"Cuộc chiến cá thịt trắng" đang đẩy cá tra Việt Nam ra khỏi EU và Mỹ

Cá thịt trắng 15:46 15/02/2018
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã dựng lên nhiều rào cản thị trường với mục đích chống lại lượng xuất khẩu cá tra ngày càng tăng của Việt Nam và từng bước đẩy sản phẩm này ra khỏi thị trường của họ.

Cá tra của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về độ chắc thịt và mùi vị so với các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết (cod), cá lưỡi trâu, cá tuyết (haddock) và cá minh thái. Ngoài ra, với lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với các loại cá thịt trắng khác, cá tra Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một sản phẩm thay thế có tính cạnh tranh cao ở Mỹ và EU, theo tiến sỹ Nguyễn Tiến Thông, Trợ lý Giáo sư Đại học Nam Đan Mạch đồng thời là chuyên gia nghiên cứu cấp cao của hãng phân tích Syntesa.

Tiến sỹ Thông cũng đánh giá rằng sự tăng trưởng xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ và EU đã và đang bị ngăn chặn bằng các rào cản thị trường do các đối thủ cạnh tranh trong ngành và truyền thông “bẩn” ở các thị trường này dựng lên.

Năm 2017, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,78 tỷ USD (1,43 tỷ EUR), tăng 4,3% so với năm 2016. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang hai thị trường quan trọng là Mỹ và EU đã giảm lần lượt là 11% và 22,3%, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Ba "cuộc chiến" chống lại cá tra

Các chuyên gia thủy sản châu Âu và Việt Nam đã cùng sử dụng thuật ngữ "cuộc chiến cá thịt trắng" để mô tả các chiến dịch chống lại sản phẩm cá tra của Việt Nam ở Mỹ và EU.

“Cuộc chiến” mới nhất diễn ra vào đầu năm ngoái khi kênh truyền hình Cuatro của Tây Ban Nha phát một đoạn video nói rằng hoạt động nuôi cá tra đã làm ô nhiễm đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Hai tuần sau đó, tập đoàn bán lẻ khổng lồ Carrefour của Pháp đã quyết định ngừng bán cá tra Việt Nam tại tất cả các siêu thị ở Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha. Carrefour nói quyết định của họ dựa trên "những nghi ngờ liên quan đến những tác động tiêu cực mà các trang trại nuôi cá tra gây ra đối với môi trường".

Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) đã ngay lập tức phản ứng lại Carrefour bằng một tuyên bố khẳng định rằng quyết định của Carrefour không phản ánh đúng sự thật. VASEP cũng nhiều lần tuyên bố rằng kênh truyền hình Cuatro đã cung cấp thông tin sai lệch. Nhằm ứng phó với sự gia tăng về “truyền thông bẩn” ở các thị trường, 20 nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam đã cùng hợp tác để tạo ra một quỹ phát triển thị trường vào tháng 6/2017. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như chưa mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn tác động tiêu cực của các thông tin sai lệch đến tiêu thụ cá tra.

Theo tiến sỹ Thông, "cuộc chiến cá thịt trắng" thực ra đã được bắt đầu ở Mỹ từ đầu năm 2000. Khi đó, Việt Nam chiếm đến 90% lượng cá tra mà Mỹ nhập khẩu hàng năm. Do lo sợ bị mất thị trường, những người nuôi và nhà phân phối cá da trơn Mỹ bắt đầu tiến hành một chiến dịch nhằm hạn chế nhập khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường này.

Trong nhiều năm, sản phẩm cá tra của Việt Nam bị chính phủ Mỹ áp thuế chống bán phá giá ở mức cao và tăng cường thanh tra, kiểm tra. Tháng 8/2017, Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp nước này bắt đầu kiểm tra toàn bộ các lô hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam. Hệ quả là một số tháng sau đó chỉ có 2 trong số 14 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam còn duy trì được hoạt động xuất khẩu đáng kể vào thị trường Mỹ.

Những nỗ lực chống lại cá tra Việt Nam tại EU mà tiến sỹ Thông gọi là “cuộc chiến” thứ hai đã diễn ra vào cuối năm 2010 khi Quỹ Bảo vệ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) đặt loài cá này vào "danh sách đỏ", coi đó là loại thực phẩm mà những người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường không nên mua. "Cuộc chiến" này được phát động sau khi cá tra Việt Nam trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh của các loài cá thịt trắng khác được nuôi và đánh bắt ở nhiều nước châu Âu.

Một vài năm sau đó, WWF đã thay đổi quan điểm với cá tra và quyết định ủng hộ toàn bộ các sản phẩm cá tra do Việt Nam sản xuất và được ASC chứng nhận!

Rắc rối lại đến vào năm 2011 khi ông Struan Stevenson, nghị sỹ Nghị Viện Châu Âu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nghề cá của Nghị Viện Châu Âu, đã có một bài phát biểu trước Nghị viện trong đó công kích các chứng nhận về môi trường, xã hội và an toàn của cá tra Việt Nam.

Đáp lại, VASEP đã mời vị nghị sỹ này đến tìm hiểu thực tế tại Việt Nam.

Sau chuyến khảo sát, Stevenson phát biểu: “Không giống như những gì tôi đã từng viết rằng đó là một ngành bẩn, mất vệ sinh và ô nhiễm, tôi đã thấy một ngành sản xuất mới năng động, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn đẳng cấp thế giới và sản xuất ra một sản phẩm chất lượng cao trong những điều kiện hoàn hảo”.

Tuy nhiên, các thông tin tiêu cực về vấn đề an toàn và môi trường của cá tra Việt Nam ở thị trường EU liên tục được đưa ra đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cá tra và huỷ hoại danh tiếng của ngành sản xuất này. Kết quả là, các sản phẩm cá tra từ Việt Nam thường bị nhiều người tiêu dùng EU xem là có chất lượng thấp và không an toàn.

Sản phẩm an toàn này hiện đang hướng đến châu Á

Tiến sỹ Thông cho biết, quy trình nuôi và chế biến cá tra ở Việt Nam được giám sát rất nghiêm ngặt và toàn diện, tất cả các sản phẩm cá tra xuất khẩu vào EU và Mỹ đều có nguồn gốc từ các công ty lớn và được cấp phép. Do tính chất mở của hệ thống ao nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long, cho nên cá tra ở đây có thể tiếp xúc với nhiều chất gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, không một loại chất nào trong số những chất gây ô nhiễm đó tích lũy trong cá tra đến mức gây lo ngại về độ an toàn.

Sau một loạt những cáo buộc về ảnh hưởng của cá tra đến sức khỏe do các phương tiện truyền thông tại EU đưa ra, một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Wageningen ở Hà Lan đã thực hiện một đánh giá nhằm xác định mức độ an toàn của việc ăn cá tra. Đánh giá này không tìm ra bằng chứng ủng hộ bất kỳ cáo buộc nào của các phương tiện truyền thông chống lại cá tra.

“Với nồng độ thuốc trừ sâu tìm thấy trong cá tra, có thể tiêu thụ tối đa từ 3,4 đến 166,7 kg cá tra phi-lê Việt Nam mỗi ngày mà không có bất kỳ tác dụng phụ nào, và đối với nồng độ chất bảo quản và kháng sinh tìm thấy, có thể ăn tối đa từ 0,613 đến 303 kg phi-lê mỗi ngày,” các nhà khoa học thuộc Đại học Wageningen kết luận.

Các phòng thí nghiệm độc lập ở Châu Âu cũng đã tiến hành phân tích và thấy rằng nồng độ các chất gây ô nhiễm ở mức độ rất thấp. Một nghiên cứu của Hà Lan cho thấy nồng độ một loạt các chất gây ô nhiễm trong cá tra thấp hơn so với cá tự nhiên, cá hồi vân và cá hồi nuôi ở EU. Một nghiên cứu khác của Ý cho thấy chất lượng của các mẫu được phân tích của cá tra Việt Nam là "tốt" và nằm trong phạm vi bình thường được tìm thấy ở các loài cá có nguồn gốc Châu Âu.

Bất chấp những bằng chứng đó, Mỹ và EU dường như vẫn đang tiếp tục cuộc chiến nhằm ngăn chặn hoàn toàn việc nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Tháng 9/2017, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố quyết định sơ bộ tăng thuế chống phá giá đối với cá tra phi-lê đông lạnh của Việt Nam lên mức 2,39 USD/kg trong lần xem xét thứ 13, cao gấp ba lần mức thuế trước đó. Bên cạnh đó, kể từ ngày 2/8/2017, FSIS đã kiểm tra từng lô hàng cá da trơn nhập khẩu vào Mỹ. Kết quả là tổng lượng cá da trơn đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ giảm 18% trong nửa đầu năm 2017, theo số liệu của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO).

Cũng theo FAO, nhập khẩu cá tra của EU còn giảm nhiều hơn Mỹ, với mức giảm 25% trong 6 tháng đầu năm 2017. Nhập khẩu cá tra phi-lê đông lạnh của khối này giảm 27% về khối lượng xuống còn 38.500 tấn, trong khi giá nhập khẩu trung bình tăng 2.7% trong cùng thời kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc nhập khẩu cá tra của Việt Nam với giá trị nhập khẩu đạt 420 triệu USD (338 triệu EUR) trong năm 2017, tăng 37% so với năm 2016. Xuất khẩu cá da trơn của Trung Quốc sang Mỹ tăng 24% trong nửa đầu năm 2017.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam cũng tăng cường xuất khẩu cá tra sang các nước châu Á khác, đặc biệt là Thái Lan với khối lượng 13.800 tấn trong 6 tháng đầu năm 2017. Xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 81% lên 4.500 tấn, trong khi xuất khẩu sang Nhật Bản cũng đã tăng hơn 30% lên 5.500 tấn so với cùng kỳ năm 2016.

Theo FAO, Mỹ Latinh đã nổi lên như là thị trường mạnh nhất của cá tra Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2017, khu vực này nhập khẩu tổng cộng 75.000 tấn philê đông lạnh và đông lạnh nguyên con từ Việt Nam, tăng 15% so với 6 tháng đầu năm 2016. Trong nhóm phi-lê đông lạnh, Brazil đã vượt qua Mexico trở thành nước nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất khu vực với mức tăng 22%. Đáng chú ý, giá nhập khẩu trung bình đã tăng 39% đối với cá đông lạnh nguyên con và 7% đối với cá phi-lê đông lạnh. Điều đó cho thấy, Việt Nam có thể vượt qua những khó khăn khi bị Mỹ và EU, vốn từng là những thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của họ, hạn chế mạnh lượng nhập khẩu.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản chú trọng phát triển thị trường nội địa

 |  10:27 18/07/2024

Ngoài việc đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang mở rộng thị phần tại thị trường nội địa nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

 |  10:15 18/07/2024

(vasep.com.vn) Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao các cơ quan chức năng liên quan xem xét, giải quyết 3 kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản.

Ngư dân ở Newfoundland biểu tình để bảo vệ nguồn lợi cá tuyết

 |  09:08 18/07/2024

(vasep.com.vn) Bộ trưởng Thủy sản Canada Diane Lebouthillier đã thông báo vào ngày 28/6 rằng lệnh cấm 32 năm đối với cá tuyết miền Bắc sẽ kết thúc trong năm nay, với hạn ngạch 18.000 tấn. Với việc quay trở lại nghề đánh cá thương mại, những người đánh cá ngoài khơi cũng được phép đánh bắt cá tuyết trở lại.

Sản lượng thức ăn nuôi tôm của Trung Quốc tăng vọt

 |  09:03 18/07/2024

(vasep.com.vn)Theo chuyên gia nuôi trồng thủy sản Jin Niu, giáo sư tại Đại học Sun Yat-Sen, sản lượng thức ăn tôm của Trung Quốc đạt 1,824 triệu tấn vào năm 2023, tăng đáng kể so với 1,656 triệu tấn của năm trước đó.

Nhập khẩu tôm của Mỹ năm 2024 có thể tăng so với 2023

 |  08:59 18/07/2024

(vasep.com.vn) Nhập khẩu tôm vào thị trường Mỹ bắt đầu tăng từ tháng 5, bất chấp quy định sơ bộ về thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá áp dụng lên các quốc gia xuất khẩu.

Đề xuất các chỉ số bền vững mới cho thành phần thức ăn nuôi trồng thủy sản

 |  08:54 18/07/2024

(vasep.com.vn)Một bài đánh giá được công bố trên Tạp chí Khoa học Thủy sản và Nuôi trồng Thủy sản đề xuất sử dụng đánh giá vòng đời (LCA) làm tiêu chuẩn để đánh giá tính bền vững của các thành phần thức ăn nuôi trồng thủy sản. Bài đánh giá được công bố trên tạp chí Reviews in Fisheries Science and Aquaculture đề xuất sử dụng LCA để đánh giá tính bền vững của các thành phần thức ăn nuôi trồng thủy sản.

Các tổ chức phi chính phủ kêu gọi chính phủ Na Uy cấm dầu cá có nguồn gốc từ Tây Phi

 |  08:55 17/07/2024

(vasep.com.vn) Tổng cộng có 39 tổ chức từ Tây Phi và Na Uy đã kêu gọi chính phủ Na Uy cấm sử dụng dầu cá có nguồn gốc từ Tây Phi tại các trang trại nuôi cá hồi của quốc gia này. Một phần đáng kể dầu cá được sử dụng trong ngành cá hồi của Na Uy có nguồn gốc từ Tây Phi, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.

Yuehai Feed của Trung Quốc thua lỗ trong nửa đầu năm

 |  08:52 17/07/2024

(vasep.com.vn) Trong khi một nhà sản xuất thức ăn thủy sản Trung Quốc báo cáo rằng họ kỳ vọng đạt lợi nhuận kỷ lục trong nửa đầu năm thì một nhà sản xuất khác lại dự đoán mức lỗ lớn hơn, do tình hình thị trường nuôi trồng thủy sản Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức. Guangdong Yuehai Feeds Group đã nêu lý do thời tiết khắc nghiệt, thị trường hải sản ảm đạm và giá thức ăn chăn nuôi giảm là nguyên nhân dẫn đến hiệu suất suy yếu.

Đóng cửa ngư trường: Thúc đẩy nghề cá bền vững

 |  08:50 17/07/2024

(vasep.com.vn) Trong một động thái mang tính bước ngoặt, ba quốc gia Tây Phi: Benin, Bờ Biển Ngà và Ghana đã hợp lực để bảo vệ tài nguyên biển của họ bằng cách thực hiện các mùa đóng cửa toàn diện cho toàn bộ nghề cá của họ. Nỗ lực phối hợp này đánh dấu một bước quan trọng hướng tới việc thiết lập một mùa đánh bắt cá khép kín trong khu vực, đảm bảo tính bền vững lâu dài của nghề cá.

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC