Yêu cầu được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đưa ra khi dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Y tế về công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết, đối thoại với doanh nghiệp về việc bổ sung iod vào muối, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận là chỉ kiểm tra các cơ sở sản xuất muối, còn không kiểm tra doanh nghiệp sử dụng muối. Nhưng Vụ trưởng Vụ Pháp chế thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký công văn 1216 yêu cầu tất cả các thực phẩm đều phải sử dụng muối iod và tất cả các thực phẩm này đều phải kiểm tra.
“Văn bản này vừa trái hoàn toàn ý kiến của Thủ tướng, vừa không đúng thẩm quyền. Tự Vụ Pháp chế sinh ra văn bản này. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ra công văn hủy ngay công văn 1216”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Bộ Y tế cam kết giảm 90% mặt hàng kiểm tra
Sau khi nghe Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu mở đầu, nêu các nội dung cần giải trình, làm rõ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đọc báo cáo chung. Tuy nhiên, báo cáo này không nhận được sự đồng tình của Tổ công tác.
Khẳng định rằng tất cả những vấn đề về kiểm tra chuyên ngành, Tổ công tác đã lắng nghe đầy đủ và có cả chứng cứ về những phiền hà mà doanh nghiệp gặp phải, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói rằng: “Nếu báo cáo như Bộ Y tế thì tất cả tốt hết rồi. Không cần kiểm tra gì nữa. Nếu căn cứ vào báo cáo của Bộ Y tế thì tới đây chúng tôi không biết báo cáo gì với Chính phủ, vì tốt hết rồi. Cứ bao biện thế này thì chúng tôi không cần nghe nữa”.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tất cả các vấn đề cần phải thẳng thắn, không nên quanh co. “Nếu Bộ Y tế làm được thì nói là làm được, còn nếu không làm được thì nói để chúng tôi báo cáo Thủ tướng quyết định”.
Tổ công tác cần có số liệu cụ thể, như các nhóm mặt hàng thực phẩm, thiết bị y tế hay mỹ phẩm… hiện nay bao nhiêu phải kiểm tra chuyên ngành, cần giảm cái gì, tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm thế nào, tới đây giảm bao nhiêu? Ví dụ kiểm tra an toàn thực phẩm hiện mỗi năm có 277 nghìn tờ khai, trong đó có phần của Bộ Y tế, tới đây sẽ còn bao nhiêu?
Bộ trưởng cũng cho biết, qua cuộc kiểm tra tại Hải quan Hải Phòng hôm 19/9, ngành y tế chỉ kiểm tra bằng cảm quan tại cảng, không xét nghiệm. Nếu xét nghiệm, doanh nghiệp lên Hà Nội và tự mang sản phẩm tới, nhưng không chắc có lấy sản phẩm từ container chứa hàng nhập khẩu cần kiểm tra không hay xách tay hàng khác.
Đại diện Bộ Y tế hỏi lại vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đưa ngay dẫn chứng: Hải quan Hải Phòng khẳng định nhiều trường hợp Hải quan không chứng kiến việc mở container (theo quy định việc này phải có chứng kiến của Hải quan), nhưng doanh nghiệp vẫn có hàng để mang đi.
Tới đây, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết Bộ Y tế có 5 nhóm mặt hàng phải kiểm tra an toàn thực phẩm. Bộ đề xuất sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp chỉ cần 3 lần kiểm tra liên tục được chấp nhận, thì từ lần thứ tư sẽ không phải kiểm tra nữa. Ông Phong khẳng định như vậy sẽ giảm được tới 90% số lượng hàng hóa phải kiểm tra.
Về thủ tục xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm, công bố hợp quy theo Nghị định 38 – vấn đề được doanh nghiệp phản ứng gay gắt thời gian qua, ông Phong cho biết vừa có cuộc họp sửa đổi Nghị định này theo hướng cho doanh nghiệp tự công bố, không cần xác nhận của cơ quan nhà nước nữa.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bổ sung thêm, nhóm hàng quan trọng nhất là sữa cho trẻ em. Nếu có thể thì Bộ chỉ kiểm tra chuyên ngành với mặt hàng này, như vậy số lượng hàng phải kiểm tra có thể giảm tới 99% so với hiện nay. Để làm điều này thì cần đề xuất sửa Luật An toàn thực phẩm.
