Nội dung hiệp định TBT phần 1

 Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại

(WTO agreement on technical barries to trade)

 

Các Thành viên,  

- Tham gia Vòng đàm phán Urugoay về Thương mại Đa biên;

- Mong muốn thúc đẩy các mục tiêu của GATT 1994.

- Thừa nhận sự đóng góp quan trọng của các tiêu chuẩn quốc tế và các hệ thống đánh giá sự phù hợp có thể mang lại trong vấn đề này thông qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất và thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế;

- Do đó mong muốn tăng cường việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế và các hệ thống đánh giá sự phù hợp này;

- Tuy nhiên cũng mong muốn đảm bảo rằng các tiêu chuẩn và văn bản pháp quy kỹ thuật bao gồm cả các yêu cầu về bao gói, ghi dấu và ghi nhãn và các quy trình đánh giá sự phù hợp với các tiêu chuẩn và văn bản pháp quy kỹ thuật đó không tạo ra các trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế,

- Thừa nhận rằng không nước nào bị ngăn cản áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng hàng hoá xuất khẩu của mình hoặc để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật, bảo vệ môi trường hoặc để ngăn ngừa các hành động gian lận ở các mức độ mà nước đó cho là thích hợp, với điều kiện là chúng không được sử dụng theo cách có thể tạo ra một phương thức phân biệt đối xử khác nhau hoặc không công bằng giữa các nước có những điều kiện như nhau hoặc một sự  hạn chế được ngụy trang đối với thương mại quốc tế, và chúng phải phù hợp với các điều khoản của Hiệp định này;

- Thừa nhận rằng không nước nào bị ngăn cản áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ những lợi ích an ninh cơ bản của mình;

- Thừa nhận những đóng góp của hoạt động tiêu chuẩn hoá quốc tế có thể tạo ra nhằm chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển;

- Thừa nhận rằng các nước đang phát triển có thể gặp những khó khăn đặc biệt trong việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, văn bản pháp quy kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp với các tiêu chuẩn và văn bản pháp quy kỹ thuật đó, và mong muốn giúp đỡ họ trong vấn đề này;

Thống nhất các điều dưới đây: 

Điều 1  

Các điều khoản chung

1.1. Các thuật ngữ chung về tiêu chuẩn hoá và quy trình đánh gíá sự phù hợp thông thường phải được hiểu theo các định nghĩa đã được chấp nhận trong khuôn khổ hệ thống Liên Hiệp quốc và do các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế đưa ra, có chú ý đến ngữ cảnh của chúng và phù hợp với các đối tượng và mục đích của Hiệp định này.

1.2.Tuy vậy, định nghĩa của các thuật ngữ nêu trong Phụ lục 1 được áp dụng vì các mục tiêu của Hiệp định này.

1.3.Tất cả các sản phẩm, bao gồm sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp, là đối tượng thi hành các điều khoản của Hiệp định này.

1.4. Các yêu cầu đối với việc mua sản phẩm do các cơ quan chính phủ đề ra và các yêu cầu tiêu dùng của các cơ quan chính phủ không phải là đối tượng thi hành các điều khoản của Hiệp định này, mà được đề cập đến trong Hiệp định về mua sắm của Chính phủ, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Hiệp định đó.

1.5. Các điều khoản của Hiệp định này không áp dụng cho các biện pháp vệ sinh động vật và thực vật như đã quy định tại Phụ lục A của Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp vệ sinh động vật và thực vật.

1.6.Tất cả các dẫn chiếu trong Hiệp định này về các văn bản pháp quy kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp phải được coi là bao gồm cả những sửa đổi của chúng và các bổ sung đối với quy chế hoặc phạm vi sản phẩm của chúng, ngoại trừ các sửa đổi và bổ sung không quan trọng.

Văn bản Pháp quy kỹ thuật và tiêu chuẩn

Điều 2  

Soạn thảo, thông qua và áp dụng các văn bản pháp quy kỹ thuật do các cơ quan chính phủ trung ương ban hành  

 Liên quan đến các cơ quan chính phủ trung ương:

2.1.Các Thành viên phải đảm bảo rằng theo các văn bản pháp quy kỹ thuật, các sản phẩm nhập khẩu từ một lãnh thổ của bất cứ Thành viên nào đều phải được đối xử không ít thuận lợi hơn cách đối xử được áp dụng cho các sản phẩm nội địa tương tự và cho các sản phẩm tương tự xuất xứ từ bất cứ nước nào khác.

2.2. Các Thành viên phải đảm bảo rằng các văn bản pháp quy kỹ thuật không được soạn thảo, ban hành và áp dụng với quan điểm hoặc nhằm để tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Với mục đích như vậy, các văn bản pháp quy kỹ thuật không được hạn chế thương mại quá mức cần thiết để thực hiện một mục tiêu hợp pháp, có tính đến những rủi ro do việc không thực hiện chúng có thể gây ra. Ngoài những yếu tố khác, các mục tiêu hợp pháp đó là: các yêu cầu về an ninh quốc gia; ngăn ngừa hành động gian lận; bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật, bảo vệ môi trường. Để đánh giá các rủi ro đó, ngoài những yếu tố khác, yếu tố liên quan cần xem xét là: những thông tin khoa học và kỹ thuật hiện có, công nghệ xử lý có liên quan hoặc thời hạn sử dụng sản phẩm dự kiến.

2.3. Các văn bản pháp quy kỹ thuật không được duy trì áp dụng, nếu bối cảnh hoặc các mục tiêu đề ra khi ban hành chúng không còn tồn tại hoặc nếu bối cảnh   hoặc các mục tiêu đã thay đổi cho phép áp dụng phương thức ít gây hạn chế thương mại hơn.

2.4. Khi cần áp dụng các văn bản pháp quy kỹ thuật và các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan còn hiệu lực hoặc sắp ban hành, các Thành viên phải áp dụng toàn bộ hoặc một phần của chúng như là căn cứ đối với các văn bản pháp quy kỹ thuật của mình, trừ trường hợp khi các tiêu chuẩn quốc tế hoặc các phần có liên quan đó bị vô hiệu hoặc không còn thích hợp để thực hiện các mục tiêu hợp pháp đang theo đuổi, ví dụ do các yếu tố khí hậu hoặc địa lý cơ bản hoặc các khó khăn công nghệ tiềm tàng.

2.5  Một Thành viên khi dự thảo, ban hành và áp dụng một văn bản pháp quy kỹ thuật có thể gây ảnh hưởng nhiều tới thương mại của các Thành viên khác, thì phải giải thích cơ sở hợp pháp của văn bản pháp quy kỹ thuật đó theo yêu cầu của Thành viên khác dựa trên các điều khoản của các khoản 2.2 đến 2.4 nêu trên. Một khi các văn bản pháp quy kỹ thuật đã được xây dựng, ban hành và áp dụng dựa trên một trong những mục tiêu hợp pháp quy định rõ ở khoản 2.2 và chúng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, thì chúng phải được coi là không tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế.

2.6.   Với mục tiêu hài hoà các văn bản pháp quy kỹ thuật dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, các Thành viên phải tham gia tích cực trong phạm vi nguồn lực của mình vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế do các cơ quan tiêu chuẩn hoá có liên quan tiến hành đối với các sản phẩm mà Thành viên đã ban hành hoặc sẽ ban hành các văn bản pháp quy kỹ thuật để quản lý.

2.7. Các thành viên phải xem xét một cách có thiện chí việc chấp nhận các văn bản pháp quy kỹ thuật được coi là tương đương của các Thành viên khác ngay cả trong trường hợp các văn bản này khác biệt với các quy định của mình, và tin tưởng rằng các văn bản pháp quy này hoàn toàn đáp ứng các mục tiêu của  các văn bản pháp quy của chính mình.

2.8. Khi thấy thích hợp, các Thành viên phải ban hành các văn bản pháp quy kỹ thuật dựa trên các yêu cầu sử dụng sản phẩm thay vì các đặc tính thiết kế hoặc mô tả sản phẩm.

2.9. Một khi chưa có một tiêu chuẩn quốc tế tương ứng hoặc nội dung kỹ thuật của văn bản pháp quy kỹ thuật dự kiến ban hành không phù hợp với nội dung kỹ thuật của các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan và nếu văn bản pháp quy kỹ thuật đó có ảnh hưởng lớn tới thương mại của các Thành viên khác, các Thành viên phải:

2.9.1. Thông báo trong một ấn phẩm ở thời điểm đủ sớm để tạo điều kiện cho các bên quan tâm của các Thành viên khác biết rằng họ dự định ban hành một văn bản pháp quy kỹ thuật cụ thể;

2.9.2. Thông báo cho các Thành viên khác thông qua Ban Thư ký về các sản phẩm sẽ được điều chỉnh trong văn bản pháp quy kỹ thuật dự kiến ban hành cùng với mô tả ngắn gọn về mục tiêu và lý do ban hành. Các thông báo này phải đuợc thực hiện sớm, khi mà các sửa đổi bổ sung còn có thể tiến hành và các ý kiến góp ý còn có thể xử lý được.

2.9.3. Khi có yêu cầu, phải cung cấp cho các Thành viên khác bản gốc hoặc bản sao của dự thảo pháp quy kỹ thuật dự kiến ban hành và nếu có thể cần chỉ rõ những phần khác biệt nhiều với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan;

2.9.4. Đưa ra thời hạn với sự không phân biệt đối xử để các Thành viên khác góp ý bằng văn bản; thảo luận về các góp ý này khi có yêu cầu và quan tâm xử lý  các văn bản góp ý và các kết quả thảo luận này.

2.10. Liên quan đến các điểm nêu trong khoản 2.9 trên đây, khi phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh các vấn đề khẩn cấp về an toàn, sức khoẻ, bảo vệ môi trường hoặc an ninh quốc gia đối với một Thành viên nào đó, Thành viên này có thể bỏ qua một trong các bước nêu trong khoản 2.9 nói trên nếu thấy cần thiết, nhưng Thành viên đó khi ban hành văn bản pháp quy kỹ thuật phải:

2.10.1  Thông qua Ban Thư ký, thông báo ngay cho các Thành viên khác về văn bản pháp quy kỹ thuật cụ thể đó và các sản phẩm được đề cập tới với những lời giải thích ngắn gọn về mục tiêu và lý do ban hành văn bản pháp quy kỹ thuật này, bao gồm cả nội dung thực chất của các vấn đề khẩn cấp  đó.

2.10.2. Khi có yêu cầu, cung cấp cho các Thành viên khác bản sao văn bản pháp quy kỹ thuật này;

2.10.3. Với sự không phân đối xử, cho phép các Thành viên khác trình bày góp ý bằng văn bản, thảo luận các góp ý này khi có yêu cầu và quan tâm xử lý các văn bản góp ý và các kết quả thảo luận này.

2.11. Các Thành viên phải đảm bảo rằng tất cả các văn bản pháp quy kỹ thuật đã ban hành phải được công bố kịp thời hoặc bằng cách nào đó tạo điều kiện cho các bên quan tâm của các Thành viên khác biết về các ăn bản pháp quy kỹ thuật đó.

2.12. Ngoài các trường hợp khẩn cấp nêu ở khoản 2.10 nói trên, các Thành viên phải đưa ra một khoảng thời gian hợp lý từ thời điểm công bố các văn bản pháp quy kỹ thuật đến thời điểm có hiệu lực của chúng để các nhà sản xuất của các Thành viên xuất khẩu, và đặc biệt là các Thành viên là nước đang phát triển, có thời gian điều chỉnh sản phẩm hoặc phương pháp sản xuất của mình theo các yêu cầu của Thành viên nhập khẩu đó.(còn nữa..,)

Tin cùng chuyên mục