Trong những năm gần đây, Việt Nam đã liên tục tham gia các cuộc đàm phán với các đối tác thương mại và đầu tư trong một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Mặc dù hiện nay mới chỉ có các FTA với khối ASEAN hay các đối tác tại khu vực Đông Nam Á đang có hiệu lực thi hành, nhưng Việt Nam vẫn chủ động tìm kiếm các cơ hội đàm phán các FTA với cả các đối tác thương mại chiến lược ngoài khu vực Đông Nam Á, như Hoa Kỳ, Chi-lê và cả EU. Trong đó, đàm phán FTA với EU là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Một nghiên cứu gần đây của dự án MUTRAP đã phân tích những ảnh hưởng dự kiến mà hiệp định này mang lại đối với nền kinh tế Việt Nam. Bài viết này tóm lược những kết quả chính nghiên cứu trên, toàn bộ nghiên cứu sẽ sớm được đăng tải trên trang tin điện tử của dự án MUTRAP (www.mutrap.org.vn).
Quan hệ thương mại Việt Nam – EU
Việt Nam là một nền kinh tế hướng xuất khẩu với 69% tổng GDP từ xuất khẩu trong năm 2008 (64% năm 2009 và 61% năm 2005); EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Xuất khẩu sang EU đóng góp 16% tổng GDP, đạt 14,9 tỷ USD (14% năm 2009, đạt 12.6 tỷ USD) và chiếm 17% tổng số kim ngạch xuất khẩu cả nước (duy trì từ năm 2005) .
Năm sản phẩm dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU là giày dép (4,5 tỷ USD), may mặc (2,3 tỷ USD), cà phê (1,4 tỷ USD), thủy sản (1,1 tỷ USD) và đồ nội thất (1 tỷ USD). Trong năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu của năm mặt hàng này chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu vào châu Âu. Thuế suất áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của EU tương đối thấp. Mức thuế suất áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đã liên tục giảm và ở mức bình quân khoảng 4,1% năm 2009. Tuy nhiên, mức thuế trung bình áp dụng đối với một số mặt hàng vẫn còn tương đối cao (dệt may là 11,7%, thủy sản là 10,8% và giày dép là 12,4%). Điều này có nghĩa là thông qua FTA, khả năng EU miễn trừ thuế quan đối với hầu hết các hoạt động thương mại sẽ giúp mang lại lợi thế so sánh cho Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường EU.
Về thuế nhập khẩu, Việt Nam đã cắt giảm tương đối mạnh thuế nhập khẩu kể từ sau khi gia nhập WTO và hiện nay áp dụng thuế suất (bình quân giản đơn) ở mức 9,3% (so với mức 13,7% năm 2005); các mức thuế (bình quân giản đơn) áp dụng với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của EU vào Việt Nam về cơ bản đều ở mức thấp, ngoại trừ đối với ô tô (24,2%) và một phần với hàng điện tử 8,9%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu khác của EU vào Việt Nam đều được áp mức thuế tương đối thấp như với cơ khí (3,4%), dược phẩm (2%), sắt (2%), dụng cụ quang học và y tế (1,3%) và máy bay (0%). Tuy nhiên, ngoại trừ đối với máy bay, mức thuế đỉnh đối với các mặt hàng nêu trên vẫn còn ở mức tương đối cao (từ mức 10% đối với dược phẩm tới 90% đối với ô tô).
Việt Nam trông đợi gì từ FTA với EU: bài học kinh nghiệm từ các FTA mà EU đã ký kết gần đây
Hiệp định thương mại tự do là những điều ước phức tạp vượt ra ngoài mục tiêu ưu đãi cắt giảm thuế quan đơn thuần. Trên thực tế, trong FTA hiện đại mà EU tham gia đàm phán, ngoài mục tiêu cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết các sản phẩm, các điều khoản còn nhằm hướng đến việc tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư, thúc đẩy việc thực hiện chính sách môi trường, chính sách mua sắm và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thực vậy, trong các FTA gần đây của EU, các đối tác đã phải giảm dần và trong thời hạn 10 năm các loại thuế hải quan nhưng vẫn có khả năng không áp dụng giảm thuế đối với một số lĩnh vực cụ thể. Đối với các rào cản về kỹ thuật và vệ sinh thì đàm phán gia nhập FTA là một cơ hội quan trọng nhằm thảo luận và giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà các nhà xuất khẩu của Việt Nam gặp phải khi tiếp cận thị trường EU. Những nguyên tắc khác cũng đã được thống nhất thông qua những cam kết cụ thể về việc xóa bỏ và ngăn chặn những rào cản phi thuế quan đối với lĩnh vực thương mại nói riêng, như đối với ô tô, dược phẩm và điện tử.
Bên cạnh đó, FTA cũng bao gồm các điều khoản về đầu tư trong cả lĩnh vực dịch vụ lẫn công nghiệp. Đồng thời, Hiệp định cũng đặt ra những nguyên tắc chặt chẽ trong các lĩnh vực liên quan như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm công, cạnh tranh, minh bạch hóa luật lệ và phát triển bền vững (ví dụ: các quyền môi trường và xã hội).
Xét dưới góc độ kinh tế, nhìn chung các quốc gia sau khi tham gia FTA với EU đều đạt được những kết quả khả quan. Theo một nghiên cứu khác do VCCI tiến hành – phân tích tác động của một vài FTA mà EU ký với một số đối tác, các FTA mà EU ký trước đây với Chi-lê, Mê-hi-cô và Nam Phi đã đem lại hiệu quả thương mại rất tích cực cho các nước này. Riêng đối với Mê-hi-cô, FTA còn mang lại cho nước này dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khổng lồ từ EU. Thực tế thì các công ty của EU đều coi Mê-hi-cô là cơ sở sản xuất quan trọng các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nhằm hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA (gồm Mê-hi-cô, Hoa Kỳ và Ca-na-đa).
Tác động đối với đầu tư và những cơ hội đầu tư trong tương lai
Thị trường Việt Nam là một trong những điểm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn nhất và đã tiếp nhận được khối lượng FDI đáng kể. Tổng FDI năm 2010 ước tính khoảng 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2009.
Xét từ khía cạnh tăng cường đầu tư thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ một hiệp định thương mại tự do với EU. Phân tích dưới góc độ định tính thì có lẽ những lợi ích lớn nhất mà Việt Nam (bao gồm cả số lượng và chất lượng của FDI cũng như lợi ích của nền kinh tế nói chung) nhận được sẽ bắt nguồn từ sự tự do hóa dịch vụ. Sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ từ EU sẽ làm tăng hiệu quả của thị trường (với công nghệ tốt hơn, quy trình tốt hơn và chất lượng quản lý tốt hơn). Đồng thời, toàn bộ nền kinh tế cũng sẽ hưởng lợi bởi thực tế rõ ràng là hoạt động hiệu quả của lĩnh vực phụ trợ sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất và là nền tảng của một nền kinh tế hiệu quả và có tính cạnh tranh.
Tính cạnh tranh của ngành chế tạo sản xuất Việt Nam là rất rõ ràng. Nhân công rẻ kết hợp với mở cửa thị thường với khu vực ASEAN mở rộng đã đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu của cả khu vực. Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ làm tăng xu hướng của các công ty nước ngoài (bao gồm cả EU và các nước khác) đầu tư vào Việt Nam và đem lại những loại ích khác cho nền kinh tế Việt Nam. Những lợi ích này thể hiện ở việc đưa Việt Nam trở thành địa điểm có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu (các hàng hóa chất lượng tốt hơn và giá thành rẻ đến từ châu Âu; thị trường rộng hơn với 3,4 tỷ người, kèm theo cả khu vực thương mại tự do của ASEAN với các đối tác ngoài khối; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam), và từ đó sẽ hấp dẫn đầu tư với số lượng và chất lượng cao hơn trong và ngoài khu vực thương mại tự do.
Tác động của Hiệp định trong tương lai: phân tích định lượng
Những phân tích do MUTRAP tiến hành đã chỉ ra rằng Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích. Trong đó, lợi ích lớn nhất thu được bao gồm: tăng trưởng trong đầu tư của EU vào ngành công nghiệp dịch vụ của Việt Nam, tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cơ hội nâng cấp trình độ kỹ thuật của Việt Nam thông qua việc nhập khẩu hàng hóa chiến lược với mức giá thấp hơn. Bên cạnh đó, tự do hóa thương mại sẽ giúp tăng nguồn thu nhập quốc gia (nguồn thu từ hàng hóa nhập khẩu lớn hơn nguồn chi từ sự giảm thuế), cán cân thương mại được cân bằng (tăng trưởng đương 500 triệu USD hàng năm do xuất khẩu tăng, thấp nhất là 4% so với dương 3,1% nhập khẩu), và từ đó giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP một cách đáng kể (2,7% năm. (Xem bảng dưới)
Biến số
|
Kết quả
|
Thu nhập quốc gia
|
+ 26 triệu USD mỗi năm
|
Xuất khẩu
|
+ 4% - + 6% mỗi năm
|
Nhập khẩu
|
+3.1% (điện tử: +2.7%, hóa chất +2.5%, dược phẩm: +3%)
|
Cán cân thương mại
|
+500 triệu USD mỗi năm
|
GDP
|
+ 2.7% mỗi năm
|
Tiêu thụ của chính phủ và tư nhân
|
+ 2%
|
Giá
|
Giảm đáng kể
|
Tiền lương
|
Tăng đáng kể
|
Cận cảnh trong một vài lĩnh vực
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của Việt Nam (với hơn 2 triệu công nhân) và là ngành phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Hơn 65% hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và phần còn lại xuất chủ yếu vào thị trường EU và Nhật Bản.
Xuất khẩu hàng may mặc tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2005- 2008 (trung bình +32% mỗi năm) và giảm mạnh trong năm 2009 (-10%) do giảm cầu (và giảm giá) dưới ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Thêm vào đó, sự tăng giá nguyên liệu và lãi suất vay cao càng làm giảm lợi thế cạnh tranh của ngành này. Do vậy, ngành dệt may của Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều từ hiệp định thương mại tự do với EU. Việc ký kết FTA với EU sẽ giúp giảm mức thuế hiện tại mà EU áp đối với mặt hàng may mặc của Việt Nam từ 12% xuống 0%. Cụ thể là năm mặt hàng may mặc xuất khẩu nhiều nhất sẽ được hưởng lợi (com-lê của nữ, năm là 285 triệu và 233 triệu USD, áo khoác nam, nữ là 211 triệu và 207 triệu USD, và hàng dệt kim là 166 triệu USD). Đồng thời, việc EU giảm thuế đối với hàng may mặc của Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu với mức trung bình trên 20%.
Ngành da giầy đã trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu với hơn một triệu lao động trong 500 nhà máy, chiếm 40% tổng hàng hóa công nghiệp của Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu da giầy nhiều nhất vào thị trường EU (với 4,5 tỷ USD trong năm 2008 và 3,6 tỷ USD năm 2009), chiếm 10% thị phần của thị trường này. Mặt hàng chủ yếu là hàng da cao cấp (48% chiếm 2,3 tỷ USD năm 2008) và giầy thể thao gia công cho các hãng của EU và Hoa Kỳ. Trong thời gian gần đây, một vài nhà sản xuất của Việt Nam đã bắt đầu chú trọng hơn đến nhu cầu của thị trường trong nước thông qua việc đầu tư thành lập các bộ phận thiết kế mẫu chuyên nghiệp.
Thuế suất bình quân gia quyền EU áp dụng đối với mặt hàng giầy dép nhập khẩu từ Việt Nam là 12,4% (tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng giầy da là 17%). Thỏa thuận ký kết với EU sẽ làm giảm thuế áp đối với hàng Việt Nam về mức hợp lý. Do vậy, Việt Nam hy vọng rằng xuất khẩu của các mặt hàng giầy dép khác nhau sẽ tăng từ 7% lên 21% và có thể tăng lên từ 14- 16% vào cuối tháng 3 sau khi các biện pháp chống bán phá giá hết hiệu lực.
Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi xét từ góc độ nhập khẩu. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa chiến lược của EU vào Việt Nam sẽ giúp nâng cao kỹ thuật của ngành công nghiệp và từ đó đẩy mạnh hiệu quả sản xuất và xuất khẩu. Hai trong số các mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất bao gồm điện tử và máy móc. Trong những năm từ 2004-2009, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng điện tử của Việt Nam tăng trưởng trung bình ở mức 33,6%. Giá trị nhập khẩu mặt hàng này tăng từ mức 2,6 tỷ USD năm 2005, sau 5 năm đã đạt mức 7,6 tỷ USD năm 2008. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu chắc chắn sẽ tác động đến số lượng và giá cả của hàng hóa và linh kiện điện tử của EU vào Việt Nam vì tối thiểu cũng đủ cân bằng chi phí vận chuyển từ châu Âu. Điều này sẽ giúp Việt Nam có được những sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp hơn và có nhiều lựa chọn hơn đối với các nhà cung cấp.