Ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài là điều kiện đầu tiên cần phải thực hiện được trong việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
Vậy, giải pháp nào để khuyến cáo có hiệu quả với ngư dân cũng như siết chặt kiểm tra, giám sát khi tàu khai thác trên biển để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã được ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ với phóng viên TTXVN.
- Khi ra khơi khai thác, theo ông, ngư dân cần tuân thủ các quy định gì để đảm bảo khai thác hợp pháp cũng như bảo vệ nguồn nguồn lợi thủy sản?
Ông Nguyễn Quang Hùng: Theo Luật Thủy sản và các nghị định kèm theo quy định rất rõ là ngư dân trước khi ra biển phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ. Đó là, đăng ký tàu, đăng kiểm tàu, giấy phép khai thác còn thời hạn, có trang thiết bị đảm bảo an toàn khi ra khơi như phao, neo… Đặc biệt khi ra khơi, ngư dân phải khai thác đúng nghề được cho phép trong giấy phép khai thác; không được khai thác sai vùng, sai tuyến; không sử dụng mìn, chất nổ cũng như là mang các ngư cụ mang tính chất hủy diệt nguồn lợi.
Chẳng hạn, tàu có chiều dài từ 15m trở lên chỉ được khai thác vùng khơi, tàu từ 12-15m chỉ khai thác vùng lộng, tàu dưới 12m chỉ khai thác vùng bờ. Nếu khai thác sai vùng, sai tuyến cũng vi phạm pháp luật.
Trước khi ra khơi, tàu cá khai thác vùng khơi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và duy trì hoạt động từ lúc xuất bến đến khi cập bến. Ngư dân khi khai thác trên biển phải ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác. Đây là việc quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ngư dân không sử dụng lao động trẻ em cũng là quy định rất chặt đối với các nước có nghề cá để đảm bảo đúng theo quy định về luật lao động.
- Hiện vẫn còn có những ngư dân không tuân thủ các quy định trong khai thác hải sản, vậy việc xử phạt những vi phạm quy định ấy trong thời gian tới cần được siết chặt như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Hùng: Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã quy định rất rõ 14 hành vi vi phạm trong khai thác bất hợp pháp. Nếu ngư dân vi phạm 1 trong 14 hành vi này sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, các tỉnh xử phạt vi phạm hành chính thực tế còn rất hạn chế, cho nên chưa đảm bảo sức răn đe. Ngư dân tiếp tục có những vi phạm khi khai thác trên biển.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải quyết liệt hơn trong vấn đề tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ những quy định của pháp luật. Khi đã tuyên truyền mà ngư dân vi phạm, cố tình vi phạm, đặc biệt là tái phạm sẽ phải xử phạt nghiêm.
Mức xử phạt trong Nghị định 42/2019/NĐ-CP khá cao, gấp từ 5-10 lần so với Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản trước đây. Về cơ bản nếu xử lý nghiêm sẽ chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác trong nước cũng như ở vùng biển nước ngoài.
Hiện một số tỉnh đã triển khai quyết liệt nhưng hầu hết các tỉnh triển khai xử phạt rất yếu. Các tỉnh xử phạt tốt như Quảng Ninh, Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận… đã góp phần giảm tình trạng tàu cá vi phạm. Do vậy, các tỉnh phải triển khai xử phạt đồng bộ hơn, tránh tình trạng tỉnh này xử phạt nặng thì ngư dân chạy sang tỉnh xử phạt nhẹ.
Do đó, các tỉnh phải có cơ chế phối hợp trong việc xử lý tàu cá vi phạm. Hiện một số địa phương đã ký cơ chế phối hợp và có sự triển khai rất tốt, Tổng cục Thủy sản sẽ có kết nối để có sự đồng bộ, phối hợp tốt giữa các địa phương.
Tổng cục đang xây dựng cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, các tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, đồng đều giữa các tỉnh, tránh tình trạng khung xử phạt bị lệch nên tỉnh này xử phạt nặng, tỉnh kia xử phạt nhẹ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang giao Tổng cục Thủy sản xây dựng dự thảo Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ “thẻ vàng.” Thực hiện đề án này sẽ có đợt cao điểm thanh kiểm tra toàn quốc theo các chuyên đề và xử phạt nghiêm nếu có vi phạm. Các chuyên đề kiểm tra như giám sát hành trình, giấy phép khai thác, nhật ký khai thác, ngư cụ…
- Chính quyền địa phương cần có vai trò như thế nào trong hướng dẫn, đưa người dân khai thác vào nề nếp, tuân thủ quy định pháp luật?
Ông Nguyễn Quang Hùng: Hiện trình độ văn hóa của ngư dân cũng không cao nên việc đọc luật, nghị định sẽ rất khó khăn. Việc rất quan trọng là địa phương tuyên truyền, tập huấn với ngôn ngữ, tập quán địa phương mà vẫn tuân thủ quy định pháp luật. Địa phương cần có cách truyền đạt thông tin hợp lý hơn thay vì chỉ đọc các quy định pháp luật. Hoặc, có các ápphích, pano… đơn giản tại các bến, cảng; tờ rơi với thông tin, hình vẽ đơn giản, ngắn gọn để ngư dân nhìn vào là có thể hiểu ngay.
- Việc ghi nhật ký khai thác còn có tình trạng là ghi “hồi ký,”vậy giải pháp để khắc phục tình trạng này là gì?
Ông Nguyễn Quang Hùng: Trong truy xuất nguồn gốc, nhật ký khai thác là cái gốc của vấn đề. Nhật ký khai thác đúng các bước sau đó mới đúng. Còn nhật ký khai thác sai dù các bước sau đúng toàn bộ chuỗi vẫn sai.
Ngư dân khai thác trên biển rất vất vả nhưng vẫn phải ghi chép nhật ký đầy đủ, chính xác thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc. Nhiều ngư dân về gần bờ mới “hồi ký”nên đôi khi thông tin sẽ không chính xác.
Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ triển khai nhật ký điện tử. Ngư dân sẽ không phải ghi chép, mà chỉ nhấn nút trên điện thoại thông minh đã cài phần mềm đó. Điều này sẽ giúp ngư dân thuận tiện hơn trong việc ghi nhật ký khai thác và cũng dễ dàng thao tác.
Khi đã tuyên truyền phổ biến, kiểm tra giám sát, nhắc nhở hướng dẫn ngư dân mà vẫn không thực hiện phải thực hiện xử phạt theo quy định. Ngư dân ghi không đúng, ghi sai, ghi thiếu sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng; không ghi có thể phạt từ 20-30 triệu đồng; nếu tái phạm có thể nâng lên từ 30-50 triệu đồng.
Các tỉnh nên có các đợt kiểm tra chuyên đề về ghi chép sổ nhật ký. Ngư dân sẽ cải thiện được tình trạng “hồi ký” và việc ghi nhật ký sẽ đi vào nề nếp.
- Vậy, đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ “thẻ vàng” sẽ được xây dựng ra sao để hướng đến đạt được mục tiêu năm 2022 gỡ được “thẻ vàng” như yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành?
Ông Nguyễn Quang Hùng: Quan điểm chung của đề án là sẽ đánh giá kết quả 4 năm triển khai chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu và nhận diện rõ những vấn đề còn tồn tại. Đề án sẽ giải quyết tổng thể bài toán xử lý các vấn đề còn tồn tại với mục tiêu là đến năm 2022 gỡ được “thẻ vàng” và triển khai nghề cá bền vững, hiệu quả.
Theo đó, quản lý nghề cá sẽ phải ứng dụng mạnh công nghệ thông tin. Hiện nay, nguồn lực con người ở địa phương rất thiếu, trong khi số lượng tàu cá còn rất lớn và hoạt động trên biển rất rộng nên phải ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý.
Ngành thủy sản sẽ phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tàu cá; hoàn thiện Trung tâm giám sát tàu cá từ Trung ương đến địa phương. Việc triển khai truy xuất nguồn gốc điện tử thay thế cho các bản giấy để tạo sự liên thông và trên Trung ương có thể nắm được và chỉ đạo điều hành. Dự kiến sẽ thành lập Trung tâm điều hành quản lý nghề cá tại Tổng cục Thủy sản.
Đề án sẽ tập trung các giải pháp quyết liệt hơn, tăng cường tuần tra, mở rộng các đợt cao điểm thanh tra, kiểm soát tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài để tiến tới chấm dứt tình trạng này. Đặc biệt, đề án cũng đẩy mạnh truyền thông, nhất là truyền thông quốc tế, đàm phán, trao đổi, hội thảo… với các nước trong khu vực và EC để có những chia sẻ trong quản lý nghề cá bền vững.
Dự kiến, dự thảo đề án sẽ được xây dựng trong khoảng 1 tháng. Tiếp theo sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành và hy vọng chỉ trong vòng hai tháng sẽ xây dựng hoàn thiện đề án.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Từ ngày 12 - 15/11, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Cục Thủy sản phối hợp với Trường Đại học Nha Trang tổ chức lớp tập huấn về nuôi biển công nghiệp, thu hút sự khoảng 200 học viên là cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người dân từ 8 tỉnh, thành phố có biển gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam khẳng định EU ghi nhận phía Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện những khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
(vasep.com.vn) Kế hoạch tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã khiến các chuyên gia thương mại và nhóm thương mại thủy sản dự đoán ngành thủy sản sẽ có 4 năm đầy biến động.
(vasep.com.vn) Một phần là do nhu cầu và do quy cách sản xuất, nhưng dòng chảy thương mại tôm Ecuador đang thay đổi.
HSBC Việt Nam và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn) vừa tham gia ký kết một thỏa thuận tài trợ tín dụng thương mại xanh. Sự kiện này ghi dấu khoản tín dụng xanh đầu tiên mà HSBC Việt Nam cấp cho doanh nghiệp sản xuất thủy sản Vĩnh Hoàn, đồng thời là khoản tín dụng xanh đầu tiên mà ngân hàng tài trợ trong lĩnh vực thủy sản, thể hiện sự hỗ trợ của HSBC đối với Vĩnh Hoàn trên hành trình phát triển bền vững.
(vasep.com.vn) Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 10/2024, XK cá tra sang EU đạt 7 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế XK sang thị trường này tính đến ngày 15/10/2024 đạt hơn 134 triệu USD, giảm nhẹ 0,01% so với cùng kỳ năm ngoái.
(vasep.com.vn) Khi Donald Trump tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng, cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan ngày càng quan tâm đến tác động tiềm tàng của các chính sách kinh tế của ông đối với thị trường toàn cầu.
(vasep.com.vn) Sản lượng bột cá của Ấn Độ đạt mức kỷ lục 580.000 tấn vào năm 2023, trong khi sản lượng của Oman tiếp tục tăng vọt.
(vasep.com.vn) Xuất khẩu cua ghẹ và giáp xác khác của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao trong tháng 9/2024, với mức tăng 54% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, XK cua ghẹ và giáp xác khác đạt hơn 228 triệu USD, tăng 67%.
(vasep.com.vn) Đối tác nuôi tôm bền vững (SSP) đã chào đón công ty thức ăn chăn nuôi Cargill, nhà sản xuất phụ gia Adisseo và công ty tiên phong về cảm biến vi sinh Tây Ban Nha BIOLAN là các thành viên liên kết, củng cố sứ mệnh thúc đẩy nuôi tôm bền vững, minh bạch và có trách nhiệm trên toàn cầu.
VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội
Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO
Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu
Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn
Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh
Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn
VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn