Từ Liên minh Thuế quan tới Liên minh Kinh tế Á-Âu

Liên minh Kinh tế Á-Âu mà khởi nguồn là Liên minh Thuế quan được ví như cây cầu nối phương Đông với phương Tây. Tới đây, Việt Nam cũng sẽ có mặt trong Liên minh này với việc ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu.

Ngày 27/11/2009 tại Thủ đô Minsk (Belarus), 3 quốc gia Nga, Belarus và Kazakhstan đã đặt bút ký vào bản Hiệp ước về việc thành lập và gia nhập Liên minh Thuế quan. Từ 1/1/2010, Liên minh Thuế quan chính thức đi vào hoạt động với một biểu thuế quan thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ của 3 nước thành viên.

Phát biểu tại lễ ký kết này, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev nói: “Ba quốc gia thành viên của Liên minh phải chứng minh bằng thực tế để cho thấy sự ưu việt và những lợi thế của sự liên minh này. Một thị trường rộng lớn, thống nhất với hơn 170 triệu dân có tiềm năng sản xuất công nghiệp tương đương khoảng 600 tỷ USD và trữ lượng chỉ tính riêng dầu mỏ đã khoảng 90 tỷ thùng, đây là một lợi thế không hề nhỏ khi Liên minh trở thành một trong những nhà cung cấp chủ chốt của thị trường năng lượng thế giới. Giá trị sản xuất nông nghiệp của 3 nước khoảng 112 tỷ USD, chiếm 12% sản lượng lúa mỳ của toàn thế giới và 17% xuất khẩu của toàn thế giới về mặt hàng này. Tổng GDP hiện nay của 3 nước đã khoảng 2.000 tỷ USD và tổng kim ngạch thương mại trong Liên minh khoảng 900 tỷ USD”. 

Ngày 7/7/2013, phát biểu tại Thủ đô Astana (Kazakhstan), Tổng thống Nga V.Putin khẳng định: “Về thực chất Tổng thống N.Narazbayev chính là cha đẻ của Liên minh Thuế quan hiện nay”.

Lịch sử hình thành

Tháng 3/1994, Tổng thống Kazakhstan N.Narazbayev đề xuất một bản dự thảo về việc thành lập một khu vực thuế quan thống nhất bao gồm 5  nước thuộc Liên Xô cũ là Nga, Kazakhstan, Belarus, Kyrgyzstan và Tajikistan. Tháng 1/1995, Hiệp ước về việc thành lập Liên minh Thuế quan đã được 3 nước thành viên chính thức sau này của Liên minh ký. 

Tuy nhiên, do giữa các nước thành viên một số đạo luật lại không giống nhau, thậm chí có nhiều điều khoản còn mâu thuẫn nhau đòi hỏi phải có những điều chỉnh tương đối căn bản thì việc liên minh mới dần trở thành hiện thực. Bằng những nỗ lực của mỗi nước, mùa hè năm 1995, biên giới giữa Nga và Belarus đã trở nên thông thương khi các trạm kiểm tra hải quan tại đây đã được dỡ bỏ.

Tháng 3/1996, Kyrgyzstan chính thức sáp nhập vào Liên minh Thuế quan. Tuy nhiên, hai năm sau (1998) nước này đã tự rút lui khỏi liên minh để trở thành thành viên chính thức của WTO. Khủng hoảng kinh tế ngay sau đó diễn ra tại Nga đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động hải quan của 3 nước thành viên và kéo theo đó là sự đổ vỡ kế hoạch xây dựng Liên minh Thuế quan. Tháng 4/2000, các trạm kiểm tra hải quan đã được phục dựng trên biên giới Nga- Belarus và trong năm 2001, tại biên giới Nga – Kazakhstan, các trạm tương tự cũng hoạt động trở lại.

Tháng 10/2000 tại Astana, lãnh đạo 5 nước Nga, Kazakhstan, Belarus, Kyrgyzstan và Tajikistan cùng ký vào văn bản khởi đầu cho việc thành lập Liên minh Kinh tế Á – Âu với mục đích là tạo ra một sân chơi thương mại tự do, hình thành liên minh hải quan, không gian kinh tế thống nhất và thống nhất chế độ ngoại hối.

Năm 2005, Hội nghị thượng đỉnh tại Kazan (Nga) đã thông qua được quyết định về việc tái thành lập Liên minh Thuế quan. 

Ngày 6/10/2007 tại Thủ đô Dushanbe (Tajikistan), bản thỏa thuận về việc xây dựng một khu vực chung với các thủ tục hải quan đồng nhất trong phạm vi của Liên minh đã được ký bởi Nga, Kazakhstan và Belarus. Rút kinh nghiệm từ những thiếu sót trong quá khứ, các phương án chặt chẽ hơn về tổ chức và các văn bản pháp lý đi kèm đã được lựa chọn và đề xuất.

Ngày 1/7/2011, bộ luật hải quan chung đã được Nga và Kazakhstan áp dụng. Đến ngày 6/7/2011 bộ luật này đã có hiệu lực pháp lý trên toàn lãnh thổ của Liên minh Thuế quan.

Ngày 29/5/2014 tại Astana, 4 nước Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia và Kyrgyrstan ký thỏa thuận về việc cho ra đời Liên minh Kinh tế Á-Âu. Từ 1/1/2015, 3 nước thuộc Liên minh Thuế quan ngay lập tức trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Armenia trở thành thành viên từ 2/1/2015, còn Kyrgyrstan thì từ 14/5/2015.

Việc thành lập Liên minh nhằm tạo dòng chảy tự do về người, vốn và hàng hóa, giúp củng cố nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển hài hòa và xích lại gần nhau của các nước thành viên. Ngoài tự do thương mại, liên minh này còn phối hợp hệ thống tài chính của các nước thành viên, điều chỉnh chính sách công nghiệp, nông nghiệp cùng mạng lưới giao thông vận tải.

Cũng nhờ những lợi ích từ liên minh, liên kết mà trình độ phát triển của các nước trong khối sẽ dần tăng lên, từ đó, GDP của cả khối cũng sẽ tăng lên đáng kể.

Việt Nam và quá trình hội nhập vào Liên minh Kinh tế Á - Âu

Tháng 9/2014, tại cuộc họp của Ủy ban liên Chính phủ Nga – Việt Nam về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật diễn ra tại Vladivostok (Nga), đại diện của Nga đã trao cho phía Việt Nam bản đề nghị về việc mời Việt Nam tham gia vào Liên minh Kinh tế Á-Âu. Khởi đầu cho quá trình hội nhập này sẽ là việc thành lập các khu vực tự do thương mại cụ thể giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Bản dự thảo Hiệp định về khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á – Âu với Việt Nam đã được xem xét và thông qua tại kỳ họp Chính phủ Nga ngày 21/5/2015.

Kim ngạch thương mại hiện nay giữa Việt Nam và Nga đang ở mức khoảng 4 tỷ USD/năm, với Kazakhstan khoảng hơn 270 triệu USD/năm và với Belarus là khoảng 200 triệu USD/năm. Phía Nga kỳ vọng nhờ việc hội nhập vào Liên minh Kinh tế Á – Âu của Việt Nam mà kim ngạch giữa Nga và Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 10 tỷ USD/năm vào năm 2020.

Nếu việc hội nhập của Việt Nam đem lại kết quả như kỳ vọng, theo đánh giá của các chuyên gia, trong tương lại Liên minh Kinh tế Á – Âu sẽ tạo nên những hấp dẫn để thu hút các nước như Ấn Độ, Israel, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ… tham gia vào khối liên minh kinh tế này.

Liên minh Thuế quan hay Liên minh Kinh tế Á-Âu: Về tên gọi của Liên minh, thực ra, khái niệm Liên minh Kinh tế Á-Âu đã có từ năm 1994, khi Tổng thổng  Kazakhstan muốn đưa cả 5 nước, trong đó có cả Tajikistan và Kyrgyzstan (nằm ở châu Á). Tuy nhiên, sau đó do chỉ có 3 nước là Nga, Belarus và Kazakhstan tham gia và chỉ tập trung vào lĩnh vực hải quan nên gọi là Liên minh Thuế quan.

Sau này, khi Tổng thống Nga V.Putin có ý định xây dựng đồng tiền chung cho 3 nước và tham vọng mở rộng khối nên mới trở lại khái niệm Liên minh Kinh tế Á-Âu. 

Tin cùng chuyên mục