Từ tháng 6/2021 về trước, khi tình hình Covid-19 tại Ấn Độ, Indonesia căng thẳng, tôi trao đổi nội bộ trong doanh nghiệp (DN) tôm chỗ tôi, đưa ra nhận định, đánh giá để đề ra sách lược kinh doanh. Sự gãy đổ chuỗi cung ứng ở hai cường quốc tôm sẽ là cơ hội tốt cho tôm Việt Nam rộng đường bơi. Cân đối cung cầu khiến giá tiêu thụ sẽ tăng, vậy là hạn chế ký hợp đồng mua bán sớm, chỉ đủ cho dự phòng ngắn, khoảng tháng thôi.
Đúng vậy, do nhu cầu tăng, các DN tôm ta ký nhiều hợp đồng khiến giá tôm thương phẩm từ người nuôi tăng khá mạnh ngay cao điểm thu hoạch, người nuôi phấn khởi với giá tôm tháng 6, tháng 7 vừa qua. Nhưng từ giữa tháng 7, dịch bùng phát ở ĐBSCL - nơi tập trung nhiều DN chế biến, XK tôm, khiến năng lực chế biến hàng ngày của DN toàn vùng giảm không còn phân nửa.
Song song, không ngờ tôm Ecuador trúng tốt, nước họ đang ổn về dịch nên tôm Ecuador “choáng hết chỗ” thiếu hụt của tôm Ấn Độ ở thị trường Hoa Kỳ. Giá tiêu thụ có tăng nhưng không như dự tính. Các DN tôm mua giá tôm thương phẩm khá cao 2 tháng trước tính ra hiệu quả không đáng kể, thậm chí lỗ.
Khi DN tôm thu hẹp sản xuất, giá tôm thương phẩm sụt giảm 20-30% khiến người nuôi đã vất vả lại được khuyến mại thêm sự buồn bã. Có người suy nghĩ cho rằng các DN tôm đang tìm cơ hội kinh doanh, trong “nguy” của người nuôi các DN tìm “cơ” thông qua giá mua giảm, thu lợi! Thực ra có nhiều yếu tố khiến giá tôm giảm mạnh. Trong đó yếu tố như bất lợi lưu thông do phong tỏa làm tăng phí cho các nhà thu mua; yếu tố các DN tôm tăng quá nhiều chi phí trong hoàn cảnh sản xuất thu hẹp nên buộc người nuôi “chia lửa”.
Bên nào cũng có cái lý bào chữa cho suy nghĩ, hành động của mình. DN chỗ tôi mua giá cũng mềm, nhưng kiểm tra tháng 8 đầy khó khăn này, thay vì lãi như mọi năm, nay có thêm dấu trừ ở đầu con số, chuyện hiếm hoi xảy ra lúc cao điểm nguyên liệu! Thôi tất cả đổ đầu covid, nó gây thiệt hại vô chừng cho bất cứ ai, bất kỳ lúc nào! Nhất là nó gây “lục đục” hai mắc xích gần gũi trong giá trị con tôm là người nuôi và nhà chế biến thì không hay lắm!
Thông tin do phong tỏa, người nuôi khó tiếp cận các nguồn lực để thả nuôi vụ 2 trong năm nay nên sẽ thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu tôm cho chế biến từ quý 4 năm nay và đầu năm sau. Trong cái khó này cũng ló… cơ hội kinh doanh! Đó là do thiếu hụt, giá tôm thương phẩm sẽ tăng, vậy ráng vượt khó đẩy mạnh nuôi tôm, đón dầu cơ hội! Nói nghe dễ nhưng làm không dễ. Bởi đang mùa mưa, không phải lúc thuận lợi tôm nuôi phát triển. Bởi mưa sẽ gây xáo trộn môi trường ao nuôi khiến tôm bị rủi ro hơn. DN chỗ tôi nổi tiếng đi ngược gió. Gần cuối tháng 8 vừa qua, trại nuôi của DN tôi đả thả giống cho 320 ao tôm. Bây giờ là nín thở chờ kết quả… tìm cơ hội kinh doanh. Nhưng chỗ tôi không chỉ “cầu trời độ” mà luôn kiểm soát tất cả ao nuôi thương xuyên, kịp thời xử lý mọi rủi ro. Tín hiệu rất tốt cho các ao thả đầu tiên từ cuối tháng 7.
Tôi đọc tin thấy bão Ida đã càn quét dữ dội làm tràn dầu vịnh Mexico. Chính quyền Hoa Kỳ phải đọc 350 báo cáo và khẩn trương xử lý. Mức tràn dầu trầm trọng khiến tôi nhớ lại sự cố hãng khai thác dầu BP làm tràn dầu trên vịnh này năm 2009 làm cho việc khai thác hải sản trên vịnh bị hạn và người tiêu dùng sợ sản phẩm mua bị ô nhiễm nên không mua sản phẩm. Vịnh Mexico cung cấp khoảng 300.000 tấn tôm nâu hàng năm. Sự cố trên khiến tôm sú cỡ lớn Việt Nam đang tồn kho sau khủng hoảng kinh tế 2008 được tiêu thụ hết một cách nhanh chóng. Nay, không biết lịch sử có lặp lại? Phải có thông tin đủ hơn nữa để đánh giá có phải là một cơ hội kinh doanh hay không?! Cơ hội này nếu diễn ra, ngành tôm ta sẽ thu lợi không nhỏ.
Chế biến thủy sản nói chung, chế biến tôm nói riêng là ngành lao động khá nặng nhọc vì lạnh nên khó thu hút lao động cho dù thu nhập có khá hơn một số ngành khác. Chuyện này cũng tác động đến những nhà điều hành DN tôm, không dám mở rộng quy mô sản xuất quá lớn vì ngại thiếu hụt lao động, sẽ gây lãng phí đầu tư, tiền vay ngân hàng phải trả lãi.
Dự báo Covid-19 còn tác động tới mọi mặt của cả thế giới dài dài. Người lao động ít nhiều suy nghĩ, không còn mạnh dạn đi làm xa, tốt hơn kiếm việc gần cho an tâm… phòng chống dịch. Sự thay đổi suy nghĩ này là cơ hội kinh doanh cho các DN thủy sản. Nuôi tôm, cá còn dư địa lớn, DN chế biến sẽ mạnh tay đầu tư mở rộng công suất chế biến, lao động sẽ dễ tìm hơn.
Trên là đôi dòng về con tôm, thêm chút “tâm tình” về con cá tra mình. Người tiêu dùng thế giới có khái niệm sản phẩm tương đồng. Như cá tra fillet có cá minh thái fillet là hai sản phẩm người tiêu dùng dễ thay đổi sự lựa chọn.
Cá minh thái (Alaska Pollock) sinh sống tập trung eo biển Bering thuộc quyền khai thác của Nga và Hoa Kỳ. Sản lượng khai thác cá tự nhiên này hàng năm khoảng 3 triệu tấn, chia đều hai nước. Cá nhiều, họ có thể bán hạn ngạch khai thác cho các nước gần đó như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, giá không rẻ, khoảng 375 USD/tấn (theo thông tin của VASEP). Năm nay, cá chắc trúng, bởi Nga dự kiến đến cuối năm khai thác khoảng 1,6 triệu tấn.
Cá này trúng, thu hẹp đường bơi của con cá tra tới Châu Âu. Mỗi khi cá này trúng, truyền thông bên đó hay bôi xấu cá tra để tranh giành người tiêu thụ. Kinh doanh lắm thủ đoạn, không từ đòn hạ đẳng! Có lẽ tình hình này là lý do chủ yếu khiến thị phần cá tra ở EU đang sụt giảm. Chuyện rất bình thường, không phải thương nhân cá Việt không bản lĩnh mà bù lại thương nhân Việt đang ráo riết mở lối mới, mở rộng lối cũ nên xuất khẩu cá tra trong 8 tháng đầu năm là con số dương. Công lao thương nhân cá là ở điểm này.
Thật tình cá tra hơi hẹp đường bơi, còn do nhiều nước lớn đang tích cực mở tộng quy mô nuôi cá này như Ấn Độ, Bangadesh, Indonesia, Trung Quốc. Tuy họ nuôi có sản lượng không nhỏ, nhưng chủ yếu để tiêu thụ trong nước. Nhìn về tương lai là điểm không tốt cho cá tra Việt. Ngành cá tra mình cần xốc lại thực lực, mở lối bền vững cho mình, cơ bản nâng cấp sản phẩm và tạo thêm sản phẩm chế biến mới, hướng tới đáp ứng thói quen mới người tiêu dùng cần sản phẩm có tiện ích càng nhiều càng tốt.
Tóm lại, cơ hội kinh doanh sẽ “hiện” ra nếu chúng ta quan tâm và có cái nhìn phát triển, trong đó yếu tố kinh nghiệm là rất cần. Nói vậy, chớ muốn “thấy” được cơ hội kinh doanh đòi hỏi nhà quản trị DN phải nhạy bén, siêng thu thập thông tin, nâng cao kiến thức mọi mặt và tổng hòa các yếu tố đó cộng với kinh nghiệm để cho ra nhận định phù hợp, tranh thủ nhanh cơ hội mới có thể giữ vững và phát triển DN của mình trên thương trường ngày càng nhiều cạm bẫy hiện nay.
Tháng 9/2021
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN
(vasep.com.vn) Nông dân nuôi tôm Trung Quốc đang dần từ bỏ hệ thống ao lớn truyền thống để chuyển sang các mô hình vận hành nhỏ gọn, áp dụng công nghệ tiên tiến, giúp giảm lãng phí nước và tăng hiệu quả sản xuất.
(vasep.com.vn) Quỹ Phát triển bền vững hải sản quốc tế (ISSF) đã kêu gọi các cơ quan quản lý nghề cá Thái Bình Dương tăng cường các biện pháp giám sát và phát triển bền vững đối với các ngư trường đánh bắt cá ngừ lớn nhất thế giới trước cuộc họp quan trọng sẽ diễn ra tại Fiji vào cuối tháng 11.
Giống cá tra sạch bệnh, chất lượng cao để tạo cơ sở nuôi thương phẩm an toàn, giá cả hợp lý, đáp ứng yêu cầu thị trường, thúc đẩy ngành hàng cá tra phát triển bền vững. Thế nhưng, thực trạng sản xuất cá tra giống hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải.
(vasep.com.vn) Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch XK cá tra tháng 10/2024 đạt gần 202 triệu USD, tăng 17% so với tháng 10/2023. Lũy kế XK cá tra 10 tháng đầu năm nay sang các thị trường đạt 1,7 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ ngày 12 - 15/11, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Cục Thủy sản phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức lớp tập huấn về nuôi biển công nghiệp, thu hút sự khoảng 200 học viên là cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người dân từ 8 tỉnh, thành phố có biển gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam khẳng định EU ghi nhận phía Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
(vasep.com.vn) Kế hoạch tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã khiến các chuyên gia thương mại và nhóm thương mại thủy sản dự đoán ngành thủy sản sẽ có 4 năm đầy biến động.
(vasep.com.vn) Một phần là do nhu cầu và do quy cách sản xuất, nhưng dòng chảy thương mại tôm Ecuador đang thay đổi.
HSBC Việt Nam và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn) vừa tham gia ký kết một thỏa thuận tài trợ tín dụng thương mại xanh. Sự kiện này ghi dấu khoản tín dụng xanh đầu tiên mà HSBC Việt Nam cấp cho doanh nghiệp sản xuất thủy sản Vĩnh Hoàn, đồng thời là khoản tín dụng xanh đầu tiên mà ngân hàng tài trợ trong lĩnh vực thủy sản, thể hiện sự hỗ trợ của HSBC đối với Vĩnh Hoàn trên hành trình phát triển bền vững.
(vasep.com.vn) Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 10/2024, XK cá tra sang EU đạt 7 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế XK sang thị trường này tính đến ngày 15/10/2024 đạt hơn 134 triệu USD, giảm nhẹ 0,01% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội
Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO
Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu
Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn
Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh
Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn
VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn