Phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030

Tin tức IUU 08:46 20/02/2024 Lê Hằng
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030.

Đánh giá môi trường sống thủy sản tại tất cả các hồ, sông chính

Mục tiêu chung của Chương trình là bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU; nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

Mục tiêu cụ thể là hoàn thành kế hoạch điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản ở biển Việt Nam bao gồm cả vùng biển sâu, các bãi cạn, gò đồi ngầm theo Luật Thủy sản; điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển.

100% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thống sông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản. Trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở biển phục hồi, tăng trên 5% so với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2016 2020.

100% các khu bảo tồn biển, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản ở biển theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được hình thành, quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật thủy sản.

Mục tiêu chung của Chương trình là bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh.

10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công; 20% số lượng loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được lập hồ sơ, giám sát, đánh giá.

100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm. 60% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái.

Hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản được nâng cấp, tích hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý.

6 nội dung quan trọng

Để có thể đạt được những mục tiêu đề ra, Chương trình đã đưa ra 6 nội dung chính cần thực hiện. Thứ nhất là điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.

Cụ thể, điều tra tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản đến năm 2030 được thực hiện theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo chuyên đề phù hợp yêu cầu quản lý của bộ, ngành, địa phương.

Hoàn thiện, cập nhật cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; cập nhật thông tin, công bố kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.

Chương trình đặt ra nội dung điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.

Thứ hai, công tác bảo tồn biển cần rà soát, điều chỉnh diện tích, phân khu chức năng của các khu bảo tồn biển đã được thành lập và thành lập mới các khu bảo tồn biển theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.

Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, trang bị cơ sở vật chất cho các khu bảo tồn biển; xây dựng các trung tâm, trạm, cơ sở cứu hộ thú biển, rùa biển, các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm tại một số khu bảo tồn biển. Nuôi cấy bổ sung, phục hồi rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn tại các khu bảo tồn biển.

Xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển; chính sách quản lý hiệu quả hợp phần biển tại các khu bảo tồn có hợp phần biển và hợp phần rừng.

Thực hiện quan trắc, thu thập thông tin, số liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, chất lượng môi trường nước trong các khu bảo tồn biển đã được thành lập.

Nghiên cứu, đề xuất việc thí điểm giao tổ chức ngoài công lập quản lý khu bảo tồn biển nhằm phát huy trách nhiệm của các bên, huy động nguồn lực xã hội và năng lực quản lý tại chỗ cho công tác bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn biển trên phạm vi cả nước; quản lý và bảo vệ môi trường đối với các khu bảo tồn biển là các di sản thiên nhiên theo pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đào tạo năng lực quản lý cho cán bộ làm việc tại các khu bảo tồn biển. Kiểm tra, giám sát hoạt động của các dự án đầu tư trong khu bảo tồn biển và các khu vực được khoanh vùng bảo tồn khác theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần tổ chức quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu vực đường di cư tự nhiên của loài thủy sản.

Xây dựng và tổ chức thực hiện một số biện pháp bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như: Kế hoạch về quản lý và bảo tồn các loài thú biển; kế hoạch về quản lý và bảo tồn các loài cá mập, cá đuối; đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển tại Việt Nam giai đoạn mới.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức quản lý nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn đất ngập nước.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quỹ cộng đồng theo quy định của Luật Thủy sản 2017.

Thúc đẩy cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thứ tư, việc tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản cần triển khai sinh sản nhân tạo, ương nuôi, thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào các thủy vực; tăng cường quản lý các khu vực, loài thủy sản được tái tạo, phục hồi để bảo đảm hiệu quả.

Hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản theo Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.

Phục hồi và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú và đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản. Đánh giá hiệu quả hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái và môi trường sống của loài thủy sản.

Thứ năm, để thúc đẩy cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần rà soát, tổ chức lại các hình thức tổ đội sản xuất trên biển theo hướng khai thác gắn với quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản; hỗ trợ cơ quan chức năng giám sát, thông báo các hành vi khai thác gây hại đến nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng ven bờ của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển và một số loại hình thủy vực tự nhiên như sông, hồ, hồ chứa, đầm phá, bãi bồi ven biển phù hợp với nhu cầu của người dân theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; đảm bảo sinh kế bền vững và an sinh xã hội.

Tổ chức đối thoại, hợp tác giữa cấp quản lý với các bên liên quan như: các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội... đặc biệt là cộng đồng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và khối tư nhân trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Chương trình hướng đến 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm.

Thứ sáu, nhằm ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, cần điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản theo hướng không phát triển và giảm dần một số loại nghề khai thác không thân thiện với nguồn lợi và môi trường, có tính chọn lọc thấp, khai thác thủy sản còn non ở vùng biển ven bờ và vùng nội địa.

Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tập trung tại các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng: thanh tra chuyên ngành thủy sản, kiểm lâm, kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển, cảnh sát giao thông đường thủy, bộ đội biên phòng, công an địa phương... thực hiện kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển, trong vùng nội địa.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cao năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phát hiện xử lý vi phạm pháp luật cho lực lượng kiểm ngư và thanh tra chuyên ngành thủy sản.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Để có thể triển khai hiệu quả 6 nội dung chính, Chương trình đã đưa ra 5 giải pháp trọng tâm. Thứ nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách chuyển đổi nghề, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển, cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ; chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản; chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác thủy sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác thủy sản.

Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong nước và ngoài nước trong công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái thủy sinh; hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng chức năng (kiểm ngư, thanh tra chuyên ngành thủy sản, kiểm lâm, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, cảnh sát giao thông đường thủy, cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an địa phương) để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động thủy sản trên biển và trong vùng nội địa.

Rà soát, xây dựng bổ sung, ban hành quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật trong: điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; quan trắc, giám sát biến động môi trường, nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học; lưu giữ giống gốc các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; trồng phục hồi san hô, có biển; thả rạn nhân tạo làm nơi cư trú cho các loài thủy sản.

Xây dựng bộ chỉ số và tài liệu hướng dẫn đánh giá hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi hệ sinh thái và môi trường sống của loài thủy sản.

Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Thứ hai, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và xã hội về: vai trò, giá trị của nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; ý nghĩa của công tác bảo tồn biển; trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Đa dạng hóa các phương thức truyền thông, lựa chọn các phương thức truyền thông phù hợp với văn hóa, tập quán, điều kiện của địa phương, xác định đúng trọng tâm truyền thông và đối tượng truyền thông để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông; tập trung truyền thông trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào các dịp thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (ngày 1/4), ngày môi trường thế giới (ngày 5/6), ngày đại dương thế giới (ngày 8/6), ngày Quốc tế đa dạng sinh học (ngày 22/5), Lễ hội vu lan (ngày 15/7 âm lịch); xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tháng hành động quốc gia về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Phối hợp các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, cơ quan truyền thông đại chúng vận động, tuyên truyền sâu rộng, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là có sự hiểu biết đúng về loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; chống khai thác IUU; chủ động, tự giác tham gia công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Vận động ngư dân cam kết tuân thủ quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; tổ chức cộng đồng tham gia đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Lồng ghép nội dung giáo dục về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vào chương trình giảng dạy, học tập trong chương trình đào tạo, chương trình ngoại khóa ở một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp, phổ thông nhằm cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về quản lý, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản cho các tầng lớp học sinh, sinh viên.

Thứ ba, cần nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, lực lượng kiểm ngư từ trung ương đến địa phương, thanh tra chuyên ngành đảm bảo hiện đại, đồng bộ xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn cao; thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương theo quy định của Luật Thủy sản 2017; bố trí lực lượng kiểm ngư tại các khu bảo tồn biển nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, quản lý nguồn lợi thủy sản.

Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng (thanh tra chuyên ngành thủy sản, kiểm lâm, kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển, cảnh sát giao thông đường thủy, bộ đội biên phòng, công an địa phương...) trong công tác thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản từ trung ương đến địa phương; kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Thu hút nguồn lực quốc tế trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Cần vận động ngư dân cam kết tuân thủ quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản.

Thứ tư, triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng việc tuyên truyền, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định. Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với khai thác, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn.

Hỗ trợ, hướng dẫn cộng đồng khảo sát, đánh giá nguồn lợi thủy sản, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thành lập quỹ cộng đồng; xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng, trang thiết bị thiết yếu cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thứ năm, cần đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Cụ thể, nghiên cứu, lựa chọn giống bố mẹ, hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm, thả tái tạo một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản bản địa, đặc hữu, loài nguy cấp, quý, hiếm, bổ sung nguồn giống thủy sản phục vụ công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh.

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ (công nghệ số, công nghệ vệ tinh, viễn thám, hệ thống thông tin địa lý...) để theo dõi sự di cư tự nhiên của một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế và khoa học.

Xây dựng vườn ươm, tìm kiếm, lựa chọn các giống san hô, có biển có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phù hợp với môi trường tại từng khu vực khác nhau để phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển.

Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và khối tư nhân, thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào công tác phát triển khoa học công nghệ trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, khai thác nguồn lợi thủy sản hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường.

Tăng cường hợp tác quốc tế, tìm kiếm và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các đối tác và tổ chức quốc tế; trao đổi thông tin, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về: điều tra, khảo sát, đánh giá, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản (trên biển và ở vùng nội địa); quản lý loài thủy sản, khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hợp tác xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với các nước trong khu vực; chống khai thác IUU; thực hiện nghiêm túc các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản mà Việt Nam đã tham gia.

Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm điều phối và tổ chức thực hiện Chương trình trên phạm vi cả nước; bố trí kinh phí cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổ chức hội thảo/hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết thực hiện Chương trình.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương, phù hợp với nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình.

Xây dựng và tổng hợp kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm, gửi Bộ Tài chính để trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Xây dựng, tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án ưu tiên về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.

Tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hằng năm, 5 năm và tổng kết Chương trình; kịp thời đề xuất, kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, điều chỉnh chương trình, bổ sung các đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên phù hợp với tình hình thực tiễn.

(Theo nongnghiep.vn)

bao ton nguon loi thuy san

TIN MỚI CẬP NHẬT

Nhóm bảo tồn Canada quan ngại về dữ liệu trữ lượng cá trích

 |  08:26 03/01/2025

(vasep.com.vn) Một nhóm bảo tồn đại dương ở Canada đang nêu lên mối lo ngại về tính khả dụng của dữ liệu về trữ lượng cá trích ở bờ biển phía đông của đất nước này.

Gắn tem truy xuất nguồn gốc cho tôm hùm

 |  08:23 03/01/2025

Việc gắn tem truy xuất nguồn gốc cho tôm hùm đang được triển khai thí điểm tại Phú Yên và dự kiến sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Lợi ích đằng sau tín chỉ carbon còn lớn hơn rất nhiều

 |  09:52 02/01/2025

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thị trường tín chỉ carbon là điều rất mới với thế giới và Việt Nam. Lợi ích đằng sau còn lớn hơn rất nhiều lần khi người dân tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Mỹ: Sản lượng sò điệp giảm trong tuần cuối cùng của năm 2024

 |  08:44 02/01/2025

(vasep.com.vn) Những người thu hoạch sò điệp Đại Tây Dương ( Placopecten magellanicus ) của Hoa Kỳ đã kết thúc năm 2024 với khối lượng đánh bắt thấp. Họ chỉ mang về 66.012 pound cho phiên đấu giá hải sản ở New Bedford, Massachusetts, trong tuần 52 của năm 2024 (23-29/12).

Nga phê duyệt phân bổ hạn ngạch khai thác Viễn Đông cho năm 2025

 |  08:41 02/01/2025

(vasep.com.vn) Cơ quan nghề cá Rosrybolovstvo của Nga đã thông qua các quy định mới phân bổ hạn ngạch đánh bắt thường xuyên và đầu tư cho năm 2025, dựa trên mức tổng sản lượng đánh bắt được phép (TAC) mới cho lưu vực Viễn Đông.

Xuất khẩu thủy sản năm 2025- nhiều cơ hội và không ít thách thức

 |  10:00 01/01/2025

(vasep.com.vn) Năm 2024, XK thủy sản Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn thách thức về nguồn nguyên liệu, nhu cầu giảm, cạnh tranh tăng, rào cản thị trường tăng. Kết quả XK trên 10 tỷ USD đã thể hiện sự nỗ lực và chung tay của toàn ngành thủy sản để đạt được thành quả trên.

Ngành thủy sản Việt Nam đang ở vị thế nào sau 3 năm khi ký kết UKVFTA?

 |  08:42 31/12/2024

Từ sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, tôm và cá tra hiện đang chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh, trong đó tôm chiếm phần lớn.

Doanh số bán thủy sản của Chile tăng trưởng mạnh

 |  08:29 31/12/2024

(vasep.com.vn) Theo báo cáo gần đây của ProChile, cơ quan xúc tiến do chính phủ điều hành, ngành xuất khẩu thủy sản của Chile đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể vào tháng 11/2024, với tổng lượng hàng xuất khẩu đạt 768 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Indonesia: Giá tôm cỡ lớn giảm trong tuần cuối tháng 12/2024

 |  08:27 31/12/2024

(vasep.com.vn) Giá tôm tại Indonesia có diễn biến trái chiều khi bắt đầu tuần 52 (23-29/12/2024), trong đó tôm cỡ lớn có xu hướng giảm trong khi tôm cỡ nhỏ vẫn ổn định.

Mười xu hướng sẽ định hình ngành vận tải biển vào năm 2025 và xa hơn nữa

 |  08:24 31/12/2024

(vasep.com.vn) Quy định về carbon và Trump 2.0 là những yếu tố rõ ràng mà mọi người đều tập trung vào năm 2025 — nhưng đừng bỏ qua tác động của tính minh bạch, Châu Phi, giá tài sản và AI vào năm tới

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC