém phát triển.
12.8. Phải thừa nhận rằng các Thành viên là nước đang phát triển có thể gặp phải những khó khăn đặc biệt bao gồm cả những khó khăn về thể chế và cơ sở hạ tầng trong quá trình soạn thảo và áp dụng các pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn và các thủ tục đánh giá sự phù hợp. Hơn nữa phải thừa nhận rằng những nhu cầu phát triển, tài chính, thương mại đặc biệt của các Thành viên là nước đang phát triển cũng như trình độ phát triển công nghệ của họ có thể cản trở khả năng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của họ theo Hiệp định này. Do vậy, các Thành viên phải quan tâm xem xét yếu tố thực tế này một cách đầy đủ. Để đảm bảo các Thành viên là nước đang phát triển có khả năng thực hiện Hiệp định này, Uỷ ban về hàng rào kỹ thuật trong thương mại được quy định tại Điều 13 (dưới đây được gọi là Uỷ ban) có thể dành những ngoại lệ trong thời hạn nhất định trong việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ theo Hiệp định này, khi có yêu cầu. Khi xem xét những yêu cầu này, Uỷ ban phải xem xét những khó khăn đặcbiệt trong quá trình soạn thảo và áp dụng các văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn và các thủ tục đánh giá sự phù hợp, và những nhu cầu đặc biệt về phát triển và thương mại của các Thành viên là nước đang phát triển, cũng như mức độ phát triển công nghệ của họ có thể cản trở khả năng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của họ theo Hiệp định này. Đặc biệt, Uỷ ban này phải quan tâm xem xét các khó khăn đặc biệt của các Thành viên là nước kém phát triển.
12.9. Trong quá trình tư vấn, các Thành viên là nước phát triển phải chú ý đến những khó khăn đặc biệt của các Thành viên là nước đang phát triển trong việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, các pháp quy kỹ thuật và các thủ tục đánh giá sự phù hợp, và vớiư mong muốn hỗ trợ các Thành viên là nước đang phát triển trong lĩnh vực này, các Thành viên là nước phát triển phải lưu ý đến những nhu cầu đặc biệt về tài chính, thương mại và sự phát triển của các Thành viên là nước đang phát triển.
12.10. Uỷ ban phải rà soát thường xuyên biện pháp đối xử đặc biệt và khác biệt như đã nêu trong Hiệp định này, dành cho các Thành viên là nước đang phát triển ở cấp quốc gia và quốc tế.
Các cơ quan, tư vấn và giải quyết tranh chấp
Điều 13
Uỷ ban về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại
13.1. Uỷ ban về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại sẽ được thành lập gồm các đại diện của tất cả các nước Thành viên. Uỷ ban sẽ chọn một Chủ tịch Uỷ ban và nhóm họp khi cần thiết nhưng không ít hơn một lần một năm với mục đích tạo cơ hội cho các Thành viên tham vấn về những vấn đề liên quan đến việc điều hành Hiệp định này hoặc tiếp tục mở rộng các mục tiêu của Hiệp định, và sẽ thực thi những trách nhiệm được giao trong Hiệp định này hoặc bởi các Thành viên.
13.2. Uỷ ban sẽ thành lập các Nhóm Công tác hoặc các tổ chức khác khi cần thiết, để thực hiện những trách nhiệm được Uỷ ban giao theo các quy định của Hiệp định này.
13.3. Việc tránh trùng lặp không cần thiết giữa công việc theo Hiệp định này và công việc của các chính phủ ở các cơ quan kỹ thuật khác là điều cần thiết. Uỷ ban phải xem xét vấn đề này để giảm thiểu sự trùng lặp này.
Điều 14
tham vấn và giải quyết tranh chấp
14.1. Việc tham vấnc và giải quyết tranh chấp đối với bất kỳ một vấn đề có ảnh hưởng đến việc thực hiện Hiệp định này phải được tiến hành dưới sự giám sát của Cơ quan giải quyết tranh chấp và trong trường hợp cần thiết, phải tuân thủ các điều khoản của các Điều 22 và 23 của Hiệp định GATT năm 1994, được hoàn chỉnh và áp dụng theo Hiệp định thư giải quyết tranh chấp.
14.2. Theo yêu cầu của một bên tham gia tranh chấp hoặc với đề xuất của chính mình, ban hội thẩm có thể thành lập một nhóm chuyên gia kỹ thuật trợ giúp về các vấn đề kỹ thuật đòi hỏi phải có sự xem xét chi tiết của các chuyên gia.
14.3. Các nhóm chuyên gia kỹ thuật phải tuân thủ các thủ tục quy định trong Phụ lục 2.
14.4. Các điều khoản quy định về giải quyết tranh chấp nêu trên có thể được viện dẫn trong trường hợp khi một Thành viên cho rằng Thành viên khác không đạt được kết quả đáp ứng các yêu cầu quy định tại các Điều 3, 4, 7, 8 và 9 và quyền lợi thương mại của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong trường hợp đó, những kết quả như vậy phải được coi là tương đương với những kết quả có được khi coi cơ quan liên quan ở đây một Thành viên của WTO.
Điều khoản cuối cùng
Điều 15
Điều khoản cuối cùng
Bảo lưu
15.1. Các bảo lưu có thể không được đưa vào bất kỹ điều khoản nào của Hiệp định này nếu không được sự nhất trí của các Thành viên khác.
Soát xét
15.2. Ngay sau khi Hiệp định của WTO có hiệu lực, tất cả các Thành viên phải thông báo cho Uỷ ban về các biện pháp hiện hành hoặc đã áp dụng để đảm bảo Hiệp định này được thực hiện và điều hành. Nếu có bất kỳ sự thay đổi nào sau này đối với các biện pháp trên đều phải được thông báo cho Uỷ ban biết.
15.3 . Hàng năm Uỷ ban sẽ rà soát việc thực hiện và điều hành Hiệp định này dựa trên các những mục tiêu đã đề ra.
15.4. Vào cuối năm thứ 3 từ ngày Hiệp định của WTO có hiệu lực và sau đó theo chu kỳ 3 năm một lần vào thời gian cuối của năm thứ ba, Uỷ ban phải rà soát việc triển khai và thực hiện Hiệp định này, bao gồm cả các điều khoản liên quan đến tính minh bạch, để kiến nghị bổ sung những quyền và nghĩa vụ của Hiệp định này khi cần thiết để đảm bảo lợi ích kinh tế giữa các bên và sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ, song không làm ảnh hưởng đến những điều khoản của Điều 12. Ngoài những yếu tố khác, từ kinh nghiệm rút ra từ việc thực hiện Hiệp định này, khi cần thiết Uỷ ban phải trình những kiến nghị sửa đổi văn bản của Hiệp định này lên Hội đồng Thương mại hàng hóa .
Các phụ lục
15.5. Các phụ lục của Hiệp định này là một phần thống nhất của Hiệp định.