Tránh nguy cơ đứt gãy trong ngành hàng tôm

Nguyên liệu 08:01 03/09/2021 Nguyễn Trang
Doanh nghiệp nhận định từ tháng 10-12 là thời điểm có nhu cầu tôm cao trên thị trường, khi hết giãn cách xã hội thì sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng.

Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh.

Giá trị xuất khẩu tôm chiếm khoảng 43% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Đây là một ngành hàng rất quan trọng, thậm chí mang lại thu nhập chính của nhiều địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu... nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con. Nguy cơ đứt gãy sản xuất của ngành hàng này đang hiện hữu trong khi nhu cầu tôm trên thế giới vẫn tăng. Nhằm tháo gỡ khó khăn, sáng 1/9, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức diễn đàn trực tuyến “Tôm Việt 2021- Giải pháp tháo gỡ ngành tôm trong điều kiện dịch bệnh COVID-19”.

*Nguy cơ thiếu nguyên liệu tôm cuối năm

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả tôm đạt 711.766 ha, tăng 1,16% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 8 tháng, sản lượng tôm tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giá bán tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, có địa phương cao hơn. Giá tôm thương phẩm ngày càng sụt giảm.

Hoạt động thả nuôi đang có chiều hướng giảm, do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động do COVID-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi. Dự báo các tháng cuối năm sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu.

Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm. Sản lượng ước đạt 106,6 tỷ con; trong số đó, tôm sú 30,8 tỷ con, tôm chân trắng 75,8 tỷ con, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ đầu tháng 7, các có sở chủ động giảm sản lượng từ 30 - 40%, đến 15/8 các cơ sở giảm sản lượng 50%, thậm chí tạm dừng hoạt động. Hiện các doanh nghiệp không giảm giá bán tôm giống, thay vào đó hỗ trợ tôm giống từ 50 - 100%. Dự báo với số lượng tôm bố mẹ hiện có thì có thể sản xuất được khoảng từ 7 - 10 tỷ con/tháng.

Trong khi đó, với các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tiêu thụ tôm bị đình trệ. Nguyên nhân do hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ phải thực hiện giãn cách hoặc phải đóng cửa; thiếu người, phương tiện vận chuyển, thu mua, cung ứng vật tư sản xuất do yêu cầu kiểm soát người và phương tiện từ các vùng dịch đều bị cách ly, nên rất khó đáp ứng kịp thời và phát sinh tăng chi phí. Một số nhà máy chế biến tôm phải dừng hoạt động hoặc thực hiện “3 tại chỗ” nên công suất giảm.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho rằng, còn 4 tháng cuối năm, Tổng cục Thủy sản, hiệp hội cần có đánh giá, dự báo thị trường tiêu thụ, bởi, hiện đang rất ít thông tin. Nếu tổ chức sản xuất mà không biết đầu ra thế nào thì rất khó.

Đại diện đơn vị này cũng nhận định, tôm nguyên liệu trong thời gian tới sẽ rất khó khăn và chắc chắn thiếu. Vì hiện tôm – lúa đã hết vụ, tôm nuôi công nghiệp thì người nuôi đang rất khó khăn để tái sản xuất cho vụ tới. Nguồn lực sản xuất của các nhà máy chế biến rất khó khăn, từ công nhân, logistics… Do vậy, 4 tháng còn lại phải bàn để có giải pháp căn cơ để các địa phương phải tổ chức lại sản xuất.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, nếu nhà máy không sản xuất được sẽ không thu mua tôm. Việc vận chuyển tôm về nhà máy cũng rất khó khăn. Tiêu thụ khó, bà con sẽ không thả tôm nuôi cho vụ sau. Từ tháng 10-12 là thời điểm có nhu cầu tôm cao trên thị trường, khi hết giãn cách xã hội thì sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng.

Các tỉnh cần làm sao có giải pháp giãn cách nhưng lưu thông hàng hóa thuận tiện, để nhà máy thu mua thông suốt. Khi nhà máy thu mua tốt thì bà con sẽ thả nuôi. Doanh nghiệp sẽ cùng các doanh nghiệp sản xuất tôm giống có chính sách giảm giá tôm giống để hỗ trợ bà con nuôi thành công, ông Lê Văn Quang cho biết.

Không lo không bán được hàng, doanh nghiệp tôm chỉ lo không chế biến được.

*Nhu cầu thị trường cao, doanh nghiệp lại lo không chế biến được

Ông Lê Văn Quang cho biết, hiện giá tôm lớn bán tốt, nhu cầu cao. Để tăng công suất nhà máy thì tăng cường chế biến tôm cỡ lớn. Giá tôm cỡ từ 10-30 con/kg tiêu thụ rất tốt, giá cũng tốt nên bà con nên yên tâm, không nên lo ngại.

Số lượng công nhân đi làm của doanh nghiệp chỉ đạt 25% nhưng công suất chế biến vẫn đạt 50%, nhờ doanh nghiệp đẩy mạnh mua tôm cỡ lớn. Khi ổn định trở lại thì doanh nghiệp sẽ đẩy giá thu mua tăng lên. Hiện giá tôm cỡ lớn đang mua thấp hơn so với trước dịch 10.000 đồng/kg, còn tôm bé hơn thì giảm từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Thông tin về thị trường xuất khẩu, ông Lê Văn Quang cho biết, khách hàng muốn ký hợp đồng rất nhiều nhưng doanh nghiệp không dám ký, chỉ dám ký khoảng 50-70% công suất nhà máy. Doanh nghiệp không lo không bán được hàng, chỉ lo không chế biến được. Nhu cầu thị trường đang tăng, đặc biệt thị trường Mỹ có nhu cầu tôm cỡ lớn rất mạnh.

Ông Lê Văn Quang cũng khuyến cáo, bà con cần nuôi để thu hoạch chậm nhất trong tháng 11, kịp chế biến bán cho thị trường châu Âu cuối năm. Thời gian chế biến 3 kg tôm lớn bằng 1kg tôm nhỏ. Do đó, bà con nên giảm mật độ nuôi, nuôi tôm cỡ lớn.

Trước những khó khăn ở nhiều địa phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Châu Công Bằng kiến nghị, nên có đầu mối xử lý thông tin. Ngành nông nghiệp 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long đã có đầu mối kết nối để tháo gỡ khó khăn nhưng không giải quyết được nhiều vì liên quan nhiều ngành khác, cần nâng cấp mối kết nối thành cấp tỉnh. Tổng cục Thủy sản nên tham mưu Bộ có văn bản với địa phương có biện pháp phòng chóng dịch, mà vẫn thoáng trong sản xuất.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng kiến nghị, cơ quan quản lý cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong quản lý giá thức ăn. Đồng thời, xem xét, kiến nghị giảm tiền điện cho người nuôi tôm cho phù hợp từ 10-30%, để một phần bù đắp khó khăn cho sản xuất. Có các chương trình vay vốn, quỹ tín dụng cho các nhà máy chế biến, nhà cung ứng vật tư đầu vào để có sự hỗ trợ về giá đối với người nuôi.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và  Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian qua mọi ưu tiên đều cho chống dịch, do đó có những khó khăn và các doanh nghiệp rất chia sẻ, nỗ lực rất lớn. Nhưng thời gian tới, việc tiêm vaccine đã có sự bao phủ nhất định, giãn cách xã hội đã lâu nên Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổng kết lại việc giãn cách để có ứng phó chuyên nghiệp, đầy đủ hơn, từ đó có giải pháp hợp lý hơn cho sản xuất trong thời gian tới.

Ông Trương Đình Hòe cũng cho rằng, các giải pháp như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”… nên để doanh nghiệp lựa chọn theo tình hình địa phương, điều kiện mới. Không nên để theo hình thức bắt buộc, khiến khó khăn trong hoạt động chung, doanh nghiệp không chủ động, cũng không nâng cao được tinh thần trách nhiệm chống dịch. Làm sao xem đây là vấn đề tự nguyện và trách nhiệm của doanh nghiệp, khi họ chọn lựa thì đảm bảo các yêu cầu điều kiện, tránh mang tính chất cực đoan gây khó cho doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thủy sản, quy trình nuôi tôm cần  phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của COVID-19. Người nuôi cần tham gia trong chuỗi liên kết để vượt qua khó khăn.

Địa phương tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh tổ chức thu mua tôm cho người nuôi đến giai đoạn thu hoạch. Đồng thời kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi. Huy động các kho dịch vụ để chứa tôm nguyên liệu.

Ngân hàng, các tổ chức tài chính... tham gia hỗ trợ cùng nhà máy chế biến thu mua tôm nguyên liệu cho người nuôi, tạo điều kiện cho tái sản xuất. Địa phương tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022./.

(Theo BNews)

Bạn đang đọc bài viết Tránh nguy cơ đứt gãy trong ngành hàng tôm tại chuyên mục Nguyên liệu của Hiệp hội VASEP
nganh hang tom xuat khau tom nguy co dut gay

TIN MỚI CẬP NHẬT

EU và Anh đạt thỏa thuận về khai thác thủy sản năm 2025

 |  09:08 23/12/2024

(vasep.com.vn) Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh đã đạt được thỏa thuận về cơ hội khai thác thủy sản năm 2025 đối với hơn 88 hạn ngạch khai thác tổng cộng (TAC) tại vùng Đông Bắc Đại Tây Dương.

Nhập khẩu tôm của Mỹ giảm nhẹ trong 10 tháng đầu năm nay

 |  09:07 23/12/2024

(vasep.com.vn) Ấn Độ, Indonesia và Ecuador vẫn là ba nước xuất khẩu tôm hàng đầu sang Hoa Kỳ trong tháng 10/2024. Trong khi XK của Ấn Độ và Indonesia tăng nhẹ, XK của Ecuador lại chứng kiến mức giảm đáng kể.

Infographic: Xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024

 |  09:06 23/12/2024

(vasep.com.vn) Xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 11/2024. Tuy nhiên mức tăng không nhiều, nên tính luỹ kế 11 tháng đầu năm 2024 giá trị XK vẫn giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ, đạt 268 triệu USD.

Na Uy: Giá tại tàu cua hoàng đế tiếp tục tăng trong tuần giữa tháng 12

 |  09:04 23/12/2024

(vasep.com.vn) Trong tuần 50 (9-15/12/2024) năm 2024, thị trường cua hoàng đế Na Uy chứng kiến mức tăng khiêm tốn về giá của cả cua đực và cua cái.

Nhập khẩu cá thu đông lạnh của Hàn Quốc giảm

 |  09:12 20/12/2024

(vasep.com.vn) Tính đến tháng 11 năm 2024, Hàn Quốc đã nhập khẩu 29.220 tấn cá thu đông lạnh, giảm đáng kể 20% so với 36.420 tấn được nhập khẩu trong cùng kỳ năm 2023. Mặc dù khối lượng nhập khẩu giảm, giá phân phối trong nước vẫn ổn định, dao động ở mức cao khoảng 90.000 KRW. Giá nhập khẩu trung bình cho mỗi kilogram cá thu đông lạnh tính đến tháng 11/2024 được ghi nhận là 2,30 USD. NK từ Na Uy đạt 26.624 tấn (chiếm 91% tổng nhập khẩu) với giá NK trung bình: USD 2,31/kg. NK từ Trung Quốc đạt 1.441 tấn (chiếm 5% tổng nhập khẩu) với giá trung bình: USD 2,32/kg. NK từ Hà Lan đạt 848 tấn (chiếm 3% tổng nhập khẩu) với giá trung bình: USD 2,16/kg.

Mừng công!

 |  08:40 20/12/2024

Bất cứ sự nỗ lực nào, nếu có kết quả như mong đợi đều có niềm vui trong lòng các bên tham gia. Năm nay, trong hoàn cảnh thách thức bên trong lẫn bên ngoài hết sức lớn lao, nhưng ngành thủy sản đã về đích ở tháng cuối, đạt 10 tỷ USD toàn ngành, riêng tôm chiếm 40%. Quả là một tin mừng, niềm phấn khởi cho các bên tham gia trong ngành thủy sản nước nhà.

Phát triển mạnh các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

 |  08:29 20/12/2024

Theo UBND tỉnh Bến Tre, địa phương tập trung nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành tôm trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín và khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhiều tiềm năng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Đông

 |  09:00 19/12/2024

(vasep.com.vn) Trong năm 2024, khu vực Trung Đông đã nổi lên như một thị trường tiềm năng cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, với mức tăng trưởng 18%, đạt doanh thu 334 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, chiếm gần 4% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Dự kiến, đến cuối năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang khu vực này sẽ đạt hơn 360 triệu USD, nằm trong top 2 thị trường NK thủy sản có tăng trưởng mạnh nhất, sau Trung Quốc.

EU chấm dứt thỏa thuận đánh bắt với Senegal do lo ngại về tình trạng lạm thác

 |  08:57 19/12/2024

(vasep.com.vn) Liên minh châu Âu đã tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận đánh bắt cá với Senegal, viện dẫn những lo ngại về nỗ lực của quốc gia này trong việc hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp.

Quyết liệt chống đánh bắt IUU, số lượng tàu cá “3 không” giảm mạnh

 |  08:47 19/12/2024

Công tác kiểm ngư, chống đánh bắt IUU (khai thác bất hợp pháp, không theo quy định) đã có những bước đi thực chất hơn. Nhờ vậy, số lượng tàu cá "3 không"(không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép) đã giảm mạnh từ hơn 17.000 chiếc năm 2023, xuống chỉ còn hơn 1.600 chiếc vào năm 2024, và tiến tới sẽ chấm dứt vào năm 2025…

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC