Nội dung hiệp định TBT phần 2

 Điều 3 

Xây dựng, ban hành và áp dụng các văn bản pháp quy kỹ thuật do các cơ quan nhà nước địa phương và tổ chức phi Chính phủ ban hành  

Liên quan đến các cơ quan nhà nước địa phương và tổ chức phi chính phủ của mình trong phạm vi lãnh thổ của mình:  

3.1. Các Thành viên phải áp dụng các biện pháp thích hợp trong phạm vi khả năng của mình để đảm bảo sự tuân thủ của các cơ quan này với các khoản của Điều 2, với một ngoại trừ về trách nhiệm thông báo như quy định tại các điểm 2.9.1 và 2.10.1 của Điều 2.

3.2.  Các Thành viên phải đảm bảo rằng các văn bản pháp quy kỹ thuật của các cơ quan nhà nước địa phương chịu sự điều chỉnh trực tiếp của các văn bản pháp quy kỹ thuật của cơ quan nhà nước trung ương của các Thành viên, phải được thông báo phù hợp với các nội dung của các điểm 2.9.2 và 2.10.1 của Điều 2, nhưng lưu ý rằng việc thông báo sẽ không bắt buộc đối với các văn bản pháp quy kỹ thuật mà nội dung kỹ thuật của chúng cơ bản là giống như nội dung của các văn bản pháp quy kỹ thuật của các cơ quan nhà nước trung ương của Thành viên có liên quan đã được thông báo trước đó.

3.3. Các Thành viên có thể thông qua cơ quan nhà nước trung ương liên hệ với các Thành viên khác kể cả về việc thông báo, cung cấp thông tin, góp ý kiến và trao đổi thảo luận nêu trong các khoản 2.9 và 2.10 của Điều 2.

3.4.  Các Thành viên không được áp dụng các biện pháp đòi hỏi hoặc khuyến khích các cơ quan nhà nước địa phương hoặc các tổ chức phi chính phủ trong phạm vi lãnh thổ của mình hành động theo phương thức không phù hợp với các quy định  của Điều 2.

3.5. Các Thành viên chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc tuân thủ tất cả các quy định của Điều 2 theo Hiệp định này. Các Thành viên phải đề ra và áp dụng các biện pháp và cơ chế có hiệu quả để hỗ trợ các cơ quan khác ngoài các cơ quan nhà nước trung ương tuân thủ các quy định của Điều 2.

Điều 4  

Xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn  

4.1. Các Thành viên phải đảm bảo rằng các cơ quan tiêu chuẩn hoá nhà nước trung ương của mình chấp nhận và tuân thủ Quy chế Thực hành về thủ tục xây dựng, thống qua và áp dụng tiêu chuẩn quy định trong Phụ lục 3 của Hiệp định này (được gọi là "Quy chế Thực hành" trong Hiệp định này). Các Thành viên phải áp dụng các biện pháp thích hợp trong phạm vi khả năng của mình để đảm bảo rằng các cơ quan tiêu chuẩn hoá ở địa phương và các tổ chức tiêu chuẩn hoá phi chính phủ trong phạm vi lãnh thổ của mình, cũng như các cơ quan tiêu chuẩn hoá khu vực mà họ hoặc một hoặc nhiều các cơ quan trong lãnh thổ của họ là thành viên, chấp

nhận và tuân thủ Quy chế Thực hành này. Ngoài ra, các Thành viên không được áp dụng các biện pháp gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp để đòi hỏi hoặc khuyến khích các cơ quan tiêu chuẩn hoá đó hành động theo cách không phù hợp với Quy chế Thực hành này. Trách nhiệm của các Thành viên về việc tuân thủ của các cơ quan tiêu chuẩn hóa với các điều khoản của Quy chế Thực hành này, phải được thực thi, bất kể một cơ quan tiêu chuẩn hoá nào đó có chấp nhận Quy chế Thực hành hay không.

4.2. Các cơ quan tiêu chuẩn hoá đã chấp nhận và tuân thủ Quy chế Thực hành phải được các Thành viên thừa nhận là đã tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp định này. 

Sự phù  hợp với các văn bản pháp quy kỹ thuật và tiêu chuẩn  

Điều 5  

Các quy trình đánh giá sự phù hợp do các cơ quan nhà nước trung ương thực hiện  

5.1. Các Thành viên phải đảm bảo rằng, trong những trường hợp cần có sự đảm bảo chắc chắn về sự phù hợp với các pháp quy kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn, các cơ quan nhà nước trung ương phải áp dụng các điều khoản dưới đây đối với sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ của các Thành viên khác;

5.1.1. Các quy định đánh giá sự phù hợp phải được xây dựng, ban hành và áp dụng cho phép các nhà cung cấp các sản phẩm tương tự có xuất xứ từ lãnh thổ của các Thành viên khác tiếp cận với các điều kiện không kém thuận lợi hơn các điều kiện dành cho các nhà cung cấp sản phẩm có xuất xứ nội địa hoặc có xuất xứ từ bất kỳ nước nào khác, trong cùng một bối cảnh tương tự; việc tiếp cận ghi nhận quyền của nhà cung cấp đối với việc đánh giá sự phù hợp theo quy định đề ra trong quy trình kể cả khả năng thực hiện việc đánh giá sự phù hợp tại hiện trường và được cấp dấu của hệ thống đánh giá sự phù hợp đó.

5.1.2.  Các quy trình đánh giá sự phù hợp không được xây dựng, ban hành và áp dụng với mục đích hướng vào hoặc tạo ra các trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Điều này có nghĩa là, ngoài các quy định khác, các quy trình đánh giá sự phù hợp không được chặt chẽ hơn hoặc được áp dụng chặt chẽ hơn mức cần thiết để tạo cho Thành viên nhập khẩu sự tin tưởng rằng sản phẩm phù hợp với các văn bản háp quy kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn tương ứng, có tính đến các rủi ro mà sự không phù hợp có thể tạo ra.

5.2.  Khi áp dụng các điều khoản của khoản 5.1 ở trên, các Thành viên phải đảm bảo rằng:

5.2.1.  Các quy trình đánh giá sự phù hợp phải được thực hiện và hoàn thành càng nhanh càng tốt và theo cách không kém thuận lợi hơn đối với sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ của các Thành viên khác so với các sản phẩm nội địa tương tự;

5.2.2.  Thời hạn quy định hoặc thời hạn dự kiến để tiến hành một quy trình đánh giá sự phù hợp phải được thông báo cho người đăng ký đánh giá sự phù hợp biết, khi có yêu cầu; khi nhận được đơn đăng ký, cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra kịp thời sự đầy đủ của tài liệu và thông báo cho người đăng ký một cách chính xác và đầy đủ về tất cả các sai sót; cơ quan có thẩm quyền chuyển càng nhanh càng tốt kết quả đánh giá một cách chính xác và đầy đủ đến người đăng ký để có thể đưa ra biện pháp khắc phục, nếu cần; ngay cả khi đơn đăng ký có sai sót, nếu người đăng ký yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền vẫn thực hiện việc đánh giá sự phù

hợp theo như thực trạng; và nếu có yêu cầu, người đăng ký phải được thông tin về quá trình đánh giá, được giải thích về bất cứ sự chậm chễ nào.

5.2.3.  Các yêu cầu về thông tin được giới hạn ở mức độ cần thiết để tiến hành đánh giá sự phù hợp và xác định phí

5.2.4.  Sự bảo mật đối với các thông tin về sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ của các Thành viên khác nảy sinh hoặc được cung cấp trong quá trình đánh giá sự phù hợp nói trên phải được đối xử như đối với các sản phẩm nội địa và đảm bảo các quyền lợi thương mại hợp pháp.

5.2.5.  Bất cứ loại phí nào được ấn định để thực hiện việc đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm có xuất  xứ từ lãnh thổ của các Thành viên khác đều phải tương đương với các loại phí quy định đối với việc đánh giá  sự phù hợp đối với các sản phẩm tương tự có xuất xứ nội địa hoặc xuất xứ từ bất cứ nước nào khác, kể cả các chi phí thông tin liên lạc, vận

chuyển và các chi phí khác nảy sinh do sự khác nhau giữa địa điểm hiện trường của người đăng ký đánh giá và cơ quan đánh giá sự phù hợp

5.2.6.  Địa điểm của các trang thiết bị sử dụng trong các quy trình đánh giá sự phù hợp và việc lựa chọn mẫu phải được quyết định sao cho không gây ra sự  bất tiện không cần thiết cho người đăng ký hoặc các đại lý của họ;

5.2.7.  Khi các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm bị thay đổi ảnh hưởng tới việc xác định sự phù hợp của sản phẩm với các pháp quy kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn tương ứng, quy trình đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm đã thay đổi chỉ giới hạn đủ để xác định rằng có còn độ tin cậy cần có về việc sản phẩm vẫn đáp ứng các pháp quy kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn có liên quan hay không.

5.2.8.  Có quy trình giải quyết các khiếu nại về hoạt động đánh giá sự phù hợp và áp dụng biện pháp khắc phục khi khiếu nại được chấp nhận giải quyết.

5.3.  Các điều khoản quy định ở các điểm 5.1 và 5.2 nói trên không ngăn cản các Thành viên tiến hành việc kiểm tra đột xuất hợp lý trong phạm vi lãnh thổ của mình.

5.4. Trong trường hợp cần có sự đảm bảo chắc chắn rằng các sản phẩm phải phù hợp với các văn bản pháp quy kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn, và các hướng dẫn hoặc kiến nghị có liên quan của các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế đang có hoặc sắp được thông qua, các Thành viên phải đảm bảo rằng các cơ quan nhà nước trung ương sẽ sử dụng chúng toàn bộ hoặc các phần có liên quan như là căn cứ để xây dựng các quy trình đánh giá sự phù hợp, ngoại trừ khi các hướng dẫn và kiến nghị này hoặc các phần có liên quan không thích hợp đối với các Thành viên có quan tâm, với các lý do như, ngoài những lý do khác: yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn chặn những hành vi gian lận; bảo vệ sức khoẻ an toàn cho con người, cuộc sống hoặc sức khoẻ của động vật hoặc thực vật, hoặc môi trường; các yếu tố khí hậu cơ bản hoặc các yếu tố địa lý khác, các khó khăn về công nghệ cơ bản hoặc về cơ sở hạ tầng.

5.5. Để hài hoà hoá các quy trình đánh giá sự phù hợp dựa trên các căn cứ rất khác nhau, các Thành viên phải tham gia tích cực trong phạm vi nguồn lực của mình vào việc xây dựng các hướng dẫn và khuyến nghị của các cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc tế đối với các quy trình đánh giá sự phù hợp.

5.6. Khi chưa có văn bản hướng dẫn hoặc khuyến nghị có liên quan của cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc tế hoặc nội dung kỹ thuật của quy trình đánh giá sự phù hợp dự kiến ban hành không phù hợp với các hướng dẫn và kiến nghị có liên quan do các cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc tế ban hành, và nếu một quy trình đánh giá sự phù hợp cụ thể có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương mại của các Thành viên khác, các Thành viên phải:

5.6.1.  Ra thông báo trong một ấn phẩm càng sớm càng tốt để các bên có liên quan của các Thành viên khác biết rằng họ dự kiến ban hành một quy trình đánh giá sự phù hợp cụ thể;

5.6.2.  Thông báo cho các Thành viên khác thông qua Ban Thư ký về các sản phẩm sẽ được quy định trong quy trình đánh giá sự phù hợp dự kiến ban hành đó kèm theo giải trình ngắn gọn về mục tiêu và lý do ban hành chúng. Các thông báo này phải được sớm đưa ra ở giai đoạn khi mà các sửa đổi còn có thể được thực hiện và các góp ý còn có thể xử lý.

5.6.3.  Khi có yêu cầu, phải cung cấp cho các Thành viên khác văn bản hoặc bản sao của quy trình dự kiến ban hành đó và nếu có thể, cần chỉ rõ các phần có những sai khác với các hướng dẫn hoặc kkuyến nghị do các cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc tế ban hành.

5.6.4.  Đưa ra thời hạn hợp lý và không có sự phân biệt đối xử để các Thành viên khác góp ý văn bằng văn bản, thảo luận về các góp ý này  (nếu cần), và quan tâm xem xét các văn bản góp ý và kết luận của các cuộc thảo luận này.

5.7. Liên quan đến các điều khoản nêu trong mục 5.6 ở trên, nếu phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh các vấn đề khẩn cấp về an toàn, sức khoẻ, bảo vệ môi trường hoặc an ninh quốc gia ở một Thành viên nào đó, thì Thành viên này nếu thấy cần thiết có thể bỏ qua một số bước nêu trong mục 5.6, song khi Thành viên đó ban hành quy trình này phải:

5.7.1.  Thông qua Ban Thư ký, thông báo ngay cho các Thành viên khác về quy trình cụ thể này và các sản phẩm mà quy trình này đề cập tới, kèm theo giải trình ngắn gọn về mục đích và lý do phải ban hành quy trình này, kể cả bản chất của các vấn đề khẩn cấp đó.

5.7.2. Khi có yêu cầu, phải cung cấp cho các Thành viên khác bản sao các quy định của quy trình đó.

5.7.3. Cho phép các Thành viên khác, với sự không phân biệt đối xử, trình bày các ý kiến của họ bằng văn bản, thảo luận về các ý kiến này khi cần, và quan tâm xem xét các văn bản góp ý và kết luận của các cuộc thảo luận này.

5.8. Các Thành viên phải đảm bảo rằng tất cả các quy trình đánh giá sự phù hợp đã ban hành phải được công bố kịp thời hoặc bằng cách nào đó tạo điều kiện cho các bên quan tâm của các Thành viên khác biết về chúng.

5.9. Ngoài những tình huống khẩn cấp nêu ở mục 5.7 ở trên, các Thành viên phải dành một khoảng thời gian thích hợp giữa thời điểm công bố các yêu cầu liên quan đến các quy trình đánh giá sự phù hợp và thời điểm có hiệu lực của chúng, với mục đích cho phép

người sản xuất ở các Thành viên xuất khẩu, đặc biệt là các Thành viên là nước đang phát triển, có thời gian để làm cho sản phẩm hoặc phương pháp sản xuất của mình cho đáp ứng các yêu cầu của Thành viên nhập khẩu.

Điều 6  

Thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp bởi các cơ quan nhà nước trung ương  

Liên quan đến các cơ quan nhà nước trung ương của mình:

6.1. Trên cơ sở không thành kiến đối với các điều khoản của khoản 6.3 và 6.4 dưới đây, khi có điều kiện các Thành viên phải đảm bảo rằng các kết quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp ở những Thành viên khác sẽ được chấp nhận, kể cả khi các quy trình đánh giá đó khác với các quy trình của chính mình, và yên tâm cho rằng các quy trình đó đã đưa ra sự đảm bảo về sự phù hợp với các văn bản pháp quy kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn tương đương với các quy trình của chính mình. Việc tư vấn trước khi đi đến cách hiểu thống nhất giữa các bên được thừa nhận là cần thiết, đặc biệt khi liên quan đến:

6.1.1.Sự thích hợp và đảm bảo về năng lực kỹ thuật của các cơ quan đánh giá sự phù hợp có liên quan ở Thành viên xuất khẩu, để có được sự tin tưởng về độ tin cậy liên tục đối với kết quả đánh giá sự phù hợp của họ; để có được sự tin tưởng  này, có thể tiến hành việc thẩm định năng lực của các cơ quan này xem có phù hợp với các hướng dẫn hoặc kiến nghị tương ứng của các cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc tế.

6.1.2. Việc hạn chế sự chấp nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp đối với các kết quả do các cơ quan được chỉ định của Thành viên xuất khẩu cung cấp.

6.2. Các Thành viên phải đảm bảo rằng các quy trình đánh giá sự phù hợp của mình cho phép áp dụng trong thực tiễn các điều khoản của khoản 6.1 nói trên.

6.3. Khuyến khích các Thành viên, khi có đề nghị của các Thành viên khác, tiến hành đàm phán để ký kết các Hiệp định thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau. Các Thành viên có thể yêu cầu đưa vào các Hiệp định đó việc thực hiện các điều kiện nêu ở khoản 6.1 và cho phép việc thừa nhận lẫn nhau về tiềm năng của nhau nhằm thúc đầy thương mại đối với những sản phẩm được các bên quan tâm.

6.4. Khuyến khích các Thành viên cho phép các cơ quan đánh giá sự phù hợp có trụ sở ở lãnh thổ của các Thành viên khác tham gia vào hoạt động đánh giá sự phù hợp của mình với các điều kiện không kém thuận lợi hơn các điều kiện dành cho các cơ quan có trụ sở ở lãnh thổ của mình hoặc ở lãnh thổ của bất cứ một nước nào khác.

Tin cùng chuyên mục