Doanh nghiệp lo ngại việc cơ quan quản lý ra nhiều quy định không cần thiết, làm phát sinh thêm chi phí tuân thủ
Trước ngày 15/12, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có thể sẽ nhận được giải trình từ Bộ Khoa học và Công nghệ về 9 nhóm công việc mà các doanh nghiệp cho rằng “có tính chất thủ tục hành chính, tăng thời gian, chi phí không đáng có” trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thời hạn này do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong văn bản do ông Ngô Hải Phan, Phó chủ tịch Hội đồng, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính ký gửi Bộ Khoa học và Công nghệ vào cuối tháng 11/2024, sau khi nhận được kiến nghị của 2 hiệp hội trên, cũng là 2 thành viên của Hội đồng.
Vấn đề mà các doanh nghiệp đặt ra là Dự thảo bổ sung nhiều quy định áp dụng toàn bộ trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa để lưu thông trong nước lên các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng họ lại không được thấy báo cáo đánh giá tác động về mức độ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu khi phải đồng thời thỏa mãn 2 hệ thống quản lý chất lượng, một của nước sản xuất (ở đây là Việt Nam) và hai là nước nhập khẩu, thay vì chỉ một quy định của nước nhập khẩu như hiện tại.
Trong khi đó, những tính toán chưa đầy đủ mà các doanh nghiệp gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, chi phí tuân thủ không hề nhỏ và tính rủi ro khá lớn nếu quy định của Việt Nam mâu thuẫn/không phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.
Ví dụ, Canon Việt Nam đã tính có thể phải chi tới 6,3 tỷ đồng/năm, do vừa phải tuân thủ các quy định mà các nước nhập khẩu không quan tâm, vừa phải dán nhãn theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Hay quy định về lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp ở Việt Nam để đánh giá sự phù hợp của các sản phẩm xuất khẩu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam cũng tốn của doanh nghiệp hàng tỷ đồng chi phí, khi thời gian cho 1 mẫu có thể lên tới vài tháng, với chi phí hàng chục, hàng trăm triệu đồng 1 mẫu. Chưa kể, doanh nghiệp phải nuôi thêm bộ máy quản lý và thực hiện các thủ tục để quản lý chất lượng theo Dự thảo.
“Điều này là không thể thực hiện được, bất hợp lý và lãng phí không cần thiết”, VASEP đặt vấn đề khi đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ yêu cầu trên.
Trong tờ trình, cơ quan soạn thảo đã ghi lý do của các quy định trên là để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận, làm giả xuất xứ, dán nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trung chuyển hàng hóa trái phép và để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, nước nhập khẩu, cả Chính phủ và người tiêu dùng, không quan tâm những sản phẩm của Việt Nam được nhập khẩu có đạt được các tiêu chuẩn của Việt Nam và được công bố đầy đủ các số hiệu tiêu chuẩn trên nhãn mác, bao bì sản phẩm hay chưa.
“Họ chỉ quan tâm đã đạt được điều kiện về chất lượng để được lưu thông trên thị trường nước họ hay chưa”, VASEP bình luận trong văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và một số cơ quan liên quan.
Chính vì vậy, việc áp dụng máy móc các quy định kiểm soát chất lượng đối với hàng tiêu thụ trong nước cho cả hàng xuất khẩu không chỉ làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh ở các nước khác.
Thậm chí, các doanh nghiệp thẳng thắn, không thấy quốc gia nào cố tình tạo ra nhiều rào cản kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu bằng hàng loạt quy định nêu trên như trong Dự thảo. Trên thực tế, các quốc gia thường tạo ra các rào cản kỹ thuật áp dụng đối với hàng nhập khẩu vào nước mình để bảo vệ hàng tiêu dùng sản xuất trong nước, cho dù điều này cũng không được khuyến khích trong các cam kết quốc tế.
Có thể thấy được phần nào nỗi bức xúc của doanh nghiệp khi nhìn vào những quy trình, thủ tục họ sẽ phải tuân thủ, như mất khoảng 1 tháng để xin được công bố chất lượng sản phẩm, có thể phải thiết kế lại mẫu mã sản phẩm hoặc bổ sung nhãn hàng hóa để thực hiện yêu cầu thể hiện các thông tin về chất lượng trên hàng hóa, bao bì, tài liệu kèm theo hàng hóa vì nhãn hàng hóa đang được dán theo yêu cầu nước nhập khẩu...
Tác động mà các doanh nghiệp hình dung rất khác với mục tiêu mà cơ quan soạn thảo đưa ra. Trong văn bản gửi Ban Soạn thảo và một số cơ quan liên quan, VASEP cho rằng, doanh nghiệp sẽ mất chi phí gấp đôi để nuôi bộ máy quản lý và thực hiện các thủ tục nhằm quản lý chất lượng theo Dự thảo luật, mất rất nhiều chi phí để thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận, sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, dán nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn áp dụng, thực hiện đăng ký mã số mã vạch, mã truy suất nguồn gốc...
Điều này dẫn đến tăng chi phí giá thành cho sản phẩm, mất cơ hội kinh doanh, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh ở các nước khác, ảnh hưởng tới khối lượng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận, công ăn việc làm của không chỉ doanh nghiệp, mà cả chuỗi cung ứng.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) không lạ lẫm với các nội dung Dự thảo. Nhiều năm trước, khi việc sửa đổi một số nghị định hướng dẫn Luật này được thảo luận, các nội dung tương tự đã được đặt ra.
Đáng nói là, những quy định khó thực thi, gây lãng phí không đáng có như trên không phải quá hiếm.
“Với tư duy luật lệ ban hành ra để quản lý, giám sát, cơ quan quản lý sẽ ban hành nhiều quy định, quy trình, buộc doanh nghiệp tuân thủ. Đây cũng sẽ là cơ sở để thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát. Các loại điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh cũng như cơ chế xin - cho là con đẻ của tư duy này”, ông Cung phân tích.
Nhưng điều ông cảm thấy nuối tiếc, đó là khi hàng hóa của Việt Nam ra được thị trường thế giới, lên được kệ hàng, nghĩa là đã vượt qua rất nhiều hàng rào của bên đặt hàng cũng như các yêu cầu của quốc gia nhập khẩu. Nếu được sự khuyến khích, thúc đẩy của thể chế, các doanh nghiệp có thể đi xa hơn, chuyển dịch nhanh hơn, từ chỗ gia công hàng xuất khẩu dần đi tới việc xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu của chính mình.
“Dù đi rất sớm, rất mạnh ra thị trường nước ngoài, nhưng hầu như chưa có doanh nghiệp chế biến thủy sản nào của Việt Nam có được hệ thống phân phối sản phẩm ở nước ngoài. Lúc này, tình hình thị trường đang thuận lợi hơn, doanh nghiệp rất cần các luật pháp về kinh doanh chỉ tập trung và khuyến khích, thúc đẩy phát triển”, ông Cung trăn trở.
Chia sẻ quan điểm này, GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhắc đến yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực; từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; các quy định của luật phải ổn định, phổ quát, lâu dài, chỉ quy định những vấn đề khung, mang tính nguyên tắc... trong Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Theo ông Cường, cách làm việc mới sẽ không còn chỗ cho câu nói “tôi đã làm đúng quy trình, quy định”, thay vào đó là “đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp” trong đánh giá cán bộ, công chức. Như vậy, chính cán bộ thực thi sẽ đòi hỏi sự thay đổi của hệ thống văn bản pháp luật theo hướng đạt được hiệu quả đầu ra của công việc cao nhất, cũng có nghĩa là thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Có thể nhiều dự thảo văn bản pháp luật đang xây dựng sẽ phải thay đổi cách tiếp cận.
Nguồn: Đầu tư
(vasep.com.vn) Giá cua tuyết Canada đầu vụ tháng 4 đã tăng 19% so với mức kỷ lục năm 2023. Dù vậy, các hãng bán lẻ và dịch vụ ẩm thực vẫn duy trì hoạt động và ổn định giá đến tháng 9. Tuy nhiên, khi hàng tồn kho cạn kiệt, giá cua tuyết Canada tăng hơn 40% so cùng kỳ năm ngoái.
(vasep.com.vn) Giá cá minh thái bỏ đầu và ruột (H&G) của Nga đã giảm trong tuần cuối tháng 11 do nhu cầu tại Trung Quốc giảm trước thời điểm Tết Nguyên đán.
(vasep.com.vn) Giới chức Nga đã thông qua các hạn ngạch đánh bắt cá tuyết cod Đại Tây Dương và cá haddock tại khu vực Bắc Cực, trong khi sản lượng đánh bắt cá tuyết Thái Bình Dương ở vùng Viễn Đông vẫn tiếp tục ở mức thấp.
(vasep.com.vn) Công ty surimi lớn nhất Trung Quốc, Anjoy Foods Group, đã chỉ định Ernst & Young Hong Kong làm công ty kiểm toán cho kế hoạch niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Hội thảo "Thực phẩm thủy sản trong chuyển đổi hệ thống thực phẩm phát thải thấp ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và con đường tương lai" đã diễn ra vào ngày 6-12.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát lại toàn bộ các quy định liên quan đến hoạt động tổ chức, cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy SC) tại các cảng cá, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy CC), sửa đổi những quy định chưa phù hợp, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khai thác, chế biến và xuất khẩu hải sản.
Theo Cục Thú y, các bệnh trên cá tra như gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng,… tuy không gây thiệt hại lớn tại một thời điểm nuôi, nhưng tính chung trong cả vụ nuôi thì thiệt hại do các bệnh này gây ra là rất lớn
(vasep.com.vn) Trong số các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ xuất khẩu của Việt Nam, sò điệp là 1 nhóm sản phẩm XK lớn thứ 3 sau nghêu và ốc. Năm 2024, XK nhóm sản phẩm này của Việt Nam tăng trưởng cao liên tục, chỉ riêng trong tháng 10 XK nhóm sản phẩm này đã đạt hơn 8 triệu USD, tăng 1.700% so với cùng kỳ năm 2023. Tính luỹ kế 10 tháng đầu năm 2024, XK nhóm sản phẩm này đạt hơn 31 triệu USD, tăng 206%.
(vasep.com.vn) Hội đồng Quản lý Nghề cá New England (NEFMC) của Hoa Kỳ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 15-1 để đề xuất một bộ quy tắc mới về khai thác sò điệp Đại Tây Dương, sẽ giảm 25,6% sản lượng dự kiến đánh bắt của đội tàu tiếp cận hạn chế trong mùa 2025-2026.
(vasep.com.vn) Ủy ban Nghề cá vùng Trung Tây Vịnh Guinea (FCWC) đã kết thúc thành công cuộc họp lần thứ 17 của Lực lượng đặc nhiệm Tây Phi (WATF) tại Ghana, trong đó sự hỗ trợ của TMT, được Chính phủ Na Uy tài trợ, tập trung cụ thể vào các bước thực tế cho hợp tác khu vực và phát triển một công cụ tập thể quan trọng để chống lại hoạt động đánh bắt bất hợp pháp – Hồ sơ khu vực về tàu cá được cấp phép.
VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội
Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO
Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu
Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn
Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh
Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn
VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn