Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng các DN hội viên chân thành cảm ơn Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường đã luôn hỗ trợ và đồng hành cùng các DN thủy sản trong phát triển ngành và thực hiện tốt các quy định về quản lý, đảm bảo ATTP, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi. Việc này thể hiện trong nhiều hoạt động xuyên suốt của Quý Cục thời gian qua, trong đó bao gồm cả sự chủ động trao đổi, đồng hành và lắng nghe, chia sẻ các vướng mắc, khó khăn của DN tại các cuộc họp ngày 31/10/2023, ngày 02/11/2023 và ngày 08/11/2023 với đại diện VASEP, Vụ Pháp chế và các bên để góp ý cho dự thảo “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU)".
Liên quan đến Chương trình nói trên, tiếp nối các văn bản góp ý của Hiệp hội, với dự thảo mới nhất để trao đổi ngày 08/11/2023, Hiệp hội xin có một số ý kiến tiếp theo như sau:
1. Hiệp hội ủng hộ việc cần thiết phải sớm ban hành "Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU)".
2. Sau nhiều góp ý, trao đổi trực tiếp của ba bên (Cục NAFIQPM, Vụ Pháp chế - Bộ NNPTNT và VASEP), Dự thảo Chương trình phiên bản ngày 08/11/2023 đã cơ bản hoàn chỉnh, đạt các mục tiêu về Quản lý Nhà nước và yêu cầu của EU cho XK thủy sản. Tuy nhiên, liên quan đến 2 nội dung của Dự thảo nói trên vẫn còn một số ý kiến khác nhau:
- Liên quan đến thẩm quyền của cơ quan nhận đăng ký, đánh giá, công nhận các cơ sở ngoài nhà máy chế biến thuộc chuỗi cung ứng thủy sản (cơ sở thu mua, chợ đầu mối, cơ sở sơ chế, kho lạnh độc lập): VASEP kiến nghị đại diện kiểm tra viên của Cục NAFIQPM phải là thành viên của các đoàn kiểm tra và giữ vai trò chủ trì chuyên môn.
- Liên quan đến Điểm 1.2.2 Mục 1.2 Phần XI của Dự thảo về nguyên liệu NK để chế biến XK sang EU: trên cơ sở thực tế thông lệ các dòng hàng hải sản NK (bao gồm cả hàng có H/C và không có H/C), đề nghị Quý Cục có các trao đổi với đại diện của Tổng vụ Y tế và An toàn Thực phẩm (DG-SANTE) của EU, đồng thời rà soát các văn bản hiện hành để xem xét loại bỏ cụm từ "trực tiếp" trong nội dung của Điểm 1.2.2 nói trên.
3. Qua kết quả đánh giá của Đoàn thanh tra EU vào tháng 6/2023 cũng như vị trí quan trọng của thị trường EU đối với ngành thủy sản Việt Nam, đề nghị Quý Cục xem xét đưa vào kế hoạch năm tới 2024 để sửa đổi hoặc thay thế Thông tư 48/2014/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013, Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018, Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 về quy định thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện bảo đảm An toàn Thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NNPTNT cho phù hợp với bối cảnh hiện tại và yêu cầu thực tiễn đặt ra trong 5 – 10 năm tới.