Trong thời gian qua, với những thay đổi tích cực theo hướng mở trong hoạt động lập pháp và hành pháp ở nước ta, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật nội địa.
Sự tham gia này đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, đặc biệt là trong việc góp phần cùng với các nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật bằng sự kết hợp hài hòa giữa yêu cầu quản lý với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu của đối tượng chịu tác động, đồng thời tăng cường sự hiểu biết và đồng thuận của các đối tượng áp dụng cũng như chịu tác động của các văn bản. Những thay đổi căn bản theo hướng thông thoáng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hoạt động kinh doanh và từ đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế của hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh đầu tư trong thời gian vừa qua là một minh chứng cho việc này.
Tuy nhiên, ở góc độ quốc tế, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào các chính sách, cam kết thương mại quốc tế của Việt Nam chưa có được sự phối hợp công –tư như vậy. Việc thiếu vắng một cơ chế chính thức cho việc này cũng như thực tế tham gia hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp trong các vấn đề có liên quan đến chính sách thương mại quốc tế của Đảng và Nhà nước có thể là một trong những nguyên nhân khiến việc tận dụng những lợi thế, hạn chế rủi ro, vượt qua các thách thức từ các cam kết thương mại quốc tế hiện tại còn không ít bất cập.
Trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế đang ngày càng sâu rộng với việc Chính phủ gia tăng việc đàm phán các FTA, các đàm phán trong khuôn khổ WTO và nhu cầu tham gia một loạt các Công ước, điều ước quốc tế quan trọng khác, việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình đàm phán, thực thi các cam kết quốc tế của Chính phủ là đặc biệt cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập.
Báo cáo Nghiên cứu "Doanh nghiệp và Chính sách Thương mại Quốc tế" của Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế, Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được thực hiện, với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu, với mục tiêu đưa ra một bức tranh toàn cảnh về những lợi ích mà sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp có thể mang lại cho quá trình đàm phán, thực thi các cam kết quốc tế từ cả góc độ lý luận và thực tiễn quốc tế và thực trạng ở Việt Nam. Trên cơ sở đó Báo cáo Nghiên cứu đề xuất những giải pháp hợp lý cho vấn đề này.