Làm sao để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản hàng đầu?

Sản xuất 08:14 03/09/2021 Nguyễn Trang
Thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… và ngày càng được mở rộng.

Chế biến thủy sản xuất khẩu.

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030.

Nhìn lại sự phát triển của ngành này cũng như những vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới để đạt mục tiêu này, tiến sỹ Đào Trọng Hiếu, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cuộc chia sẻ với phóng viên TTXVN.

- Nhìn lại ngành công nghiệp chế biến thủy sản thời gian qua, ông có đánh giá thế nào?

Ông Đào Trọng Hiếu: Chế biến là khâu quan trọng, tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất của ngành thủy sản. Công nghiệp chế biến thủy sản đã phát triển nhanh, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Giai đoạn 2010-2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt tốc độ tăng trung bình 5,3%/năm. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD, đến năm 2020 đạt trên 8,4 tỷ USD.

Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến thủy sản với công nghệ, thiết bị tương đối hiện đại, gắn kết với vùng nguyên liệu.

Năm 2020, cả nước có 825 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu và 3.280 cơ sở chế biến quy mô nhỏ phục vụ chế biến tiêu thụ nội địa. Tổng công suất chế biến xuất khẩu từ 4,5-5 triệu tấn nguyên liệu/năm, tương ứng với gần 2,1 triệu tấn sản phẩm/năm.

Nhiều nhà máy và cơ sở chế biến thủy sản đã áp dụng công nghệ và dây chuyền chế biến hiện đại, đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… và ngày càng được mở rộng.

Công nghiệp chế biến thủy sản góp phần định hướng và thúc đẩy phát triển sản xuất thủy sản, tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; đồng thời, làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn. Ngành chế biến thủy sản đã giải quyết trực tiếp trên 435.000 lao động và hàng triệu lao động sản xuất nguyên liệu, dịch vụ cho ngành.

Nhờ đó, chế biến thủy sản đã hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra vị thế vững chắc cho ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 thế giới về giá trị xuất khẩu thủy sản, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy.

Tuy nhiên, công nghiệp chế biến thủy sản vẫn còn bộc lộ không ít những tồn tại, thách thức. Điển hình là số lượng và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến chưa được đảm bảo làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hiện nay chủ yếu vẫn sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài với trên 50% mặt hàng sơ chế đơn giản, bán thành phẩm với giá trị gia tăng thấp, giá bán thấp…

Tỷ trọng sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng còn thấp đạt 22%, các sản phẩm thô, sơ chế vẫn chiếm 78% tỷ trọng giá trị xuất khẩu.

Đến nay, Việt Nam vẫn chủ yếu cung cấp nguyên liệu thô, bán thành phẩm cho các nhà nhập khẩu chế biến tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, gần như chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho mặt hàng thủy sản của mình trên thế giới. Phần lớn sản phẩm thủy sản vẫn phải dán nhãn mác, mang tên thương hiệu của các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Cùng với đó, tăng trưởng của ngành chế biến thủy sản phụ vẫn thuộc nhiều vào yếu tố về tài nguyên, lao động giá rẻ, trình độ thấp, đa số các cơ sở chế biến chưa đầu tư nhiều vào công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Các cơ sở chế biến nước ta phần lớn là quy mô nhỏ và vừa, chiếm trên 90% số cơ sở. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông dẫn đến năng suất lao động không cao.

- Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030; trong đó, có đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%. Vậy, ông đánh giá thế nào về con số này?

Ông Đào Trọng Hiếu: Năm 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng chỉ chiếm khoảng 22% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu; trong đó, tôm 41,7%; cá tra 2,7%; cá ngừ 52,1%; nhóm sản phẩm từ mực, bạch tuộc 10,5%.

Con số này đã phản ánh thực trạng là chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm thủy sản dưới dạng thô, sơ chế, bán thành phẩm hoặc nguyên liệu cung cấp cho các nhà nhập khẩu mà chưa qua chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Chính vì vậy, mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến sâu, có giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%; trong đó tôm đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%.

Mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu các doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị và mở rộng thị trường tiêu thụ; phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Triển khai đề án sẽ xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo đặt tại các trung tâm nghề cá lớn làm động lực thúc đẩy ngành chế biến thủy sản. Các trung tâm này sẽ có nhiệm vụ như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Trọng Hiếu: Việc hình thành các trung tâm này nhằm nghiên cứu, dẫn dắt, kết nối và cung cấp các dịch vụ đổi mới sáng tạo hiệu quả và hỗ trợ nghiên cứu và phát triển phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Trung tâm này sẽ giúp cho việc định hướng chiến lược, nắm bắt xu thế về khoa học và công nghệ trên thế giới; đào tạo, tập huấn, hợp tác chuyển giao và kết nối đầu tư trong lĩnh vực đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.

Các trung tâm này cũng sẽ đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân, ươm tạo công nghệ, tối ưu hóa, trình diễn và chuyển giao công nghệ, khuyến khích tinh thần sáng tạo trong doanh nghiệp và người dân.

Cùng đó, hỗ trợ hình thành các giải pháp công nghệ tiên tiến, kích thích các ý tưởng sáng tạo; kết nối, thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ; đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Qua đó, tối ưu, hoàn thiện các mô hình giải pháp đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm, giải pháp đầu ra hiệu quả, có khả năng ứng dụng cao.

- Ông đánh giá thế nào về hệ thống kho lạnh bảo quản thủy sản hiện nay và cần có sự đầu tư hệ thống này thế nào nhằm góp phần giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch?

Ông Đào Trọng Hiếu: Năm 2020, tổng số cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp là 825 cơ sở, quy mô nhỏ là 3280 cơ sở. Trong số đó, các cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh chiếm 82%, các cơ sở còn lại cũng sử dụng lạnh làm kho bảo quản.

Hiện tổng công suất cấp đông thủy sản khoảng 2 triệu tấn, tổng công suất kho lạnh là 1,5 triệu tấn. Hầu hết các cơ sở chế biến đều có hệ thống cấp đông, kho lạnh bảo quản, kho lạnh sản xuất đi kèm. Do vậy, việc tổn thất sau thu hoạch khi đưa vào các nhà máy chế biến là không đáng kể.

Tuy nhiên, do phân bố các cơ sở phân tán trên toàn quốc nên đôi khi xảy ra hiện tượng thiếu kho lạnh bảo quản cục bộ tại từng doanh nghiệp, địa phương vào thời điểm nhất định khi có sự biến động của nguồn cung và thị trường tiêu thụ.

Việc tổn thất sau thu hoạch hiện nay xảy ra chủ yếu ở công đoạn sơ chế, bảo quản nguyên liệu hải sản trên các tàu khai thác xa bờ.

Chính vì vậy, để giảm tổn thất sau thu hoạch, cần đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ bảo quản lạnh, tiến tới bảo quản đông trên các tàu khai thác.

- Theo ông, vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư cũng như hình thành, phát triển cụm công nghiệp có sự liên kết, chuỗi giá trị cần được triển khai như thế nào?

Ông Đào Trọng Hiếu: Để phát triển công nghiệp chế biến cần phải có sự phát triển đồng bộ của cả hai khâu trước chế biến và sau chế biến. Cụ thể ở đây là nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và đầu ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, theo tôi cái khó nhất là phải tạo ra được sự đồng bộ của khâu cung ứng nguồn nguyên liệu và khâu tiêu thụ sản phẩm.

Các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu như: số lượng, thời điểm, chủng loại, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, hay giá mua nguyên liệu cao... đã ảnh hưởng rất nhiều trong việc doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản.

Sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất-chế biến-tiêu thụ thủy sản nhìn chung phần lớn thiếu chặt chẽ.

Ngoại trừ một số ngành hàng đã tổ chức tốt khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu như: cá tra, tôm nuôi và một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn có năng lực đã liên kết tốt với người nông dân như: Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn.

Chế biến tôm xuất khẩu.

Trước thực trạng sản xuất manh mún, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích sản xuất theo chuỗi liên kết. Điển hình như Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để tăng cường liên kết giữa các bên. Hay Nghị quyết số 53/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững...

Bên cạnh các chính sách do Trung ương ban hành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát ban hành các cơ chế chính sách riêng, từ đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến của địa phương, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thủy sản.

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển riêng có tính đột phá, sáng tạo, độc đáo; tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng cho công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản.

Cơ quan chức năng xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; cho phép mua, thuê lại đất của nông dân để cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa quy mô lớn đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến.

- Xin cảm ơn ông!./.

(Theo TTXVN)

trung tam che bien thuy san hang dau viet nam thuy san viet nam

TIN MỚI CẬP NHẬT

Việt Nam quyết tâm cao gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" IUU trong năm 2024

 |  08:42 01/07/2024

(vasep.com.vn) Ngày 24/6/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 275/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị Sơ kết Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Trung Quốc giảm tiêu dùng hải sản cao cấp

 |  08:40 01/07/2024

(vasep.com.vn) Những bất ổn về kinh tế và căng thẳng địa chính trị gần đây đã khiến người dân Trung Quốc phải thắt chặt chi tiêu, đặc biệt các mặt hàng xa xỉ, bao gồm hải sản cao cấp.

Vĩnh Long: Diện tích nuôi cá tra công nghiệp tăng nhẹ nửa đầu năm

 |  08:36 01/07/2024

(vasep.com.vn) Trong 6 tháng đầu năm 2024, diện tích nuôi cá tra công nghiệp của tỉnh Vĩnh Long là 370,8 ha, tăng 0,11% hay tăng 0,4 ha so với cùng kỳ. Tình hình XK cá tra vẫn chưa ổn định, ảnh hưởng tới hoạt động thu mua cá tra nguyên liệu của DN và ảnh hưởng nhất định đến hoạt động nuôi cá tra của tỉnh.

HEADWAY JSC tăng trưởng phi mã sản lượng vận chuyển mực, bạch tuộc sang Mỹ

 |  10:10 29/06/2024

Trong nửa đầu năm 2024, Headway ghi nhận một sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong xuất khẩu mực và bạch tuộc sang Mỹ. Cụ thể, thị trường này tăng 596,42% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, Đài Loan trước đó là thị trường dẫn dầu, giảm 60,11% so với giai đoạn cùng kỳ.

Giá bán lẻ cá tươi và thủy sản có vỏ tại Mỹ giảm trong tháng 5/2024

 |  08:31 28/06/2024

(vasep.com.vn) Theo báo cáo tháng 5 của 210 Analytics, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Florida, giá bán lẻ trung bình theo pound cho hải sản tại Mỹ giảm là nhờ sự dẫn đầu của cá thịt tươi và động vật có vỏ. So với ngành hàng thực phẩm và đồ uống nói chung, giá hải sản này có mức lạm phát thấp hơn đáng kể.

Peru: Sản lượng khai thác cá cơm tăng trong tháng 4/2024

 |  08:30 28/06/2024

(vasep.com.vn) Tháng 4/2024, nền kinh tế Peru tăng trưởng 5,28%, chủ yếu nhờ lĩnh vực thủy sản bùng nổ với mức tăng trưởng 158%. Sau 14 tháng kết quả tiêu cực, lĩnh vực sản xuất cũng ghi nhận mức tăng trưởng.

Giá thủy sản sụt giảm tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam

 |  08:25 28/06/2024

(vasep.com.vn)  Yếu tố thị trường đang chi phối giá XK và giá nguyên liệu thủy sản của Việt Nam. Nhu cầu của các thị trường hồi phục chậm, trong khi cạnh tranh các nguồn cung lại tăng, nên giá XK đi hầu hết các thị trường đều giảm. Trong tháng gần đây nhất là tháng 5, tôm là mặt hàng bị tác động giảm giá rõ rệt nhất, nên XK đã giảm 2,3%, trong đó riêng tôm chân trắng giảm 7%, tôm sú giảm 6%. Các sản phẩm khác như chả cá, surimi cũng bị áp lực cạnh tranh về giá nên giảm sâu 25% trong tháng 5 và lũy kế 5 tháng đầu năm giảm 15%.

Góp ý Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

 |  16:54 27/06/2024

Kính gửi: Ban lãnh đạo Quý Doanh nghiệp/Hiệp hội

Nhiều tiềm năng cho sản xuất protein thay thế trong thức ăn thủy sản

 |  08:51 27/06/2024

(vasep.com.vn) Sau khi thu hút được nguồn tài trợ mới đáng kể, Enifer và Kuehnle Biosciences đang hướng tới việc đóng vai trò lớn hơn trong lĩnh vực thay thế thức ăn thủy sản.

Infographic: Xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024

 |  08:47 27/06/2024

(vasep.com.vn) 5 tháng đầu năm 2024, XK mực và bạch tuộc của Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là do XK mực giảm 5%. XK nhóm sản phẩm này sang các thị trường chính phần lớn đều giảm.

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC