Nhiều thách thức để trở thành thủ phủ ngành công nghiệp tôm

Sản xuất 14:50 16/10/2024
(vasep.com.vn) Sau hơn 3 năm triển khai Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước (gọi tắt là Đề án), thế mạnh kinh tế thủy sản của tỉnh đã không ngừng được tăng cường đầu tư và phát huy hiệu quả. Song, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết hiệu quả trong khi còn khá nhiều thách thức để Bạc Liêu đạt được mục tiêu đề ra.

Diện tích, sản lượng tăng

Sau 3 năm triển khai, Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng và tạo nên những tiền đề cơ bản cho “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm. Theo đó, diện tích, năng suất, sản lượng tôm nuôi đều tăng và có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững đã được áp dụng vào sản xuất. Trong đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao (CNC) được xác định là mô hình nuôi có vai trò dẫn dắt đối với ngành tôm và đã có sự phát triển nhanh so với trước khi triển khai Đề án. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh đạt 147.234ha, tăng 4,82% so với năm 2020 và đạt 99,54% so với mục tiêu đến năm 2025.

Bên cạnh sự phát triển của các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh, các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp, tôm - rừng và tôm - lúa cũng được quan tâm đầu tư và phát triển bền vững. Đặc biệt, trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất hiện nay, mô hình canh tác tôm - lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và cả giá trị gia tăng, đang được nhân rộng ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.

Cùng với phát triển các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC, Bạc Liêu cũng đang triển khai xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, với kinh phí 175 tỷ đồng, bao gồm: Hệ thống đường giao thông, hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước, hệ thống điện, cổng, hàng rào bao quanh… Hiện đang xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2, với kinh phí gần 200 tỷ đồng. Đồng thời, cũng đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp vào đầu tư.

Song song với phát triển sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu cũng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư công nghệ và dây chuyền sản xuất mới. Hiện toàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản, công suất thiết kế 294.000 tấn/năm, đạt 183,8% mục tiêu Đề án.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh của Tập đoàn Việt - Úc.

Thiếu và yếu về nguồn lực

Có thể nói, trong 3 năm qua, ngành tôm Bạc Liêu đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc góp phần cho toàn ngành Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 4,89% và đưa tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 7,24%, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tiếp tục khẳng định là “trụ đỡ” quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án trong thời gian qua cũng tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập về cơ chế, chính sách cần được tập trung tháo gỡ. Trong đó, khó khăn về vốn đầu tư chính là “lực cản” hàng đầu trong phát huy thế mạnh này. Cụ thể nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án tương đối lớn với hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh có giới hạn, nguồn vốn Trung ương đầu tư cho Bạc Liêu còn hạn chế. Vì vậy, phần lớn các Chương trình, dự án ưu tiên đầu tư thuộc Đề án chưa được triển khai thực hiện. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất ngành tôm còn thiếu và chưa đồng bộ; hệ thống giao thông (trừ mạng lưới đường Quốc lộ), còn lại hầu hết các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, cầu - đường chưa đồng bộ, chất lượng mặt đường kém, gây hạn chế và khó khăn trong quá trình lưu thông. Thủy sản lại là ngành có hệ số vận tải lớn, các mặt hàng tươi sống xuất khẩu cần thời gian vận chuyển ngắn. Hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh mới đạt gần 40% diện tích nuôi tôm; hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng bồi lắng nhanh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nhất là thời điểm mùa khô...

Cùng với đó, các mô hình hợp tác, liên kết đã vận hành thời gian qua như: Cánh đồng mẫu lớn, liên kết bốn nhà, hợp tác theo chuỗi giá trị... chỉ đạt kết quả nhất định, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng; hình thức tổ chức sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã, kinh tế trang trại, doanh nghiệp chậm phát triển. Giá tôm nguyên liệu trong giai đoạn hiện nay (đặc biệt trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024) biến động theo chiều hướng giảm sâu, trong khi giá vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, sản phẩm cải tạo môi trường…) trong NTTS vẫn ở mức cao gây khó khăn rất lớn cho người nuôi tôm.

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần tập trung nâng cao giá trị cho con tôm từ sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng.

Kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá, giới thiệu, của tỉnh còn hạn chế cũng là một khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án. Cũng vì khó khăn này mà tỉnh chưa tổ chức hoặc chưa tham gia vào các chương trình, đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các quốc gia, đối tác lớn, có tiềm năng đầu tư vào ngành tôm.

Đặc biệt, Bạc Liêu là tỉnh nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng không có sân bay, cảng biển sâu và các tuyến cao tốc kết nối với các trung tâm thành phố lớn… nên không nằm trong các tỉnh được chọn để xây dựng trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu thủy sản ven biển. Đây là một điểm bất lợi của tỉnh trong quá trình trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước và sẽ khó phát triển nếu không ban hành được các giải pháp căn cơ để phá thế cô lập này, tạo ra khả năng cạnh tranh với các tỉnh trọng điểm của khu vực về nuôi tôm.

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Hãy cùng thi đua, nỗ lực phấn đấu tối đa để đạt được các mục tiêu đề ra

Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước là hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài. Qua đó không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, phát triển nông nghiệp CNC theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tăng nhanh năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng và bền vững gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường; hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu” và mạnh dạn hơn là đề xuất xây dựng thương hiệu “tôm quốc gia”.

Từ tính chất và tầm nhìn quan trọng đó, để thực hiện thành công Đề án trong thời gian tới và tiến đến tổng kết đánh giá vào năm 2025, đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương phải hết sức nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai nhanh và hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ còn chưa đạt. Trong đó cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, các cấp, các ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao theo Đề án được duyệt để chủ động, phối hợp thực hiện và bám sát mục tiêu, giải pháp để tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng, khai thác tối đa công năng của Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu.

Thứ ba, giao Sở NN&PTNT theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai hực hiện các nhiệm vụ của Đề án đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ. Chủ trì, phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chính sách của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lĩnh vực thủy sản, nhất là Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển NTTS giai đoạn 2021 - 2030; Hướng dẫn và hỗ trợ cho địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh để tôm Bạc Liêu đạt yêu cầu chất lượng và có thể xuất khẩu nguyên con sang thị trường các quốc gia. Phát triển sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh, từng bước xây dựng và phát triển thành trung tâm sản xuất giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín.

Thứ tư, Sở Tài chính, Sở KH-ĐT tham mưu bố trí kinh phí cho các dự án ưu tiên phù hợp với thực tế địa phương, cân đối ngân sách tỉnh và trình HĐND phân bổ thực hiện các chương trình, dự án NTTS, chế biến thủy sản, bảo vệ môi trường.

Thứ năm, Sở TN-MT hỗ trợ, hướng dẫn và phối hợp với địa phương quản lý chặt chẽ vấn đề môi trường trong NTTS. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất NTTS đối với các tổ chức, cá nhân nhằm ngăn ngừa, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Thứ sáu, Sở Công thương đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất NTTS, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng CNC. Phối hợp nghiên cứu, tham mưu xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, công ty, nhà máy trên địa bàn tỉnh xuất khẩu tôm để tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, phấn đấu đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025.

Thứ bảy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bạc Liêu xem xét, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân (đặc biệt là hộ dân nuôi tôm) tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân sản xuất, nhất là nuôi tôm ứng dụng CNC, nhằm khuyến khích để lan tỏa mô hình nuôi này trong thời gian tới.

Thứ tám, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác lý nhà nước về quy hoạch với khu vực nuôi ứng dụng CNC trên địa bàn quản lý. 

Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình - Hồ Văn Linh: Tập trung phát huy thế mạnh nuôi tôm công nghệ cao

Tích cực thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, trong thời qua, huyện Hòa Bình đã tập trung, lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau xây dựng kết cấu hạ tầng như: thủy lợi, giao thông, lưới điện... để phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC. Ngoài ra, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 05 về “Phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là ứng dụng CNC, liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa giai đoạn 2021 - 2025”.

Sau 3 năm thực hiện Đề án, ngành tôm trên địa bàn huyện đã có bước phát triển cả về diện tích và sản lượng, nhất là mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC. Nếu năm 2021, huyện có 991,27ha nuôi tôm ứng dụng CNC (4 công ty và 177 hộ) sản lượng đạt 15.500 tấn, thì đến cuối năm 2023, có 1.255 ha nuôi tôm ứng dụng CNC, sản lượng đạt 28.118 tấn (4 công ty và 251 hộ).

Cùng với đó, huyện còn phối hợp với các ban, ngành tỉnh xây dựng mô hình hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng CNC gắn với thực hiện liên kết chuỗi giá trị tôm. Song song đó, huyện còn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm CNC ứng dụng các công nghệ nuôi tôm hiện nay như: Công nghệ Biofloc, tuần hoàn, khép kín, theo hướng VietGAP, GlobalGAP… khuyến khích ứng dụng một số công nghệ mới như Công nghệ cảm biến (sensor) và IoT (Internet of Things) để giám sát các thông số môi trường (nhiệt độ, độ mặn, độ pH, oxy) từ xa để góp phần tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. 

Nguồn: Báo Bạc Liêu

bac lieu tom

TIN MỚI CẬP NHẬT

Nhiều vấn đề “nóng” tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải

 |  16:42 18/10/2024

Ngày 16/10, tại TP.HCM, chủ trì cuộc đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Lê Đỗ Mười đã giải đáp nhiều vấn đề “nóng”.

Trung Quốc: Giá cá rô phi giảm khi nguồn cung tăng

 |  08:34 18/10/2024

(vasep.com.vn) Giá cá rô phi nuôi thu hoạch ở tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc giảm kể từ đầu tháng 10 do sản lượng đánh bắt lớn và nguồn tiêu thụ trong nước kém.

Trung Quốc tham gia giám sát quốc tế về hải sản tại Fukushima

 |  08:32 18/10/2024

(vasep.com.vn) Cơ quan Thủy sản Nhật Bản (JFA) thông báo Trung Quốc sẽ tham gia các cuộc thanh tra sắp tới do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dẫn đầu để giám sát hải sản và hoạt động xả nước biển xung quanh Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Các cuộc thanh tra diễn ra từ ngày 7/10 đến ngày 15/10.

Sản lượng thủy sản khai thác của Nga giảm

 |  08:29 18/10/2024

(vasep.com.vn) 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên của Nga đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thủy sản nội địa vẫn ổn định hoặc giảm nhẹ tùy theo loài, theo báo cáo từ Cơ quan Thủy sản Nga Rosrybolovstvo.

Ngành bột cá Peru kỳ vọng vụ khai thác cá cơm thứ hai bội thu

 |  08:33 17/10/2024

(vasep.com.vn) Các nhà sản xuất bột cá Peru dự đoán một mùa đánh bắt thứ hai bội thu, với hạn ngạch đánh bắt ổn định ở mức 1,7 triệu tấn hoặc cao hơn.

Australia-Trung Quốc nhất trí nối lại xuất nhập khẩu tôm hùm đá sống

 |  08:30 17/10/2024

Thỏa thuận về thời gian nối lại hoạt động xuất nhập khẩu tôm hùm đá sống giữa hai nước được đưa ra tại cuộc gặp Thủ tướng Anthony Albanese và Thủ tướng Lý Cường, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Lào.

Sản lượng thủy sản của Ả Rập Xê Út tăng vọt trong năm 2023

 |  08:28 17/10/2024

(vasep.com.vn) Trong năm 2023, sản lượng thủy sản và nuôi trồng thủy sản của Ả Rập Xê Út đã tăng 56%, đạt trên 140.000 tấn. Trong khi đó sản lượng được ghi nhận vào năm 2021 của Ả Rập Xê Út chỉ đạt mức 90.000 tấn. Sự tăng trưởng đáng kể này cho thấy cam kết của quốc gia này đối với "tự chủ lương thực và phát triển bền vững", theo Bộ Môi trường, Nước và Nông nghiệp.

Nga tăng TAC cá minh thái năm 2025 lên 2,46 triệu tấn

 |  08:26 17/10/2024

(vasep.com.vn) Chính phủ Nga đã phê duyệt mức tăng 7% cho tổng sản lượng đánh bắt cá minh thái được phép (TAC) trong năm 2025 lên 2,46 triệu tấn, nhưng chuyên gia trong ngành dự kiến sản lượng đánh bắt có thể sẽ ổn định.

Các công ty thủy sản lớn nhất Nhật Bản thúc đẩy các biện pháp chống khai thác IUU

 |  15:01 16/10/2024

(vasep.com.vn) Có tới 14 công ty và tổ chức thủy sản Nhật Bản, bao gồm một số công ty lớn nhất của nước này, đã ban hành một tuyên bố chung kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn để chống lại nạn đánh bắt bất hợp pháp và vi phạm nhân quyền trong chuỗi cung ứng thủy sản.

Tập đoàn OIG (Trung Quốc) lạc quan về tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc

 |  14:58 16/10/2024

(vasep.com.vn) Tập đoàn OIG (sàn dịch vụ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh của Trung Quốc) vẫn lạc quan về tăng trưởng tiêu thụ hải sản dài hạn, bất chấp sự biến động của thị trường gần đây và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng.

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC