Tổng quan về doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản
Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi phát triển kinh tế biển, giá trị sản xuất thủy sản tương đối và là ngành truyền thống lâu đời của các địa phương. Doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) thủy sản tại vùng KTTĐ miền Trung bước đầu được thành lập là các DN nhà nước, hợp tác xã nhưng sau đó khá đa dạng, thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Sản phẩm của các DN này đã có mặt trên 140 thị trường quốc tế. Các DNXK thủy sản của vùng KTTĐ miền Trung đã được đầu tư công nghệ ngày càng hiện đại, quy mô vốn ngày càng lớn, khả năng cạnh tranh của các DN đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, số lượng DNXK thủy sản còn hạn chế. Toàn vùng KTTĐ miền Trung hiện nay có tổng cộng hơn 50 DNXK thủy sản với quy mô công nghiệp.
Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản
Khả năng cạnh tranh của các DNXK thủy sản tại vùng KTTĐ miền Trung được xem xét trên các tiêu chí sau:
Danh tiếng và thương hiệu
Hàng năm, Bộ Công Thương thực hiện đánh giá các DNXK uy tín cho các ngành hàng xuất khẩu khác nhau. Tiêu chuẩn đánh giá được Bộ Công Thương “dựa vào kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng, việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước”. Kết quả đánh giá năm 2018 cho thấy, cả nước có 36 DNXK thủy sản uy tín thì vùng KTTĐ miền Trung có 3 DN gồm: Công ty cổ phần (CTCP) xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung, CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước và CTCP Thủy sản Bình Định. Điều này cho thấy, các DNXK thủy sản còn lại chưa có sự thay đổi đột phá để nâng cao uy tín và danh tiếng trên thị trường thế giới; Đồng thời, thể hiện năng lực cạnh tranh của các DN trong vùng còn hạn chế.
Thị phần và khả năng chiếm lĩnh thị trường
Tiêu thụ là một tiêu chí đánh giá kết quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của DN. Căn cứ vào kết quả tiêu thụ là doanh thu có thể xác định thị phần của các DN trên thị trường. Thị phần thường xác định bằng thị phần tuyệt đối và thị phần tương đối. Xét tương đối trên thị trường thế giới giai đoạn 2013 - 2018 cho thấy, thị phần của DNXK thủy sản Việt Nam năm 2014 tăng so với năm 2013 nhưng năm 2015 và năm 2016 lại có xu hướng giảm, cụ thể năm 2015 là 6,475% giảm so với năm 2014, năm 2016 là 6,387% thấp hơn năm 2015, con số này có dấu hiệu tăng lên và đến năm 2018 lên tới 7,104% cao nhất trong giai đoạn 2013 - 2018.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh
Hiệu quả là chỉ tiêu đánh giá kết quả đạt được và chi phí bỏ ra. Hiệu quả kinh doanh được đánh giá trên nhiều tiêu chí khác nhau, có thể là về kinh tế hoặc xã hội. Vùng KTTĐ miền Trung có tiềm năng phát triển thủy sản, trong vùng hiện nay có một số trung tâm thu mua và chế biến, các nghiệp đoàn nghề cá được thành lập…
Xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng tương đối trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả vùng. Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản tăng qua các năm song số lượng DN còn rất hạn chế. Hiệu quả kinh doanh của các DN còn được thể hiện thông qua nguồn lực cũng như hiệu quả sử dụng các nguồn lực của DN. Hiện nay, toàn vùng KTTĐ miền Trung có hơn 50 DNXK thủy sản theo quy mô công nghiệp và một số các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Các DN này tập trung nhiều ở TP. Đà Nẵng (khoảng 22 DN), sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thủy sản đông lạnh (chiếm hơn 60%) còn các sản phẩm thủy sản khô có tỷ trọng thấp. Nguồn vốn ít, thiếu vốn là bài toán cần có lời giải cho các DNXK thủy sản trong vùng. Các quy định cũng như thủ tục hành chính còn gây nhiều cản trở, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của các DN.
Bên cạnh nguồn vốn, nguồn lao động của DNXK thủy sản cũng là vấn đề cần được quan tâm. Hàng loạt DN thiếu lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn. Một số DN giảm các tiêu chuẩn lao động để tuyển lao động phổ thông nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Thực trạng thiếu hụt lao động trong vùng khó có thể giải quyết nhanh, vì gần như công tác đào tạo của các trường trong vùng về chuyên ngành Thủy sản còn hạn chế. Nhìn chung, các DNXK thủy sản tại vùng KTTĐ miền Trung hoạt động tương đối ổn định, trong đó nhiều DN đạt được kết quả kinh doanh tương đối tốt.
Thời gian qua, các DN đã, đang thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chính sách, luật pháp về bảo vệ môi trường. Trong các nhà máy sản xuất luôn sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát. Quy trình sản xuất khép kín theo công nghệ hiện đại đảm bảo tiêu chuẩn và có tính tự động hóa cao. Nguồn nguyên liệu sử dụng bảo đảm yêu cầu tươi, sạch, ít phát sinh chất thải. Các DN trong vùng luôn thực hiện phân loại chất thải đúng quy trình và đều được cấp các chứng chỉ ISO 9001:2008, BAP, BRC, HACCP, IFS, GAP về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, số lượng DN có chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam chưa nhiều. Điều này cho thấy, DN cần đầu tư công nghệ, tăng cường quản lý nguồn nguyên liệu để nâng cao chất lượng, đảm bảo quy định của thị trường quốc tế.
Một số đề xuất, kiến nghị
Ngành Thủy sản của vùng KTTĐ miền Trung muốn tăng trưởng và phát triển cần có những định hướng từ phía Chính phủ và chính quyền địa phương. Những định hướng này phải là tổng hợp, liên kết chứ không phải phát triển riêng lẻ của từng địa phương. Cụ thể:
Đối với Chính phủ
- Tăng cường hơn nữa sự quản lý của Nhà nước, của các cấp chính quyền trong việc quy hoạch, xây dựng, điều hành và phát triển của các địa phương đảm bảo mức độ logic, tương thích, thống nhất, đồng bộ để gắn kết các tỉnh trong vùng thành thể thống nhất. Cần xây dựng một cơ chế điều phối cấp vùng để điều hành hoạt động nhằm phối hợp, liên kết ngành Thủy sản của các tỉnh trong vùng với nhau để tăng sức cạnh tranh.
- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao sự hiểu biết của nhân dân về chiến lược phát triển kinh tế biển để mỗi ngư dân là một chiến sĩ bảo vệ lãnh hải quốc gia bằng nhiều hình thức và biện pháp tuyên truyền khác nhau; Xây dựng kế hoạch quản lý tốt đội tàu khai thác, đánh bắt trên biển, cần tiếp cận với cơ sở để nắm bắt những thông tin kịp thời, gần gũi với đời sống của nhân dân.
- Giảm dần tỷ trọng xuất khẩu của nhóm sản phẩm thô chưa qua chế biến, tăng dần xuất khẩu sản phẩm tinh chế. Chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất chế biến để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và đồng thời làm tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.
- Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch và quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, nhằm hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm môi trường, cũng như hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng...
Đối với Ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
- Tiếp tục đầu tư phát triển các ngành Thủy sản từ nuôi trồng, khai thác và đánh bắt nhằm tận dụng những lợi thế so sánh của vùng; Cần có sự đầu tư ở mức độ chuyên sâu để tăng năng suất, chất lượng và giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.
- Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như thiết bị nghề cá theo hướng hiện đại; Nâng cấp, điều chỉnh cơ sở hạ tầng các cảng, nâng cao năng lực quản lý cảng cho các ban quản lý; Áp dụng công nghệ hiện đại trong khai thác, bảo quản, sản xuất thủy sản nhằm giảm mức hư hỏng cũng như giảm giá trị của sản phẩm sau quá trình sản xuất, đưa các phương tiện và ngư cụ khai thác hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Tạo điều kiện DNXK thủy sản thâm nhập vào thị trường cũng như chuỗi các DN sản xuất và xuất khẩu thủy sản ở mức độ cao hơn.
Đối với lãnh đạo tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
- Hỗ trợ nhiều hơn cho các DN về mặt tiếp cận các văn bản quy chuẩn của Chính phủ và của thị trường tiềm năng.
- Có chính sách hỗ trợ các DN nâng cao nguồn lực, cụ thể tạo điều kiện cho DN tiếp cận được các nguồn vốn để tăng quy mô nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như các kỹ năng mềm.
- Có những khuyến khích và định hướng các cơ sở giáo dục trong xây dựng và điều chỉnh các chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu lao động ngành Thủy sản.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương (2019), Tình hình xuất khẩu của Việt Nam năm 2018, Hà Nội;
2.Cục Thống kê Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế (2019), Xuất khẩu thủy sản Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế 2012-2016;
3. Tổng cục Hải quan (2018), Báo cáo số cơ sở chế biến thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam, Hà Nội;
4. VASEP (2019), Báo cáo doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản uy tín năm 2018, Hà Nội;
5 Michael Porter (1998), Competitive advantage: creating and sustaining superior performance, Hardcover.
(vasep.com.vn) Tháng 10/2024, XK tôm Việt Nam đạt 394 triệu USD, tăng 24%. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm mang về 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang tất cả các các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong tháng 10 năm nay.
Trong 30 năm, cá tra Việt Nam đã có mặt ở 150 thị trường cùng nhiều loại cá thịt trắng khác nhờ vào nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam.
(vasep.com.vn) Xuất khẩu thủy sản nuôi trồng của Brazil đã đạt đến mức cao mới trong quý 3 năm 2024, với khối lượng xuất khẩu tăng 158% và giá trị tăng 174% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.031 tấn với giá trị 18,5 triệu USD.
(vasep.com.vn) Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (MAFF) xác nhận rằng Cục Thủy sản (FA) và lực lượng đặc nhiệm đang tăng cường các biện pháp giải quyết tình trạng đánh bắt bất hợp pháp trên toàn quốc trong mùa cấm đánh bắt để bảo tồn nguồn lợi cá.
(vasep.com.vn) Một báo cáo mới từ Pew Charitable Trusts cho rằng cần có phương pháp tiếp cận đa loài trong quản lý nguồn cá để giải quyết tình trạng suy giảm nguồn cá ở Bắc Đại Tây Dương.
(vasep.com.vn) Nhập khẩu cá rô phi của Hoa Kỳ tiếp tục giảm trong tháng 9, với mức giảm đáng kể về khối lượng và giá, chủ yếu là đối với phi lê tươi.
(vasep.com.vn) Thông báo của Phái đoàn EU tại Senegal nêu rõ mối lo này xuất phát từ thiếu sót trong hệ thống giám sát đối với cả tàu cá trong nước và quốc tế hoạt động từ cảng Dakar.
(vasep.com.vn) Tổ chức Pew Charitable Trusts gần đây đã xuất bản một bài báo nêu bật phạm vi quốc tế của Trung tâm giám sát, kiểm soát và giám sát Khu bảo tồn biển Cocos của Costa Rica (MCCA). Trung tâm này, nơi bảo vệ Di sản thế giới của UNESCO, đi đầu trong cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp tại một trong những khu bảo tồn biển quan trọng nhất thế giới.
(vasep.com.vn) Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10 đạt gần 93 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tính luỹ kế 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch XK đạt hơn 821 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội
Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO
Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu
Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn
Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh
Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn
VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn