Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản là gì?
Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản được xây dựng, nhằm theo dõi việc nhập khẩu một số sản phẩm thủy sản, các yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ cần thiết để ngăn chặn hải sản được đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và/hoặc hải sản được khai báo sai thâm nhập vào thị trường thương mại Mỹ; theo đó, góp phần tăng cường bảo vệ cho nền kinh tế Mỹ, an ninh lương thực toàn cầu và tính bền vững của tài nguyên biển nói chung.
Tại sao NOAA Fisheries thực hiện Chương trình này?
Là một quốc gia dẫn đầu thế giới về nghề thủy sản bền vững và là một thị trường thương mại hải sản chính, Mỹ có trách nhiệm chống lại các hoạt động phi pháp làm suy yếu tính bền vững của các tài nguyên biển chung của chúng ta. Vì lý do đó, Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) và các cơ quan đối tác của Chính phủ Mỹ đã cam kết thực hiện nhiều nỗ lực nhằm đấu tranh trên toàn cầu, tăng cường cưỡng chế, củng cố các mối quan hệ đối tác và thiết lập khả năng truy nguyên nguồn gốc hải sản. Cùng với những nỗ lực này, Cơ quan Nghề cá của NOAA đã công bố quy định cuối cùng của Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản (SIMP) vào ngày 09/12/2016.
Chương trình áp dụng cho đối tượng nào?
SIMP yêu cầu khai báo thêm dữ liệu tại điểm nhập khẩu vào thị trường thương mại Mỹ hoặc yêu cầu nhà nhập khẩu lưu lại hồ sơ đối với các loài thủy sản và sản phẩm thủy sản được xác định là loài ưu tiên do nguy cơ về hoạt động đánh bắt IUU và gian lận thủy sản. Các nhà nhập khẩu trên hồ sơ sẽ được xác định với Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) vào mỗi lần nộp đơn xin nhập khẩu. Nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ phải xin Giấy phép thương mại thủy sản quốc tế (IFTP) từ Cơ quan Nghề cá của NOAA để khai báo một số thông tin thu hoạch nhất định khi nộp hồ sơ xin nhập khẩu và để lưu giữ hồ sơ về chuỗi hành trình loài thủy sản hoặc sản phẩm thủy sản từ lúc đánh bắt cho đến khi nhập khẩu vào Mỹ.
Chương trình này sẽ ảnh hưởng đến loài nào?
Mười ba loài đã được xác định là đặc biệt có nguy cơ bị đánh bắt IUU và/hoặc gian lận thủy sản; do đó, các loài này đã được bảo hộ trong giai đoạn đầu tiên của chương trình và trong tương lai chương trình sẽ mở rộng để bảo hộ tất cả các loài thủy sản:
• Bào ngư
• Cá tuyết Đại Tây Dương
• Cua xanh (Đại Tây Dương)
• Cá nục heo cờ (Mahi Mahi)
• Cá mú
• Cua hoàng đế (đỏ)
• Cá tuyết Thái Bình Dương
• Cá hồng
• Hải sâm
• Cá mập
• Tôm
• Cá kiếm
• Cá ngừ: cá ngừ vây dài, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ vây xanh
Cần phải khai báo thông tin nào tại điểm nhập khẩu vào thị trường thương mại Mỹ hoặc nhà nhập khẩu cần phải giữ lại thông tin nào cho thủy sản và sản phẩm thủy sản nhập khẩu?
Thông tin được thu thập bao gồm:
1. Tổ chức thu hoạch hoặc sản xuất
- Tên và quốc tịch của tàu đánh bắt
• Bằng chứng về việc cho phép đánh bắt (số giấy phép)
• Mã duy nhất để định danh tàu (nếu có)
• Loại ngư cụ
Lưu ý: Cần chỉ rõ khu vực đánh bắt và loại ngư cụ theo quy ước khai báo và mã được sử dụng bởi cơ quan có thẩm quyền thực thi quyền pháp lý đối với hoạt động đánh bắt ngoài tự nhiên. Nếu không có yêu cầu khai báo, cần sử dụng mã khu vực đánh bắt và mã ngư cụ theo Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO).
2. Vụ thu hoạch – Loài, thời điểm và địa điểm đánh bắt
• Loài - Mã loài gồm 3 chữ cái theo FAO (Hệ thống thông tin thủy sản và khoa học thủy sản - ASFIS)
• Ngày cập cảng
• Các hình thức sản phẩm khi cập cảng - bao gồm cả số lượng và trọng lượng sản phẩm
• Các khu vực đánh bắt ngoài tự nhiên hoặc nuôi trồng thủy hải sản
• Điểm cập bờ đầu tiên
• Tên (các) tổ chức mà tại đó thủy sản được cập bờ hoặc giao nhận
Lưu ý: Trong trường hợp lô hàng nhập khẩu được gom từ nhiều vụ đánh bắt thì mỗi vụ liên quan với lô hàng nhập khẩu đó phải được khai báo. Tuy nhiên, nhà nhập khẩu không cần liên kết với một loài thủy sản cụ thể hoặc một phần cụ thể của lô hàng với bất kỳ sự kiện đánh bắt đơn lẻ nào.
3. Nhà nhập khẩu
• Tên, mối quan hệ đối tác và thông tin liên lạc
• Số IFTP do Cơ quan Nghề cá của NOAA cấp
• Nhà nhập khẩu có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ liên quan tới chuỗi hành trình sản phẩm đã trình bày chi tiết ở trên.
• Thông tin về mọi hoạt động chuyển tải sản phẩm (tờ khai của tàu đánh bắt/tàu vận tải, vận đơn)
• Hồ sơ về việc chế biến, tái chế biến và pha trộn sản phẩm.
Tiêu chí để xác định một sản phẩm có nằm trong SIMP hay không là gì?
Tiêu chí để xác định một sản phẩm thủy sản cụ thể có nằm trong giai đoạn đầu của SIMP hay không chính là Mã Biểu thuế hài hòa (Harmonized Tariff Schedule - HTS) được sử dụng để nộp đơn nhập khẩu điện tử cho lô hàng nhập khẩu. Cơ quan Nghề cá của NOAA sẽ cung cấp cho CBP danh sách các phần dữ liệu được yêu cầu cho mỗi loài theo mã HTS được đề cập trong SIMP. Danh sách mã HTS cập nhật theo SIMP sẽ sớm được đăng tải trong hướng dẫn thực hiện bộ thông điệp cho Cơ quan Nghề cá của NOAA tại địa chỉ:
https://www.cbp.gov/trade/ace/catair
Thông tin này sẽ được thu thập và khai báo như thế nào?
Việc thu thập hồ sơ về hoạt động đánh bắt và cập cảng đối với các loài hải sản ưu tiên này sẽ được thực hiện thông qua Hệ thống dữ liệu thương mại quốc tế (ITDS), cổng dữ liệu một cửa của chính phủ Mỹ dành cho mọi hoạt động khai báo xuất nhập khẩu (do CBP quản lý). Dữ liệu đánh bắt và cập cảng của hàng nhập khẩu sẽ được gửi qua “tập thông báo” của ITDS tại thời điểm nhập khẩu, trong khi đó hồ sơ về chuỗi hành trình của thủy sản sau khi cập bờ sẽ được chuyển qua chuỗi cung ứng và được nhà nhập khẩu lưu giữ. Nhà nhập khẩu là các tổ chức của Mỹ có trách nhiệm nhập khẩu theo các quy định của Cục Hải quan Mỹ và sẽ được yêu cầu nắm giữ IFTP do NOAA Fisheries cấp.
Chương trình Môi trường thương mại tự động (ACE) sẽ được khởi động khi nào?
Cơ quan Nghề cá của NOAA đang hợp tác với CBP để lập trình cổng ACE cho kiểm tra thí điểm. Ngay khi chương trình được chứng nhận, NOAA sẽ công bố chương trình kiểm tra thí điểm trong Tạp chí chính thức của Chính phủ Mỹ.
Phải sử dụng ngôn ngữ nào trên hồ sơ lưu trữ?
Nhà nhập khẩu của Mỹ phải có khả năng tự mình xem lại và xác minh độ chính xác của các tài liệu được lưu giữ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Chương trình không yêu cầu dịch các tài liệu được lưu giữ sang tiếng Anh nhưng như đã lưu ý ở trên, nhà nhập khẩu Mỹ phải xem lại và hiểu được các tài liệu đó.
Tôi cần làm gì để xin được Giấy phép thương mại thủy sản quốc tế (IFTP)?
Có thể xin Giấy phép thương mại thủy sản quốc tế tại:
https://fisheriespermits.noaa.gov/npspub/pub_cmn_login/index_live.jsp
Sản phẩm từ mỗi và tất cả vụ thu hoạch có cần được tách riêng thông qua chế biến và vận chuyển hay không để có thể truy nguyên từ điểm nhập khẩu?
Không— không cần tách riêng các vụ thu hoạch trong suốt chuỗi cung ứng. Một lô hàng nhập khẩu có thể bao gồm sản phẩm từ nhiều vụ thu hoạch. Trong các trường hợp đó, nhà nhập khẩu phải cung cấp thông tin về mỗi vụ thu hoạch liên quan đến thành phần của sản phẩm cần nhập khẩu, nhưng không cần chỉ rõ phần nào của lô hàng đến từ một vụ thu hoạch cụ thể nào.
Yêu cầu về thu thập dữ liệu sẽ được áp dụng như thế nào đối với các hoạt động đánh bắt nhỏ lẻ?
Chương trình miễn cho nhà nhập khẩu khỏi yêu cầu xác định từng tàu cá quy mô nhỏ - hoặc cơ sở nuôi trồng thủy hải sản quy mô nhỏ - nếu nhà nhập khẩu cung cấp các yếu tố dữ liệu được yêu cầu khác dựa trên báo cáo thu hoạch tổng hợp. Báo cáo thu hoạch tổng hợp được định nghĩa là báo cáo đề cập đến: (1) hoạt động thu hoạch tại một điểm gom duy nhất vào một ngày theo dương lịch từ các tàu cá quy mô nhỏ (tức là các tàu dài 12m hoặc có tổng tải từ 20 tấn trở xuống); (2) hoạt động cập bờ của một tàu chuyển tải sản lượng đánh bắt của các tàu quy mô nhỏ ở ngoài biển.
Yêu cầu có áp dụng cho tất cả các sản phẩm có chứa loài ưu tiên không?
Không. Yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ sẽ không áp dụng cho việc nhập khẩu một số sản phẩm thủy sản được chế biến kỹ nhất định, bao gồm nhưng không giới hạn ở dầu cá, bột nhão, nước mắm, sản phẩm cắt thanh, chả viên, bánh, bánh pudding và các sản phẩm thủy sản chế biến kỹ tương tự khác, trong trường hợp các sản phẩm này hiện không thể truy nguyên nguồn gốc về một loài thủy sản hoặc một vụ thu hoạch cụ thể hoặc không được xác định thông qua nhãn sản phẩm. Các mã HTS cụ thể mà chương trình áp dụng được liệt kê trong Hướng dẫn thực hiện của Cơ quan Nghề cá của NOAA tại:
https://www.cbp.gov/trade/ace/catair
Chương trình này có yêu cầu sửa đổi gì cho việc dán nhãn không?
Không. Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản không phải là chương trình dán nhãn.
Chương trình có áp dụng cho hải sản nội địa của Mỹ không?
Các quy định trong nước của Mỹ có yêu cầu khai báo thông tin đánh bắt và cập cảng đối với thủy sản đánh bắt trong nước cho Cơ quan Nghề cá của NOAA. Quy định xây dựng Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản chỉ áp dụng với thủy sản nhập khẩu vào Mỹ từ nước ngoài.
Chương trình có áp dụng với hải sản thu hoạch trong nước mà sau đó được gửi đến một cơ sở ở nước ngoài để chế biến và/hoặc bảo quản rồi được nhập khẩu trở lại về Mỹ không?
Có. Không có ngoại lệ nào với hải sản đánh bắt trong nước. Thủy sản hoặc sản phẩm thủy sản được thu hoạch ban đầu tại Mỹ, nhưng sau đó được gửi đến một cơ sở ở nước ngoài để chế biến và/hoặc bảo quản trước khi được bán tại Mỹ cũng phải tuân theo các yêu cầu về khai báo và lưu giữ hồ sơ của Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản đối với việc tái nhập khẩu vào Mỹ.
Một số sản phẩm từ cá ngừ hiện đang tuân theo các yêu cầu khai báo theo quy định hiện có đối với hoạt động nhập khẩu, chúng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản?
Cơ quan Nghề cá của NOAA đã cân đối các yêu cầu về lưu giữ hồ sơ và khai báo của Chương trình theo dõi và xác minh cá ngừ được sử dụng để lập hồ sơ cho hoạt động thu hoạch sản phẩm cá ngừ được bán hoặc xuất khẩu theo nhãn an toàn với cá heo, bao gồm nhiều thành phần thu hoạch, cập bờ và chuỗi hành trình có trong SIMP. Việc thực hiện các yêu cầu về dữ liệu của Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản sẽ không đưa ra yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ không cần thiết đối với các nhà nhập khẩu sản phẩm cá ngừ. Trái lại, các quy định kinh doanh của ITDS sẽ được biên soạn để đảm bảo mỗi thành phần dữ liệu sẽ chỉ được khai báo duy nhất một lần trong một trường hợp cụ thể. Để đảm bảo sự cân bằng giữa hai chương trình, Cơ quan Nghề cá của NOAA có thể sửa đổi Chương trình theo dõi và xác minh cá ngừ để thể hiện các yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ mới khi thích hợp. Điều này có thể xảy ra trong trường hợp nhập khẩu cá kiếm và một số loài cá ngừ nhất định được đề cập trong hồ sơ thông kê quốc tế hiện có hoặc các chương trình lập hồ sơ đánh bắt.
Yêu cầu khai báo dữ liệu và nộp hồ sơ của quy định này có được đưa vào hồ sơ công khai hoặc hồ sơ người tiêu dùng không?
Thông tin thu thập được theo chương trình này là thông tin bảo mật. SIMP xây dựng một hệ thống khai báo giữa doanh nghiệp và chính phủ để các cơ quan chính phủ của Mỹ có thể xác nhận tính hợp pháp của thủy sản và sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Để giải quyết các mối lo ngại về tính bảo mật dữ liệu, chương trình sẽ đặt ưu tiên cao nhất cho vấn đề bảo mật dữ liệu trong suốt quá trình này. Thông tin thu thập được qua ACE và được các hệ thống CBP như ITDS lưu giữ là thông tin thương mại, tài chính và độc quyền có tính nhạy cảm cao, và do đó thường được miễn khỏi các yêu cầu về tiết lộ công khai (ví dụ: Đạo luật tự do thông tin).
Ngày có hiệu lực để triển khai Chương trình là bao giờ?
Việc tuân thủ các yêu cầu khai báo và lưu giữ hồ sơ theo quy định dành cho các loài ưu tiên trừ tôm và bào ngư bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Kể từ ngày có hiệu lực, hàng nhập khẩu theo mã HTS được chỉ định tuân theo chương trình sẽ cần có bộ thông điệp và nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ phải có IFTP hợp lệ. Hàng nhập khẩu tuân theo Chương trình được nộp đơn mà không có bộ thông điệp đầy đủ (dữ liệu về sự kiện thu hoạch và số IFTP) sẽ bị từ chối và không được CBP trả lại cho đến khi bộ thông điệp và số IFTP được cung cấp.
Vì thủy sản nhập khẩu vào thị trường thương mại Mỹ vào hoặc sau ngày 01/01/2018 sẽ phải được thu hoạch trước ngày này nên bộ thông điệp về sự kiện thu hoạch sẽ liên quan đến hoạt động đánh bắt xảy ra trước ngày tuân thủ. Các nhà nhập khẩu của Mỹ phải hợp tác với các nhà cung cấp để đảm bảo rằng thông tin về sự kiện thu hoạch được lưu lại cho mọi sản phẩm trong chuỗi cung ứng được nhập khẩu sau ngày tuân thủ.
Khi nào thì cả tôm và bào ngư cũng cần tuân thủ các yêu cầu của chương trình?
Từ ngày 31/12/2018, tất cả tôm và bào ngư nhập khẩu vào Mỹ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy hải sản vào Mỹ (SIMP).
Cơ quan có đưa ra bất kỳ hỗ trợ nào để giúp tuân thủ quy định này không?
Tùy theo tài nguyên sẵn có, Cơ quan Nghề cá của NOAA và Chính phủ Mỹ ở phạm vi rộng hơn sẽ cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia xuất khẩu và nhà nhập khẩu trong nước để trợ giúp việc tuân thủ các yêu cầu của quy định, bao gồm việc hỗ trợ để xây dựng năng lực:
• Thực hiện các hoạt động quản lý nghề cá hiệu quả;
• Củng cố các cơ chế quản lý nghề cá và cơ quan thi hành để chống đánh bắt IUU và gian lận hải sản; và
• Xây dựng, duy trì hoặc hỗ trợ các hệ thống để cho phép truy nguyên nguồn gốc của các lô thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến điểm thu hoạch. Mức ưu tiên cho việc xây dựng năng lực được xác định trong Kế hoạch hành động chiến lược để xây dựng năng lực quốc tế nhằm tăng cường quản lý nghề thủy sản và chống hoạt động đánh bắt IUU
(vasep.com.vn) Trong năm 2024, khu vực Trung Đông đã nổi lên như một thị trường tiềm năng cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, với mức tăng trưởng 18%, đạt doanh thu 334 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, chiếm gần 4% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Dự kiến, đến cuối năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang khu vực này sẽ đạt hơn 360 triệu USD, nằm trong top 2 thị trường NK thủy sản có tăng trưởng mạnh nhất, sau Trung Quốc.
(vasep.com.vn) Liên minh châu Âu đã tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận đánh bắt cá với Senegal, viện dẫn những lo ngại về nỗ lực của quốc gia này trong việc hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp.
Công tác kiểm ngư, chống đánh bắt IUU (khai thác bất hợp pháp, không theo quy định) đã có những bước đi thực chất hơn. Nhờ vậy, số lượng tàu cá "3 không"(không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép) đã giảm mạnh từ hơn 17.000 chiếc năm 2023, xuống chỉ còn hơn 1.600 chiếc vào năm 2024, và tiến tới sẽ chấm dứt vào năm 2025…
Thủy sản Vĩnh Hoàn (mã cổ phiếu VHC) vừa cho biết kim ngạch xuất khẩu của công ty sang 3 thị trường trọng điểm là Mỹ, EU, Trung Quốc trong tháng 11/2024 tăng trưởng từ 32% - 40% so với cùng kỳ năm 2023.
(vasep.com.vn) Theo Shrimp Insights, các nước Nam EU đã nhập khẩu 332.000 tấn tôm từ bên ngoài khối vào năm 2023, trong đó Tây Ban Nha và Pháp nổi lên là những thị trường chiếm ưu thế.
(vasep.com.vn) Xuất khẩu tôm 11 tháng của năm 2024 mang về gần 3,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận ở mức 2 con số.
(vasep.com.vn) Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tính đến hết tháng 11/2024 vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Kim ngạch XK trong 11 tháng đầu năm đạt 903 triệu USD, tăng 17%. XK sang các thị trường khác vẫn đang ở mức cao hơn so với cùng kỳ.
Ngày 15/10/2022, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 131/2024/NĐ-CP Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Israel (Hiệp định VIFTA) giai đoạn 2024-2027.
(vasep.com.vn) Giá cua tuyết Canada đầu vụ tháng 4 đã tăng 19% so với mức kỷ lục năm 2023. Dù vậy, các hãng bán lẻ và dịch vụ ẩm thực vẫn duy trì hoạt động và ổn định giá đến tháng 9. Tuy nhiên, khi hàng tồn kho cạn kiệt, giá cua tuyết Canada tăng hơn 40% so cùng kỳ năm ngoái.
Chất lượng con giống - khâu quan trọng của ngành hàng vẫn còn chưa đạt. Cá giống tỷ lệ sống thấp, dễ bị bệnh không còn theo mùa vụ. Ương dưỡng giống cá tra hiện nay, tỷ lệ hao hụt trên 90% và Cục Thủy sản đang đặt mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới giảm xuống dưới 85%, tỷ lệ cá sống đạt 15- 20%.
VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội
Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO
Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu
Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn
Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh
Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn
VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn