1. Cấu trúc của Chương
Về cơ bản gồm hai phần: Phần 1 là Quy tắc xuất xứ chung; Phần 2 là Các thủ tục liên quan đến xuất xứ như chứng nhận xuất xứ, xác minh xuất xứ. Các Phụ lục đi kèm gồm:
- Phụ lục 3-A: Các hình thức chứng nhận xuất xứ khác - Phụ lục 3-B: Yêu cầu thông tin tối thiểu - Phụ lục 3-C: Loại trừ áp dụng De Minimis - Phụ lục 3-D: Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng (gọi tắt là PSR): Phụ lục liệt kê quy tắc xuất xứ cụ thể toàn bộ các mặt hàng của 97 Chương theo Hệ thống mã số HS ở cấp 6 số, với khoảng hơn 5000 mặt hàng. - Phụ lục 1 đi kèm Phụ lục 3-D (PSR) quy định quy tắc dành riêng cho ô tô và các phụ tùng của ô tô.
2. Một số điểm đáng lưu ý và điểm mới so với các FTA Việt Nam đã ký trước đây
a. Về quy tắc xuất xứ
- Quy tắc xuất xứ cho mặt hàng tân trang (remanufactured goods): cho phép sử dụng các nguyên phụ liệu thu được từ việc tháo dỡ hàng đã qua sử dụng, xử lý, làm sạch đưa về điều kiện hoạt động tốt được coi là nguyên phụ liệu có xuất xứ (không cần đáp ứng PSR) nếu được dùng để lắp ráp, sản xuất hàng tân trang.
- Quy tắc bộ hàng hóa: áp dụng cho bộ hàng hóa phân loại theo Quy tắc 3 (c) của Quy tắc chung của diễn giải của Hệ thống hài hòa với linh hoạt cho phép hàng hóa không có xuất xứ trong bộ chiếm 10% trị giá của bộ hàng hóa.
- Linh hoạt sử dụng giá FOB thay cho giá CIF khi tính trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ trong cách tính gián tiếp khi tính hàm lượng giá trị khu vực (RVC) giúp doanh nghiệp dễ đạt RVC hơn. - Cách tính RVC: ngoài cách tính trực tiếp và gián tiếp, doanh nghiệp có thêm cách tính trị giá tập trung (có thêm linh hoạt nhất định) và cách tính theo chi phí tịnh (chỉ áp dụng đối với ô tô và phụ tùng ô tô).
- Loại trừ áp dụng De Minimis với một số nguyên phụ liệu sử dụng để sản xuất mặt hàng bơ sữa, mặt hàng có chứa bơ sữa, một số loại nước ép hoa quả , một số loại dầu ăn.
b. Về thủ tục chứng nhận xuất xứ
- Cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ.
- Do tự chứng nhận xuất xứ còn mới mẻ nên để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý từng bước tiếp cận với cơ chế mới, tận dụng lợi thế của FTA nên:
(i) Đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam và một số nước bảo lưu chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
(ii) Đối với hàng xuất khẩu, có thể áp dụng song song 2 hình thức sau trong thời gian tối đa là 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam: (a) cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống và (b) người xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ. Sau thời gian 10 năm này, sẽ áp dụng tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn như các nước.
c. Về quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng
- Mặt hàng hóa chất, xăng dầu ngoài quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa có thêm lựa chọn áp dụng các quy tắc khác như: phản ứng hóa học, tách đồng phân, thay đổi kích hạt, nguyên vật liệu tiêu chuẩn, tinh chế, phối trộn trực tiếp, chưng chất, pha loãng …
- Giày dép: quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa khá linh hoạt, cho phép sử dụng không giới hạn nguyên phụ liệu nằm ngoài Chương 64 (giày dép) nhập khẩu bên ngoài TPP để sản xuất giày xuất khẩu.
- Đối với nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản:
(i) Đối với hàng thủy sản: cho phép sử dụng con giống nhập khẩu bên ngoài TPP
(ii) Quy tắc xuất xứ cho một số mặt hàng cụ thể như sau:
Cá ngừ: Cá ngừ là mặt hàng nhạy cảm với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Mê-xi-cô nên QTXX cá ngừ hướng đến kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng cá ngừ nguyên liệu bên ngoài TPP (Nhật Bản lo ngại về nguồn gốc cá ngừ đánh bắt có hợp pháp hay không; Hoa Kỳ lo ngại cá ngừ của nước thứ ba có cơ hội gia tăng thị phần trên thị trường Hoa Kỳ thông qua chế biến tại một nước TPP). QTXX cho cá ngừ đòi hỏi gần như xuất xứ thuần túy của TPP. Tôm, cua: Tôm, cua chế biến được phép sử dụng nguyên liệu bên ngoài TPP.
Cà phê: + Cà phê đã rang có linh hoạt nhất định, được sử dụng nguyên liệu cà phê chưa rang bên ngoài TPP tới 60% khối lượng nguyên liệu sử dụng để chế biến hàng hóa. + Cà phê hòa tan được sử dụng nguyên liệu không hạn chế bên ngoài TPP
Chè: chè xanh chưa ủ men đóng gói sẵn trọng lượng không quá 3kg có thêm quy tắc linh hoạt hàm lượng giá trị khu vực 40%
Hạt điều: mặt hàng xuất khẩu thế mạnh là điều đã bóc vỏ đạt được quy tắc linh hoạt cho phép sử dụng nguyên liệu bên ngoài TPP, tạo linh hoạt cho doanh nghiệp xuất khẩu điều của Việt Nam.
d. Về quy tắc xuất xứ đối với ô tô và phụ tùng ô tô
Về cơ bản quy tắc xuất xứ cho ô tô và phụ tùng ô tô gồm 3 nội dung chính:
(i) Quy tắc xuất xứ cho ô tô nguyên chiếc (thuộc nhóm 8701.10 đến 8701.30 và 8702 đến 8705): áp dụng quy tắc hàm lượng giá trị khu vực (RVC) 55% theo cách tính gián tiếp hoặc 45% theo cách tính chi phí tịnh đi kèm linh hoạt khi xác định xuất xứ cho 7 phụ tùng (gồm thân xe, kính, ba-đờ-xốc, cầu chủ động có vi sai và các trục không lái …). 7 phụ tùng này không cần đáp ứng PSR, chỉ cần được sản xuất tại TPP, được sử dụng các nguyên phụ liệu không giới hạn bên ngoài TPP trong quá trình sản xuất và vượt quá một số công đoạn gia công (có quy định cụ thể các công đoạn gia công này) là được coi có xuất xứ TPP và được cộng vào RVC cho ô tô thành phẩm.
(ii) Quy tắc xuất xứ cho các bộ phận chính gồm động cơ, hộp số, bộ phận lái, hệ thống giảm chấn, phanh… là RVC 55% (theo cách tính gián tiếp) hoặc 45% theo cách tính chi phí tịnh với linh hoạt cho phép sử dụng nguyên phụ liệu bên ngoài TPP chiếm 5-10% trị giá thành phẩm (tùy từng bộ phận), chỉ cần các bộ phận kể trên được sản xuất tại TPP và vượt qua một số công đoạn gia công.
(iii) Quy tắc xuất xứ cho các bộ phận khác: RVC 40% hoặc quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa.
Trên đây là tóm tắt Chương 3: Quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ. Nội dung chi tiết xin xem thêm lời văn và các Phụ lục của Chương.