Ngày 4/2/2016 được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết. Như vậy, sau hơn 05 năm đàm phán, đây là bước tiến quan trọng để các nước có thể triển khai các hành động tiếp theo nhằm nhanh chóng đưa TPP có hiệu lực.
Những nấc thang tiếp theo
Sau quá trình ký kết, các nước TPP sẽ phải hoàn tất thủ tục pháp lý nội bộ để phê chuẩn thông qua các nội dung Hiệp định. Trên thực tế, TPP là một Hiệp định lớn, động chạm tới hệ thống pháp luật của các nước TPP, do đó hầu như các nước đều yêu cầu phê chuẩn của Quốc hội/Nghị viện đối với các nội dung văn kiện mà Chính phủ các nước TPP đã đàm phán.
Cuối cùng sẽ là những bước đi để TPP chính thức có hiệu lực theo một trong các cách thức và điều kiện cụ thể quy định tại văn bản Hiệp định:
Cách 1: TPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà tất cả các nước Thành viên TPP thông báo cho New Zealand (nước đóng vai trò Cơ quan Lưu chiểu của Hiệp định) về việc đã hoàn tất các thủ tục pháp lý (phê chuẩn) nội bộ của mình;
Cách 2: Nếu trong vòng 02 năm kể từ ngày TPP được ký kết Hiệp định chưa thể có hiệu lực theo Cách 1 nhưng có ít nhất 06 nước Thành viên chiếm ít nhất 85% tổng GDP của khu vực (tính theo số liệu năm 2013, tức là ít nhất phải bao gồm Hoa Kỳ và Nhật Bản) thông báo đã hoàn tất các thủ tục pháp lý nội bộ, thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn 2 năm đó;
Cách 3: Nếu cả hai trường hợp trên không xảy ra, thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 06 nước Thành viên chiếm ít nhất 85% tổng GDP của khu vực thông báo hoàn tất thủ tục pháp lý nội bộ.
Đối với các trường hợp TPP có hiệu lực theo Cách 2 hoặc Cách 3, TPP chỉ có hiệu lực với các nước đã hoàn tất quá trình phê chuẩn và thông qua nội bộ tại thời điểm đó. Các nước Thành viên còn lại (nước phê chuẩn và thông qua Hiệp định sau thời điểm đó) nếu muốn Hiệp định có hiệu lực với mình sẽ phải thông báo với các nước đã thông qua về việc mình đã hoàn thành các thủ tục phê chuẩn nội bộ và ý định muốn là một thành viên của Hiệp định. Trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo, Hội đồng Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (thành lập theo TPP, bao gồm đại diện các nước Thành viên đã phê chuẩn TPP) sẽ quyết định xem Hiệp định có hiệu lực với nước thông báo đó không. Nói cách khác, TPP sẽ tự động có hiệu lực với các nước phê chuẩn TPP “đợt đầu”, còn với các nước TPP còn lại, TPP sẽ chỉ có hiệu lực với họ khi được các nước phê chuẩn “đợt đầu” đồng ý.
Nếu TPP có hiệu lực với Việt Nam thì khi tính toán các phương án kinh doanh với các thị trường TPP, doanh nghiệp cũng cần chú ý là các cam kết của Việt Nam sẽ chỉ dành cho các đối tác TPP đã phê chuẩn Hiệp định, và ngược lại chỉ các cam kết của các đối tác TPP đã phê chuẩn Hiệp định mới có hiệu lực với Việt Nam.
Cần những bước chuẩn bị
Theo dự kiến thì thời gian để các nước TPP có thể hoàn tất các bước rà soát pháp lý, ký kết và đặc biệt là phê chuẩn theo các thủ tục nội bộ của từng nước sẽ là khoảng 2 năm. Tức là khoảng đầu năm 2018 TPP mới có thể có hiệu lực.
Trong thời gian này TPP chưa có hiệu lực và các nước thành viên TPP cũng như doanh nghiệp đều chưa phải thực thi các cam kết trong TPP, nhưng sẽ là khoảng thời gian quan trọng để doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể tận dụng cơ hội cũng như sẵn sàng cho cạnh tranh ngay khi Hiệp định này có hiệu lực với Việt Nam. Ví dụ, để được hưởng ưu đãi thuế quan trong TPP, hàng hóa sản xuất ra phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ, và doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh dây chuyền sản xuất, thiết lập nguồn cung nguyên liệu mới để đáp ứng quy tắc này cũng như tìm kiếm các khách hàng tại các thị trường TPP. Những công việc này đều cần thời gian, thậm chí là khá dài. Vì vậy, doanh nghiệp cần có chuẩn bị từ bây giờ để tận dụng tốt nhất “khoảng chờ” quý giá này.
Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng với 03 cách thức có hiệu lực như quy định, TPP có thể sẽ không đồng loạt có hiệu lực ở tất cả các nước thành viên. Việt Nam hay các nước khác hoàn toàn có thể chủ động được việc Hiệp định sẽ có hiệu lực với mình ngay trong đợt đầu hay sau đó. Nếu là đợt đầu, TPP sẽ có hiệu lực tự động với Việt Nam; nếu là đợt sau, Việt Nam có thể sẽ phải chờ ý kiến đồng ý của các nước TPP khác. Việc phải chờ ý kiến chấp thuận của các nước khác là rất rủi ro, bởi có thể các nước khác sẽ đòi hỏi thêm các nhượng bộ khác ngoài các cam kết đã đưa ra trong đàm phán trước khi chấp thuận.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các Hiệp hội doanh nghiệp cần cùng với các cơ quan có thẩm quyền rà soát, vận động và thực hiện các bước để Việt Nam sớm phê chuẩn TPP và nằm trong nhóm nước TPP có hiệu lực đợt đầu.