Kể từ ngày 1-1-2014, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Chile sẽ chính thức có hiệu lực. Đây chính là cơ hội tốt để các DN đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Chile, một thị trường nhiều tiềm năng.
Nhiều dòng thuế về 0%
Sau hơn 3 năm đàm phán, ngày 11-11-2011, FTA Việt Nam - Chile đã được ký kết tại Hawaii, Hoa Kỳ bên lề hội nghị APEC. Hiệp định gồm có 14 chương, 104 điều, 8 phụ lục và chỉ trong lĩnh vực hàng hóa. Kể từ ngày 1-1-2014, hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, lộ trình cắt giảm thuế của Chile như sau. Chile cam kết xóa bỏ thuế cho 99,62% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Chile (ở thời điểm 2007, thời điểm bắt đầu đàm phán) trong thời hạn không quá 10 năm. Trong đó, 83,54% số dòng thuế và 81,8% kim ngạch sẽ được hưởng thuế 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực (thủy sản, cà phê, chè, dầu thô, rau quả, thịt gia súc, giày dép và một số hàng dệt may).
537 dòng thuế, chiếm 6,96% số dòng thuế và 4,6% kim ngạch xuất khẩu sẽ được xóa bỏ thuế trong vòng 5 năm. 704 dòng thuế, chiếm 9,12% số dòng thuế và 13,6% kim ngạch sẽ được xóa bỏ thuế sau 10 năm. Danh mục loại trừ có 29 dòng thuế, chiếm 0,38% số dòng thuế và 0% kim ngạch xuất khẩu (Việt Nam không xuất khẩu những mặt hàng này). Thí dụ, mặt hàng giày dép mức thuế hiện hành là 6%, ngay khi hiệp định có hiệu lực 36 dòng thuế về ngay 0% và 28 dòng về 0% sau 5 năm.
Một số mặt hàng dệt may, 203 dòng giảm ngay về 0%, 17 dòng thuế giảm về 0% sau 5 năm. Các mặt hàng thủy sản, cà phê, chè, máy tính và linh kiện từ mức thuế 6% giảm ngay về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực… Lộ trình giảm thuế của Việt Nam: xóa bỏ 87,8% số dòng thuế (91,22% kim ngạch nhập khẩu từ Chile năm 2007) trong vòng 15 năm. Các dòng thuế còn lại (12,2%) được chia vào các danh mục: Loại trừ, 374 dòng thuế, chiếm 4,08% số dòng thuế. Giữ nguyên thuế suất cơ sở (mức thuế tại thời điểm ký hiệp định: 309 dòng thuế, chiếm 3,37% số dòng thuế). Giảm thuế một phần: 435 dòng thuế, chiếm 4,75% số dòng thuế thí dụ như rượu vang.
Quy định chung về xuất xứ hàng hóa: có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên (thí dụ cà phê, mây, tre, lá…). Được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên từ những nguyên liệu có xuất xứ của các nước thành viên (thí dụ bộ bàn ghế sản xuất toàn bộ ở Việt Nam từ các nguyên phụ liệu tại Việt Nam hoặc một phần nhập từ Chile hoặc toàn bộ nhập từ Chile. Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại nước thành viên thì áp dụng nguyên tắc RVC không dưới 40% (được phép cộng gộp) hoặc tất cả nguyên vật liệu không có xuất xứ sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đã trải qua chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp 4 số.
Cơ hội thị trường
Trước hết phải nhìn nhận Chile là một thị trường mở với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 là 154 tỷ USD. Mức thuế Tối huệ quốc (MFN) thấp và đồng nhất 6%. Chile đã ký 25 FTA và ưu đãi thương mại. 90% buôn bán với các nước có FTA. Chile cũng đang trong quá trình đàm phán TPP.
Chính vì thế, việc FTA Việt Nam - Chile có hiệu lực sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này. Vì trên thực tế, một số nước xuất khẩu nhiều mặt hàng tương tự Việt Nam như Trung Quốc cũng đã ký FTA với Chile.
Mặc dù Chile không phải một thị trường lớn, nhưng việc giảm thuế sẽ góp phần thu hút FDI vào Việt Nam sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Chile. Khuyến khích các DN hàng hiệu đặt sản xuất hàng ở Việt Nam xuất khẩu sang Chile.
Ngoài ra, với thế mạnh về thương mại, việc đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam vào Chile cũng đồng thời là bước vào cửa ngõ của thị trường Mỹ La tinh rộng lớn. Ngoài ra, các DN cũng có thể tận dụng cơ hội này nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu từ Chile phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình.
Chính vì thế, các DN nên quan tâm và tìm hiểu kỹ hơn về thị trường Chile cũng như các cơ hội từ FTA. Tăng cường tiếp xúc với các DN Chile và các nước thứ 3. Theo thống kê của Cơ quan Xúc tiến xuất khẩu của Chính phủ Chile (ProChile), trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Chile trong năm 2012 đạt trên 606 triệu USD, tăng 24,5% so với năm trước đó.
Trong 10 tháng năm 2013, kim ngạch trao đổi thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Chile đạt 438,57 triệu USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Chile 176,95 triệu USD, tăng 37% và nhập khẩu 261,62 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.