Ngày cuối cùng của năm 2015 cũng là ngày đánh dấu thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực.
AEC ra đời mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp các nước ASEAN nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng thông qua việc mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Đây là bước phát triển cao của quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế của 10 nước thành viên ASEAN, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.
“Biệt đãi” giữ chân lao động
Đánh giá cao việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng AEC một cách chủ động và tích cực.
Cho tới nay, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho trên 10.000 dòng thuế xuống mức 0-5% theo ATIGA, chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.
Việt Nam cũng tham gia hợp tác một cách toàn diện cùng các nước ASEAN khác từ các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải, viễn thông, đến các lĩnh vực mới như bảo hộ sở hữu trí tuệ, chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng.
Dù trình độ phát triển chưa bằng một số nước trong khối nhưng Việt Nam là một trong 4 thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong Lộ trình tổng thể thực hiện AEC.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, khi gia nhập AEC, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với những thị trường lớn hơn ngoài ASEAN. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên thông qua kênh này để tiếp cận với những thị trường và đối tác lớn về kinh tế sẽ làm gia tăng lợi ích hơn nữa.
Tuy nhiên, việc giảm thuế nhanh sẽ khiến hàng hóa của các nước ASEAN có độ tương đồng với Việt Nam tràn vào thị trường nội địa. Đây sẽ là sự cạnh tranh không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam, nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị sẵn sàng thì ngay cả những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như hàng nông sản, hàng tiêu dùng, thậm chí cả thủy, hải sản, dệt may… sẽ bị sức ép cạnh tranh rất lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia, khi Việt Nam gia nhập AEC, dệt may sẽ nằm trong top đầu các ngành được hưởng lợi nhiều vì 60% kim ngạch xuất khẩu của dệt may được xuất vào các nước thành viên AEC, thuế suất xuất khẩu hàng may mặc cũng được đưa về 0%. Tuy nhiên, hiện tại doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập.
Nỗi lo thường trực nhất chính là việc bị mất đi các lao động lành nghề, bởi sự cạnh tranh bằng chính sách đãi ngộ lương, thưởng cho người lao động của các đối thủ nước ngoài.
Các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng đưa ra giải pháp, chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.
Thấm thía bài học về thiếu hụt lao động, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng các chính sách để thu hút lao động, dù sản xuất ở bất kỳ quy mô nào. Chẳng hạn, Tổng Công ty Phong Phú ngoài thực hiện lương, thưởng theo đúng quy định, đơn vị này còn thường xuyên tổ chức các phong trào thể thao, văn hóa văn nghệ để nâng cao đời sống đời sống văn hóa tinh thần của người lao động.
Theo bà Bùi Thị Thu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phong Phú, để thực hiện giấc mơ an cư cho công nhân, Phong Phú đã xây dựng khu chung cư 11 tầng, 194 căn với 3 loại diện tích để công nhân dễ chọn lựa và bán cho họ với giá ưu đãi.
Là một trong những đơn vị có đặc thù sử dụng nhiều lao động, Tổng Công ty May 10 hiện có 19 xí nghiệp thành viên tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 10.000 cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, với uy tín của thương hiệu cũng như chính sách chăm lo đời sống của người lao động cán bộ công nhân viên thì sự biến động về lao động có lẽ sẽ không nhiều.
Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 bộc bạch, bên cạnh việc quan tâm chăm lo hơn tới đời sống của người lao động, để họ có thể an tâm gắn bó với công việc thì Tổng Công ty cũng có những giải pháp khác để chủ động hơn trong vấn đề sử dụng lao động.
Mới đây, Tổng Công ty May 10 đã áp dụng công nghệ đào tạo chỉ mất từ 1-3 tháng có thể đào tạo một người mới đảm nhận được khối lượng công việc như 1 công nhân cả về năng suất lao động và trình độ tay nghề.
Như vậy, với Tổng Công ty May 10 nếu có biến động lao động giảm thì cũng ảnh hưởng không nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, việc thực hiện AEC và mở cửa thị trường, vấn đề cạnh tranh là không thể tránh khỏi.
Riêng với ngành dệt may, khi AEC được thực hiện, có 2 quốc gia có năng lực sản xuất hàng dệt may cao là Indonesia và Thái Lan.
Indonesia tuy có năng lực sản xuất lớn nhưng việc phát triển thương hiệu riêng thì còn hạn chế nên vẫn không tạo được áp lực với dệt may Việt Nam, trong khi đó Thái Lan có ngành thời trang tương đối rõ ràng, hệ thống phân phối rộng nên được coi là đối thủ của dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, quy mô của dệt may Việt Nam hiện lớn gấp đôi Thái Lan, nếu được khai thác tốt, đây sẽ là lợi thế cạnh tranh đáng kể của ngành dệt may Việt Nam trước đối thủ này.
"Có thể nói, với nền tảng vững chắc, năng lực nội sinh đủ mạnh, ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin đón nhận thách thức khi AEC chính thức được thực hiện," ông Trường khẳng định.
Giữ vững tâm thế
Bên cạnh những thuận lợi lớn, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi AEC có hiệu lực. Cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sẽ gay gắt hơn; phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu về chất lượng hàng hóa cũng như các phương thức kinh doanh ngày càng cao.
Nếu không cạnh tranh tốt, một số ngành, sản phẩm sẽ phải thu hẹp sản xuất; thậm chí rút khỏi thị trường.
Đưa ra khuyến cáo với doanh nghiệp, ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu rõ nội dung mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Bởi, không thể tranh thủ cơ hội mang lại mà không biết mục tiêu của Cộng đồng này là gì, thuế giảm thế nào, mức độ, thời hạn, lộ trình giảm ra sao, dịch vụ dự kiến mở những ngành, lĩnh vực nào…
Bên cạnh đó phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu không chuẩn bị tốt Việt Nam sẽ không tận dụng được cơ hội từ AEC mang lại mà phải đối mặt với thách thức nhiều hơn.
Để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh sắp tới, doanh nghiệp Việt phải chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm…
Song song với đó, cần chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp… để giữ vững thị phần trong nước đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.
Quan trọng nhất là cần chủ động tiếp cận nguồn thông tin để tận dụng tốt việc lưu thông hàng hóa từ việc cắt giảm thuế quan trong ASEAN, chủ động tìm hiểu các thị trường trong khu vực ASEAN.
"Hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức và có không ít rủi ro. Song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và với tâm thế chủ động của doanh nghiệp, việc gia nhập AEC sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng," ông Trịnh Minh Anh khẳng định./.