Cuộc chiến con tôm (Bài 1): Cuộc chạy đua của con tôm các nước

TS. Hồ Quốc Lực 08:46 13/11/2023 Kim Thu
Thời buổi này các ngành kinh tế đang đầy khó khăn và bất trắc cứ bất chợt nhảy bổ ra ngáng đường. Trong cái bi quan đó cũng có điểm lạc quan, nêu ra như chút phần tự an ủi, trong rủi sẽ có may, sau cơn mưa trời sẽ sáng. Dù Covid gây bao lao đao; dù chiến tranh khu vực gây lạm phát, suy thoái… vẫn không gây chùn bước cho những toan tính về con tôm ở một số cường quốc tôm, thể hiện qua các kế hoạch tăng trưởng ngành tôm với những con số đầy ấn tượng. Bước sang năm 2024, khi khó khăn chưa có dấu hiệu suy giảm, việc sớm nhận diện toàn cảnh ngành tôm để có sách lược cho từng doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro là chuyện cần thiết. Bài viết này không gì mới mẻ, chỉ mang tính chất tổng hợp tình hình và góc nhìn cá nhân để cùng tham khảo.

Trước tiên là ngành tôm Ecuador. Năm 2021 họ đạt con số trong mơ, một triệu tấn tôm với tốc độ tăng trưởng gấp 3-4 lần mức trung bình thế giới. Năm 2022, 2023 sản lượng tôm của họ vẫn tăng trưởng trong bối cảnh đầy khó khăn trên phạm vi toàn cầu. Họ chỉ có diện tích nuôi theo thông tin là khoảng 220.000 hecta; họ công bố quy trình nuôi thưa, hạn chế gây ô nhiễm và chỉ ở mức chịu tải của môi trường. Họ công bố phấn đấu cho mục tiêu 1,5 triệu tấn tôm trong tương lai gần.

Giải pháp như thế nào chưa rõ ràng. Nếu tăng mật độ nuôi thì giảm diện tích mặt nước nuôi vì dành đất cho khu xử lý thải; nếu tăng diện tích nuôi thì khả năng được bao nhiêu để đạt con số trên, chí ít phải thêm ít ra 20% diện tích nuôi nữa. Ecuador đã tạo dựng hình ảnh con tôm của họ khá ấn tượng, tôm ASC thân thiện môi trường. Có lẽ con đường đi của họ sẽ không thể tăng mật độ thả nuôi với quy mô lớn, sẽ giữ được hình ảnh con tôm họ đã dày công hình thành. Tuy nhiên, đối mặt với việc tăng sản lượng ồ ạt sẽ là sự mất cân đối cung cầu, giá tiêu thụ sẽ giảm mạnh. Bài toán hiệu quả đã hiển hiện rõ nét trong năm 2023, theo thông tin ít nhất 10% hộ nuôi của họ đã treo trang trại vì thua lỗ. Hướng tăng sản lượng cung thế giới chắc không phải là hướng hiệu quả nhất hiện nay.

Trung Quốc với số lượng người tiêu dùng nội địa khổng lồ, đời sống ngày một cao, nhu cầu thực phẩm cấp cao ngày một nhiều hơn, con tôm trong số đó. Hơn chục năm trước, ngành tôm ở đây đã đạt kỷ lục thế giới tới nay chưa bị phá, trên 1,5 triệu tấn tôm một năm. Do diện tích nuôi phát triển nóng, ô nhiễm và dịch bệnh tràn lan khiến ngành tôm nuôi ở đây không duy trì đỉnh cao dài lâu. Năm 2023 này, có thể Trung Quốc lập một kỷ lục khó bị phá nữa là nhập khẩu tôm đạt khoảng một triệu tấn, tập trung ba nguồn từ Ecuador, Ấn Độ, Argentina (tôm biển).

Như nói trên, đời sống cao, nhu cầu cũng đa dạng và ngày càng cao. Người tiêu dùng Trung Quốc chuộng tôm tươi và sống. Có cầu có cung, ngành nuôi tôm Trung Quốc đang phát triển mô hình tôm nuôi trong nhà màng. Với hình thức này, các tỉnh ven biển miền Trung và Bắc Trung Quốc (phía trên Phúc Kiến) tuy lạnh cũng có thể nuôi. Quy mô ao nuôi chỉ vài trăm mét vuông và để hạn chế gây ô nhiễm, họ tổ chức nuôi tuần hoàn (RAS) và có thể đạt 3-5 vụ hàng năm. Tất cả sẽ đưa đến giá thành khá cao, 5 USD/kg tôm cỡ không lớn lắm, nhưng rất dễ tiêu thụ vì gần các khu trung tâm và tôm tươi sống đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Họ tính toán với hình thức nuôi này rất dễ lan tỏa, và dự kiến sẽ tạo ra sản lượng 400-500 ngàn tấn trong tương lai gần.

Nếu phương thức nuôi này thành công, Trung Quốc sẽ tạo ra điểm sáng cho ngành tôm là sản xuất tôm XANH bền vững ngay tại bất cứ nơi nào có nước nuôi, cũng có thể là mô hình cho các quốc gia khác học hỏi. Và thành công hơn là ngành tôm Trung Quốc đã làm thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng nội địa, với mặt hàng ngon, bổ nhưng giá không rẻ chút nào. Tiền nào của nấy, chắc chắn sản phẩm này tập trung nhắm tới khách hàng cao cấp. Với thị hiếu này của người tiêu dùng Trung Quốc, ngành tôm Việt có hưởng lợi. Khách hàng Trung Quốc đang mua tôm sống tại ao tôm và luộc, cấp đông ở miền Tây nước ta, nơi tập trung diện tích nuôi hiện nay. Dĩ nhiên giá mua tôm thương phẩm sẽ cao hơn 5, 7 ngàn đồng mỗi kg so với mua bán bình thường. Bù lại, họ chỉ mua tôm nào luộc lên có màu đỏ đẹp, thị hiếu mà. Ao trải bạt đáy sẽ đáp ứng yêu cầu này.

Với tình hình này, sản lượng tôm Trung Quốc vượt qua một triệu tấn hàng năm. Và với họ, không quá lệ thuộc các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Cũng với tình hình này, ngành tôm Việt sẽ có xu hướng tăng trưởng tiêu thụ ở Trung Quốc ngày càng tốt hơn, do phát huy thế mạnh của mình là tôm nuôi quanh năm, gần Trung Quốc và nhất là có sản lượng tôm sú lớn nhất thế giới.

Ấn Độ đã công bố đạt sản lượng tôm khoảng một triệu tấn năm 2020. Nhưng đó là đỉnh cao nhất. Các năm gần đây, ngành tôm Ấn Độ cũng bị dịch bệnh như tôm Việt. Thời gian gần đây, do có lẽ mải lo đối phó tình hình nuôi, tiêu thụ; chưa thấy họ công bố tham vọng mới. Tôm Ấn Độ có chi phí nuôi thấp sau tôm Ecuador. Nhờ vậy, tuy bị thuế chống bán phá giá chi phối, tác động nhưng tôm Ấn Độ vẫn chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ, có năm đạt tới trên 40% sản lượng tôm nhập khẩu của Hoa Kỳ. Nay tôm họ bị tôm Ecuador xâm lấn thị phần ở đây. Tuy nhiên, do trình độ chế biến tôm của họ tuy không cao nhưng vẫn trên mức của tôm Ecuador nên thị phần của họ ở Hoa Kỳ chỉ suy giảm không lớn lắm. Ấn Độ cũng là mỏ tôm của Trung Quốc, và đây là thị trường lớn thứ hai của họ sau Hoa Kỳ. Ấn Độ có hàng ngàn nhà máy chế biến tôm như Trung Quốc và họ đang nỗ lực nâng cao đẳng cấp chế biến. Tuy nhiên, giữa kỳ vọng và thực trạng ở đây còn khoảng cách không nhỏ.

Cái nhìn tổng quan, từ năm 2015 đưa ra mục tiêu một triệu tấn tôm, Ấn Độ đã đạt được. Nhưng sự đồng bộ chưa rõ nét, giá thành tôm họ thấp, họ bán thấp là một lợi thế cạnh tranh. Nhưng nhìn lại thực trạng mảng nuôi, vẫn còn phổ biến con số thông tin các hộ nuôi thua lỗ, treo ao… và trình độ chế biến chưa vươn được tầm như hoạch định. Có thể ngành tôm Ấn Độ sẽ có thời gian dài dừng lại ở mức sản lượng hiện nay để củng cố thực lực, xây dựng các mắt xích ngành hàng đồng bộ hơn làm nền tảng chinh phục các mục tiêu tiếp theo.

Ngành tôm Indonesia với khoảng 300 ngàn hecta nuôi và sản lượng trung bình 1 tới 1,5 tấn mỗi hecta, chưa cao, nhưng đó là tiềm năng để tăng tốc sản lượng trong tương lai. Các quan chức ngành tôm ở đây không giấu giếm ý định sẽ bám đuổi sản lượng tôm Việt và tôm Ấn. Họ có chiến lược khá bài bản. Như nỗ lực đưa các trại tôm bố mẹ về Indonesia thay vì phải tốn hàng chục ngàn cây số định kỳ lấy tôm bố mẹ từ Hawaii hoặc Florida về, như các nước châu Á đang làm hiện nay. Họ có chương trình nuôi XANH nhằm quảng bá, xây dựng hình ảnh con tôm của họ. Đó là họ phát huy thế mạnh xứ vạn đảo, nuôi tôm kết hợp bảo tồn, tái tạo rừng ngập mặn ven biển. Tôm sạch kết hợp bảo vệ rừng là thông tin đắt giá thu hút người tiêu dùng và nâng tầm tôm Indonesia trên thế giới. Song song, họ cũng có chương trình kích cầu nội địa “mỗi ngày ăn một con tôm”.

Tổng quan, ngành tôm Indonesia có chiến lược phát triển khá bài bản và họ đạt mục tiêu bám sát ngành tôm Việt và Ấn Độ. Nhưng chỉ tiêu sản lượng coi có vẻ không dễ thực thi, tốt hơn là tập trung theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Ngành tôm Thái hiện nay có sản lượng thấp nhất trong 6 cường quốc nuôi tôm. Lao động nông thôn có xu hướng chuyển ra thành thị khiến ngành tôm của họ thiếu lao động trong lĩnh vực nuôi lẫn chế biến. Yếu tố này khá cơ bản để níu chân ngành tôm của họ hiện nay chỉ đạt sản lượng trên 200 ngàn tấn năm, chỉ hơn 1/3 so thời hoàng kim hơn chục năm trước. Tuy tôm Thái chiếm thị phần thứ 3 ở Nhật, thứ 5 ở Hoa Kỳ, nhưng với xu thế này, ngành tôm của Thái sẽ không đặt chỉ tiêu lớn lao, chỉ tập trung cho mục tiêu hoạt động bền vững và phục vụ khách du lịch khá đông đảo của mình, hơn là mục tiêu phát triển xuất khẩu.

Tôm Việt, với chiến lược phát triển tới năm 2030 tầm nhìn 2045, đề ra chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 7-8% mỗi năm. Với nhu cầu thế giới và khả năng nội tại, chỉ tiêu này là phù hợp. Các năm qua, theo số liệu đã công bố, có sự tăng trưởng khá ổn định về sản lượng, tuy có chút thấp hơn chỉ tiêu trên. Chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu, tuy có lúc sụt giảm, nhưng chiều tăng trưởng là xu thế vững chắc. Hiện nay, tuy đã đạt trên 4 tỷ USD, lọt vào danh sách 10 sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch cao nổi tiếng với năng lực chế biến sâu, có tiềm năng mở rộng diện tích nuôi… nhưng ngành tôm Việt vẫn còn trong giai đoạn mang tính chất đối phó các khó khăn liên tục ập đến, ngày một phức tạp. Khó khăn lớn nhất là tỉ lệ nuôi thành công thấp dẫn đến giá thành cao. Tiếp theo là dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra, góp phần làm giảm sút năng suất, kích cỡ con khi thu hoạch. Khó khăn nữa là đại đa số người nuôi thiếu vốn cho sản xuất… Thật ra các khó khăn này có liên quan, tác động hỗ tương, góp phần tạo lực kéo vòng tròn hoạt động đi xuống tương đối.

Tóm lại, cái nhìn tổng quan ngành tôm trên bình diện cung trên thế giới, bức tranh đầy màu sắc. Cơ bản là các nước nuôi tôm vừa nỗ lực tăng sản lượng (chiều rộng) vừa nỗ lực đi vào chiều sâu đúng xu thế (phát triển xanh, bền vững). Sự tương đồng nhận thức này khiến sự cạnh tranh tới đây ngành tôm thêm gay gắt, xu hướng là giá thấp duy trì lâu dài. Giải pháp nào cho ngành tôm Việt để vượt lên, nâng tầm và chủ động trong hoạt động cả chuỗi để duy trì sự bền vững? Thách thức này không nhỏ và cần thời gian lẫn sự chung tay của tất cả các mắt xích chuỗi giá trị ngành hàng cũng như sự chung sức từ các cơ quan chức năng liên quan. Các đối thủ đang tăng tốc và thời gian không đợi chúng ta.

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN

ts. ho quoc luc xuat khau tom viet nam

TIN MỚI CẬP NHẬT

Giá surimi cá minh thái Nga giảm 20%, gây khó khăn cho các nhà sản xuất châu Á

 |  08:47 09/05/2024

(vasep.com.vn) Giá surimi cá minh thái của Nga cho vụ A 2024 đã giảm 20% so với vụ trước, đe dọa khả năng tồn tại của ngành surimi nhiệt đới ở châu Á.

Infographic: Xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2024

 |  08:45 09/05/2024

(vasep.com.vn) XK mực và bạch tuộc của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024 chỉ ở mức tương đương so với cùng kỳ năm 2023. XK sang các thị trường chính phần lớn đang thấp hơn so với cùng kỳ.

Rà soát công tác chống khai thác IUU và chuẩn bị làm việc với Thanh tra của EC lần thứ 5

 |  08:43 09/05/2024

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT; khẩn trương rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình để chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5, góp phần cùng cả nước gỡ bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Nuôi nghêu cho thu từ 300-400 triệu đồng/ha

 |  08:42 09/05/2024

Ghi nhận ngày 6/5 tại vùng chuyên canh nghêu (ngao) ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho thấy thương lái thu mua nghêu thương phẩm có giá từ 22.000-25.000 đồng/kg (khoảng 50-60 con/kg).

Quyết định 1213/QĐ-BNN-TS về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành; được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thủy sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN&PTNT

 |  10:44 08/05/2024

Ngày 26/4/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã ký ban hành Quyết định 1213/QĐ-BNN-TS về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành; được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thủy sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN&PTNT.

Seychelles và Comoros ký thỏa thuận chống đánh bắt IUU tại khu vực EEZ

 |  08:42 08/05/2024

(vasep.com.vn) Seychelles và Comoros đã ký một thỏa thuận nhằm cải thiện mối quan hệ trong nghề cá nhằm chống lại hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

QĐ.Marshall phê chuẩn thỏa thuận của Liên hợp quốc về chống đánh bắt IUU

 |  08:40 08/05/2024

(vasep.com.vn) Quần đảo Marshall đã phê chuẩn thỏa thuận của Liên hợp quốc về chống đánh bắt cá bất hợp pháp.

Infographic: Xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2024

 |  08:37 08/05/2024

(vasep.com.vn) Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam tháng 3/2024 tiếp tục sụt giảm. Tính lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch mặt hàng này đạt 57 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Chống khai thác IUU: Hãy cùng hành động để sớm gỡ “Thẻ vàng”

 |  10:06 07/05/2024

Dự kiến cuối tháng 5 này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam kiểm tra lần 5 về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Do vậy, từ đây đến đó là thời điểm quyết định để gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với Bộ NN-PTNT cùng lãnh đạo của một số địa phương liên quan xung quanh vấn đề này.

Khám phá ẩm thực toàn cầu tại THAIFEX - Anuga Asia 2024

 |  09:08 07/05/2024

THAIFEX - Anuga Asia 2024, hội chợ hàng đầu trong lĩnh vực Thực phẩm và Đồ uống (F&B) tại châu Á, sẽ mở cửa với số lượng công ty tham dự trưng bày kỷ lục. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 28/05 đến 01/06/2024, tại trung tâm triển lãm IMPACT Muang Thong Thani ở Bangkok, Thái Lan.

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC