Cá tra trải lòng

Doanh nghiệp 14:46 28/06/2018
Thưa bà con cô bác, Tết nay em vô cùng sung sướng và biết ơn vì sau bao năm sống trong nhiều thị phi và chờ đợi, cuối cùng em cũng được người thương xây biểu tượng của em ở thủ phủ cá tra Hồng Ngự - Đồng Tháp như người anh em họ da trơn Basa của em đã từng được tôn vinh 14 năm trước bên Châu Đốc - An Giang. Vì quá cảm kích và vui mừng với sự kiện này, em mạn phép trở lại có đôi lời tâm sự đầu năm cùng với bà con cô bác.

Thưa bà con, năm 2017 quả thực là năm có nhiều thay đổi lớn đối với cuộc đời em. Mới đầu năm mà em đã bị xui rủi quá chừng. Số là em bị đài truyền hình ở Châu Âu nghe đâu tên là Cu Ác Tờ Rô (Cuatro TV) dựng phim bôi nhọ nói xấu em. Họ nói đủ thứ tào lào bắc xế, nào là em được nuôi trong những lồng bè không sạch, nói em ăn phế phẩm, ăn thịt đồng loại chết của em. Hổng biết họ lén lút quay phim em lúc nào rồi dựng chuyện nói em thậm tệ như thế.

Đến nỗi mấy ông đại gia từng chơi thân với em như ông Ca Rê Phua (Carrefour), ông Wall Mạt (Wall Mart)…cũng nghỉ chơi với em luôn. Em tức lắm. Mà em tức là vì họ nói xấu không trúng chỗ. Em khẳng định với bà con cô bác là dòng họ da trơn em từ lâu đã được sống trong môi trường sạch sẽ, ăn sơn hào hải vị nhập khẩu và thỉnh thoảng trưa còn được cho nghe nhạc (vọng cổ) như bò Kobe bên Nhật Bổn vậy, nên làm gì có chuyện như họ nói.

Thật tình em biết em chưa hoàn hảo, em vẫn còn chõ chưa tốt đâu đó trên cơ thể em mà chỉ em và bà con ruột rà mới biết (điểm xấu lớn nhất của em là hàm lượng nước trên cơ thể em cao hơn hàm lượng nước trong cơ thể con người  do em vừa phải mang trong xách ngoài – người ta đưa thêm nước vào bên trong cơ thể em rồi còn phủ em một lớp băng dày bên ngoài để “bảo vệ” em).

Nếu họ biết chuyện nói trúng ngay chỗ này thì em đành chịu, đằng này họ nói trật lất. Họ cố tình làm cho người dân xứ họ xa lánh em, ra đường gặp em là ngoảnh mặt quay lưng. Em buồn thiệt là buồn. May mà em cũng có vô hội vô hè nên ông Hội trưởng tên là Mr. Va Sép lên tiếng bênh vực em, gửi thư cho thằng Cu Ác Tờ Rô phản đối, yêu cầu không được xúc phạm đến nhân phẩm đứa em này nữa. Nhưng mà đúng như tổ tiên em trên thượng nguồn đã nói “tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa” nên dù có Mr. Va Sép thương tình lên tiếng bênh vực, không riêng gì người dân Âu Châu mà cả mấy người bạn của em ở tuốt bên Mễ Tây Cơ (Mexico) xa xôi nghe hiểu được tiếng của thằng nhà đài Cu Ác Tờ Rô cũng ít chơi với em hơn trước, ngoại trừ mấy ông bạn tâm giao đã từng đến thăm nhà em bên này nên hiểu được nỗi oan ức của em.

Mà nói thiệt đến giờ em vẫn còn uất ức vì mặc dù đã được giải oan một phần, em vẫn ước gì có ai đó thay em đâm đơn kiện thằng Cu Ác Tờ Rô đòi nó phải xin lỗi công khai em trên toàn thế giới đồng thời bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho em. Mà nói ra chuyện này em còn tức hơn nữa. Cũng mấy ông xứ sở Âu Châu đó, nào là ông Vê kép vê kép ép (WWF), ông A ếch xi (ASC)….hồi xưa qua đây kêu bà con mình nuôi em theo kiểu văn minh phương Tây sạch sẽ của họ, nào là nuôi kiểu Gờ Lô Banh Gáp, kiểu A Ếch Xi, rồi kiểu BÁP, Gáp gì đó ôi thôi đủ kiểu.

Họ bày ra đủ thứ chứng nhận hạng sang, thu tiền của bà con mình ào ào, nào là tiền tư vấn, tiến cấp và tái cấp giấy chứng nhận…Rồi giờ họ quay lại nói em ở dơ, tẩy chay em là sao? Em không biết luật lệ của con người ra sao chứ    theo luật lệ của dòng họ da trơn nhà em thì nhất định phải kiện tới bến, làm cho ra ngô ra khoai để sau này không ai dám bôi nhọ nói xấu em như thế nữa.

Thiệt là phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Sau cái vụ Cu Ác Tờ Rô em lại bị cái xứ sở mà ông Đô Nồ Trăm gì đó mới lên làm tổng thống chơi em phát nữa. Số là xưa giờ khi em qua Mỹ chơi, em phải xin “visa” với ông Ép Đi Ây (FDA). Ổng cho em vô em mới vô được. Rồi giờ tự nhiên ổng ra cái Pham Biu (Farm Bill) gì đó rồi kêu em từ đây về sau có vô Mỹ thì đi qua mà gặp ông sếp của ổng là ông Du ếch Đi Ây (USDA). Ông này phán với em rằng đây về sau muốn vô Mỹ chơi thì phải được nuôi nấng, chăm sóc và đối xử tương đồng  như người anh em họ da trơn của em bên Mỹ (cá nheo Mỹ) thì hả vô. Mà khổ nỗi sao mà kêu tương đồng được.

Xưa kia em vốn sống tự do tự tại trên dòng Me Kong hiền hòa phù sa bát ngát, rồi gần đây em được “tái định cư” vào trong các ao đất dọc theo hai bờ sông Tiền và sông Hậu. Dẫu tù túng hơn xưa nhưng em vẫn được sống gần sông, hàng ngày vẫn được tung tăng theo dòng nước thủy triều lên xuống. Mỗi khi tới tuổi cặp kê (thu hoạch) em vẫn luôn di chuyển bằng ghe đục về nhà chồng (nhà máy chế biến). Nay họ bảo em phải sống trong ao tù nước đọng và lên “xe bông” về nhà chồng thì sao em chịu được. 

Cái xứ sở bấy lâu nay em vô cùng ngưỡng mộ nay sao lại làm thế được nhỉ. Nghe đâu bên đó họ tôn trọng và đánh giá cao sự khác biệt dữ lắm mà. Bên đó muốn thành công thì phải nghĩ và làm khác biệt với người ta mà. Nay sao vô cớ kêu em phải làm giống bên đó? Vậy sao em còn là “em da trơn” của ngày hôm qua được nữa? Em ước gì ngày nào đó em được gặp mặt ông Đô Nồ Trăm để thưa chuyện với ổng, vì em biết ông Trăm này rất tôn trọng sự khác biệt, nghe đâu ổng trở thành tỷ phú và đắc cử tổng thống Mỹ cũng chính vì ổng luôn nghĩ và làm khác biệt với đám đông, hay nói huỵch tẹt ra là do ổng chuyên nói và làm toàn những chuyện không giống ai cả.

Vậy đó, sau hai sự cố này năm nay em buồn nên ít đi du lịch qua Âu Châu và Mỹ hơn trước. Một là vì họ làm khó em, hai là vì em cũng bắt đầu chán đi du lịch xa trong khi họ bắt em phải gánh trên mình khối hành lý là một lượng nước quá sức so với thân hình chuẩn của em. Làm khó em thì em chới với người khác thôi. Vì em vốn đã đi đây đó hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế gian rồi mà. Thiếu gì bạn chơi miễn là em còn đẹp và chơi đẹp. Thế là em chuyển sang chơi với anh láng giềng Trung Quốc. Trước đây em toàn đi đường tắt qua biên giới thăm ảnh, năm nay em đường đường chính chính đi đường biển qua đó luôn. Ông bạn láng giềng Trung Quốc này biết em đã từng được cấp “visa” vô Mỹ, vô EU khó tính nên tin tưởng tấm thân em, cho em qua chơi ngày càng nhiều. Rốt cuộc năm ngoái anh Trung Quốc vượt qua anh Âu Châu và Mỹ, trở thành nơi em đến thăm nhiều nhất trong năm luôn. Vừa rồi em tình cờ gặp ông bạn Trung Quốc tại hội chợ Vietfish, ổng nói nhỏ vào tai em là chỉ mới có số lẻ dân số Trung Quốc biết em, còn lại số chẵn vẫn đang ngấm nghía tìm hiểu thêm về em.

Không biết ông bạn nói trúng không nhưng em nghe mà vừa mừng vừa lo. Mà nói thiệt, về lâu về dài em không biết anh Trung Quốc có tiếp tục rộng cửa đón em em qua chơi nữa hay không (hay có thể em sẽ bị dính bổn cũ của ảnh từng làm với mấy người anh em họ nông trên cạn của em), chứ  năm nay nếu không có ảnh thì đời em còn khổ dài dài. Chính nhờ ảnh mà em mới lấy lại được giá trị đích thực của mình sau hơn mười năm em bị mất giá. Mà cũng chính vì em có giá trở lại nên bà con nuôi em cuối năm rồi cũng trúng giá, lãi to, ăn Tết lớn, không còn càm ràm, than phiền về em nữa, luôn nhìn em với ánh mắt biết ơn và trìu mến. Đúng là năm qua đối với em đầu không xuôi mà đuôi lại lọt. Chắc là “thánh nhân đãi kẻ khù khờ” như em đây.

Thưa bà con, em nghĩ năm nay tậm sự bấy nhiêu cũng đủ để bà con hiểu được hoàn cảnh và nỗi lòng của em. Thôi em xin tạm dừng tại đây vì đã tới giờ ăn trưa nghe nhạc. Trong tiết trời ấm áp của những ngày đầu xuân phương Nam, dòng họ cá tra nhà em vô cùng phấn khởi về một năm mới được mùa được giá và nhân đây có đôi điều ước muốn:

- Mong ngày nào đó em được là chính mình. Em được là em của ngày hôm qua với thân hình thon thả tự nhiên, săn chắc và được bà con khắp nơi yêu mến không phải vì em giá rẻ - dể mua mà vì em là loài cá tử tế.

- Mong ngày nào đó người ta sẽ giúp em gầy dựng lại hình ảnh và giá trị tốt đẹp vốn có của em. Như ai đó ví em như món quà mà dòng sông Me Kong đã ban tặng cho loài người (The blessing of the Mekong River).

- Cuối cùng em mong bà con mình chăm lo cho giống nòi đang suy kiệt của em. Và đừng vì em mà làm hại môi trường, hãy nuôi nấng em một cách đàng hoàng, tử tế để em có thể ngẩng cao đầu ra biển lớn, phát triển bền vững, hòa hợp và thân thiện với môi trường.

Ông Trần Huy Hiển - Giám đốc công ty TNHH Pha Lê, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đồng Tháp 

Bạn đang đọc bài viết Cá tra trải lòng tại chuyên mục Doanh nghiệp của Hiệp hội VASEP

TIN MỚI CẬP NHẬT

Infographic: Xuất khẩu tôm Việt Nam 10 tháng đầu năm 2024

 |  08:36 22/11/2024

(vasep.com.vn) Tháng 10/2024, XK tôm Việt Nam đạt 394 triệu USD, tăng 24%. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm mang về 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang tất cả các các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong tháng 10 năm nay.

Xanh hóa quy trình sản xuất và chế biến trong xuất khẩu cá tra

 |  08:34 22/11/2024

Trong 30 năm, cá tra Việt Nam đã có mặt ở 150 thị trường cùng nhiều loại cá thịt trắng khác nhờ vào nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản của Brazil tăng vọt trong quý 3/2024

 |  08:26 22/11/2024

(vasep.com.vn) Xuất khẩu thủy sản nuôi trồng của Brazil đã đạt đến mức cao mới trong quý 3 năm 2024, với khối lượng xuất khẩu tăng 158% và giá trị tăng 174% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.031 tấn với giá trị 18,5 triệu USD.

Campuchia tăng cường các biện pháp giải quyết tình trạng đánh bắt bất hợp pháp

 |  08:51 21/11/2024

(vasep.com.vn) Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (MAFF) xác nhận rằng Cục Thủy sản (FA) và lực lượng đặc nhiệm đang tăng cường các biện pháp giải quyết tình trạng đánh bắt bất hợp pháp trên toàn quốc trong mùa cấm đánh bắt để bảo tồn nguồn lợi cá.

Kêu gọi áp dụng phương pháp quản lý đa loài đối với tình trạng đánh bắt quá mức ở Đông Bắc Đại Tây Dương

 |  08:49 21/11/2024

(vasep.com.vn) Một báo cáo mới từ Pew Charitable Trusts cho rằng cần có phương pháp tiếp cận đa loài trong quản lý nguồn cá để giải quyết tình trạng suy giảm nguồn cá ở Bắc Đại Tây Dương.

Nhập khẩu cá rô phi của Mỹ tiếp tục giảm

 |  08:37 20/11/2024

(vasep.com.vn) Nhập khẩu cá rô phi của Hoa Kỳ tiếp tục giảm trong tháng 9, với mức giảm đáng kể về khối lượng và giá, chủ yếu là đối với phi lê tươi.

EU chấm dứt thỏa thuận đánh bắt cá với Senegal

 |  08:36 20/11/2024

(vasep.com.vn) Thông báo của Phái đoàn EU tại Senegal nêu rõ mối lo này xuất phát từ thiếu sót trong hệ thống giám sát đối với cả tàu cá trong nước và quốc tế hoạt động từ cảng Dakar.

Đảo Cocos của Costa Rica dẫn đầu cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp

 |  08:31 20/11/2024

(vasep.com.vn) Tổ chức Pew Charitable Trusts gần đây đã xuất bản một bài báo nêu bật phạm vi quốc tế của Trung tâm giám sát, kiểm soát và giám sát Khu bảo tồn biển Cocos của Costa Rica (MCCA). Trung tâm này, nơi bảo vệ Di sản thế giới của UNESCO, đi đầu trong cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp tại một trong những khu bảo tồn biển quan trọng nhất thế giới.

Xuất khẩu cá ngừ tháng 10 lập đỉnh sau hơn 2 năm

 |  08:29 20/11/2024

(vasep.com.vn) Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10 đạt gần 93 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tính luỹ kế 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch XK đạt hơn 821 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.

VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội

Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO

Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu

Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn

Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh

Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn

VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội

Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn

© Copyright 2020 - Mọi hình thức sao chép phải được sự chấp thuận bằng văn bản của VASEP

DANH MỤC