Sẽ sửa đổi triệt để Nghị định 38
Góp ý với Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Hồng Minh từ Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch cho rằng, Cục An toàn thực phẩm nói không cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp bởi chỉ nộp hồ sơ qua mạng, nhưng trên thực tế, các công ty “làm dịch vụ” lại tiếp xúc rất nhiều.
“Nếu gửi qua mạng thì tới 40, 45 ngày mới xong, còn qua dịch vụ thì chỉ 5, 7 ngày, nhưng mất chi phí từ 5-10 triệu. Nếu doanh nghiệp tự làm, thì cũng là cái ly, cái cốc của cùng thương hiệu đó nhưng mẫu sản phẩm mới chỉ “vẹo cái cổ” cũng phải làm hồ sơ mới”, bà Minh nêu thực tế.
Bà Minh cũng cho biết, hiện cơ quan quản lý tại TP. Hồ Chí Minh vẫn không chấp nhận việc doanh nghiệp công bố phù hợp an toàn thực phẩm nếu các loại thực phẩm như mắm… không sử dụng muối iod.
Ông Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Thủy sản (VASEP) cũng cho biết vẫn nhiều doanh nghiệp bị yêu cầu bổ sung rất nhiều thông tin chẳng hề liên quan gì tới an toàn thực phẩm khi làm thủ tục. Và trái với quan điểm của Cục An toàn thực phẩm rằng việc sửa Nghị định 38 đã phân cấp triệt để, theo VASEP, dự thảo sửa đổi Nghị định 38 vẫn chưa cải tiến nhiều, tỷ lệ phải làm thủ tục trên Bộ vẫn rất lớn.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề nghị phải quy định thật cụ thể, chặt chẽ, chi tiết về các thủ tục để “ép” các công chức không được tùy tiện. “Nếu không rõ ràng thì càng xuống cấp dưới càng tùy tiện, thậm chí 1 dấu phẩy, 1 chữ viết hoa họ cũng trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp, họ có 1.001 cách để tùy tiện và phần thắng luôn thuộc về công chức khi có tranh cãi”, ông nói.
Chốt lại, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết Bộ sẽ tiếp thu hàng loạt ý kiến, theo tinh thần giảm bớt hồ sơ, giảm bớt mặt hàng phải kiểm tra, giảm thời gian làm thủ tục. Bảo đảm công khai minh bạch, quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục. Đẩy nhanh tiến độ ban hành các quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho doanh nghiệp thực hiện.
Đặc biệt, Bộ trưởng khẳng định sẽ sửa đổi triệt để Nghị định 38; tiếp thu ý kiến về vấn đề sử dụng muối iod. Bộ cũng sẽ làm việc với các Bộ theo tinh thần mỗi sản phẩm chỉ 1 bộ quản lý. “Đất nước muốn giàu có thì doanh nghiệp phải phát triển’, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Lãnh đạo Bộ không đặt ra khó khăn, nhưng vụ cục thì có
Phát biểu kết luận buổi làm việc khi kim đồng hồ đã chỉ 12h30 phút, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng ghi nhận nỗ lực rất cao của Bộ Y tế trong thời gian qua về cải cách thể chế. Tại buổi làm việc, Bộ cũng đưa rất nhiều cam kết mới, cắt giảm thủ tục cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được thì trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, “bất cập vẫn cực kỳ lớn, lớn hơn cái được rất nhiều”. Đây là những vấn đề tồn tại rất nhiều năm, trong khi việc cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đòi hỏi thay đổi tư duy mạnh mẽ. “Lãnh đạo Bộ không đặt ra khó khăn, nhưng ở vụ, cục là chính”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Tổ công tác yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục khẩn trương thực hiện 2 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong số 9 nhiệm vụ được giao tại Quyết định 2026 của Thủ tướng, cùng 7 nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19.
Tổ trưởng Tổ công tác nhắc đi nhắc lại Bộ Y tế phải lưu ý sửa đổi quy định về xác nhận công bố sự phù hợp an toàn thực phẩm trong Nghị định 38.“Tôi cho rằng thủ tục này không giữ cũng được, vì không có tác dụng gì cho quản lý nhà nước, đây chính là giấy phép con”, ông khẳng định.
Ông đề nghị Bộ Y tế quyết liệt rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, xem xét lại các văn bản của Bộ, tham mưu cho Chính phủ xây dựng, sửa đổi các nghị định, đề xuất Quốc hội sửa Luật An toàn thực phẩm.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, rút gọn danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Những mặt hàng cần kiểm tra thì phải quyết liệt thay đổi phương thức kiểm tra, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro, đẩy mạnh công nhận lẫn nhau với các nước…, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
“Thủ tướng đã nhấn mạnh phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước nhưng cũng phải tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống co kéo lợi ích cục bộ, đặc biệt rất lưu ý bỏ rào cản, giấy phép con. Có gì vướng, chúng tôi sẽ có trách nhiệm đồng hành cùng Bộ để tháo gỡ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
(vasep.com.vn) Tháng 10/2024, XK tôm Việt Nam đạt 394 triệu USD, tăng 24%. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm mang về 3,2 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang tất cả các các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số trong tháng 10 năm nay.
Trong 30 năm, cá tra Việt Nam đã có mặt ở 150 thị trường cùng nhiều loại cá thịt trắng khác nhờ vào nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam.
(vasep.com.vn) Xuất khẩu thủy sản nuôi trồng của Brazil đã đạt đến mức cao mới trong quý 3 năm 2024, với khối lượng xuất khẩu tăng 158% và giá trị tăng 174% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.031 tấn với giá trị 18,5 triệu USD.
(vasep.com.vn) Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (MAFF) xác nhận rằng Cục Thủy sản (FA) và lực lượng đặc nhiệm đang tăng cường các biện pháp giải quyết tình trạng đánh bắt bất hợp pháp trên toàn quốc trong mùa cấm đánh bắt để bảo tồn nguồn lợi cá.
(vasep.com.vn) Một báo cáo mới từ Pew Charitable Trusts cho rằng cần có phương pháp tiếp cận đa loài trong quản lý nguồn cá để giải quyết tình trạng suy giảm nguồn cá ở Bắc Đại Tây Dương.
(vasep.com.vn) Nhập khẩu cá rô phi của Hoa Kỳ tiếp tục giảm trong tháng 9, với mức giảm đáng kể về khối lượng và giá, chủ yếu là đối với phi lê tươi.
(vasep.com.vn) Thông báo của Phái đoàn EU tại Senegal nêu rõ mối lo này xuất phát từ thiếu sót trong hệ thống giám sát đối với cả tàu cá trong nước và quốc tế hoạt động từ cảng Dakar.
(vasep.com.vn) Tổ chức Pew Charitable Trusts gần đây đã xuất bản một bài báo nêu bật phạm vi quốc tế của Trung tâm giám sát, kiểm soát và giám sát Khu bảo tồn biển Cocos của Costa Rica (MCCA). Trung tâm này, nơi bảo vệ Di sản thế giới của UNESCO, đi đầu trong cuộc chiến chống đánh bắt bất hợp pháp tại một trong những khu bảo tồn biển quan trọng nhất thế giới.
(vasep.com.vn) Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10 đạt gần 93 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tính luỹ kế 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch XK đạt hơn 821 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
VASEP - HIỆP HỘI CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU THỦY SẢN VIỆT NAM
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội
Đơn vị vận hành trang tin điện tử: Trung tâm VASEP.PRO
Trưởng Ban Biên tập: Bà Phùng Thị Kim Thu
Giấy phép hoạt động Trang thông tin điện tử tổng hợp số 138/GP-TTĐT, ngày 01/10/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Tel: (+84 24) 3.7715055 – (ext.203); email: kimthu@vasep.com.vn
Trụ sở: Số 7 đường Nguyễn Quý Cảnh, Phường An Phú, Quận 2, Tp.Hồ Chí Minh
Tel: (+84) 28.628.10430 - Fax: (+84) 28.628.10437 - Email: vasephcm@vasep.com.vn
VPĐD: số 10, Nguyễn Công Hoan, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội
Tel: (+84 24) 3.7715055 - Fax: (+84 24) 37715084 - Email: vasephn@vasep.com.vn