Xuất khẩu sang Châu Âu: Chứng nhận thủy sản bền vững

Thị trường thế giới 08:41 15/04/2022
(vasep.com.vn) Để tiếp cận thị trường thủy sản Châu Âu và mở rộng hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần cân nhắc đến việc cung cấp các sản phẩm bền vững. Tuy đây chưa phải yêu cầu bắt buộc ở tất cả thị trường, nhưng nhiều nhà bán lẻ đã yêu cầu chứng nhận bền vững đối với các sản phẩm thủy sản - đặc biệt là ở Tây Bắc Châu Âu. Cung cấp các sản phẩm được chứng nhận bền vững chính là chìa khóa quan trọng nếu doanh nghiệp muốn sản phẩm thủy sản của mình nổi bật và cạnh tranh trên thị trường châu Âu.

1. Thủy sản bền vững là gì?

Thủy sản bền vững được đánh bắt hoặc nuôi trồng, sao cho đảm bảo các thế hệ tương lai vẫn được hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên của thế giới. Để hiểu rõ xu hướng thủy sản bền vững ở Châu Âu, trước tiên chúng ta cần xem phong trào thủy sản bền vững bắt đầu như thế nào và ý nghĩa của các chứng nhận bền vững, đồng thời tìm hiểu sự khác biệt giữa thủy sản bền vững và thủy sản hữu cơ.

Phong trào thủy sản bền vững

Phong trào thủy sản bền vững bắt đầu vào giữa những năm 1990, khuyến khích việc tiêu thụ thủy sản bền vững. Đây là những thủy sản được đánh bắt hoặc nuôi trồng bằng các phương pháp không gây hại cho các loài khác hoặc hệ sinh thái. Phong trào giúp cho những người tiêu dùng trở thành một phần của giải pháp cho các vấn đề môi trường.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới tác động môi trường và xã hội liên quan đến sản xuất thủy sản. Ví dụ, các đầu vào sản xuất quan trọng như nước và năng lượng là những nguồn tài nguyên khan hiếm. Các tàu cá hoặc ao nuôi trồng thủy sản xả khí thải vào bầu khí quyển, dẫn đến ô nhiễm không khí. Các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản không bền vững cũng có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.

Đồng thời, lĩnh vực này có thể tác động tiêu cực đến xã hội, ví dụ như không đảm bảo cho ngư dân hoặc nông dân mức lương và điều kiện làm việc tốt.

Các tổ chức phi chính phủ, chính phủ và người tiêu dùng đều đóng góp vào phong trào thủy sản bền vững theo những cách khác nhau. Các tổ chức phi chính phủ và chính phủ khuyến khích các hành động hướng tới thủy sản bền vững thông qua các chiến dịch cung cấp thông tin, thông báo cho người tiêu dùng về các vấn đề môi trường xung quanh sản xuất thủy sản.

Các tổ chức phát triển các hướng dẫn giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định sáng suốt khi mua thủy sản. Ví dụ: Hiệp hội Bảo tồn Biển của Vương quốc Anh đã cho ra sổ tay hướng dẫn “Good Fish Guide”, đánh giá mức độ bền vững của các loài thủy sản khác nhau.

Người tiêu dùng châu Âu, đặc biệt là một số nhà bán lẻ, cũng đã đóng góp vào phong trào này bằng cách cam kết chỉ bán thủy sản bền vững.

Giới thiệu chung về chứng nhận thủy sản

Chứng nhận bền vững cho biết sản phẩm thủy sản được sản xuất theo cách bền vững. Thủy sản được chứng nhận sẽ có dán nhãn sinh thái (ecolabel) trên sản phẩm cuối cùng. Thông qua nhãn sinh thái, người tiêu dùng có thể phân biệt thủy sản thông thường và thủy sản bền vững.

Hình 1: Thủy sản được chứng nhận MSC và ASC bán tại cửa hàng bán lẻ chính thống Spar (Hà Lan)   

Châu Âu là nơi tập trung nhiều nhất các sản phẩm thủy sản được chứng nhận bền vững. Năm 2019, 20.701 sản phẩm thủy sản khác nhau đã được chứng nhận và dán nhãn ở Châu Âu. Theo GLOBALG.A.P – 1 trong những tiêu chuẩn chứng nhận bền vững lớn nhất thế giới, “Sự đảm bảo mà chứng nhận mang lại sẽ ngày càng quan trọng trong việc tiếp cận thị trường châu Âu, do kỳ vọng ngày càng cao từ các quy định của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ.”

Cho đến nay, tiêu chuẩn chứng nhận toàn cầu lớn nhất đối với thủy sản đánh bắt tự nhiên là tiêu chuẩn MSC của Hội đồng Quản lý Biển. Chương trình Thực hành Thủy sản Tốt nhất (BSP) được thành lập gần đây, với mục đích đảm bảo thủy sản đánh bắt tự nhiên được thu hoạch và chế biến có trách nhiệm. 3 tiêu chuẩn lớn nhất đối với nuôi trồng thủy sản là tiêu chuẩn ASC của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản, tiêu chuẩn BAP Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt nhất và GLOBALG.A.P.

Hiện tại, MSC và ASC vẫn là 2 chứng nhận lớn nhất về thủy sản bền vững ở Châu Âu. 4,6% sản lượng thủy sản toàn cầu hiện được chứng nhận MSC và 0,9% được chứng nhận ASC. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn khác như BAP đang trở nên phổ biến ở các thị trường Châu Âu.

Sáng kiến Thủy sản Bền vững Toàn cầu (GSSI) đã phát triển công cụ đánh giá các chương trình chứng nhận thủy sản bằng cách sử dụng “Quy chuẩn ứng xử cho nghề cá có trách nhiệm”. Các tiêu chuẩn chứng nhận GSSI được nhiều nhà bán lẻ công nhận là đáng tin cậy.

Ngoài ra còn có nhiều sáng kiến bền vững mà người tiêu dùng không thấy được. Ví dụ, trong các Dự án Cải thiện Nghề cá (FIP), các bên khác nhau trong chuỗi cung ứng cùng kết hợp để cải thiện nghề cá. Một ví dụ khác có thể kể đến như sự hợp tác trước khi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thủy sản. Seafood Business for Ocean Stewardship là sự hợp tác giữa các công ty thủy sản hàng đầu đang tìm cách dẫn đầu trong việc hướng tới sản xuất thủy sản bền vững.

Sự khác biệt giữa thủy sản bền vững và thủy sản hữu cơ

Đôi khi ‘bền vững’ bị nhầm lẫn với ‘hữu cơ’, nhưng chúng không có nghĩa giống nhau. Thủy sản bền vững được nuôi hoặc đánh bắt bằng các phương pháp không gây hại cho các loài khác hoặc hệ sinh thái. Còn thủy sản hữu cơ luôn được nuôi (không bao giờ được đánh bắt) và các quy tắc sản xuất thủy sản hữu cơ nghiêm ngặt hơn so với thủy sản bền vững. Thị trường thủy sản bền vững ở châu Âu lớn hơn nhiều so với thủy sản hữu cơ.

2. Điều gì khiến Châu Âu trở thành thị trường hấp dẫn đối với thủy sản bền vững được chứng nhận?

Số lượng các sản phẩm thủy sản bền vững được chứng nhận đang tăng lên và điều này không còn giới hạn ở các thị trường Tây Bắc Châu Âu. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm và các nhà bán lẻ đang đưa ra các cam kết về nguồn cung ứng bền vững cho thủy sản.

Nhu cầu các sản phẩm thủy sản được chứng nhận ngày càng tăng

Nhu cầu về thủy sản được chứng nhận ngày càng lớn. Điều này thậm chí vẫn đúng ngay cả khi thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Khoảng 887.000 tấn thủy sản được chứng nhận MSC đã được bán trên thị trường châu Âu, nhiều hơn 13% so với năm trước. Nhìn vào tổng số sản phẩm hiện có trên thị trường, mức chào bán đạt 14.640 sản phẩm, tăng 11%. Xét riêng cá nuôi, khoảng 9.750 sản phẩm thủy sản được chứng nhận ASC đã có mặt ở châu Âu, nhiều hơn 32% so với năm 2019 (Hình 2). Việc chào bán các sản phẩm tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương được chứng nhận ASC tăng 27% trong năm 2020. Mức chào bán các sản phẩm tôm sú được chứng nhận ASC cũng tăng 19%.

Hình 2: Số lượng sản phẩm được chứng nhận MSC và ASC ở Châu Âu

Năm 2020, sự tăng trưởng của các sản phẩm được chứng nhận có thể một phần được giải thích bởi đại dịch. Người tiêu dùng thường ăn thủy sản trong các nhà hàng nay chuyển sang nấu nướng tại nhà. Người tiêu dùng chi tiền cho thủy sản trong lĩnh vực bán lẻ, đây là thị trường cuối cùng chính của thủy sản bền vững. Mặc dù lĩnh vực dịch vụ thực phẩm đã mở cửa trở lại, nhưng doanh số bán lẻ vẫn ở mức cao. Vì vậy, nhu cầu về các sản phẩm được chứng nhận ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng.

Người tiêu dùng châu Âu ngày càng lo ngại về nguồn gốc thực phẩm

Người châu Âu đang ngày càng nhận thức rõ hơn về các vấn đề môi trường và xã hội liên quan đến sản xuất lương thực. Họ ngày càng quan tâm hơn đến nguồn gốc thực phẩm của họ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi các xu hướng tiêu dùng.

“Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về những áp lực mà sản xuất thực phẩm gây ra đối với môi trường”. Điều này đã được khẳng định trong một cuộc khảo sát về thái độ người tiêu dùng đối với thực phẩm bền vững, do Tổ chức người tiêu dùng châu Âu (BEUC) thực hiện vào năm 2019. 47% người tiêu dùng cho biết họ khá quan tâm và 17% rất quan tâm đến các tác động của việc lựa chọn thực phẩm đối với môi trường. Người tiêu dùng thường liên hệ “thực phẩm bền vững” với các đặc điểm “ít tác động đến môi trường” (48,6%), “cần tránh sử dụng GMO và thuốc trừ sâu” (42,6%) và “chuỗi cung ứng địa phương” (34,4%).

Đối với thủy sản, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến tính bền vững. Năm 2020, MSC đã hợp tác với GlobeScan thực hiện nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng đối với chế độ ăn bền vững và tiêu thụ thủy sản. Ở châu Âu, biến đổi khí hậu được coi là vấn đề môi trường đáng quan tâm nhất; vấn đề sức khỏe của các đại dương và sự suy giảm quần thể cá xếp thứ 6.

Tuy nhiên, ở Tây Ban Nha, Thụy Điển và Pháp, tầm quan trọng của sức khỏe đại dương xếp thứ 2 sau biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với người tiêu dùng ở các quốc gia này. 2/3 người tiêu dùng cho rằng để bảo vệ đại dương, chúng ta cần thiết phải tiêu thụ cá từ các nguồn bền vững và 30% người tiêu dùng cho rằng loài cá họ yêu thích sẽ không còn trong 20 năm tới.

1/4 người tiêu dùng được khảo sát đã chuyển sang một thương hiệu hoặc sản phẩm mới giúp bảo vệ đại dương/cá; 16% người tiêu dùng đã thay đổi loài cá mà họ tiêu thụ. Gần 3/4 người tiêu dùng đồng ý rằng các tuyên bố về tính bền vững nên được dán nhãn, trong khi chưa đến một nửa nói rằng họ chú ý đến các nhãn sinh thái. Vào năm 2020, 70% người tiêu dùng muốn giảm tác động đến môi trường, con số này lớn hơn 8% so với năm 2019.

Càng nhận thức nhiều hơn về các vấn đề môi trường liên quan đến thủy sản, người tiêu dùng châu Âu càng có khả năng yêu cầu thủy sản mà họ tiêu thụ phải được sản xuất bền vững.

Các nhà sản xuất và chế biến thực phẩm được coi là những nhân tố chính trong việc đảm bảo hệ thống thực phẩm bền vững. Khi được hỏi về các nhân tố với vai trò đảm bảo hệ thống thực phẩm bền vững, 65% người tiêu dùng nghĩ rằng các nhà sản xuất mang trách nhiệm quan trọng này; gần 58% tin rằng các nhà sản xuất thực phẩm đóng vai trò này. Hơn 4 trong số 10 người (43%) nghĩ rằng người tiêu dùng cũng đóng một vai trò nào đó. Điều này cho thấy, có lẽ người tiêu dùng châu Âu không thấy họ đang thúc đẩy sự thay đổi đối với thực phẩm bền vững.

Các nhà bán lẻ châu Âu thúc đẩy thủy sản bền vững

Theo BAP: “Chứng nhận được sử dụng bởi nhiều nhà bán lẻ, các công ty dịch vụ thực phẩm và thủy sản ở Châu Âu, để chứng minh họ có trách nhiệm trong việc tìm kiếm nguồn cung ứng”. Vì tính bền vững ngày càng trở thành một yêu cầu quan trọng đối với các nhà bán lẻ châu Âu, các doanh nghiệp cần suy nghĩ về cách có thể đáp ứng yêu cầu. Việc cung cấp các sản phẩm được chứng nhận bền vững đảm bảo đáp ứng yêu cầu của người mua và quan trọng hơn, nó mang lại cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác.

Đối với các nhà bán lẻ chưa cung cấp thủy sản bền vững, các nhà máy và các doanh nghiệp chế biến thủy sản để bán trong siêu thị, họ sẽ buộc phải cung cấp các sản phẩm được chứng nhận để duy trì tính cạnh tranh.

Các nhà bán lẻ châu Âu có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc cam kết tìm kiếm nguồn cung thủy sản bền vững. Waitrose & Partners, một thương hiệu siêu thị của Anh, tuyên bố rằng tất cả thủy sản của họ đều được nuôi và đánh bắt có trách nhiệm theo tiêu chuẩn chứng nhận thủy sản và RSPCA. Phương pháp tiếp cận nguồn cung ứng có trách nhiệm của Tesco PLC thì được thể hiện qua việc hợp tác với Sustainable Fisheries Partnership, làm việc với các nhà cung cấp về bất kỳ cải tiến nào cần thiết, thường là thông qua các Dự án Cải thiện Nghề cá.

Một số nhà bán lẻ châu Âu như Colruyt Group đưa ra cam kết chỉ cung ứng nguồn hàng thủy sản được chứng nhận ASC và MSC. Tuy nhiên, cũng đang có sự chuyển hướng sang việc tìm nguồn cung thủy sản có chứng nhận theo tiêu chuẩn GSSI. Ahold Delhaize, nhà bán lẻ lớn thứ tư của Châu Âu, đã cam kết tìm nguồn cung ứng thủy sản với các chứng nhận của GSSI.

Những khu vực châu Âu mang lại nhiều cơ hội nhất cho thủy sản bền vững

Trong một thời gian dài, xu hướng các nhà bán lẻ cam kết thủy sản bền vững chỉ giới hạn ở Tây Bắc châu Âu và các nước Bắc Âu. Hiện nay thủy sản bền vững cũng đang gia tăng ở Nam Âu và Đông Âu. Theo ASC, “Tất nhiên, châu Âu là một thị trường rộng lớn và đa dạng. Một số quốc gia như Hà Lan đã có nhận thức rất cao về các sản phẩm được chứng nhận, nhưng ở các thị trường khác, đặc biệt là Nam Âu, mới bắt đầu phát triển về khía cạnh này, vì thế đây sẽ là cơ hội thực sự cho các nhà sản xuất.”

Tây Bắc Châu Âu

Đây vẫn là thị trường tiêu thụ thủy sản bền vững lớn nhất. Hầu hết các nhà bán lẻ khu vực này đều yêu cầu chứng nhận bền vững.

Với những người tiêu dùng, khi được hỏi về đặc điểm quan trọng nhất của thực phẩm 'bền vững', 'Tác động ít đến môi trường hoặc khí hậu’ là câu trả lời được đề cập nhiều nhất ở 3 quốc gia - Hà Lan (51%), Ireland (34%) và Đan Mạch (33%). Đối với nước Đức, các tiêu chuẩn cao về phúc lợi động vật là câu trả lời phổ biến nhất trong số những người được hỏi (36%). Giảm thiểu bao bì, ít hoặc không sử dụng nhựa (35%) là đặc điểm được lựa chọn nhiều nhất ở Luxembourg (35%).

Nhìn chung, người dân Tây Bắc Châu Âu sẵn sàng chi tiền cho thực phẩm được sản xuất bền vững hơn những người tiêu dùng ở các khu vực châu Âu khác (Hình 3).

Hình 3: Kết quả cho câu hỏi liệu người tiêu dùng có sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm bảo vệ sức khỏe và Trái đất hay không

Tây Bắc Châu Âu chiếm thị phần lớn nhất trong doanh số bán cá và thủy sản được chứng nhận MSC và ASC của Châu Âu. Trong năm 2019/2020, có 6.260 sản phẩm được chứng nhận MSC trên thị trường Tây Bắc Châu Âu, tăng 6% so với năm trước (Hình 4). Nhìn vào tổng số sản phẩm được chứng nhận ASC vào tháng 12/2020 ở mỗi quốc gia, con số này ở Tây Bắc Châu Âu là 7.720, nhiều hơn 27% so với năm 2019 (Hình 5). Ở khu vực này, tổng lượng sản phẩm được chứng nhận ASC ghi nhận nhiều nhất ở Hà Lan, với 2.719 sản phẩm được chứng nhận vào tháng 12/2020.

Hình 4: Xu hướng 5 năm về số lượng sản phẩm được chứng nhận MSC có sẵn ở các khu vực châu Âu
Hình 5: Xu hướng 5 năm về số lượng sản phẩm được chứng nhận ASC có sẵn ở các khu vực châu Âu

Nam Âu

Người dân khu vực Nam Âu ngày càng yêu cầu cao về thủy sản bền vững. Các doanh nghiệp nên theo dõi xu hướng này vì Nam Âu là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất ở Châu Âu. Hiện tại, chỉ có một số nhà bán lẻ ở khu vực này mua thủy sản bền vững, nhưng số lượng này dự kiến ​​sẽ tăng. Tuy nhiên, khu vực này chế biến nhiều thủy sản phục vụ cho việc tái xuất để bán trong lĩnh vực bán lẻ. Do đó, nếu các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu thô cho khu vực chế biến Nam Âu, các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho nhu cầu về thủy sản bền vững.

Người dân Nam Âu cũng chú ý đến tính bền vững của thực phẩm của họ. Khi được hỏi những đặc điểm nào quan trọng nhất đối với một chế độ ăn bền vững, đa số người tiêu dùng ở tất cả các quốc gia thành viên EU đồng ý với câu trả lời "Thông tin về tính bền vững của thực phẩm nên được ghi trên nhãn thực phẩm", mức độ đồng ý cao nhất ở Síp (98%) và Hy Lạp (97%). Khi được hỏi điều gì sẽ giúp họ đạt được chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững, câu trả lời phổ biến nhất ở Tây Ban Nha là "Thông tin rõ ràng về ghi nhãn thực phẩm liên quan đến tác động môi trường, sức khỏe và xã hội của sản phẩm".

Tuy Tây Bắc Châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất cho thủy sản bền vững, nhưng tốc độ gia tăng của thủy sản được chứng nhận MSC và ASC chủ yếu đến từ khu vực Nam Âu. Năm 2019/2020, Nam Âu có 2.890 sản phẩm được chứng nhận MSC, tăng 31% so với năm trước (Hình 4). Số lượng sản phẩm được chứng nhận MSC tại Pháp tăng 27%, tại Tây Ban Nha tăng 25%. Số lượng các sản phẩm được chứng nhận ASC ở Nam Âu đạt 2.577, tăng mạnh nhất với mức tăng 46% (Hình 5).

Đông Âu

Đông Âu vẫn là thị trường nhỏ nhất đối với thủy sản bền vững vì người tiêu dùng mong muốn mua thủy sản giá rẻ. Trong đó, chi phí thực phẩm bền vững là một yếu tố hạn chế lớn nhất đối với việc tiêu dùng thực phẩm bền vững ở các nước Đông Âu. Khi được hỏi điều gì sẽ giúp họ áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững, câu trả lời về thực phẩm bền vững với giá cả phải chăng được lựa chọn nhiều nhất ở Estonia (72%) và Bulgaria (66%). Khi được hỏi liệu họ có sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho thực phẩm bảo vệ sức khỏe của họ và Trái đất hay không, hơn 1/3 người tiêu dùng ở Lithuania (35%) và Estonia (34%) không đồng ý với nhận định này (Hình 3).

Mặc dù vẫn là một thị trường nhỏ nhưng Đông Âu cũng đã mở rộng cung cấp các sản phẩm được chứng nhận MSC với 673 sản phẩm được tung ra thị trường trong năm 2019/2020, nhiều hơn 13% so với năm trước (Hình 4). Trong khi đó, tổng số sản phẩm được chứng nhận ASC ở Đông Âu là 1.646, tăng 32% so với năm 2019. Thị trường lớn nhất của khu vực này đối với các sản phẩm được chứng nhận ASC là Ba Lan.

3. Các xu hướng trên thị trường đối với các sản phẩm thủy sản bền vững

Các xu hướng chính của thị trường thủy sản bền vững bao gồm yêu cầu khả năng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm và các doanh nghiệp kiểm soát được các tác động xã hội cũng như lượng khí thải carbon. Theo thời gian, những yêu cầu này thậm chí có thể trở thành những yêu cầu cơ bản khi EU tăng cường tập trung vào tính bền vững của thủy sản.

Người tiêu dùng đang yêu cầu truy xuất nguồn gốc

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng châu Âu tìm kiếm những nhà cung cấp có khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là điều cần thiết ở châu Âu; EU đang nỗ lực cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc thủy sản như một phần của cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp và các hoạt động sản xuất vô trách nhiệm.

Các doanh nghiệp thủy sản ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc. Công nghệ chuỗi - khối (Blockchain) và DNA là 2 trong số những công nghệ được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực thủy sản. Chúng có thể được sử dụng để giám sát chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và số hóa tất cả thông tin này.

Hiện nay, các tiêu chuẩn uy tín về chứng nhận bền vững đều bao gồm yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Đây là tiêu chuẩn áp dụng cho toàn bộ chuỗi cung ứng, từ trang trại được chứng nhận đến sản phẩm mang logo. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp muốn cung cấp thủy sản bền vững được chứng nhận, các doanh nghiệp cần bắt đầu bằng việc xem xét liệu họ có thể cung cấp tài liệu về tất cả các bước trong chuỗi cung ứng hay không.

Tác động xã hội của các doanh nghiệp là một phần thiết yếu của thủy sản bền vững

Các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng họ trao quyền cho nhân viên và quan tâm đến cộng đồng.

Trước những lo ngại về vấn đề lạm dụng công nhân trong ngành thủy sản gần đây, người mua ngày càng lo ngại về các tác động xã hội của doanh nghiệp. Vấn đề này cũng ngày càng quan trọng đối với người tiêu dùng châu Âu. Vì vậy, với tư cách là nhà xuất khẩu, các doanh nghiệp cần xem xét cải thiện các tác động xã hội của họ.

Trong một số trường hợp, người mua yêu cầu các tiêu chuẩn cụ thể đối với các vấn đề xã hội trong chuỗi cung ứng. Tiêu chuẩn SA8000 là chương trình chứng nhận xã hội hàng đầu thế giới. BSCI cung cấp cho doanh nghiệp các phương pháp cải thiện điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng của họ.

Một số tiêu chuẩn chứng nhận tính bền vững cũng bao gồm các quy tắc đối với các vấn đề xã hội. Ví dụ: ASC và Fair Trade USA bao gồm các nội dung về xã hội trong tiêu chuẩn của họ. MSC yêu cầu tất cả nghề cá được chứng nhận MSC phải báo cáo các biện pháp họ sử dụng để giảm thiểu lao động cưỡng bức hoặc lao động trẻ em. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các chứng nhận về tính bền vững không nhất thiết thay thế các chứng nhận xã hội.

Lượng khí thải carbon đang trở thành một ưu tiên trong tính bền vững

Khi mối quan tâm về biến đổi khí hậu gia tăng, việc chứng minh lượng khí thải carbon thấp sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Xu hướng chỉ ra, các tiêu chuẩn chứng nhận tính bền vững đang bao gồm các quy tắc về lượng khí thải carbon. Ví dụ, các tiêu chuẩn ASC yêu cầu các trang trại giám sát việc sử dụng năng lượng và lượng khí thải của họ. Do đó, các doanh nghiệp cần xem xét kỹ những yêu cầu và tính khả thi đối với lượng khí thải carbon của họ.

Khả năng điều chỉnh, kiểm soát lượng khí thải carbon sẽ tạo cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh vượt xa các yêu cầu trong chứng nhận. Ví dụ, Walmart đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040. Nhà bán lẻ Hà Lan, Albert Heijn, thông báo rằng họ đã giảm 50% lượng khí thải CO2 mỗi cửa hàng, đồng thời đang làm việc với các nhà cung cấp và người nông dân để giảm lượng khí thải carbon trong chuỗi cung ứng.

Chiến lược Farm-to-Fork (từ nông trại đến bàn ăn) của châu Âu tăng cường tập trung vào thủy sản bền vững

Chiến lược Farm-to-Fork là trọng tâm của Thỏa thuận Xanh Châu Âu, hướng đến hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường. Chiến lược tập trung vào sản xuất lương thực bền vững, chế biến và phân phối bền vững, chống thất thoát, lãng phí lương thực và tiêu dùng thực phẩm bền vững.

Về mặt sản xuất, điều này có nghĩa là theo thời gian, sẽ có nhiều quy định nghiêm ngặt hơn về cách thức đánh bắt hoặc nuôi trồng sản phẩm, cách thủy sản được chế biến và phân phối ở châu Âu. Về tiêu dùng bền vững, các kế hoạch cụ thể đã được lập ra, yêu cầu thông tin xuất xứ đối với một số sản phẩm nhất định, đặt ra các tiêu chí tối thiểu bắt buộc đối với các sản phẩm được coi là thực phẩm bền vững.

Nhu cầu thủy sản bền vững đang tăng lên trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm

Ngành dịch vụ ăn uống ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thủy sản bền vững. Ở Tây Bắc châu Âu, có những nhà hàng tự tiếp thị rằng chỉ bán thủy sản bền vững. Vì vậy, thị trường bán buôn, thị trường cung cấp cho lĩnh vực dịch vụ ăn uống, sẽ là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm bền vững trong tương lai.

Vì xu hướng này có khả năng cao mang tính dài hạn, nhu cầu về các sản phẩm bền vững trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống cũng được Liên minh Châu Âu hỗ trợ rất nhiều thông qua các chiến dịch như Taste the Ocean.

Các tổ chức phi chính phủ cũng kích thích xu hướng này. Ví dụ, Tổ chức Good Fish có trụ sở tại Hà Lan khuyến khích các nhà hàng chỉ sử dụng thủy sản bền vững. Ý tưởng là một khi các đầu bếp bị thuyết phục và yêu cầu các mặt hàng thủy sản bền vững, những người bán buôn sẽ bắt đầu mở rộng cung cấp thủy sản bền vững của họ.

Phương Linh

(Theo cbi.eu)

xu huong tieu chuan

TIN MỚI CẬP NHẬT

Infographic: Xuất khẩu tôm Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024

 |  08:36 22/11/2024

(vasep.com.vn) Tháng 10/2024, XK tôm Việt Nam đạt 394 triệu USD, tăng 24%. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm mang về 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang tất cả các các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong tháng 10 năm nay.

Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra

 |  08:34 22/11/2024

Trong 30 năm, cá tra Việt Nam đã có mặt ở 150 thị trường cùng nhiều loại cá thịt trắng khác nhờ vào nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản của Brazil tăng vọt trong quý 3/2024

 |  08:26 22/11/2024

(vasep.com.vn) Xuất khẩu thủy sản nuôi trồng của Brazil đã đạt đến mức cao mới trong quý 3 năm 2024, với khối lượng xuất khẩu tăng 158% và giá trị tăng 174% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.031 tấn với giá trị 18,5 triệu USD.

Campuchia tăng cường các biện pháp giải quyết tình trạng đánh bắt bất hợp pháp

 |  08:51 21/11/2024

(vasep.com.vn) Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (MAFF) xác nhận rằng Cục Thủy sản (FA) và lực lượng đặc nhiệm đang tăng cường các biện pháp giải quyết tình trạng đánh bắt bất hợp pháp trên toàn quốc trong mùa cấm đánh bắt để bảo tồn nguồn lợi cá.

Kêu gọi áp dụng phương pháp quản lý đa loài đối với tình trạng đánh bắt quá mức ở Đông Bắc Đại Tây Dương

 |  08:49 21/11/2024

(vasep.com.vn) Một báo cáo mới từ Pew Charitable Trusts cho rằng cần có phương pháp tiếp cận đa loài trong quản lý nguồn cá để giải quyết tình trạng suy giảm nguồn cá ở Bắc Đại Tây Dương.

Nhập khẩu cá rô phi của Mỹ tiếp tục giảm

 |  08:37 20/11/2024

(vasep.com.vn) Nhập khẩu cá rô phi của Hoa Kỳ tiếp tục giảm trong tháng 9, với mức giảm đáng kể về khối lượng và giá, chủ yếu là đối với phi lê tươi.

EU chấm dứt thỏa thuận đánh bắt cá với Senegal

 |  08:36 20/11/2024

(vasep.com.vn) Thông báo của Phái đoàn EU tại Senegal nêu rõ mối lo này xuất phát từ thiếu sót trong hệ thống giám sát đối với cả tàu cá trong nước và quốc tế hoạt động từ cảng Dakar.

Đảo Cocos của Costa Rica dẫn đầu cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp

 |  08:31 20/11/2024

(vasep.com.vn) Tổ chức Pew Charitable Trusts gần đây đã xuất bản một bài báo nêu bật phạm vi quốc tế của Trung tâm giám sát, kiểm soát và giám sát Khu bảo tồn biển Cocos của Costa Rica (MCCA). Trung tâm này, nơi bảo vệ Di sản thế giới của UNESCO, đi đầu trong cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp tại một trong những khu bảo tồn biển quan trọng nhất thế giới.

Xuất khẩu cá ngừ tháng 10 lập đỉnh sau hơn 2 năm

 |  08:29 20/11/2024

(vasep.com.vn) Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10 đạt gần 93 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tính luỹ kế 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch XK đạt hơn 821 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC