Một số thông tin thương mại và kinh doanh tại thị trường Algeria

Nhằm tăng cường công tác thông tin thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Algeria cung cấp Cẩm nang kinh doanh và đầu tư tại thị trường Algeria. Dưới đây là một số thông tin thương mại và kinh doanh tại thị trường Algeria.

Mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu vào Algeria

Người dân Algeria tiêu thụ ít hải sản, khoảng 2-5kg cá/năm so với mức trung bình mà Liên hiệp quốc đưa ra là 20kg/người/năm. Mặc dù Algeria có bờ biển dài 1200 km song sản lượng đánh bắt chỉ đạt 100.000 tấn/năm. Thủy hải sản tại Algeria bán rất đắt, không phù hợp với thu nhập của đại đa số người dân. Tuy nhiên xu hướng chuyển sang ăn cá (vì chứa ít cholesterol) thay vì ăn thịt đang ngày một rõ nét, khi kim ngạch nhập khẩu cá nước ngọt của Algeria ngày một tăng. Thêm vào đó là số lượng người nước ngoài đến Algeria đầu tư, lao động cũng góp phần tăng cầu thủy hải sản. Theo Hải quan Algeria, mỗi năm nước này đã nhập khẩu 32.000 tấn thủy hải sản, kim ngạch đạt từ 90-100 triệu USD. Các nước xuất khẩu chính gồm Tadjikistan, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Morocco. Tổng thuế và phí nhập khẩu vào Algeria đối với nhóm hàng này là 51% (trong đó thuế nhập khẩu là 30%, thuế VAT 19% và thuế đoàn kết 2%).

Trước đại dịch Covid-19, thủy hải sản luôn nằm trong tốp 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria, với giá trị từ 9-10 triệu USD/năm (chủ yếu là cá tra, cá ba sa), chẳng hạn năm 2019, đạt gần 11 triệu USD. Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 3,18 triệu USD. Cá tra filet của Việt Nam được bán với giá khoảng 6,4 USD/kg tương đương với loại cá biển đánh bắt rẻ nhất của Algeria là cá chích (Sardine), do vậy hàng Việt Nam có tính cạnh tranh cao.

Trước đây Việt Nam có xuất khẩu cá ngừ nguyên liệu sang thị trường này tuy nhiên, kể từ tháng 9/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Algeria đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu cá ngừ và các sản phẩm đánh bắt đóng hộp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Quy định về vấn đề sử dụng các chất phụ gia bảo quản thực phẩm đối với thủy hải sản nhập khẩu

Ngày 4/7/2017, Cơ quan kiểm soát kinh tế và trấn áp gian lận thương mại Algeria đã có công văn gửi các Sở Thương mại và các cảng biển nước này về vấn đề sử dụng các chất phụ gia bảo quản thực phẩm ký hiệu SIN 330, SIN 331 và SIN 451 đối với cá nguyên con, cá filet và các sản phẩm đánh bắt được đông lạnh. Theo đó, trên bao bì hàng nhập khẩu phải ghi rõ các chất phụ gia bảo quản nói trên, nếu không hàng sẽ bị ách tại cảng khi vào Algeria. Cụ thể:

- Chất phụ gia bảo quản thực phẩm Axít Xitric (SIN 330) được phép sử dụng đối với thủy hải sản.

- Chất phụ gia bảo quản thực phẩm Citrate de Sodium (SIN 331) có thể có các dạng sau:

+ SIN 331 (i): Citrate Biacide de Sodium: Được phép sử dụng

+ SIN 331 (ii): Citrate Monoacide Disodique: Không được phép sử dụng

+ SIN 331 (iii): Citrate Trisodique: Được phép sử dụng

- Chất phụ gia bảo quản thực phẩm Triphosphates (SIN 451) có thể có 03 dạng sau:

+ SIN 451 (i): Triphosphate pentasodique: Được phép sử dụng

+ SIN 451 (ii): Triphosphate pentapotassique: Được phép sử dụng.

+ SIN 451 (iii): Triphosphate de sodium et potassium: Không được phép sử dụng.     

Thuế áp dụng với thủy sản nhập khẩu vào Algeria

Thủy sản (cá tra filet, tôm đông lạnh)

Thuế nhập khẩu: 30%

VAT: 19%

Thuế đoàn kết cộng đồng: 2%

Tổng cộng: 51%  

Xuất nhập khẩu và thuế nhập khẩu

Algeria chưa phải là thành viên của WTO nên thuế nhập khẩu cao, trung bình là 30% (chưa kể thuế VAT là 19%) trừ đối với hàng hóa các nước tham gia FTA với quốc gia này (FTA Algeria-EU, FTA khu vực Ả rập…) và chính sách thương mại của Algeria thường hay thay đổi, mang tính bảo hộ cao. Riêng các mặt hàng nhu yếu phẩm hoặc nguyên liệu nhập khẩu thì được miễn giảm thuế: Ví dụ bột mì được miễn thuế VAT, chỉ thanh toán thuế nhập khẩu 30% và thuế đoàn kết cộng đồng là 2% (tổng cộng 32%); gạo tấm: thuế nhập khẩu 5%, thuế đoàn kết 2% và thuế VAT 9% (tổng cộng 16%); sữa: thuế nhập khẩu 5%, thuế đoàn kết 2% (tổng 7%). Luật tài chính của Algeria quy định khoản thuế đoàn kết với tỷ suất 2% áp dụng cho các hoạt động nhập khẩu hàng hóa phục vụ tiêu dùng tại Algeria. Khoản thuế này được thu giống như một loại thuế nhập khẩu.

Nhập khẩu và kiểm soát ngoại hối

Các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa cũng như dịch vụ đều phải chịu kiểm soát ngoại hối. Mọi hợp đồng xuất hay nhập khẩu đều buộc phải đăng ký tại ngân hàng thương mại được cấp phép, trước khi thanh toán hoặc thông quan hàng hóa.

Doanh nghiệp nhập khẩu phải thanh toán một loại thuế với tỷ suất 1% khi mở hồ sơ tại ngân hàng để nhập khẩu hàng hóa mà tổng số thuế phải trả không dưới 100.000 Dina Algeria (1 USD = 135 DZA). Doanh nghiệp phải thanh toán thuế mở hồ sơ tại ngân hàng với tỷ suất 3% nếu nhập khẩu dịch vụ.

Nhãn mác

Theo Sắc lệnh 1996 của Algeria về nhãn mác, nhãn mác hàng hoá sản xuất, buôn bán hoặc dịch vụ đều phải đăng ký. Tất cả các hàng hoá có nhãn mác giả đều bị cấm lưu hành hoặc sẽ bị tịch thu.

Có nhiều quy định liên quan đến nhãn mác sản phẩm tùy theo từng chủng loại hàng hóa, ví dụ có các nghị định về nhãn mác đối với mỹ phẩm, lốp xe, sản phẩm năng lượng, xi măng, dầu nhờn, nước tẩy, đồ chơi, vv.

Các quyền sở hữu về nhãn mác có thể được chuyển nhượng toàn bộ hay từng phần bằng văn bản tại cơ quan quản lý đăng ký nhãn mác.

Thông tin trên nhãn mác, bao bì đối với hàng nhập khẩu bắt buộc phải ghi bằng tiếng Ả rập và một ngoại ngữ khác như tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. 

Thanh toán xuất nhập khẩu

Tín dụng thư (L/C), nhờ thu và chuyển tiền tự do là những phương thức thanh toán chính tại Algeria. Khi giao dịch với các đối tác mới, cần phải ưu tiên sử dụng tín dụng thư làm phương thức thanh toán.

Ưu điểm: L/C là phương thức thanh toán an toàn nhất trong giao dịch ngoại thương, đặc biệt đối với nhà xuất khẩu. Nó cũng bảo đảm chất lượng hàng thông qua những chứng từ phải cung cấp như giấy chứng nhận chất lượng xuất xứ cho khách hàng.

Nhược điểm: L/C phải huy động nguồn tiền, đây thực sự là vấn đề đối với khách hàng Algeria vốn vẫn thường cần đến nguồn tài trợ cho các hoạt động giao dịch. Mặt khác, việc triển khai phương thức thanh toán này thường chậm chạp vì có nhiều bên tham gia như khách hàng, ngân hàng của khách, ngân hàng xác nhận trong trường hợp ngân hàng của khách không phải là ngân hàng hàng đầu. Chi phí giao dịch vì thế cũng tốn kém hơn.

Hoàng Đức Nhuận

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục