Làm thế nào để cải thiện xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Nhật Bản?

Bài viết dưới đây dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tác giả Daisuke Tsuji khi ở Việt Nam và với 2 năm kinh nghiệm làm việc trong một công ty thương mại tại Nhật Bản. Bài viết gồm 4 điểm chính: tìm kiếm lợi thế khi hợp tác kinh doanh với các công ty Nhật Bản, theo kịp tiêu chuẩn Nhật Bản, vấn đề vệ sinh và Kiểm soát các nguồn lợi.

Theo "Báo cáo Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam năm 2015" (ngày 5/1/2016), Nhật Bản chiếm 16,3% tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam, đứng thứ 3 sau Mỹ và EU. Trong năm 2015, tổng XK thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 1 tỷ USD. Do vậy, Nhật Bản được đánh giá là một trong những thị trường NK quan trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Dưới đây là 4 điểm chính của bài viết:

1. Tìm kiếm lợi thế khi hợp tác kinh doanh với các công ty Nhật Bản.

Khi hợp tác, các DN Việt Nam cần phải hiểu đặc tính riêng của các công ty Nhật Bản, rằng các công ty Nhật Bản đưa ra mỗi quyết định như thế nào và DN Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu của họ như thế nào.

Có thể dễ dàng thấy rằng các công ty Nhật Bản phải mất thời gian dài để đưa ra một quyết định. Khi bàn đến một vấn đề lớn, họ có thể mất vài tháng để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng các công ty Nhật Bản mất thời gian để đưa ra quyết định vì đây là một quá trình ra quyết định khá độc đáo của Nhật Bản, dựa theo hệ thống "Ringi" (có nghĩa là “chia sẻ quyền ra quyết định”). Đây cũng là phương thức truyền thống trong quá trình ra quyết định ở cấp quản lý tại Nhật Bản. Hệ thống từ dưới lên này bao gồm các đề xuất và tranh luận thẳng thắn của nhân viên, trong đó nhà quản lý phải đạt được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía nhân viên của mình. Hệ thống "Ringi" có thể sẽ khiến cho các DN nước ngoài thấy tốn thời gian. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn được sử dụng rộng rãi bởi các công ty Nhật Bản chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống làm việc tập thể. Sẽ không có vấn đề gì nếu các DN có thể đợi phản hồi từ các đối tác Nhật Bản. Còn nếu phong cách làm việc này làm các DN mất kiên nhẫn, các DN nên hiểu lý do tại sao các đối tác Nhật Bản mất nhiều thời gian như thế để đưa ra quyết định so với các công ty nước ngoài khác. Tuy phải mất thời gian để đưa ra quyết định, đổi lại các DN có thể duy trì mối quan hệ tốt và lâu dài với các đối tác Nhật Bản một khi quyết định được đưa ra vì toàn bộ công ty đối tác đều thống nhất với quyết định đó.

Các DN có thể không hài lòng với các yêu cầu khá chi tiết, cụ thể lặp đi lặp lại của các công ty Nhật Bản. Ví dụ như cách nhân viên mặc trang phục tại các dây chuyền sản xuất và thậm chí màu sắc của thớt thái. Nếu các DN chưa sẵn sàng lắng nghe các yêu cầu của họ thì khó có thể duy trì mối quan hệ kinh doanh lâu dài với các công ty Nhật Bản vì hợp tác với các công ty Nhật đồng nghĩa với việc cải thiện dây chuyền chế biến và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của họ. Có nhiều yêu cầu mà DN thấy dễ dàng đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu DN coi việc kinh doanh với đối tác Nhật Bản là cách tốt nhất để cải thiện nhà máy và sản phẩm của DN, họ có thể trở thành một trong những khách hàng lớn cho DN đó bởi họ sẽ không ngừng chỉ ra những gì cần cải thiện cho DN đồng thời họ cũng kỳ vọng duy trì mối quan hệ lâu dài với DN đó. Do vậy, DN nên xem xét các yêu cầu của đối tác Nhật Bản như là những “lời khuyên" hữu ích.

Tóm lại, các DN Việt Nam nên ghi nhớ điểm chính để hợp tác tốt với các DN Nhật Bản, là cách họ đưa ra quyết định cũng như đảm bảo các yêu cầu của họ.

2. Theo kịp tiêu chuẩn Nhật Bản

Để hợp tác tốt với các DN Nhật Bản, các nhà XK Việt Nam cần phải đảm bảo về mặt chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn chung của Nhật Bản. Với quy định về nguồn gốc tôm nuôi Việt Nam khá nghiêm ngặt, một số công ty XK tôm Việt Nam không muốn XK sang Nhật Bản vì họ sợ sản phẩm XK không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đây là cách các công ty Nhật Bản kiểm soát chất lượng sản phẩm. Theo Bảng nguồn cung thực phẩm và nhu cầu năm 2002 từ Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản, sản xuất thực phẩm trong nước của Nhật Bản đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ (dựa vào nguồn cung calo). Do vậy, Nhật Bản phải phụ thuộc vào 60% nguồn thực phẩm NK từ các nước. Vì vậy, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đánh giá an toàn thực phẩm NK là một trong những vấn đề quan trọng, và họ đang nỗ lực bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Nhật. Đây là một trong những lý do tại sao quy định của Nhật Bản đối với thực phẩm NK khá nghiêm ngặt. Đây cũng là xu hướng toàn cầu, ví dụ chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ, hay EU yêu cầu các tàu khai thác cá ngừ có mã EU hoặc chứng nhận chất lượng tàu tương đương EU. Nhiều nước NK đưa ra tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với thực phẩm NK để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thực tế, để tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đó có thể gây tốn kém và đôi khi người nuôi và các nhà XK Việt Nam khó áp dụng ngay. Tuy nhiên, để tăng hoặc thậm chí để ổn định sản lượng XK như hiện tại, các công ty XK cần tuân theo theo các tiêu chuẩn đó, vì EU, Mỹ và Nhật Bản là những thị trường lớn, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam.

3. Vấn đề vệ sinh

Vấn đề vệ sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà các công ty Nhật Bản quan tâm. Khi hợp tác, các công ty Nhật thường có buổi gặp gỡ và thăm nhà máy chế biến của nhà cung cấp. Họ sẽ kiểm tra cẩn thận, chi tiết các dây chuyền sản xuất xem có phù hợp yêu cầu của họ không. Ví dụ, họ quan sát xem có thùng rác và nguyên liệu để quanh nhà máy hay không. Họ yêu cầu nhà máy phải sạch sẽ không chỉ bên trong mà còn bên ngoài nhà máy đó. Thông thường các nhà máy không hoàn toàn cô lập ở một khu vực nhất định. Do đó, môi trường bên ngoài có thể gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường bên trong nhà máy.

Một ví dụ khác, công ty Nhật Bản chắc chắn muốn biết công ty XK đó có phòng thí nghiệm riêng để kiểm tra nguyên liệu hàng ngày cũng như thành phẩm,… hay không. Họ cũng muốn biết mỗi ngày công ty XK đó kiểm tra những gì, ví dụ, họ chỉ kiểm tra thành phẩm hay họ kiểm tất cả nguồn nước cho chế biến, các công cụ như thớt và dao, thành phẩm. Ngoài ra, họ cũng sẽ muốn biết phương pháp mà nhà máy đó kiểm tra là gì, như TPC, E.coli, coliform, khuẩn Vibrio, Salmonella và khuẩn Vibrio parahaemolyticus,...

Hai hình dưới đây là ví dụ cụ thể. Trong hình 1, nhân viên này không mặc trang phục đúng quy cách, không sơ vin. Những vật như tóc, gàu có thể rơi xuống và làm ô nhiễm. Trong hình 2, không được dùng khăn để lau giá đặt thớt, vì nó có thể lẫn các sợi vải vào thành phẩm. Mặc dù những điều này có vẻ rất nhỏ nhặt, nhưng các công ty Nhật Bản luôn muốn loại bỏ mọi khả năng xảy ra bất cứ vấn đề gì trong dây chuyền chế biến.

  
Hình 1  Hình 2

 

Điều này cũng là đặc tính chung của các công ty Nhật Bản đã đề cập trong mục 1.

Một trong những lý do tại sao công ty Nhật Bản kiểm tra cẩn thận các vấn đề vệ sinh là do quy định chung tại Nhật Bản. Nếu một nhà máy không có khả năng kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh, không sớm thì muộn, sản phẩm của họ sẽ bị trả về Việt Nam do sản phẩm đó không đạt tiêu chuẩn Nhật Bản. Do đó, họ quan tâm đến vấn đề vệ sinh để tránh rủi ro trong tương lai, bởi người tiêu dùng Nhật kỳ vọng vào sản phẩm có chất lượng, và nếu các nhà NK bỏ qua vấn đề vệ sinh, họ sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó, thậm chí phải bồi thường cho người tiêu dùng.

4. Kiểm soát các nguồn lợi

Nguồn cung thủy sản ổn định là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với các nhà NK. Bởi vì họ cũng có khách hàng trong nước. Thậm chí nếu nhà NK có hàng bán tại thị trường nội địa tháng này, sẽ không có ích gì nếu tháng tới họ không có hàng bán. Khi các công ty Nhật Bản thiếu hàng, khách hàng của họ sẽ tìm đến nhà cung cấp khác. Các nhà NK cũng có thể nhập hàng từ nước khác để đảm bảo nguồn cung cấp tới khách hàng. Nguồn cung ổn định là chìa khóa để duy trì hợp tác lâu dài và đó là những gì các nhà XK thủy sản Việt Nam phải cố gắng.

Na Uy là một quốc gia khá thành công trong việc kiểm soát các nguồn lợi thủy sản ở Đại Tây Dương. Theo Liên đoàn Thủy sản Na Uy, năm 1990, giá trị XK thủy sản khai thác đạt 7.774.251.000 NOK và đạt 20.328.726.000 NOK năm 2010. Con số tính đến tháng 4/2012 tăng hơn 2,5 lần trong 20 năm. Chính phủ Na Uy đã tích cực đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản. Họ đưa ra TAC (tổng hạn ngạch được phép khai thác) để tránh tình trạng lạm thác. Mỗi nhà máy có hệ thống để kiểm tra khối lượng thực tế đưa đến nhà máy. Ngoài ra, mỗi tàu đánh bắt có VMS (hệ thống giám sát tàu), cho phép quan sát vị trí tàu. Họ không thâm nhập vào khu vực cấm khai thác vì họ biết họ đang bị giám sát. Trên thực tế ngư dân trong nước cũng tích cực hợp tác vì kiểm soát tốt các nguồn lợi là để đảm bảo công việc tương lai của họ.

Nhật Bản hiện là một trong những thị trường XK thủy sản lớn nhất của Na Uy. Trong đó cá thu Na Uy là một trong những loài NK phổ biến, và nguồn cung từ Na Uy khá ổn định. Gần đây, Nhật Bản NK khoảng 30% tổng sản lượng cá thu khai thác tại Na Uy. Nguồn cung ổn định là nhờ kiểm soát nguồn lợi tốt.

Mặc dù việc kiểm soát sẽ chưa có tác dụng tốt ngay lập tức, chúng ta cần kiên nhẫn với sự hợp tác của tất cả ban ngành. Quản lý nguồn lợi giúp nguồn cung trong tương lai ổn định hơn.

Những ý kiến trên có thể khá phổ biến, nhưng tác giả hy vọng sẽ giúp DN Việt Nam cải thiện XK thủy sản sang thị trường Nhật Bản. Cá nhân tác giả hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa với các nhà cung cấp thủy sản Việt Nam.

Daisuke Tsuji

Kohyo Company Co., Ltd

5-4-19 Shinsho, Yokkaichi ,Mie, Japan

Email; tsuji@kohyoj.co.jp

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục