Mười ba năm sau khi đưa ra ý tưởng đầu tiên, lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á hôm nay (Chủ nhật 22-11-2015) đã chính thức khai sinh một cộng đồng kinh tế thống nhất ở một khu vực đông dân và đa dạng hơn Liên minh châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Cộng đồng kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC (Asean Economic Community), kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người, được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này cạnh tranh hiệu quả hơn với hai nền kinh tế lân cận Trung Quốc và Ấn Độ.
AEC – được 10 nhà lãnh đạo ASEAN ký tuyên bố chính thức vào sáng nay 22-11 trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia - cũng là một phần của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community) rộng lớn hơn, là một trong 3 “cột trụ” của Cộng đồng ASEAN bên cạnh hai cột trụ về chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội.
Thủ tướng nước chủ nhà của hội nghị ASEAN, ông Najib Razak, ca ngợi sự ra đời của Cộng đồng ASEAN là “thành tựu cột mốc” và thôi thúc các nước thành viên đẩy nhanh hơn tiến trình hội nhập.
Trong thực tế, AEC đã phần nào hiện hữu và đã thực hiện hội nhập một số lĩnh vực căn bản như giảm thiểu hàng rào thuế quan nội khối, miễn thị thực (visa) cho công dân các nước thành viên đi lại trong khu vực, cũng như hợp tác rộng rãi hơn về văn hóa và chính trị.
Nay với tuyên bố chính thức ra đời và có hiệu lực từ ngày 31-12 tới, AEC sẽ làm gia tăng mạnh thu nhập và việc làm, giúp cho khu vực này có sức mạnh kinh tế lớn hơn để đương đầu với các nền kinh tế khổng lồ khác, giáo sư Michael G. Plummer, khoa kinh tế quốc tế Đại học Johns Hopkins (Mỹ) tại Bologna, Italy, nhận định.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích quốc tế, sau khi trở thành một thực thể pháp lý vào ngày 31-12, AEC còn phải vượt qua một quãng đường dài để trở thành một cộng đồng kinh tế hoàn thiện và hiệu quả. Trở ngại vẫn còn ở chỗ ASEAN là một tập hợp nhiều dân tộc có tiếng nói, tín ngưỡng và văn hóa khác nhau, có trình độ phát triển kinh tế khác nhau cũng như theo những chế độ chính trị khác nhau. Vượt qua sự khác biệt này để xây dựng một cộng đồng thống nhất là một công cuộc đầy khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian. Việc tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN hôm nay không chỉ là đạt được một mục tiêu mà còn là khởi đầu của một tiến trình hội nhập mới.
Giáo sư Michael G. Plummer nhận xét: “AEC có lẽ là chương trình hội nhập kinh tế nhiều tham vọng nhất giữa các nước đang phát triển. Nhưng việc thực hiện AEC sẽ ngày càng khó; nhiều công việc cần phải hoàn tất và khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức”.
Tuy nhiên, ông Plummer cũng thừa nhận: “Hội nhập ASEAN sẽ giúp cân bằng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ. Từng nước ASEAN riêng lẻ sẽ quá nhỏ bé, không thể là tay chơi quan trọng trong trò chơi kinh tế và an ninh. Thế nhưng với tư cách một tập hợp thống nhất hơn nửa tỉ người, ASEAN sẽ có thể tham gia các giải đấu lớn”.
AEC chưa đề cập nhiều tới những vấn đề kinh tế nhạy cảm như mở cửa lĩnh vực nông nghiệp, sắt thép, xe hơi và nhiều lĩnh vực được bảo hộ khác. Công dân ASEAN sẽ được phép tìm việc làm và làm việc ở các nước khác trong cộng đồng nhưng bị giới hạn làm việc chỉ trong 8 ngành, bao gồm kỹ thuật, kế toán và du lịch – 8 ngành này chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng số việc làm trong khu vực – và các nước thành viên có thể dựng lên những rào cản pháp lý để hạn chế dòng nhân lực có trình độ tràn vào nước mình, gây bất lợi cho lao động trong nước.
Thương mại nội khối ASEAN vẫn còn rất yếu ớt. Trong thập niên qua, buôn bán giữa các nước ASEAN chỉ chiếm 24% tổng giao dịch thương mại quốc tế của khối này, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 60% của Liên minh châu Âu.
Theo giáo sư Plummer, tự do hóa về dịch vụ trong khối diễn ra rất chậm. Dòng vốn đầu tư xuyên biên giới vẫn bị hạn chế bởi các danh sách loại trừ rất dài và mức giới hạn tối đa sở hữu của nước ngoài trong các doanh nghiệp dịch vụ. Các vấn đề liên quan tới mua sắm của chính phủ và giảm thiểu độc quyền của doanh nghiệp nhà nước được coi là “rất nhạy cảm” và hầu như chưa được đụng tới.
Còn có nhiều rào cản khác nữa, chẳng hạn tình trạng tham nhũng, cơ sở hạ tầng không đồng đều, chi phí vận tải và vận tải biển chênh lệch lớn sẽ gây khó khăn cho tiến trình hội nhập. Mặc dù AEC đã đồng ý để cho 4 nền kinh tế kém phát triển hơn trong khối – gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar – được “ân hạn” tới năm 2018 mới phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong khi 6 nước phát triển hơn phải thực hiện cắt giảm ngay, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại rằng, hội nhập kinh tế sẽ không thu hẹp mà có khả năng làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập trong khu vực.