Giá cá tra tăng vọt: Nhìn từ 5 tháng trước

Tháng 6/2011

Giữa tháng 6/2011, Ủy ban cá nước ngọt thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) phải triệu tập một cuộc họp các doanh nghiệp xuất khẩu họp khẩn cấp bàn biện pháp cứu người nuôi cá tra khi giá cá liên tục lao dốc, khiến họ thua lỗ rất nặng.

Vào thời điểm đó, giá cá tra nguyên liệu có trọng lượng trung bình 0,8 kg/con bị các thương lái “chê” nên giá chỉ còn 24.000 đồng/kg. Với mức giá này, tất cả những người nuôi cá đều bị lỗ.

Sau cuộc họp, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam đã thống nhất tăng giá sàn cá tra philê xuất khẩu và giá cá tra nguyên liệu kể từ đầu tháng 7-2011. Giá sàn cá tra philê định hình tăng từ 3,2 USD/kg lên 3,3 USD/kg, giá cá tra nguyên liệu trọng lượng trung bình 0,8kg/con sẽ là 26.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Tháng 11/2011

Đó là tình hình cách đây hơn 5 tháng của ngành cá tra Việt Nam. Đó là thời điểm người nuôi cá tra gặp khó khăn do giá giảm mạnh, và dĩ nhiên doanh nghiệp chế biến gặp thuận lợi nhờ giá cá nguyên liệu đầu vào thấp.

5 tháng sau, tình hình trở nên đảo ngược khi nguồn cung cá tra trở nên khan hiếm trong khi nhu cầu ngày càng tăng khiến giá cá tra nguyên liệu tăng cao. Hiện, giá cá tra ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã “nhảy vọt” lên 29.000 đồng/kg, mức giá mà những người nuôi cá tra đều cảm thấy hài lòng.

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, với giá cá tra hiện nay, sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, nhân công… bình quân khoảng 24.000 đồng/kg thì nông dân còn lãi khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg. Mỗi ao (1 ha) nuôi cá tra cho sản lượng thu hoạch 300 tấn thì người nuôi thu được lợi nhuận 1 - 1,2 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận rất cao, đảm bảo cho người nuôi tiếp tục tái đầu tư và mở rộng sản xuất.

Như vậy, nếu bán được cá tra với mức giá 29.000 đồng/kg, nông dân nuôi cá lãi 8.500 – 9.000 đồng/kg và lợi nhuận trên mỗi ao nuôi (1 ha) có thể lên tới gần 3 tỷ đồng, một mức lợi nhuận rất cao trong ngành nuôi cá tra.

Người nuôi lãi cao, doanh nghiệp gặp khó

Trong khi người nuôi cá tra lãi lớn thì các doanh nghiệp chế biến cá tra lại đang lâm vào tình trạng khó khăn do nguồn cung cá tra khan hiếm, giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt nhưng giá xuất khẩu đầu ra không tăng kịp.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Thương mại Thủy sản trực thuộc Hiệp hội VASEP, ông Dương Việt Thắng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (SouthVina) cho biết mọi chi phí đầu vào đã tăng chóng mặt mà tại nhiều thị trường nhập khẩu, giá xuất khẩu đứng yên hoặc đang có chiều hướng xấu.

Ông Thắng cho biết, hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã “nhảy” lên mức 29.000 đồng/kg. Với giá đó, nhiều doanh nghiệp chỉ dám mua cầm chừng và nhiều công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do không lường trước được tốc độ tăng giá chóng mặt này nên đã ký nhiều hợp đồng với giá thấp hơn.

Rõ ràng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra không lường trước được tình huống nguồn cung cá tra khan hiếm trong những tháng cuối năm đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt. Ngay cả CTCP Thuỷ sản Hùng Vương, doanh nghiệp có hơn 9.000 công nhân chế biến cá tra, một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn nghiêm trọng do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.

Trao đổi với phóng viên DVT, Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP thừa nhận việc các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng lên quá cao, nguồn cung khan hiếm khiến nhiều nhà máy chế biến phải hoạt động cầm chừng, có nhà máy chỉ hoạt động với 50 – 60% công suất.

 Ông Hòe lý giải: “Nguồn cung cá tra từ các vùng nguyên liệu cạn kiệt dẫn tới việc các nhà máy thiếu nguyên liệu, đẩy giá tra tăng cao”.

Hiện tượng khan hiếm cá tra đến bao giờ mới kết thúc? Ông Hòe nói: “Khó lòng giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu trong ngắn hạn vì chu kỳ nuôi cá tra khoảng 6 – 7 tháng. Phải chờ lứa cá tiếp theo đến kỳ thu hoạch thì hiện tượng thiếu cá nguyên liệu mới được giải quyết”.