Cấp phép, truy xuất nguồn gốc
Từ sáng sớm, tại cảng cá Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), 6 tàu cá đang tiếp cận ban quản lý cảng cá xin lệnh đi biển. Ông Nguyễn Thái Sơn, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QB-98863, đang làm các thủ tục xuất bến, cho biết: “Trước đây đi biển thì cứ ra là đánh bắt, nay phải đúng luồng, đúng ngư trường”.
Ông Nguyễn Hữu Sáu, Giám đốc cảng cá Quảng Phúc, thông tin, tất cả các tàu xuất bến đều qua quy trình kiểm tra và chứng thực tàu cá rời cảng. Khi vào bờ bán cá, các tàu đều qua quy trình 4 bước gồm: kiểm tra tàu cập cảng, giám sát việc bốc dỡ thủy sản, chứng thực tàu cá cập cảng, cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng.
“Nếu tàu cá cấp sản lượng đánh bắt 10 tấn nhưng chuyến đánh bắt đạt 15 tấn, số sản lượng dôi dư đó phải được lập biên bản, kiểm tra nhật trình. Nếu đánh bắt đúng ngư trường sẽ được tạo điều kiện cho bán, nếu sai sẽ bị xử phạt”, ông Sáu cho hay.
Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Lại, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà), cho biết, các tàu thuyền xuất nhập cảng phải khai báo thì mới được thực hiện thủ tục tiếp theo. Điển hình như đối với việc triển khai hệ thống truy xuất điện tử eCDT, ban quản lý chỉ chứng thực, giải quyết việc đi biển cho những tàu cá có khai báo điện tử eCDT. Hiện 100% tàu cá đã hoàn thành thủ tục này. Khi nhập cảng, các tàu thuyền phải khai báo đầy đủ thì mới được khai thác, mua bán tại chợ cá…
Cán bộ Tổ chống khai thác IUU đang ghi sổ sách để cập nhật vào dữ liệu điện tử trên các tàu cá cập cảng Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: NGỌC OAI
Ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, nhiều cảng cá đang đảm nhận vai trò là “xương sống” trong phòng chống khai thác IUU, tiến tới gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Đưa chúng tôi đi kiểm tra từng tàu cá đang vào cập cảng, ông Dương Thành Nam, nhân viên kiểm soát tại cảng cá Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), không ngừng ghi biển số các tàu cá xa bờ vừa cập bến để bán cá.
Ông Nam giải thích: “Khi tàu cá ngoài khơi vào cập cảng phải báo cho cảng trước 1 giờ để chủ động đón tàu. Cảng kiểm tra chặt chẽ hồ sơ về khối lượng, sản lượng, các loài cá… để xác nhận hải sản đủ điều kiện xuất khẩu. Ngoài ra, cảng kiểm soát chặt các loài cá, kích thước được phép khai thác; các loài cá bị cấm khai thác như cá mập, vích biển… Cùng với đó, cảng kiểm tra sổ nhật trình đánh bắt đúng ngư trường”.
Chuyển biến lớn từ ngư dân
Ông Nguyễn Thái Sơn, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QB-98863 (xã Quảng Tiến, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) bày tỏ: “Vào cảng Quảng Phúc, chúng tôi được cấp hồ sơ xuất bến thông suốt nên yên tâm đánh bắt đúng quy trình chống khai thác IUU. Khi tàu mất liên lạc vệ tinh quá 6 tiếng thì sẽ được hỗ trợ miễn phí máy có tần số cao để giải trình với các cơ quan chức năng, nhờ vậy ngư dân yên tâm hơn”.
Tàu cá ngư dân Bình Định vào cảng cá cảng cá Quy Nhơn để làm thủ tục, bốc tổn vươn khơi giữa cao điểm vụ cá ngừ. Ảnh: NGỌC OAI
Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Bình (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho rằng, việc ra khơi không còn đơn thuần là lên tàu rồi nổ máy đi bủa lưới tìm cá tôm một cách tùy tiện vì lợi ích cá nhân, mà cần được đặt dưới sự quản lý bài bản, khoa học, có trách nhiệm vì một nghề cá phát triển bền vững.
Vùng khơi mà hai con tàu với công suất 825CV và 865CV của ông Bình vươn tới là ngư trường Hoàng Sa. Một chiếc mang số hiệu ĐNa-910195 TS, chiếc còn lại mang số hiệu ĐNa-91982 TS, tất cả đều gắn thiết bị giám sát hành trình. Việc khai báo thông tin về tàu cá cập cảng, rời cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được thực hiện qua ứng dụng “CDT VN” và được phổ biến tới ngư dân, dần thay cho giấy tờ truyền thống.
“Trước đây, để tìm được ngư trường có nguồn cá dồi dào, ngư dân mất nhiều thời gian dò tìm, tốn kém nhiên liệu. Nay, nhờ thiết bị giám sát hành trình và sự hỗ trợ thông tin từ Chi cục Thủy sản, mỗi con tàu dễ dàng xác định được khu vực khai thác phù hợp, qua đó tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả đánh bắt”, ông Nguyễn Phương Bình chia sẻ.
Xuôi về cảng cá La Gi (tỉnh Bình Thuận), qua quan sát cho thấy, trước một giờ khi tàu xuất bến, thuyền trưởng, chủ tàu cá đều báo cáo với ban quản lý và các lực lượng liên quan, đồng thời nghiêm túc chấp hành việc bật thiết bị VMS trước khi ra khơi. Sau khi tàu cập bến, ngư dân tự giác nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác và nhật ký thu mua cho ban quản lý cảng cá để theo dõi.
“Lúc đầu mọi thứ còn bỡ ngỡ, mới lạ, nhưng nhờ sự hướng dẫn của ban quản lý cảng cá, lực lượng kiểm ngư, lực lượng biên phòng, giờ bà con ai nấy đều thực hiện trơn tru. Quá trình khai thác trên biển diễn ra an toàn, không còn lo sợ tàu vi phạm đánh bắt không đúng ngư trường. Đó là chuyển biến lớn với ngư dân trong thực thi chống khai thác IUU”, ngư dân Lê Văn Tình (ngụ thị xã La Gi) bày tỏ.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, thông tin, trong 3 tháng đầu năm 2025, các cảng cá đã thống kê được gần 12.500 lượt tàu cá cập cảng, rời cảng, giám sát gần 6.000 tấn hải sản bốc dỡ qua cảng, thu hơn 4.200 sổ nhật ký khai thác, thu mua, chuyển tải thủy sản.
Các cảng cá được cấp phép chống khai thác IUU đều cố gắng để góp phần gỡ “thẻ vàng” EU cũng như hàng chục ngàn tàu cá khắp miền Trung đang chuyển biến lớn khi lấy ngư dân làm trung tâm thay đổi cho khai thác thủy sản bền vững.
Theo Sài Gòn Giải phóng
(vasep.com.vn) Sự tức giận của người Canada về cách đối xử mà họ nhận được từ tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã biểu hiện thành phong trào “Mua hàng Canada” đang gây tổn hại đến doanh số bán hàng hóa của Hoa Kỳ.
(vasep.com.vn) Thông báo gần đây về mức thuế quan mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã làm dấy lên mối lo ngại cho ngành tôm của Ecuador, nhưng các nhà chức trách tin rằng ngành này vẫn có vị thế cạnh tranh mạnh mẽ so với các đối thủ toàn cầu.
(vasep.com.vn) Thái Lan và Indonesia đang tìm cách xoa dịu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với hy vọng giảm mức thuế quan trả đũa áp dụng đối với họ - lần lượt là 36% và 32%.
(vasep.com.vn) Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia (NRA), đại diện cho các công ty cùng nhau điều hành hơn một triệu nhà hàng và cửa hàng dịch vụ thực phẩm tại Hoa Kỳ, đã ra tuyên bố lên án thuế quan của Trump.
(vasep.com.vn) Ngày 9/4/2025, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế tổng hợp 104% lên hàng hóa Trung Quốc, gồm nhiều đợt tăng dồn dập: 10%, 10%, 34% và cuối cùng là 50%. Trong đó, hàng hải sản tiếp tục là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Động thái này nằm trong chuỗi hành động trả đũa lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh, đánh dấu một bước leo thang mới trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
(vasep.com.vn) Các nhà cung cấp tôm từ Ấn Độ và Đông Nam Á đang hoãn giao hàng sang Mỹ do mức thuế 10% đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump có hiệu lực từ ngày 5/4, và thuế tăng mạnh hơn từ 9/4. Họ tìm cách thương lượng lại giá để chia sẻ chi phí. Mức thuế nhập khẩu tôm có thể lên tới 74,6% với Việt Nam, do cộng thêm thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng, khiến ngành tôm châu Á phản ứng thận trọng và linh hoạt theo từng thị trường.
(vasep.com.vn) Theo phân tích từ ngân hàng Rabobank của Hà Lan, tình trạng giá bột cá và dầu cá tăng mạnh khiến ngành thức ăn thủy sản lao đao vào năm 2022 và 2023 có thể diễn ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn đáng báo động.
(vasep.com.vn) Chính quyền Panama đã tịch thu 06 tàu đánh cá dài vào ngày 20/1 vì đánh bắt trái phép tại vùng biển được bảo vệ. Họ cũng mở cuộc điều tra đối với 10 tàu khác mà dữ liệu giám sát cho thấy dường như đã đánh bắt cá trong khu vực nhưng đã rời đi khi chính quyền đến.
(vasep.com.vn) Bên cạnh cá tra - sản phẩm cá thịt trắng XK chủ lực, Việt Nam cũng là quốc gia XK cá rô phi, tuy nhiên, sản lượng và giá trị XK còn khá “khiêm tốn”. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất, người tiêu dùng và nhà XK lớn nhất, sản lượng tăng nhẹ và XK thay đổi ít. Indonesia và Brazil dẫn đầu về lượng sản lượng và mức tiêu thụ tăng vì cả hai nước đều có thị trường nội địa mạnh cũng như khối lượng XK đáng kể. Sự lớn mạnh của các đối thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Ai Cập, Brazil, Colombia, Honduras luôn là rào cản có sức nặng đối với cá rô phi Việt Nam.
Nghiên cứu thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp căn cứ các kết quả đàm phán, bao gồm việc nghiên cứu chính sách thuế, phí, lệ phí, giảm lãi suất.
VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội
Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO
Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu
Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn
Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh
Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn
VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn