Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định VKFTA

Download file: here
Để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực thuế quan, ngày 16/12/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 201/2015/TT- BTC quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018.

Biểu thuế gồm 9.502 dòng thuế trong đó gồm 9.445 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 57 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 cùng thời điểm với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực.

Đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được chính thức khởi động tại Hà Nội vào ngày 6/8/2012. Tiếp đó, hai bên đã trải qua 9 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên họp giữa kỳ, phiên họp cấp trưởng đoàn và phiên rà soát kỹ thuật để thảo luận và thống nhất về Hiệp định VKFTA. Hiệp định VKFTA là một Hiệp định mang tính toàn diện bao gồm các nội dung cam kết về tự do hoá thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế khác giữa hai nước.

Ngày 10/12/2014, nhân dịp Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định. Ngày 5/5/2015, Lễ ký chính thức Hiệp định VKFTA đã được tổ chức tại Hà Nội.

Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu về số dự án và quy mô vốn đăng ký với trên 4.237 dự án và 37,8 tỷ USD tính lũy kế đến tháng 2/2015. Năm 2014, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 28,8 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Việc đạt được thỏa thuận về mở cửa thị trường hàng hóa trong VKFTA trên cơ sở mặt bằng cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) dự kiến sẽ đem lại lợi ích gia tăng đáng kể cho cả hai nước.

Về phía Hàn Quốc, Hàn Quốc đã cam kết dành cho Việt Nam ưu đãi xóa bỏ thuế quan và mở hạn ngạch đối với 11.679 dòng thuế trong đó có các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản (tôm, cua, cá đông lạnh, đóng hộp); nông sản; hoa tươi; trái cây nhiệt đới; các hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí.... Đối với một số mặt hàng như tỏi, gừng, mật ong, đậu đỏ, khoai lang ... (là những mặt hàng thuế suất MFN cao từ 241-420%), Hàn Quốc đã cam kết mở cửa thị trường cho những sản phẩm này, tạo lợi thế đáng kể cho Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực.

Với hàng rào bảo hộ thuế quan đối với các sản phẩm nông thủy sản của Hàn Quốc rất cao, việc Việt Nam đạt được thỏa thuận với Hàn Quốc đối với các mặt hàng nông, thủy sản sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Hàn Quốc.

Về phía Việt Nam, so với cam kết trong AKFTA đã cam kết tự do hóa 8.320 dòng thuế, Việt Nam cam kết bổ sung thêm 201 mặt hàng tự do hóa theo lộ trình VKFTA như nguyên phụ liệu dệt may, da giầy; hàng điện gia dụng; máy móc thiết bị (ắc quy, máy biến thế, động cơ điện); sản phẩm & linh kiện điện tử; dây điện, cáp điện; động cơ, linh phụ tùng ô tô; ô tô (1 dòng xe tải trên 10 tấn, 1 dòng ô tô con trên 3.000cc). Lộ trình xóa bỏ thuế quan từ 3 năm đến 15 năm được xây dựng trên nguyên tắc các mặt hàng trong nước có nhu cầu nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu chủ lực, lộ trình cắt giảm thuế quan ngắn từ 3-7 năm; các mặt hàng mà trong nước đã sản xuất được sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan dài để tạo điều kiện cho các ngành sản xuất trong nước có thời gian để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp VN và doanh nghiệp FDI Hàn Quốc nhập khẩu nguyên vật liệu với chi phí thấp hơn, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả nhập khẩu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực; qua đó gia tăng tính cạnh tranh khi xuất khẩu.

Nguyễn Hà

Tin cùng chuyên mục